Ukraine trang bị cho chiến đấu cơ MiG-29 mồi bẫy ADM-160 MALD, loại khí tài chuyên đánh lừa phòng không Nga trong các cuộc tập kích.
Tài khoản Ukrainian_Front có hơn 220.000 người theo dõi trên X ngày 21/5 đăng ảnh tiêm kích MiG-29 của Lữ đoàn Hàng không Chiến thuật số 114 Ukraine đang thực hiện kỹ thuật "low pass" (bay qua đường băng ở độ cao thấp). Hình ảnh cho thấy dưới mỗi cánh của tiêm kích có gắn một hệ thống Mồi nhử phóng từ trên không thu nhỏ (MALD) ADM-160.
Mỗi hệ thống này có trọng lượng khoảng 136 kg, nằm trong giới hạn tải trọng của giá treo dưới cánh chiến đấu cơ MiG-29. Chiếc tiêm kích không mang theo vũ khí nào khác, ngoại trừ thùng nhiên liệu phụ được gắn giữa các cửa hút gió của động cơ. Không rõ thời điểm và địa điểm bức ảnh được chụp.
Đây là lần đầu tiên xuất hiện thông tin MiG-29 Ukraine gắn mồi bẫy ADM-160, loại khí tài được phóng cùng tên lửa thật trong các cuộc không kích để đánh lừa phòng không đối phương.
Tháng 5/2023, giới chức do Nga bổ nhiệm tại tỉnh Lugansk xác nhận lực lượng của Kiev đã sử dụng loại mồi bẫy này trong cuộc tập kích tên lửa vào thủ phủ cùng tên của tỉnh, đồng thời đăng hình ảnh được cho là mảnh vỡ của hệ thống.
Đến tháng 12/2023 tiếp tục xuất hiện thêm các hình ảnh về phần còn lại của mồi bẫy ADM-160 sau khi phóng, lần này là tại tỉnh miền nam Kherson.
ADM-160 được Mỹ phát triển từ những năm 1990, nhằm chế tạo một loại vũ khí giống tên lửa hành trình, có khả năng đánh lừa phòng không đối phương. Hệ thống này có tầm hoạt động khoảng 800 km, được trang bị một động cơ phản lực cỡ nhỏ và bay theo lộ trình thiết lập sẵn, cũng như có khả năng quần thảo trên bầu trời trong khu vực được chỉ định.
ADM-160 phát ra tín hiệu radar lớn hơn quả tên lửa mà nó bay cùng, qua đó có thể đánh lạc hướng và làm bối rối mạng lưới phòng không kẻ thù, tạo điều kiện để các tên lửa thật có thể tiếp cận mục tiêu.
Trong trường hợp của Ukraine, ADM-160 chủ yếu được Kiev sử dụng để yểm trợ các cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình phóng từ trên không, như dòng Storm Shadow/SCALP-EG do Anh, Pháp chuyển giao.
"Storm Shadow/SCALP-EG có đặc tính tàng hình, làm giảm đáng kể khả năng phát hiện của radar đối phương. Việc phóng loại tên lửa này cùng mồi bẫy ADM-160 sẽ giúp gia tăng tỷ lệ tập kích thành công", chuyên gia quân sự Thomas Newdick của War Zone nhận định.
Newdick cho rằng việc tích hợp mẫu mồi bẫy ADM-160 của Mỹ vào tiêm kích MiG-29 thời Liên Xô không phải là điều khó, do lực lượng vận hành có thể nạp dữ liệu mục tiêu vào hệ thống này trước khi phóng. Theo chuyên gia của War Zone, Ukraine còn có thể trang bị mồi bẫy ADM-160 cho một số mẫu chiến đấu cơ khác trong biên chế như Su-24 và Su-27.
Ukraine được cho là đang cần áp dụng thêm các biện pháp bảo vệ bổ sung cho tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG, trong bối cảnh lực lượng Nga đã nhiều lần hạ quả đạn này trong thời gian qua, gần nhất là hôm 20/5, theo video chia sẻ trên mạng xã hội.
Truyền thông Nga hôm 29/3 đăng video mổ xẻ tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG thu được sau cuộc tập kích của Ukraine. Video cho thấy quả đạn còn khá nguyên vẹn, dường như bị đánh chặn bằng thiết bị gây nhiễu hoặc tự rơi do gặp sự cố kỹ thuật.
Phạm Giang (Theo TWZ, RIA Novosti, Sputnik)
Nhà Trắng gọi cuộc tấn công của Iran vào Israel là 'thất bại ngoạn mục và đáng xấu hổ', sau khi hầu hết tên lửa và UAV từ Tehran đều bị chặn đứng.
Romania triệu đại diện ngoại giao Nga để yêu cầu giải thích vụ một UAV rơi gần làng sát biên giới, sau khi Nga tập kích cảng sông của Ukraine.
Giao tranh ác liệt ở Avdiivka giữa các lực lượng Nga và Ukraine, căng thẳng ở Trung Đông từ Rafah đến Lebanon, khai mạc Hội nghị an ninh Munich... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Cả ASEAN và Nhật Bản cùng đề cao tầm quan trọng và giá trị của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đối với mỗi bên và cả khu vực.
Tôi nhìn nhận công tác của cán bộ ngoại giao nữ tại Geneva là “sứ mệnh” quan trọng, vinh dự và tự hào đồng thời phải đáp ứng đòi hỏi và áp lực cao của công tác tại Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Geneva, một trung tâm lớn của ngoại giao đa phương và quản trị toàn cầu.
Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA đưa tin Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/4 cho biết các lực lượng của nước này đã chiếm được thêm 4 khu vực ở phía Tây thành phố Bakhmut.
Ngày 5/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết định cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, với lý do không còn tín nhiệm trong thời gian xảy ra cuộc xung đột tại Dải Gaza.
Ngày 9/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bổ nhiệm ông Tom Fletcher, người Anh, làm Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA).
Hàn Quốc thông báo kiểm tra các bệnh viện để truy cứu những bác sĩ nội trú không trở lại làm việc và tước giấy phép hành nghề của 7.000 người.