Lê Trọng Nghĩa, tác giả bộ sách Tiếng Việt ân tình, tuy sống xa quê hương nhiều năm nhưng vẫn luôn khắc khoải về việc giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ.
Đầu năm 2024, Lê Trọng Nghĩa ra mắt tập 1 của bộ sách Tiếng Việt ân tình. Tác phẩm được đón nhận bởi đông đảo bạn đọc, đặc biệt là học sinh sinh viên. Chính tình cảm ấy là động lực thôi thúc Nghĩa làm tiếp tập 2. Sách vừa đến tay bạn đọc vào giữa tháng 9.
Từ Nhật Bản, Nghĩa chia sẻ với Tuổi Trẻ nỗi nhớ niềm thương với thứ tiếng quê hương, những gì anh đã làm và luôn muốn làm cho tiếng Việt.
Rời Việt Nam từ năm 2015, Lê Trọng Nghĩa sang Nhật Bản du học rồi định cư tại đây. Dù xa quê hương, nhưng với anh, tiếng Việt là một người bạn trân quý bởi "dù cho có thông thạo tiếng nước ngoài đến đâu thì cũng chẳng thể nào dùng thứ tiếng ấy để diễn đạt được hết tâm tư, tình cảm như tiếng nói quê mình".
Năm 2012, Nghĩa lập ra trang "Tiếng Việt giàu đẹp" để chia sẻ các kiến thức về từ ngữ, chính tả trong tiếng Việt được các bạn trẻ quan tâm và yêu thích.
Rồi anh phát động dự án Ngày tôn vinh tiếng Việt, đề ra một cột mốc thường niên để nhắc nhở về giá trị và sự giàu đẹp của ngôn ngữ quê nhà. Năm 2022, Chính phủ chính thức công nhận ngày 8-9 hằng năm trở thành Ngày Tôn vinh tiếng Việt.
Quyết định làm sách Tiếng Việt ân tình của Nghĩa đến sau, cùng mong muốn đem lại một giá trị "hữu hình" cho tình yêu với ngôn ngữ dân tộc.
Anh tâm sự: "Lưu Quang Vũ có câu thơ "Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình...". Tôi đã đặt tên bộ sách theo câu thơ này. Với tôi, người Việt mình rất trọng ơn và trọng tình cảm.
Tên tôi là Trọng Nghĩa. Ngày xưa ba tôi hay dặn tôi nhớ đặt tên con mình là "Trọng Ân" và "Trọng Tình", bởi ba tôi cho rằng hai đức tính đó thể hiện được tinh thần của người Việt ta. Ở xứ người, lúc nào tôi cũng tự hào nói với những người bạn nước ngoài điều ấy".
Lấy ví dụ rõ hơn về cái ân, cái tình trong ngôn ngữ, tính cách và văn hóa Việt, Nghĩa nói:
"Với người Việt, mỗi khi nhận được sự giúp đỡ dù nhỏ nhoi thì hầu như đều có sự đền đáp. Đồng bào mình luôn thương yêu, đùm bọc nhau. Trong cơn bão Yagi, ta càng thấy rõ hơn nghĩa tình ấy. Những sự cứu trợ khắp từ mọi nơi, những đoàn xe lớn chắn gió cho những chiếc xe nhỏ đi trong bão...".
Theo tác giả sách Tiếng Việt ân tình, cách dùng từ của người Việt cũng rất giàu tình cảm. Có thể thấy rõ điều này trong các câu ca dao, tuy là lời khuyên nhưng không phải theo một giọng điệu nghiêm khắc, răn đe mà là những lời tâm tình tha thiết: "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".
Nếu trong tiếng Anh, khi nói về buồn, ta chỉ có một số từ như "sad", "very sad"... Nhưng tiếng Việt có thể diễn tả nỗi buồn theo nhiều sắc thái khác nhau qua các từ: buồn hiu, buồn rười rượi, buồn nẫu ruột, buồn da diết, buồn thê thiết...
Ngoài là một thứ tiếng nói "nghe như hát", theo Nghĩa, vẻ đẹp của tiếng Việt còn nằm ở cách chơi chữ rất độc đáo: "Ngày xưa có trường hợp chơi chữ nổi tiếng như "Con ngựa đá con ngựa đá".
Ngày nay, các bạn trẻ cũng có cách chơi chữ rất thú vị như "Em thầm thương nên mắt em thường thâm". Rõ ràng các phép chơi chữ đã được duy trì theo một hình thức đặc biệt, phù hợp với thời đại nhưng vẫn giữ được nét riêng của mình".
Tập 1 sách Tiếng Việt ân tình gồm năm phần: từ Hán Việt; chính tả; địa danh; thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ; nội dung khác. Ở tập 2, nội dung sách đa dạng hơn. Trong đó có thêm phần từ mượn gốc Pháp; phần âm nhạc nói về cách dùng từ hay và thú vị trong các tác phẩm nghệ thuật dân gian Việt Nam...
Trong cả hai tập sách đều có phần chính tả để minh định những từ thường hay bị nhầm lẫn khi viết như "cổ súy" hay "cổ xúy", "tựu chung" hay "tựu trung", "chỉn chu" hay "chỉnh chu"... Đây cũng là nội dung thường xuất hiện trên trang fanpage "Tiếng Việt giàu đẹp".
Trong buổi tọa đàm ra mắt sách Tiếng Việt ân tình, một số ý kiến cho rằng hiện nay ngôn ngữ có sự linh hoạt, biến thiên theo thời gian và cộng đồng người sử dụng, nên có thể chuyện đúng - sai chính tả không còn quan trọng nữa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tác giả Lê Trọng Nghĩa cho hay: "Tuy ngôn ngữ sẽ có sự dời đổi, nhưng tôi tin những gì đúng đắn chắc chắn sẽ tồn tại với thời gian.
Có những từ chỉ được một bộ phận người sử dụng nhưng không được lịch sử công nhận. Những từ ấy, một cách rất tự nhiên, sẽ nhạt phai dần theo năm tháng".
Theo anh, có nhiều lý do khiến một số từ ngữ bị người trẻ dùng sai, có thể do bị ảnh hưởng bởi đám đông hoặc có thể do muốn dùng từ sai để tỏ ra sành điệu, "chuyên nghiệp" hơn. Ví dụ hiện nay có từ "trầm cảm" thường được các bạn trẻ dùng thành từ "chằm Zn".
"Nhưng điều này cũng không thể trách họ. Theo tôi, những người làm ngôn ngữ chỉ cần khơi dậy niềm tự hào và yêu thích tiếng Việt cho các bạn ấy. Nếu có được điều đó thì tôi tin rằng không có lý do gì mà họ phải "đua" theo một ngôn ngữ khác hay phải đổi cách viết sao cho thời thượng hơn vì bản thân tiếng Việt đã quá đẹp rồi" - Nghĩa nói.
Để viết Tiếng Việt ân tình, Nghĩa cố gắng căn cứ vào từ điển và tư liệu chính thống của các chuyên gia dành nhiều năm, thậm chí cả đời, để nghiên cứu về tiếng Việt.
Tiêu biểu như cuốn Từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê chủ biên, Đại Nam Quấc âm tự vị của ông Huình Tịnh Paulus Của, bộ sách Việt Nam tự điển do tác giả Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu biên soạn và cụ Lê Ngọc Trụ hiệu đính... để rồi từ đó, anh tìm cách giải mã từ ngữ sao cho khách quan và phù hợp.
Nghĩa chia sẻ: "Tôi không chủ trương đi theo hướng nghiên cứu sâu tiếng Việt như các nhà ngôn ngữ học bởi tôi là "tay ngang". Nhưng mong muốn lớn nhất của tôi là khơi gợi được tình yêu tiếng Việt trong các bạn trẻ để các bạn thấy được tiếng Việt thú vị như thế nào và rồi sẽ tìm hiểu thêm...".
Lê Trọng Nghĩa là kỹ sư phần mềm.
Hiện anh đang sống và làm việc tại Tokyo (Nhật Bản).
Năm 2012, anh lập ra trang fanpage "Tiếng Việt giàu đẹp" chuyên cập nhật nhiều thông tin và kiến thức thú vị về tiếng Việt được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Hiện trang đã có trên 140.000 người theo dõi.
Phát biểu tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ III, nhiệm kỳ 2023 – 2028, anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam lưu ý Hội cần bám sát định hướng của tỉnh để xây dựng, hình thành lớp sinh viên Bình Dương vừa hồng vừa chuyên, tiên phong trong chuyển đổi số.
Dù bị cha mẹ và chính quyền gây áp lực về việc kết hôn, sinh con, ngày càng có nhiều người trẻ xứ tỷ dân nhận thức rõ về điều bản thân mong muốn, không ép mình phải lập gia đình.
Huế - Phải làm sao để sách tìm người đọc chứ không phải để người đọc đi tìm sách.
Cô bé Hằng nhớ rất rõ 7 năm trước, khi học lớp 3 nhà mình bắt đầu nghèo đi, thức ăn trong bữa cơm thưa dần và gần như cả năm không có quần áo mới.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy trao tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” cho Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolás Hernández Guillén, vì những đóng góp của ông đối với các hoạt động hợp tác thanh niên Việt Nam – Cuba trong thời gian qua.
Tin tức đáng chú ý: 7,6% bệnh nhân đột quỵ nhập viện ở Việt Nam hiện dưới 45 tuổi; Kỳ vọng xuất khẩu điều vượt mục tiêu; Việt Nam đầu tư hơn 424 triệu USD ra nước ngoài...
Anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Giải thưởng cho biết: 20 đề cử vào vòng bình chọn Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 có thành tích rất tiêu biểu, có ảnh hưởng ở tầm khu vực và thế giới. Ngoài lĩnh vực chuyên môn, chúng tôi xét thêm nhiều khía cạnh như mức độ lan tỏa, trách nhiệm với cộng đồng, sức ảnh hưởng trong thanh niên và toàn xã hội.
Lãnh đạo các bệnh viện tuyến trung ương cho rằng nếu bỏ giấy chuyển tuyến sẽ khiến hệ thống y tế bị vỡ trận, tê liệt, gây thiệt hại cho người bệnh.
Cử tri Đà Nẵng cho rằng chế độ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng khiêm tốn, trong khi công việc lại nguy hiểm nên người trẻ không mặn mà.