Ứng viên Tổng thống Mỹ tái khẳng định lập trường ủng hộ Israel, Trung Quốc thông qua dự thảo quy định về an ninh dữ liệu, Tổng thống Nga chuẩn bị thăm Mông Cổ, bà Harris dẫn điểm sít sao trước ông Trump...là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tin thế giới 30/8: Ukraine bắn nhầm tiêm kích F-16 của chính mình, Thái Lan sắp có Nội các mới, Triều Tiên hủy đăng ký 13 tàu ngầm, Ấn Độ, Trung Quốc |
Một chiến đấu cơ F-16 được cho là bị chính lực lượng Ukraine bắn rơi do nhầm lẫn. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
*Trung Quốc thông qua dự thảo quy định về an ninh dữ liệu: Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 30/8 cho biết Nội các Trung Quốc đã thông qua dự thảo quy định về bảo vệ an ninh dữ liệu.
Tại cuộc họp ngày 30/8, Nội các Trung Quốc nhấn mạnh cần phải phân loại và sắp xếp bảo vệ dữ liệu mạng, làm rõ giới hạn về an ninh, đảm bảo dữ liệu được lưu thông có trật tự và tự do.
Cuộc họp cũng thảo luận và thông qua "về nguyên tắc" dự thảo sửa đổi luật hàng hải của nước này. (Reuters)
Tin liên quan |
Trung Quốc đang Trung Quốc đang 'đứng ngồi không yên' bỗng 'nhẹ lòng' trong quan hệ với Mỹ, vì sao? |
*Thái Lan sắp có Nội các mới: Truyền thông Thái Lan ngày 30/8 cho biết danh sách Nội các mới của Chính phủ liên minh do đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đứng đầu đã hoàn tất với tổng cộng 36 thành viên, bao gồm cả Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra.
Trong Nội các mới, đảng Pheu Thai chiếm gần 50% với 17 bộ trưởng và cấp phó, trong đó đáng chú ý có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Phumtham Wechayachai, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Suriya Jungrungreangkit, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira, Bộ trưởng Ngoại giao Maris Sangiampongsa.
Tổng cộng có 12 gương mặt mới trong Nội các mới so với Nội các của Thủ tướng tiền nhiệm Srettha Thavisin. Danh sách Nội các mới sẽ được trình lên Hoàng gia phê chuẩn. Với sự tham gia của đảng Dân chủ trong liên minh cầm quyền, Nội các mới hiện có sự ủng hộ của 322 ghế tại Hạ viện 500 ghế của Thái Lan. (Bangkok Post)
*Tổng thống Tây Ban Nha thăm Trung Quốc: Văn phòng Tổng thống Tây Ban Nha ngày 30/8 cho biết nhà lãnh đạo nước này sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 7-12/9 tới, trong bối cảnh Bắc Kinh và Liên minh châu Âu (EU) đang bế tắc trong cuộc chiến thương mại liên quan đến trợ cấp của Trung Quốc đối với xe điện.
Dự kiến Tổng thống Pedro Sanchez sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức khác trong chuyến đi của mình.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Sanchez diễn ra sau khi Ủy ban châu Âu, cơ quan giám sát chính sách thương mại của khối, tuần trước tuyên bố rằng họ có kế hoạch áp thuế nhập khẩu trong 5 năm lên tới 36% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách mở cuộc điều tra về trợ cấp của EU đối với một số sản phẩm từ sữa gồm pho mát tươi và sữa đông, một số loại sữa và kem nhập khẩu vào Trung Quốc. (AFP)
*Taliban không hợp tác với phái đoàn Liên hợp quốc: Lực lượng cảnh sát bảo vệ đạo đức trong chính quyền Taliban cho biết sẽ không hợp tác với Phái đoàn hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) nữa, đồng thời gọi đây là "phe đối lập".
Vào cuối ngày 29/8, Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Ngăn ngừa tệ nạn trong chính quyền Taliban tuyên bố trên phương tiện truyền thông rằng Bộ này sẽ không cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ hoặc có sự hợp tác nào với UNAMA do các hành động tuyên truyền của UNAMA. Bộ này cũng tuyên bố coi phái đoàn của Liên hợp quốc là lực lượng đối lập. (AFP)
*Hải quân Mỹ sẵn sàng hộ tống tàu Philippines ở Biển Đông: Đô đốc Samuel Paparo, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quân đội Mỹ (USINDOPACOM) - ngày 29/8 tuyên bố các lực lượng nước này đã sẵn sàng với “một loạt lựa chọn” để đối phó với những hành động gây hấn ngày càng gia tăng ởBiển Đông nếu có lệnh triển khai chung và sau khi tham vấn với đồng minh Philippines.
Tuy nhiên, ông Paparo từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các lựa chọn dự phòng.
Ông Paparo nhấn mạnh sau khi tham vấn với Manila, quân đội Mỹ sẵn sàng hộ tống các tàu của Philippines ở Biển Đông trong bối cảnh gia tăng các hoạt động thù địch giữa Bắc Kinh và Manila ở vùng biển tranh chấp. (AP)
*Triều Tiên hủy đăng ký 13 tàu ngầm lên Tổ chức Hàng hải quốc tế: Triều Tiên đã bất ngờ rút đăng ký 13 tàu ngầm của nước này lên Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).
Theo dữ liệu của Hệ thống thông tin vận tải biển tích hợp toàn cầu (GISIS) của IMO, tính đến sáng 29/8, tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Sinpo-C mang tên “Anh hùng Kim Kun Ok”, tàu “Yongung 24/8” (Anh hùng 24/8) lớp Sinpo và 11 tàu ngầm cỡ nhỏ lớp Shark-2 vốn được đăng ký là tàu của Triều Tiên đã đồng loạt bị gỡ bỏ.
Khi tìm kiếm số nhận dạng tàu IMO được cấp cho các tàu ngầm Triều Tiên trước đó trên GISIS thì chỉ xuất hiện dòng chữ “tàu không tồn tại”.
Theo ước tính, quân đội Triều Tiên hiện nắm trong tay khoảng 70 tàu ngầm các loại. (Yonhap)
*Ấn Độ, Trung Quốc thảo luận tình hình biên giới: Ngày 29/8, Ấn Độ và Trung Quốc đã có một cuộc họp trao đổi quan điểm "thẳng thắn, mang tính xây dựng và hướng tới tương lai" về tình hình dọc theo Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC), nhằm "thu hẹp" các khác biệt và tìm ra giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA), cuộc họp lần thứ 31 của Cơ chế làm việc về tham vấn và phối hợp về vấn đề biên giới (WMCC) về các vấn đề biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đã diễn ra tại Bắc Kinh. Tại cuộc họp, hai bên đã nhấn mạnh rằng việc "khôi phục hòa bình, ổn định và tôn trọng LAC" là điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ song phương.
Để thực hiện điều này, hai bên đã đồng ý "tăng cường liên lạc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự". Hai bên cũng đã nhất trí duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới, phù hợp với các thỏa thuận, Nghị định thư cũng như sự hiểu biết song phương hiện có giữa hai nước.
Trước đó, cuộc họp WMCC lần thứ 30 giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã được tổ chức tại New Delhi hôm 31/7. (THX)
*Ukraine kêu gọi đồng minh EU hỗ trợ hệ thống phòng không: Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết ông đã kêu gọi các nước đồng minh Liên minh châu Âu (EU) cung cấp hệ thống phòng không để triển khai tại các khu vực miền Tây của Ukraine.
Ông Umerov đưa ra lời kêu gọi này trong một cuộc họp không chính thức của bộ trưởng quốc phòng các nước EU ngày 30/8.
Trên trang Telegram, ông Umerov nhấn mạnh việc tăng cường hệ thống phòng không của Ukraine là rất quan trọng để bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng. (Reuters)
*Phòng không Ukraine bắn nhầm tiêm kích F-16 của chính mình: Trang mạng quân sự của Nga ngày 30/8 dẫn nguồn tin cho biết lực lượng phòng không Ukraine đã bắn rơi tiêm kích F-16 của chính mình do sai sót.
Sự cố xảy ra do phi công đưa máy bay về chế độ khó giám sát, nên bị hệ thống phòng không xác định nhầm là tên lửa hành trình của đối phương.
Theo nguồn tin, vụ việc xảy ra ở khu vực chưa được xác định, song phi công lái chiếc máy bay chiến đấu đã thiệt mạng. Cho đến nay, đây là trường hợp đầu tiên chiến đấu cơ F-16 bị bắn hạ trên lãnh thổ Ukraine. (Reuters)
*Nga cáo buộc phái bộ EU tại Armenia hoạt động tình báo: Trả lời phỏng vấn Sputnik, Đại sứ Nga tại Azerbaijan Mikhail Yevdokimov cáo buộc phái bộ EU tại Armenia đang thu thập thông tin tình báo chống lại Azerbaijan, Iran và Nga.
Ông Yevdokimov chia sẻ: “Washington và các đồng minh sẵn sàng thực hiện bất kỳ bước đi nào, bao gồm cả thủ đoạn kích động xung đột xung quanh Nga. Một ví dụ về sự can thiệp như vậy là phái bộ giám sát hiện tại của EU tại Armenia. Với sự tham gia của một ‘chuyên gia’ từ Canada, phái bộ này về cơ bản đã trở thành một chiến dịch của NATO với những mục tiêu đáng ngờ”.
Đại sứ Nga cũng nhận định, phái bộ EU thực chất là một công cụ trong cuộc chiến tranh lai của phương Tây, và “trên thực tế, nó đang thu thập thông tin tình báo chống lại Azerbaijan, Iran và Nga”. (Sputniknews)
*Tổng thống Nga chuẩn bị thăm Mông Cổ: Ngày 29/8, thông báo của Điện Kremlin cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến thăm Mông Cổ, một thành viên của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ đối với nhà lãnh đạo Nga, vào tuần tới.
Thông báo có đoạn: "Theo lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh, vào ngày 3/9/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm chính thức tới Mông Cổ để tham dự các sự kiện nghi lễ dành riêng cho lễ kỷ niệm 85 năm chiến thắng chung của lực lượng Liên Xô và Mông Cổ trước quân phiệt Nhật Bản trên sông Khalkhin Gol". (TASS)
*Anh kêu gọi Israel "kiềm chế" và tuân thủ luật pháp quốc tế: Anh ngày 30/8 đã bày tỏ sự "rất" quan ngại về hoạt động quân sự của Israel đang diễn ra ở Bờ Tây bị chiếm đóng, đồng thời kêu gọi Israel "kiềm chế" và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Anh cũng chỉ trích những bình luận được đưa ra trước đó trong tuần này của Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben Gvir, một người ủng hộ việc sáp nhập Bờ Tây.
Ngày 30/8, chiến dịch quân sự quy mô lớn của Israel tại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã bước sang ngày thứ 3, với số người chết tăng lên ít nhất là 19 người. Israel tuyên bố các cuộc đột kích của họ vào các thị trấn và trại tị nạn trên khắp Bờ Tây là các hoạt động "chống khủng bố". (AFP)
*Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ thành viên IS âm mưu khủng bố tại Istanbul: Đài truyền hình Ahaber ngày 30/8 đưa tin, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một chiến binh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang chuẩn bị một cuộc tấn công khủng bố ở Istanbul bằng thuốc nổ.
Theo thông tin đài truyền hình cung cấp, tên phiến quân này đã bị bắt ở phía Tây Istanbul, nơi hắn sinh sống. Ngày bắt giữ chính xác không được nêu rõ. Cảnh sát đã theo dõi chặt chẽ khi tên khủng bố này nhập cảnh trái phép vào Thổ Nhĩ Kỳ với ý định thực hiện hành động khủng bố ở Istanbul, đồng thời cho biết thêm rằng tên này đã được đào tạo đặc biệt.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya cho biết cảnh sát đã bắt giữ 119 nghi phạm là thành viên IS tại 23 tỉnh ở nước này. (Sputniknews)
*Israel hạ sát một chỉ huy cấp cao của Hamas tại Bờ Tây: Quân đội Israel ngày 30/8 cho biết cảnh sát biên giới nước này đã hạ sát một chỉ huy cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas ở Bờ Tây.
Theo tuyên bố của quân đội Israel, Wassem Hazem, được xác định là chỉ huy của Hamas tại thành phố bất ổn Jenin, đã thiệt mạng trong một chiếc xe có chứa vũ khí, đạn dược và một lượng lớn tiền mặt. Hai tay súng khác đã bị thiết bị bay không người lái bắn trúng khi cố gắng trốn thoát khỏi chiếc xe nói trên. (Reuters)
*Mỹ hạn chế thị thực 14 quan chức Syria: Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30/8 cho biết Mỹ đang áp đặt hạn chế thị thực đối với 14 quan chức Syria, viện dẫn mối liên hệ của những người này với các vụ bắt cóc cưỡng bức.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay 14 quan chức bị hạn chế này không nằm trong số 21 quan chức Syria mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố trừng phạt hồi tháng 3.
Theo Bộ trên, hơn 96.000 nam giới, phụ nữ và trẻ em đã "biến mất" như một cách mà Chính phủ Syria đối phó với những người chỉ trích. (Reuters)
*Phó Tổng thống Mỹ Harris tái khẳng định lập trường ủng hộ Israel: CNN ngày 29/8 dẫn lời ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Kamala Harris nhấn mạnh cần có thỏa thuận ngừng bắn và trả tự do cho các con tin ở Dải Gaza, đồng thời tái khẳng định lập trường ủng hộ của bà dành cho Israel cũng như giữ vững quan điểm cho rằng “quá nhiều người Palestine vô tội đã thiệt mạng”.
Trả lời phỏng vấn CNN, bà Harris bày tỏ: “Israel có quyền tự vệ ... và cách họ thực hiện quyền đó là quan trọng. Quá nhiều người Palestine vô tội đã bị giết hại, và chúng ta phải đạt được một thỏa thuận”, tuy nhiên, đương kim Phó Tổng thống Mỹ không đưa ra bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách hiện hành. (Al Jazeera)
*Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris dẫn điểm sít sao trước ông Trump: Khảo sát mới nhất của tờ Wall Street Journal (WSJ) cho thấy cử tri Mỹ về cơ bản có đánh giá tích cực với bà Kamala Harris và ứng cử viên đảng Dân chủ hiện dẫn trước đối thủ Donald Trump về tỷ lệ ủng hộ cử tri ở mức sít sao.
Theo kết quả thăm dò mới nhất của WSJ, trong cuộc đấu tay đôi giữa hai ứng cử viên, bà Harris nhận được sự ủng hộ của 48% cử tri, trong khi tỉ lệ này đối với ông Trump là 47%. Còn trong một cuộc thăm dò khác có sự tham gia của những ứng cử viên độc lập và đảng thứ ba, mức dẫn điểm của bà Harris trước ông Trump được nới rộng hơn, với tỷ lệ ủng hộ 47% so với 45%.
Đây lần đầu tiên ứng cử viên đảng Dân chủ dẫn trước ông Trump trong cuộc đua tay đôi tính từ khi WSJ mở thăm dò dư luận vào tháng 4/2024. Trong kỳ thăm dò tháng 7 của WSJ, ông Trump vẫn dẫn trước bà Harris 2% về tỉ lệ ủng hộ cử tri.
Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy ứng cử viên đảng Cộng hòa đến thời điểm này vẫn chưa thể thành công trong việc chặn đà tiến của bà Harris. WSJ lưu ý biên độ sai số của cuộc khảo sát là cộng hoặc trừ 2,5%. (WSJ)
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đang tích cực huy động nguồn lực để hỗ trợ dòng người từ Lebanon tràn vào Syria sau khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Ngày 8/3, người dân Haiti đã xuống đường biểu tình yêu cầu Thủ tướng Ariel Henry từ chức, trong bối cảnh tình hình an ninh của quốc gia Caribbean này vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp.
Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc do nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước xây dựng xuyên suốt lịch sử.
Tổng thống Putin tuyên bố kế hoạch thế chấp lợi nhuận từ tài sản Nga do G7 đề xuất là hành động 'ăn cắp' và Moskva sẽ trả đũa.
Nam Phi tin tưởng vào tiến trình hòa bình, Liên hợp quốc chưa thể tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng do vỡ đập Kakhovka là một số diễn biến mới về tình hình Ukraine.
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ hỗ trợ Sở Mật vụ, tăng cường an ninh cho các ứng viên tổng thống và phó tổng thống.
Tổng thống Nga Putin nói các cuộc tập kích gần đây vào hạ tầng năng lượng Ukraine là một phần trong kế hoạch 'phi quân sự hóa' của Moskva.
Hà Lan ký thỏa thuận an ninh với Ukraine, Thủ tướng Scholz quyết không để quân đội Đức tham gia xung đột ở Ukraine, Kiev thông qua kế hoạch hợp tác với NATO năm 2024... là tin tức cập nhật về tình hình Ukraine.
Chiều 21/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine.