Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, phương Tây đề xuất nghị quyết về Iran, xung đột ở Ukraine và Dải Gaza, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Campuchia, kết quả bầu cử Ấn Độ... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.
Tin thế giới 4/6: Dứt một ràng buộc, Hàn Quốc tuyên bố hành động gần biên giới Triều Tiên, Iran dọa trả đũa IAEA, Ngoại trưởng Cuba thăm Trung Quốc |
Ấn Độ đang nín thở trước kết quả bầu cử Hạ viện, dự kiến được công bố trong tối nay, 4/6 hoặc sáng mai. (Nguồn: Business Standard) |
* Nga bắt giữ gián điệp Ukraine: Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bắt giữ tổng cộng 5 đối tượng, được Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và Tổng cục Tình báo trực thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine (GRU) tuyển mộ ở tỉnh Zaporizhzhia.
FSB đã khởi tố các vụ án hình sự về tội phản quốc và khủng bố. Một kẻ bị bắt giữ mang biệt hiệu Mentor thừa nhận, những người phụ trách Ukraine của họ quan tâm đến dữ liệu về máy bay chiến đấu MiG-31 được điều chỉnh để sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.
Ngoài ra, những kẻ bị bắt giữ đang chuẩn bị cho một vụ nổ tại một sân bay quân sự địa phương. (RT)
Tin liên quan |
Hy vọng hòa bình: Bürgenstock và Hội nghị Ukraine Hy vọng hòa bình: Bürgenstock và Hội nghị Ukraine |
* Thượng viện Thụy Sỹ bác kế hoạch viện trợ hơn 5 tỷ USD cho Ukraine với 28 phiếu chống và 15 phiếu thuận.
Các nhà lập pháp cánh hữu đặc biệt phản đối kế hoạch vì cho rằng, gói viện trợ vi phạm "phanh nợ" - một quy định hạn chế về nợ công ở Thụy Sỹ. Quyết định này được đưa ra hai tuần trước khi chính phủ quốc gia trung lập này tổ chức một hội nghị hòa bình cho Ukraine.
* Italy tuyên bố sẽ gửi thêm hệ thống phòng không SAMP/T thứ 2 cho Ukraine, sau khi Kiev kêu gọi các nước phương Tây tăng cường hỗ trợ cho quốc gia này.
SAMP/T do Pháp và Italy phối hợp phát triển, có thể truy vết hàng chục mục tiêu và đánh chặn 10 mục tiêu cùng lúc. Cho đến nay, đây là hệ thống duy nhất do châu Âu sản xuất có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo. (Reuters)
* Quân đội Đức đặt mua thêm ít nhất 200.000 quả đạn pháo cỡ nòng 155 mm trị giá khoảng 880 triệu Euro để bổ sung cho hợp đồng cung cấp hơn 2 triệu quả đạn pháo đã được quân đội Đức ký kết trước đó với Rheinmetall.
Bộ Quốc phòng Đức cho biết, hợp đồng sẽ góp phần đáng kể vào việc đảm bảo đạn dược nội địa cho quân đội, giúp nước này "độc lập hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu". (Der Spiegel)
* Chính phủ Italy phê chuẩn Thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Ấn Độ được ký hồi tháng 10/2023, mở ra sự hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ an ninh và trao đổi thông tin giữa hai cơ quan tình báo, nhằm tăng cường hợp tác trong chính sách quốc phòng.
Thỏa thuận mới giữa Italy và Ấn Độ cũng cho phép Rome tăng cường mối liên kết giữa Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mặt khác, thỏa thuận chứng tỏ vai trò ngày càng phù hợp của New Delhi trong tình hình quốc tế mới. (Decode39)
* Ngoại trưởng Nga công du châu Phi: Ngày 3/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến Guinea, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Phi nhằm củng cố quan hệ của Moscow với các nước ở châu lục này.
Tại Guinea, ông Lavrov thảo luận hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật-quân sự với các quan chức nước chủ nhà.
Kết thúc chuyến thăm Guinea, ông Lavrov đã đến CH Congo và có các cuộc thảo luận với các quan chức nước này tại thành phố Oyo. (TASS)
* Hàn Quốc chính thức đình chỉ hiệp định quân sự liên Triều: Ngày 4/6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ký phê duyệt đề xuất đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận quân sự giảm căng thẳng năm 2018 với Triều Tiên, đáp lại việc Bình Nhưỡng thả hàng loạt bóng bay chứa rác thải hồi tuần trước.
Văn phòng Tổng thống ra tuyên bố cho biết, sự phê duyệt của ông Yoon "đồng nghĩa với việc thỏa thuận bị đình chỉ với hiệu lực ngay lập tức".
Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc tuyên bố sẽ nối lại tất cả các hoạt động quân sự dọc theo đường phân định giữa hai miền Triều Tiên và các đảo phía Tây Bắc, trong đó có cả việc vận hành các loa phóng thanh cố định và di động, "để bảo vệ tính mạng và an toàn của người dân".
Quân đội Hàn Quốc tuyên bố luôn sẵn sàng vận hành ngay các loa di động gần biên giới với Triều Tiên khi Seoul thực hiện các bước nhằm đình chỉ hoàn toàn hiệp ước quân sự liên Triều năm 2018. (Yonhap)
* Hàn Quốc ký hàng chục thỏa thuận hợp tác ở châu Phi: Ngày 4/6, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo, nước này đã ký kết 12 thỏa thuận và 34 bản ghi nhớ (MoU) với các quốc gia châu Phi bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Phi-Hàn Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác đôi bên trong nhiều lĩnh vực.
Các thỏa thuận bao gồm 2 MoU về hợp tác thăm dò và khai thác khoáng sản quan trọng, 6 khuôn khổ xúc tiến thương mại và đầu tư (TIPF), 3 MoU về hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, các thỏa thuận về Quỹ hợp tác Phát triển kinh tế (EDCF) và cho vay lãi suất thấp.
Đây là hội nghị thượng đỉnh châu Phi-Hàn Quốc đầu tiên do Seoul đăng cai và là thượng đỉnh đa phương lớn nhất kể từ khi chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol nhậm chức vào tháng 5/2022. Các đại biểu của 48 nước châu Phi đã đến Hàn Quốc dự sự kiện 2 ngày. (Yonhap)
* Kết quả bầu cử Ấn Độ: Sáng 4/6, Ủy ban bầu cử Ấn Độ (ECI) đã bắt đầu kiểm phiếu của tất cả 7 giai đoạn tổng tuyển cử kéo dài 44 ngày. Cuộc bầu cử này lựa chọn 543 nghị sĩ của Hạ viện (Lok Sabha) khóa XVIII.
Dự kiến, ECI sẽ công bố kết quả vào tối 4/6 hoặc ngày 5/6. Theo kết quả cập nhật của ECI trên trang thống kê NielsenIQ, liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo hiện đang giành được 241 ghế, vẫn chưa đạt mốc 272 ghế tối thiểu để đạt thế đa số tại Lok Sabha.
* Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Campuchia ngày 4/6 và gặp Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen cũng như hội đàm với Thủ tướng Hun Manet.
Trên nền tảng xã hội X, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh, chuyến thăm một ngày đến Campuchia này nhằm "khám phá các cơ hội củng cố mối quan hệ quốc phòng song phương của chúng ta".
Sau cuộc gặp ông Hun Manet, người đứng đầu Lầu Năm Góc nêu rõ: “Chúng tôi đã thảo luận về cách Mỹ và Campuchia có thể tăng cường mối quan hệ quốc phòng để hỗ trợ hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Về phần mình, khẳng định hai nước có thể cải thiện quan hệ bằng cách thu hẹp những khác biệt, mở rộng hợp tác và khởi động lại đối thoại giữa các quan chức quốc phòng, ông Hun Sen lưu ý: “Mối quan hệ của chúng tôi không quá tệ”, đồng thời kêu gọi hai bên nỗ lực xây dựng lại niềm tin lẫn nhau. (AFP)
* Kazakhstan đưa Taliban ra khỏi danh sách khủng bố, theo thông báo của Tổng thống Kazakhstan Kasym-Jomart Tokayev.
Tại cuộc gặp người đứng đầu các viện quốc hội của các nước Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) hôm 3/6, ông Tokayev cho biết, lý do của quyết định trên là tầm quan trọng của quan hệ kinh tế-thương mại với Afghanistan cũng như nhận thức rằng chế độ Taliban là chế độ dài hạn tại Afghanistan. (The Diplomat)
* Campuchia đăng cai Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 20 về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới, từ ngày 3-7/6 tại tỉnh Siem Reap thuộc Tây Bắc nước này.
Những hội nghị nhằm tăng cường hợp tác khu vực và thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (APASTI) giai đoạn 2016-2025, cũng như phát triển APASTI giai đoạn 2026-2035.
Với tư cách là nước đăng cai tổ chức, Campuchia cam kết nâng cao năng lực khoa học của ASEAN, đồng thời thúc đẩy đổi mới vì sự phát triển bền vững và toàn diện. (AKP)
* Australia cho phép thường trú nhân tham gia lực lượng vũ trang: Ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết, từ tháng 7/2024, nước này sẽ nới lỏng các tiêu chí và điều kiện cho phép “thường trú nhân có thời gian sinh sống ở Australia trong 12 tháng” được phục vụ trong quân đội quốc đảo này.
Ông nói thêm rằng, công dân đến từ Anh, Canada, New Zealand và Mỹ hiện được ưu ái. (ABC News)
* Israel mở lại nhà ga T1 sân bay quốc tế Ben Gurion từ ngày 2/6 nhằm phục vụ các chuyến bay quốc tế giá rẻ, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Dải Gaza.
Các hãng hàng không sẽ khai thác nhà ga T1 bao gồm El Al và Arkia và Israir của Israel, Wizz Air (Hungary), Ryanair (Ireland), Transavia (Hà Lan) và AirZena (Gruzia). Dự kiến có khoảng 1.200 chuyến bay cất cánh mỗi tháng từ nhà ga này, chuyên chở 6.500-7.000 hành khách. (Times of Israel)
* Palestine đề nghị tham gia vụ kiện của Nam Phi tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) chống lại Israel với cáo buộc phạm tội diệt chủng tại Gaza. ICJ cho biết, chính quyền Palestine đã gửi yêu cầu đến tòa án này vào ngày 31/5.
Theo đó, ngày 31/5, chính quyền Palestine chính thức công nhận thẩm quyền của ICJ trong việc giải quyết mọi tranh chấp có thể phát sinh theo Điều IX của Công ước diệt chủng, một động thái mở đường cho việc tham gia vụ kiện của Nam Phi chống lại Israel. (Times of Israel)
* Iran dọa đáp trả nếu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông qua một nghị quyết "khiển trách" mới do 3 chính phủ châu Âu là Anh, Pháp, Đức đề xuất.
Người đứng đầu Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran Mohammad Eslami nêu rõ: "Trong trường hợp một nghị quyết chống lại Iran được ban hành tại hội đồng quản trị của IAEA và áp lực chính trị từ các bên, Iran sẽ phản ứng theo thông báo mà nước này đưa ra với họ".
Trước đó một ngày, Anh, Pháp và Đức đã nộp một dự thảo nghị quyết cho IAEA để lên án Iran vì không hợp tác đầy đủ với cơ quan giám sát và yêu cầu Teharn phải có trách nhiệm giải trình nhiều hơn. (AFP)
* Iran-Hezbolla thảo luận về nội dung thỏa thuận được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ngày 31/5 nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Gaza.
Quyền Ngoại trưởng Iran Ali Bagheri đã thảo luận với người đứng đầu Hezbollah Hassan Nasrallah nhân chuyến công tác đến Beirut, Lebanon, trong đó hai bên "đã đánh giá những diễn biến chính trị và an ninh mới nhất trong khu vực, đặc biệt là trên mặt trận Gaza và Lebanon, cũng như các giải pháp được đề xuất". (AFP)
* Mỹ chuyển tới Hội đồng Bảo an dự thảo nghị quyết mới về Gaza nhằm hỗ trợ đề xuất ngừng bắn mới giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, theo lời Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield.
Bà cho biết thêm, Hội đồng Bảo an "phải yêu cầu Hamas chấp nhận thỏa thuận và không nên để cơ hội này trôi qua. Chúng ta phải lên tiếng ủng hộ thỏa thuận này". (TASS)
* Mỹ "bơm" thêm tiền sản xuất HIMARS khi nâng giá trị hợp đồng với tập đoàn Lockheed Martin sản xuất hệ thống rocket-tên lửa cơ động cao này lên 1,9 tỷ USD, theo thông báo của bộ phận báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ.
Lầu Năm Góc không tiết lộ số lượng hệ thống HIMARS sẽ được sản xuất và đưa vào sử dụng, và cũng không nói rõ liệu chúng có được Mỹ hay các nước khác sử dụng hay không. (TASS)
* Ngoại trưởng Cuba sắp thăm Trung Quốc: Ngày 4/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez sẽ thăm Bắc Kinh từ ngày 5-9/6.
Trả lời họp báo, người phát ngôn bộ trên cho hay: "Ông Rodriguez là một người bạn dài lâu của nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc và Cuba là những đồng chí và anh em tốt". (Reuters)
* Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp Haiti chính thức bổ nhiệm tân Thủ tướng Garry Conille và ra sắc lệnh cho phép ông bắt đầu quá trình thành lập chính phủ.
Trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 3/6, ông Conille cam kết sẽ giải quyết các cuộc khủng hoảng an ninh, nhân đạo và chính trị chồng chéo tại quốc gia vùng Caribbean này. (AFP)
Quân đội Nga thông báo đã kiểm soát Khromove, ngôi làng nhỏ ở ngoại ô Bakhmut, tỉnh Donetsk.
Đây là một phần của cuộc diễn tập quy mô lớn nhằm kiểm tra phản ứng của Chính phủ Hàn Quốc đối với các mối đe dọa tiềm ẩn gồm tên lửa hạt nhân, tấn công mạng, khủng bố bằng máy bay không người lái.
Từ bác sĩ chỉnh hình không nổi tiếng ở Mỹ, Aronwald trở thành người phụ trách sức khỏe của Donald Trump, ứng viên tổng thống hàng đầu đảng Cộng hòa.
Chặng khởi đầu cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra rất suôn sẻ với bà Harris, nhưng 'tuần trăng mật' có thể không kéo dài khi ông Trump tìm cách đối phó.
Các đơn vị Nga tại Ukraine bắt đầu sử dụng Scalpel, mẫu UAV có tính năng gần tương đương dòng Lancet nhưng mức giá chỉ bằng một phần mười.
Ngày 8/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres đã bày tỏ quan ngại trước tiến bộ hạn chế trong đối thoại ở Haiti về thể chế dân chủ tại đây.
Mùa đông sẽ khiến chiến sự Nga - Ukraine lâm vào bế tắc kéo dài với những cuộc giao tranh đẫm máu, nhưng có thể thúc đẩy hai bên đàm phán vào năm tới.
Ngày 16-9, Nga bác thông tin Kiev đã chiếm lại ngôi làng Andriivka ở miền đông Ukraine. Việc chiếm được ngôi làng này là bàn đạp quan trọng trên đường hướng đến thành phố Bakhmut.
Nước Mỹ bỏ ra gần 16 tỷ USD cho cuộc bầu cử năm nay, trong khi tổng chi phí cho tổng tuyển cử năm 2021 của nước láng giềng Canada chỉ là 69 triệu USD.