Các nước NATO tiếp tục phản ứng về vấn đề gửi quân đến Ukraine, đàm phán Armenia-Azerbaijan, tình hình bán đảo Triều Tiên và Trung Đông, bầu cử Mỹ... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tin thế giới 28/2: Mỹ dứt khoát không gửi quân tới Ukraine, NATO đang tạo lý do cho Nga hành động? Anh-Đức tính toán làm điều này ở Triều Tiên |
Hai phái đoàn ngoại giao của Armenia và Azerbaijan làm việc ở Berlin, Đức, ngày 28/2. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Armenia) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
* Ukraine rút khỏi 2 ngôi làng gần Avdiivka: Ngày 27/2, người phát ngôn quân đội Ukraine Dmytro Lykhoviy cho biết, Kiev đã rút quân khỏi các làng Sievierne và Stepove gần thị trấn phía Đông Avdiika, gần đây đã bị lực lượng của Nga kiểm soát.
Bên cạnh đó, ông Lykhoviy nhận định, Ukraine đang rút lui về các vị trí ngang bằng với phần còn lại của chiến tuyến, được cho là có địa hình phù hợp hơn để phòng thủ. (Reuters)
Tin liên quan |
NATO kết nạp Thụy Điển, một nước cờ khó lường trên bàn cờ thế cuộc NATO kết nạp Thụy Điển, một nước cờ khó lường trên bàn cờ thế cuộc |
* Tổng thống Ukraine đến Albania cuối ngày 27/2 và thuyết phục các nước Balkan tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Kiev.
Sau cuộc gặp với Thủ tướng Albania Edi Rama, ông Zelensky tuyên bố, hai bên đang tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng song phương cũng như thảo luận về nhu cầu quốc phòng của Ukraine và tiềm năng sản xuất vũ khí chung. (AFP)
* Mỹ không gửi quân tới Ukraine, theo tuyên bố của Nhà Trắng ngày 27/2.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Adrienne Watson cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ điều này và tin rằng, "con đường dẫn đến chiến thắng" là Quốc hội phải thông qua viện trợ quân sự đang bị chặn "để quân đội Ukraine có vũ khí và đạn dược cần thiết".
* Quân đội NATO sẽ trở thành mục tiêu của Moscow nếu xuất hiện tại Ukraine, theo lời Chủ tịch Ủy ban Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga về các vấn đề đối ngoại Konstantin Kosachev ngày 28/2.
Ông Kosachev nhấn mạnh, động thái này của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể gây ra một cuộc xung đột quân sự trong khu vực.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, việc NATO "phát triển cơ sở hạ tầng quân sự hướng tới biên giới Nga và những lời lẽ thù địch từ các thành viên là lý do cho Nga bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và là cơ sở để thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo an ninh”.
Theo ông, Moscow "không gây nguy hiểm đối với bất kỳ quốc gia nào vốn không thù địch và không cố gắng chống Nga... Vì vậy, những lo ngại về vấn đề này là vô căn cứ, chúng tôi đang cố gắng đảm bảo an ninh cho chính mình". (Sputnik)
* EU chuẩn bị gói trừng phạt thứ 14 chống Nga liên quan xung đột quân sự tại Ukraine.
Tờ Izvestia dẫn nguồn Nghị viện châu Âu (EP) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) có thể đưa ra gói này trước bầu cử Nghị viện (6-9/6/2024). Đây cũng là biện pháp để EP tranh thủ sự ủng hộ của cử tri châu Âu.
Gói trừng phạt thứ 14 có thể gồm một danh sách các chính trị gia, đại diện chính quyền và lãnh đạo doanh nghiệp có liên quan đến công nghiệp quốc phòng. Theo nguồn tin, EU cũng có thể mở rộng danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu vào Nga.
* Armenia-Azerbaijan đàm phán tại Berlin: Sáng 28/2 theo giờ địa phương, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã bắt đầu cuộc gặp tại Berlin (Đức) nhằm đàm phán giải quyết bất đồng giữa hai nước.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Armenia có đoạn: “Một cuộc họp của các phái đoàn Armenia và Azerbaijan do Ngoại trưởng Ararat Mirzoyan và Jeyhun Bayramov dẫn đầu đã bắt đầu tại Berlin”. (Reuters)
* Anh, Đức dự định mở cửa lại đại sứ quán ở Triều Tiên: Lần đầu tiên kể từ khi Đại sứ quán Đức ở Triều Tiên đóng cửa do đại dịch Covid-19, một phái đoàn thuộc Bộ Ngoại giao của quốc gia châu Âu này đang có mặt ở Bình Nhưỡng để kiểm tra kỹ thuật, văn phòng và địa điểm của cơ quan đại diện trên.
Mặc dù vậy, bộ trên lưu ý, cho đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức về việc mở cửa trở lại đại sứ quán, đã đóng cửa từ tháng 3/2020.
Vương quốc Anh, đóng cửa Đại sứ quán và rút toàn bộ hoạt động ngoại giao khỏi Triều Tiên từ tháng 5/2020, cũng đang tìm cách gửi một phái đoàn tới xem xét.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh nói: “Chúng tôi hài lòng khi một số nhà ngoại giao đang quay trở lại Bình Nhưỡng và hoan nghênh các động thái của Triều Tiên mở lại biên giới”. (Reuters)
* Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Lý Huy thăm Ukraine, Nga và trụ sở của EU trong tuần này để tiến hành hội nghị về xung đột Moscow-Kiev kéo dài hai năm qua.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, chuyến thăm sẽ đại diện cho "vòng ngoại giao con thoi thứ hai nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine", đồng thời nêu rõ, ông Lý Huy cũng sẽ tới thăm Pháp, Đức và Ba Lan.
Bà Mao Ninh nêu rõ, trong 2 năm qua, Trung Quốc đang nỗ lực liên lạc chặt chẽ với các bên để xây dựng sự đồng thuận nhằm chấm dứt xung đột và mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình. (THX)
* Vệ tinh trinh sát của Triều Tiên lần đầu thay đổi quỹ đạo: Ngày 27/2, một chuyên gia vũ trụ ở Hà Lan cho biết, vệ tinh trinh sát "Malligyong-1" mà Triều Tiên phóng lên vào năm ngoái vẫn đang hoạt động và Bình Nhưỡng vẫn đang kiển soát thiết bị này, sau khi phát hiện những thay đổi trong quỹ đạo bay.
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho rằng vệ tinh này không có dấu hiệu hoạt động.
Theo ông Langbroek, từ ngày 19-24/2, Malligyong-1 đã di chuyển, nâng quỹ đạo bay từ 488 km lên 497 km. Chuyên gia này đánh giá việc nâng quỹ đạo này là một điều bất ngờ, do các vệ tinh trước đây của Triều Tiên chưa bao giờ thực hiện điều này. (Reuters)
* Hàn Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ trước mọi hành vi gây căng thẳng từ Triều Tiên, trước thềm bầu cử quốc hội Hàn Quốc vào tháng 4 tới.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ hoàn tất cơ chế răn đe mở rộng hạt nhân tích hợp giữa nước này và Mỹ thông qua Nhóm tư vấn hạt nhân và đẩy nhanh sự phát triển của hệ thống ba trục trong nước để ngăn chặn các mối đe dọa này ngay tận gốc.
Ông cũng khẳng định sẽ tăng cường hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, cũng như đoàn kết với cộng đồng quốc tế, dựa trên quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ mạnh mẽ. (Yonhap)
* Ấn Độ cấm các nhà xuất khẩu gạo tham gia đấu thầu cứu trợ lương thực của Liên hợp quốc (LHQ), một động thái có nguy cơ gây ra lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. Đây là lần đầu tiên New Delhi thực hiện một biện pháp như vậy và biện pháp này vẫn chưa được công bố chính thức.
Theo quan chức cấp cao Ấn Độ, nước này đang nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực trong nước và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, quan điểm này đi ngược lại với kêu gọi mời thầu mới đây của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) nhằm cung cấp gạo tấm cho Tây Ban Nha, Cameroon, Togo và Algeria.
WFP cung cấp cứu trợ lương thực cho người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột, thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. (Bloomberg)
* Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia được phong hàm Đại tướng: Ngày 28/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã phong quân hàm danh dự Đại tướng cho Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, người vừa tuyên bố thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra giữa tháng 2 vừa qua.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Jokowi nhấn mạnh: “Việc thăng chức danh dự này là để đề cao đóng góp của ông Prabowo và khẳng định cam kết của ông trong việc làm việc vì nhân dân, quốc gia và đất nước”.
Đại tướng là quân hàm cao thứ hai ở Indonesia, sau tổng thống và thường do bộ trưởng quốc phòng nắm giữ. Ông Prabowo là người thứ bảy được thăng hàm đại tướng ở Indonesia kể từ năm 1998. (Reuters)
* Tổng thống Philippines thăm Australia: Ngày 28/2, Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. có chuyến thăm 2 ngày tới Australia.
Ông cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước sẽ ký kết 3 thỏa thuận nhằm tăng cường quan hệ song phương.
Theo nhà lãnh đạo, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Philippines và Australia "sẽ được nâng cao khi chúng tôi chia sẻ tầm nhìn chung không chỉ cho mối quan hệ song phương mà còn vì hòa bình và an ninh của khu vực”. (PIA)
* Israel sẽ mất đi sự ủng hộ quốc tế vì "chính phủ cực kỳ bảo thủ" của nước này, theo lời Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 27/2.
Ông nhấn mạnh: “Cách duy nhất để Israel tồn tại là phải tận dụng cơ hội để có được hòa bình và an ninh cho người Israel và người Palestine".
Đáp trả phát biểu trên, Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết, có sự ủng hộ rộng rãi ở Mỹ đối với chính phủ Israel, nhấn mạnh: “Từ đầu cuộc chiến, tôi đã lãnh đạo một chiến dịch ngoại giao với mục tiêu là ngăn chặn áp lực chấm dứt xung đột sớm, đồng thời giành được sự ủng hộ cho Israel”.
Ông Netanyahu dẫn kết quả một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Chính trị Harvard (Mỹ) công bố ngày 26/2 cho thấy, 82% người dân ở cường quốc số 1 thế giới ủng hộ Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas. (Times of Israel)
* Hamas tấn công rocket về phía Israel: Ngày 28/2, phong trào Hamas xác nhận, chi nhánh tại Lebanon của tổ chức này đã phóng 40 quả rocket Grad nhằm vào căn cứ quân sự của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) gần thị trấn Kiryat Shmona ở miền Bắc.
IDF cho biết chỉ, có 4 quả rocket vượt qua biên giới, trong đó 1 quả rơi trúng tòa nhà dân cư nhưng không gây thương vong về người. Trước đó, cũng có 4 quả rocket của Hamas rơi vào thị trấn Kiryat Shmona. (Times of Israel)
* Mỹ-Anh áp đặt trừng phạt đối với Iran và Houthi, nhằm vào một quan chức trong Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và một nhân vật cấp cao của lực lượng Houthi tại Yemen.
Danh sách trừng phạt lần này gồm phó chỉ huy Lực lượng Quds của IRGC Mohammad Reza Falahzadeh và nhân vật phụ trách an ninh của lực lượng Houthi, Ibrahim al-Nashiri.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với Cap Tees Shipping Co có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), chủ sở hữu con tàu được dùng để vận chuyển hàng hóa của Iran. (Reuters)
* Hội đồng Bảo an LHQ nhóm họp về tình hình Syria, Dải Gaza vào sáng 28/2 (giờ Việt Nam).
Các cuộc họp đều cảnh báo tình hỉnh khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Syria và Dải Gaza, vốn đang chìm trong xung đột.
Ở Dải Gaza, LHQ cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực với việc nạn đói có thể diễn ra trước tháng Năm với khoảng 500.000 người đối mặt với nguy cơ thật sự và hiện nay hầu như toàn bộ 2,2 triệu người tại Gaza cần được cứu trợ.
LHQ nhấn mạnh, cơ quan cứu trợ của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đã sẵn sàng, chỉ chờ lệnh ngừng bắn.
Trong khi đó, các quan chức LHQ kêu gọi quốc tế nỗ lực hơn nữa để hạ nhiệt căng thẳng ngay lập tức trên toàn bộ khu vực Trung Đông nói chung cũng như ở Syria nói riêng, hối thúc các bên tham gia xung đột bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự. (UN News)
* Báo động tình trạng mất an ninh lương thực ở vùng Sừng Lớn của châu Phi, theo một báo cáo chung được công bố hôm 27/2 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) khu vực Đông Phi.
Theo FAO và IGAD, khoảng 58,1 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng này, trong đó có 30,5 triệu người đến từ 6 trong số 8 quốc gia thành viên IGAD là Djibouti, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda; 27,6 triệu người còn lại đến từ Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo và Tanzania.
* Bầu cử Mỹ 2024: Truyền thông Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều dễ dàng giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Michigan tổ chức vào ngày 27/2 (theo giờ địa phương), cho dù kết quả cuối cùng chưa được công bố.
Theo thống kê của AP, với 73% số phiếu được kiểm trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tính đến 14h00 ngày 28/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Biden được 81,5% số phiếu ủng hộ.
Tạm thời, ông Biden giành được 86/117 đại biểu của bang Michigan, nâng tổng số đại biểu ông đang có lên 177. Để giành quyền đề cử ra tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, ứng cử viên của đảng Dân chủ phải được ít nhất 1.968 đại biểu.
Bên phía đảng Cộng hòa, với 86% số phiếu được kiểm, cựu Tổng thống Trump giành được 68,2% số phiếu ủng hộ, tạm thời được 9/55 đại biểu của bang Michigan.
Như vậy, ông Trump hiện có 119 đại biểu và dự báo sẽ đạt mục tiêu cán mốc 1.215 đại biểu vào khoảng giữa tháng 3 tới để giành quyền đề cử của đảng Cộng hòa.
Niger cắt quan hệ ngoại giao với Ukraine sau khi Mali có động thái tương tự, liên quan cáo buộc Ukraine hỗ trợ phiến quân ở Mali.
Sinh viên Đại học California chiếm khuôn viên trường để biểu tình phản đối chiến sự Gaza trong một tuần, đụng độ với người ủng hộ Israel, buộc cảnh sát can thiệp bằng vũ lực.
Lực lượng Ukraine dùng drone trang bị camera ảnh nhiệt để chỉ thị mục tiêu cho pháo binh khai hỏa đạn chùm vào đoàn xe bọc thép Nga.
Ông Medvedev nói Nhật Bản sẽ phải từ bỏ yêu sách lãnh thổ đối với nhóm đảo tranh chấp nếu muốn ký hiệp ước hòa bình với Nga.
Tổng thống Putin ca ngợi mối quan hệ Nga - UAE ở mức cao chưa từng có khi tới thăm quốc gia này.
Bộ trưởng Shoigu tuyên bố quân đội Nga sẽ tăng cường tập kích trung tâm hậu cần và kho chứa vũ khí phương Tây tại Ukraine.
Ông al-Houthi nói nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn Iran đáp trả Israel sẽ không thành công và Tehran trì hoãn tập kích là vì lý do chiến thuật.
Đài Loan xác nhận con trai cựu bí thư Trùng Khánh, Trung Quốc, Bạc Hi Lai đang có mặt tại đây sau khi kết hôn với một người Đài Loan.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn, Kiev đang nỗ lực tự sản xuất vũ khí kết hợp với sự hỗ trợ của phương Tây để đáp ứng nhu cầu trên thực địa.