Thống kê mới nhất của Indonesia cho thấy 10 triệu thanh niên độ tuổi 15-24 không có việc làm, không được học hành và không được đào tạo. Nhóm tuổi chiếm 55% người thất nghiệp ở Indonesia, tăng so với mức 45% vào năm 2020.
Giáo sư Asep Suryahadi ở Viện nghiên cứu SMERU trụ sở ở Jakarta, nói giới trẻ hiện không đủ khả năng chờ đợi công việc đòi hỏi trình độ và tương ứng với mức lương cao.
"Họ phải làm bất kỳ công việc nào có thể," ông nói. Nhiều thanh niên Indonesia cũng được xem là thất nghiệp vì họ làm việc không đúng với khả năng hoặc làm ít giờ hơn so với những gì họ mong muốn.
Điều này khiến các chuyên gia lo ngại. Nghiên cứu của SMERU cho thấy gần 50% số người bắt đầu làm công việc lao động phi chính thức ở cấp thấp vẫn tiếp tục làm công việc này trong suốt 8 đến 19 năm sau đó.
Tuy nhiên, Indonesia không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với cuộc khủng hoảng này. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm thanh niên vẫn đang xảy ra ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Giới trẻ đang vật lộn với sự cạnh tranh khốc liệt do ít việc làm và khó tìm được việc phù hợp với trình độ học vấn. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục là 21,3% vào tháng 6/2023.
Nghiên cứu cũng cho thấy 24% sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc có trình độ vượt quá yêu cầu đối với vị trí hiện tại của họ, trong khi 34% có công việc không liên quan đến lĩnh vực họ học tập.
Các chuyên gia lo ngại nếu các quốc gia này không khai thác được lực lượng lao động trẻ một cách hiệu quả hơn, chúng sẽ cản trở sự tăng trưởng chung của khu vực trong vài thập kỷ tới.
Sachin Kumar, 21 tuổi, đã thất nghiệp trong hai năm cho đến khi anh làm việc cho công ty sửa chữa xe. Anh đang học bảo dưỡng xe với hy vọng thăng tiến lên vị trí cao hơn.
Khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy 1/3 thanh niên Indonesia muốn tự khởi nghiệp ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Họ có ước mơ làm doanh nhân mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác.
Chính quyền nhiều quốc gia đang nỗ lực hỗ trợ họ thông qua các chính sách về công nghệ và chuyển hướng đến nông thôn.
Ở Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh thiết lập chính sách phục hồi nông thôn, thúc đẩy đổi mới nông nghiệp, giáo dục và phát triển cộng đồng ở các vùng quê.
Họ ghi nhận cuộc chuyển dịch của người trẻ quay trở lại những thị trấn nhỏ nơi họ từng rời đi để học tập và làm việc ở các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô.
Cao Binyang, quê ở Tứ Xuyên, đã trở về vào năm 2021. Anh cùng mẹ tiếp quản trang trại cam và mở thêm một nhà hàng mô hình từ nông trại đến bàn ăn của họ. Trong 5 năm qua, làng họ có thêm 75 cư dân mới, đều là người di cư, trình độ đã tốt nghiệp dưới 35 tuổi.
Trung Quốc đang đẩy mạnh việc tạo việc làm cho thanh niên nông thôn để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện vào năm 2049. Tuy nhiên, họ còn cần tập trung vào việc tạo ra công việc có trình độ cao và lương tốt, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng xanh.
Trong khi đó, Ấn Độ và Indonesia cũng đang đối mặt với áp lực khi đặt ra những mục tiêu lớn. Ấn Độ muốn trở thành nền kinh tế trị giá 30 nghìn tỷ USD và đạt vị thế quốc gia phát triển vào năm 2047, trong khi Indonesia hướng đến tầm nhìn Indonesia Vàng 2045 để trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.