Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết ông sẵn sàng đưa quân tới Ukraine nếu cần thiết để đảm bảo an ninh cho chính nước này và cả châu Âu.
"Anh sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ đảm bảo an ninh cho Ukraine. Điều này bao gồm hỗ trợ thêm cho quân đội Ukraine, nơi Anh đã cam kết viện trợ 3 tỷ bảng Anh một năm cho đến ít nhất là năm 2030. Điều đó cũng đồng nghĩa chúng tôi sẵn lòng và sẵn sàng đóng góp vào việc đảm bảo an ninh cho Ukraine bằng cách đưa quân đội đến đây nếu cần thiết", Thủ tướng Keir Starmer nêu trong bài viết trên tờ Telegraph ngày 16/2.
"Tôi không nói điều này một cách hời hợt. Tôi hiểu sâu sắc những trách nhiệm khi có thể khiến các quân nhân Anh rơi vào nguy hiểm. Nhưng bất kỳ vai trò nào giúp đảm bảo an ninh cho Ukraine đều sẽ giúp đảm bảo an ninh cho lục địa của chúng ta và an ninh của đất nước chúng ta", ông nhấn mạnh.
Ông Starmer xác nhận sẽ tham dự một cuộc họp cấp cao tại thủ đô Paris, Pháp, vào ngày 17/2 để giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về nỗ lực của Mỹ nhằm đàm phán với Nga về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine mà không có Ukraine hay châu Âu tham gia.
Thủ tướng Starmer đồng thời cho hay ông sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump "trong những ngày tới", khẳng định Anh có "vai trò đặc biệt" trong việc đảm bảo rằng châu Âu và Washington có thể hợp tác chặt chẽ với nhau.
"Hỗ trợ của Mỹ vẫn rất quan trọng và bảo đảm an ninh của Mỹ là điều cần thiết cho một nền hòa bình lâu dài, bởi vì chỉ Mỹ mới có thể ngăn chặn Tổng thống Putin tấn công thêm một lần nữa", ông nói.
"Chúng ta đang phải đối mặt với thời khắc nghìn năm có một đối với an ninh chung của lục địa", Thủ tướng Anh cảnh báo. "Đây không chỉ là câu hỏi về tương lai Ukraine mà còn là vấn đề sống còn đối với toàn châu Âu".
Kể từ khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine vào tháng 2/2022, các thủ tướng Anh đã từ chối cân nhắc việc gửi quân đến nước này. Nhưng trong những tuần gần đây, ông Keir đã cởi mở hơn trong việc xem xét đề xuất của Tổng thống Pháp Macron về thiết lập lực lượng gìn giữ hòa bình do châu Âu dẫn dắt tại Ukraine.
Hiện chưa rõ ý tưởng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine sẽ được triển khai như thế nào. Theo Telegraph, một đề xuất sẽ được thảo luận là triển khai lính châu Âu tại những vị trí xa tuyến đầu được thiết lập trong một thỏa thuận hòa bình. Quân Ukraine sẽ được triển khai tại "biên giới mới được thiết lập sau thỏa thuận hòa bình" và binh lính từ các quốc gia châu Âu khác sẽ ở phía sau họ.
Chưa rõ liệu các đồng minh châu Âu có sẵn sàng cung cấp đủ quân để lực lượng gìn giữ hòa bình như vậy có hiệu quả hay không. Một số ước tính cho thấy cần 100.000 binh sĩ để thực hiện ý tưởng này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/2 gây sốc khi điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và tuyên bố "bắt đầu ngay lập tức" các cuộc đàm phán hòa bình mà không tham khảo ý kiến của đồng minh châu Âu hay Ukraine. Ông chỉ gọi cho Tổng thống Zelensky sau cuộc điện đàm, động thái khiến lãnh đạo Ukraine bày tỏ không hài lòng. Ngoại trưởng Nga - Mỹ dự kiến gặp nhau tại Arab Saudi ngày 17/2.
Cách tiếp cận của chính quyền Trump khiến một số đồng minh châu Âu lo ngại Washington đã nhượng bộ Moskva từ trước cả khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Những tuyên bố mâu thuẫn từ một số quan chức cấp cao Mỹ càng làm tăng bối rối cho đồng minh và đối tác.
Tổng thống Zelensky tuần trước kêu gọi thành lập quân đội châu Âu, cho rằng châu lục này không còn chắc chắn được Mỹ bảo vệ và sẽ chỉ được tôn trọng nếu có quân đội mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Telegraph, AFP, Reuters)
Cuộc thử nghiệm tên lửa của Nhật Bản được xem là thiết yếu trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực ngày càng nghiêm trọng.
Trường Đại học Nữ sinh Sookmyung hủy bằng thạc sĩ của cựu đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Keon-hee với lý do gian lận trong luận văn tốt nghiệp.
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 27/6.
Mỹ triển khai một số oanh tạc cơ B-2 'trống giong cờ mở' bay về hướng tây để đánh lạc hướng, trong lúc phi đội chính lặng lẽ hướng về phía đông để tập kích Iran.
Tối 17/6 (giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Alberta (Canada) đã bế mạc.
Ông Trump đăng tin nhắn của Tổng thư ký NATO lên mạng xã hội Truth Social, trong đó ông Rutte ca ngợi 'hành động quyết đoán' của Tổng thống Mỹ tại Iran.
Ngày 24/6, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã phát hiện các quả tên lửa được phóng từ Iran về phía nước này chỉ vài giờ sau khi hai bên tuyên bố đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Ông Hun Sen cho biết một quan chức Campuchia 'trong lúc tức giận' đã rò rỉ cuộc điện đàm của ông với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn, khiến tình bạn với gia tộc Shinawatra đổ vỡ.
Ngày 17/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban ASEAN tại Kuwait (ACK) trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam.