Biết đến mô hình cho thuê vườn trồng rau hữu cơ có người chăm sóc riêng, Hà My cùng một người bạn thuê khoảng đất 20 m2, mong có đủ rau sạch cho gia đình.
Vườn của người phụ nữ 32 tuổi sống tại quận 7, TP HCM đặt ở Đà Lạt, trồng đủ loại rau cải, muống, mồng tơi, mướp... Sau khi ký hợp đồng, Hà My giám sát vườn rau qua camera, phần chăm sóc do nhân viên chuyên trách đảm nhận. Mỗi vườn đều được đóng bảng tên riêng, người quản lý liên tục gửi hình ảnh, thước phim về quá trình cây phát triển, ra hoa và kết trái.
Một tháng sau khi gieo trồng, My bắt đầu nhận được thành phẩm. Dù thấy rau vườn nhà không xanh non mơn mởn như ngoài chợ, lại nhiều sâu nhưng bà mẹ một con vẫn yên tâm vì trồng hữu cơ. Trước đây mua rau ở ngoài dù ngâm rửa kỹ cô cũng không dám ăn sống nhưng nay chế biến salad nhiều hơn.
Cũng tìm kiếm nguồn nông sản sạch, anh Nguyễn Thảo ở Thanh Hóa vừa nhận hai cây măng cụt 24 năm tuổi tại một nhà vườn ở Đắk Nông. Một cây phục vụ gia đình và tặng bạn bè người thân, cây còn lại phân phát cho nhân viên công ty.
Trước đây người đàn ông 35 tuổi từng mua măng cụt của nhà vườn này bởi chất lượng tốt. Gần đây có thêm dịch vụ cho thuê cây, đảm bảo mỗi năm mỗi cây thu hoạch 100 kg trái theo tiêu chuẩn Global-gap, anh tham gia ngay.
"Không chỉ thu hoạch nông sản sạch, các con tôi còn được trải nghiệm chăm sóc cây vào kỳ nghỉ hè. Có một cây ăn trái của riêng mình cũng khiến tôi thích thú", anh Thảo nói.
Hà My hay anh Nguyễn Thảo là hai trong nhiều khách hàng của các dịch vụ cho thuê đất, nhận nuôi cây để thu hoạch nông sản sạch.
Khảo sát của VnExpress, dịch vụ này bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam năm 2014, từ mô hình cho thuê 10 m2 đất trồng rau giá 650.000 đồng một tháng ở TP HCM, sau mở rộng ra một số tỉnh thành miền Bắc và Tây Nguyên. Vài năm gần đây lại xuất hiện thêm mô hình nhận nuôi cây xoài, bưởi, sầu riêng và măng cụt để thu hoạch trái. Rau củ được gửi tới khách hàng mỗi tuần, riêng trái cây phải chờ đến vụ thu hoạch.
Dịch vụ mà chị Hà My đang sử dụng là mô hình trồng rau sạch 5 sao tại Đà Lạt có tên 21m2 Goods. Đây là mô hình "Vườn nhà ở quê" cho thuê đất và nhân công để trồng khu vườn riêng, đảm bảo quy trình trồng rau hữu cơ, loại bỏ trung gian và mang sản phẩm tới tận nhà cho khách hàng.
Chị Nguyễn Quỳnh Châu, quản lý dự án cho biết thay vì mua rau hàng ngày, khách hàng sẽ thuê đất trồng và được nhân công chăm sóc. Mô hình này hiện liên kết với các nhà khoa học, sử dụng phân bón hữu cơ cùng chế phẩm sinh học tự sản xuất đảm bảo: không thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, chất bảo quản và chất tăng trưởng.
Sau nửa năm triển khai, dịch vụ vườn rau của công ty chị Châu đã có hơn 300 khách hàng với 2.000 m2 đất được sử dụng để trồng rau sạch. Giá thuê đất, nhân công tại vườn là 210.000 đồng một tháng với 5 m2. Khách hàng sẽ trả thêm tiền cây giống 100.000 - 150.000 đồng (chọn 5-7 loại giống, số lượng đủ dùng 2-3 tháng). Đến đợt thu hoạch, vườn sẽ gửi rau hàng tuần cho khách với phí vận chuyển là 30.000 đồng một lần.
Là người cung cấp dịch vụ thuê cây lấy trái có tên "Măng cụt nhà đấy", anh Nguyễn Quang Tâm, một chủ vườn ở Đắk Nông cam kết khách hàng sẽ nhận tối thiểu 100 kg mỗi cây một năm. Sau hai tuần giới thiệu mô hình đã có 10 khách nhận nuôi, chủ yếu ở TP HCM và Bình Dương, ngoài ra còn một số khách ở miền Bắc. Giá nhận nuôi một cây là 5-10 triệu đồng một năm.
Trong giai đoạn đầu, anh Tâm đã chọn 100 cây măng cụt chất lượng trái tốt nhất để phục vụ khách hàng thuê cây.
PGS.TS Đỗ Minh Cương, nguyên giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định mô hình cho thuê đất, nhận nuôi cây là sáng kiến kinh doanh theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Hình thức này không quan trọng phải sở hữu tài sản mà đề cao giá trị sử dụng. Theo đó khách hàng nhận được nông sản sạch còn người cung cấp dịch vụ lại huy động được vốn, mở rộng thị trường.
Theo ông Cương, ưu điểm của mô hình này là khách hàng nhận các loại nông sản chất lượng cao được trồng ở nơi có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Ngoài ra, việc được sở hữu vườn rau hay cây ăn quả của chính mình khi sống ở nơi đất chật người đông, lại không có kinh nghiệm trồng trọt thì đây là mô hình cứu cánh để khách hàng có nông sản sạch ăn, đảm bảo sức khỏe.
Khảo sát năm 2023 của công ty chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần toàn cầu Herbalife, 83% số người Việt được hỏi đã thay đổi các ưu tiên về sức khỏe sau dịch Covid-19. Trong bốn mục tiêu sức khỏe hàng đầu thì "Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh" chiếm 50%, các mục tiêu khác gồm tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tổng thể và cải thiện sức khỏe tinh thần. Cũng theo khảo sát, 95% người tham gia phản hồi sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho sức khỏe và thể chất.
Như với Hà My, dù chi hơn 800.000 đồng cho 20 m2 để thu hoạch rau hữu cơ mỗi tháng nhưng chị thấy hợp lý bởi nguồn gốc đáng tin cậy, an toàn, đặc biệt với gia đình có trẻ nhỏ đang ăn dặm.
"Tôi nghĩ dịch vụ này sẽ phát triển bởi mọi người ngày càng chú trọng hơn tới những gì thuận tự nhiên, đặc biệt là thực phẩm hữu cơ", My nói.
Còn với Nguyễn Thảo, chờ thêm hai tháng nữa cây măng cụt mới cho thu hoạch nhưng anh nói trước đó sẽ đưa gia đình từ Thanh Hóa vào Đắk Nông để thăm nom và trải nghiệm quy trình chăm sóc. Người đàn ông này cho biết nếu chất lượng đảm bảo sẽ gia hạn trong các năm tiếp theo.
Thừa nhận đây là xu hướng trong tương lai, PGS.TS Đỗ Minh Cương cũng nhấn mạnh để duy trì và phát triển, những người làm dịch vụ cần phải chuyên nghiệp, tránh làm ăn gian dối khi khách hàng ở xa, không thể giám sát trực tiếp. Đồng thời biết lắng nghe những góp ý để cải thiện chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Khách hàng cũng cần cảm thông với nhà vườn nếu sản phẩm bị ảnh hưởng do yếu tố thời tiết, sâu bệnh hoặc chậm trễ thời gian giao hàng vì lý do bất khả kháng.
"Khi hai bên cùng cảm thông và cố gắng, mô hình kinh tế chia sẻ này sẽ ngày càng phát triển", ông Cương nhận định.
Như dịch vụ thuê đất trồng rau của Quỳnh Châu luôn cam kết đảm bảo số lượng rau giao hàng tuần cho khách. Trong điều kiện chưa đến vụ thu hoạch hoặc rau ở mảnh đất khách thuê chưa cung cấp đủ, vườn sẽ bổ sung các loại tự trồng với chất lượng tương đương bù vào số lượng thiếu.
Tương tự, vườn măng cụt của anh Quang Tâm cũng cam kết mỗi vụ đều cung cấp đủ 100 kg trái cho khách hàng. Nếu mô hình này thành công, anh dự định sẽ tăng số lượng cây cho thuê trong tổng số hơn 1.000 gốc đang có tại vườn.
"Làm kinh doanh mà muốn đi đường dài buộc phải giữ chữ tín, cung cấp cây sạch, nông sản ngon cho khách hàng", anh Tâm nói.
Hải Hiền- Quỳnh Nguyễn
Em trai không chịu mua hai căn chung cư, đòi phải mua nhà đất do em đứng tên và nói ngày xưa bố bảo nhà là cho em.
Ngày 12-4, làm việc với quán hải sản Nhà Bè (đường Trần Phú) bị du khách tố, đoàn kiểm tra liên ngành TP Nha Trang cho hay không đủ dữ liệu để xác định có hành vi 'chặt chém' hay không.
Tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định thu hồi hơn 9.200m2 đất tại khu di tích Lầu Bảo Đại và giao các cơ quan tỉnh quản lý, lập phương án tu bổ 5 biệt thự cổ để đưa vào phục vụ.
Số ca mắc sởi ở toàn nước Anh tăng chóng mặt, cao nhất trong 30 năm do trẻ em không được tiêm chủng.
Quán cơm của chị Phan Thị Lan ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh, Gia Lai) thông báo sẽ phục vụ miễn phí các đoàn cứu trợ lũ lụt từ Tây Nguyên đi miền Bắc, từ nay tới 12/10.
Chiều 5.4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuôt vừa ghi nhận một trường hợp mắc bệnh...
Chiếc áo 'tam tai' khiến chủ nhân phải lên mạng xã hậu cầu cứu tìm cách hướng dẫn mặc cho đúng cách.
Hằng ngày các bệnh viện ở khu vực 11 tỉnh vùng Tây Nam Bộ trông chờ máu, phải gọi hằng ngày hằng giờ.
Dự án “Xây dựng hệ thống học tập trực tuyến kết nối nhà trường, phụ huynh, học sinh” của thí sinh Văn Hữu Hoàng Dũng (lớp 11B1, Trường THPT A Lưới) đã giành giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong đoàn viên, thanh niên” năm 2023.