Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo các điều kiện cho năm học mới

16:10 18/08/2023

Thời điểm này, ngành giáo dục và các quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới với yêu cầu đảm bảo cả về đội ngũ lẫn cơ sở vật chất.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Năm học 2023-2024, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tăng hơn 35.000 học sinh ở các cấp học. Mặc dù vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho 100% học sinh trên địa bàn nhưng việc tổ chức hoạt động theo yêu cầu Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 của ngành giáo dục thành phố dự báo gặp rất nhiều khó khăn.

Thời điểm này, ngành giáo dục và các địa phương đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới với yêu cầu đảm bảo cả về đội ngũ lẫn cơ sở vật chất.

Đổi mới tuyển sinh đầu cấp

Năm học 2023-2024, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong tuyển sinh đầu cấp với việc thực hiện hoàn toàn theo hình thức trực tuyến; đồng thời thí điểm áp dụng hệ thống bản đồ của ngành giáo dục (GIS) vào công tác tuyển sinh ở ba địa phương gồm: quận 8, Tân Bình và thành phố Thủ Đức.

Có con gái sinh năm 2012, chị Nguyễn Ánh Nhung (thành phố Thủ Đức) thực hiện các bước đăng ký trực tuyến tuyển sinh vào lớp 6 cho con theo hướng dẫn.

Sau các bước khai báo thông tin bằng mã định danh cá nhân học sinh, xác nhận nguyện vọng đăng ký trên phần mềm tuyển sinh, chị Nhung nhận được kết quả con được phân tuyến vào lớp 6, Trường Trung học Cơ sở Trường Thạnh, gần nơi cư trú.

Thí sinh xem thông tin phòng thi tại Điểm thi Trường Trung học Cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Nhận được kết quả tuyển sinh, chị Nhung chỉ cần đến trường một lần duy nhất để xác nhận nhập học cho con.

Chị Nhung chia sẻ việc thực hiện tuyển sinh hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến đã tạo thuận lợi cho phụ huynh, giảm thời gian đi lại thực hiện hồ sơ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các bước đăng ký trực tuyến phát sinh các vấn đề như: hệ thống bị lỗi do quá tải. Mặt khác, chị còn bỡ ngỡ trong việc thao tác các bước đăng ký trên hệ thống. Quá trình đó, chị được giáo viên trường Tiểu học của con hỗ trợ, hướng dẫn.

Từ năm học 2023-2024, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các bước trong quy trình tuyển sinh các lớp đầu cấp hoàn toàn theo hình thức trực tuyến. Quy trình tuyển sinh trải qua 3 giai đoạn với các bước như khai báo thông tin bằng mã định danh của học sinh, rà soát thông tin trên hệ thống và đăng ký tuyển sinh; dựa trên dữ liệu trên hệ thống, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương sẽ phân tuyến học sinh vào các trường và công bố kết quả tuyển sinh. Từ kết quả này, phụ huynh đến trường thực hiện hồ sơ nhập học cho con.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ thực tế triển khai cho thấy việc ứng dụng công nghệ đã tạo thuận lợi cho cả phụ huynh và giảm tải cho trường học trong thực hiện công tác tuyển sinh. Dù đạt được nhiều kết quả tích cực từ việc chuyển đổi hình thức tuyển sinh sang trực tuyến, tuy nhiên, trong triển khai thực tiễn còn có những vấn đề khó khăn cần được giải quyết như hệ thống chưa đáp ứng.

Phụ huynh chưa quen với thao tác trên thiết bị công nghệ. Nhà trường còn lúng túng trong việc giải quyết các trường hợp phát sinh trong phân tuyến, một số phụ huynh còn băn khoăn về kết quả phân tuyến.

Mặt khác, dù thực hiện tuyển sinh trên một hệ thống chung của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, nhưng mỗi địa phương lại có kế hoạch tuyển sinh riêng với những yêu cầu, căn cứ để phân tuyến trường học riêng. Vì thế, trong đợt tuyển sinh vừa qua, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng học sinh đăng ký thông tin tuyển sinh nhưng chưa được phân tuyến. Các trường hợp chưa được phân tuyến này vẫn được tiếp tục hỗ trợ giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, nhưng điều này khiến phụ huynh băn khoăn.

Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu nhiều giáo viên các môn nghệ thuật. (Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

Năm nay, ba địa phương tại thành phố gồm quận 8, thành phố Thủ Đức, quận Tân Bình thực hiện thí điểm áp dụng bản đồ số (GIS) của ngành giáo dục để phân tuyến trong tuyển sinh đầu cấp. Điều này có nghĩa là thay vì phân tuyến học sinh theo địa bàn phường như trước đây, học sinh sẽ được bố trí học tại trường gần nhà nhất, có thể không theo địa giới hành chính.

Thực tế, số học sinh tại mỗi địa bàn đông và luôn có xu hướng tăng, nhu cầu học tập của học sinh rất đa dạng theo từng loại hình trường, lớp; nhất là nhu cầu theo học trường tiên tiến hội nhập quốc tế, lớp tiếng Anh tăng cường, tích hợp khá lớn trong khi khả năng đáp ứng còn hạn chế. Chỉ tiêu tuyển sinh không đáp ứng nhu cầu, phân bổ vào học ở trường không như mong muốn… là những lý do khiến một số phụ huynh không đồng ý kết quả tuyển sinh.

Vì thế, dù theo kế hoạch, công tác tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6) của thành phố được hoàn tất vào cuối tháng Bảy nhưng nhiều quận, huyện phải tiếp tục mở cổng đăng ký xét tuyển cho các trường hợp chưa xác nhận nhập học hoặc chưa được phân tuyến.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, chia sẻ năm nay, thành phố có nhiều đổi mới trong tuyển sinh đầu cấp. Đến nay, 99% học sinh của thành phố đã được cập nhật dữ liệu trên hệ thống của ngành.

Trong năm đầu tiên triển khai, dù có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm và khắc phục trong năm học tới, nhưng việc đổi mới tuyển sinh đầu cấp là một dấu ấn lớn của thành phố. Hầu hết phụ huynh hài lòng với kết quả tuyển sinh, nhưng cũng có những trường hợp phụ huynh chưa hài lòng với việc phân tuyến trường học của các quận, huyện.

Đẩy nhanh xây dựng cơ sở vật chất

Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư, xây dựng trường học, lớp học mới nhưng chưa thể giảm được áp lực về chỗ học.

Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, số phòng học được xây dựng, sửa chữa bổ sung hằng năm không thể đáp ứng kịp số học sinh tăng cơ học.

Mặt khác, với việc thực hiện cuốn chiếu Chương trình Giáo dục Phổ thông mới, dự kiến trong 5 năm tới, thiếu trường bậc Trung học Cơ sở là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, trong quy hoạch chung, các vị trí xây dựng trường học được ấn định cho từng bậc học, việc điều chỉnh dự án từ xây trường Tiểu học, Mầm non thành trường Trung học Cơ sở khó khăn và kéo dài.

Nhiều năm nay, các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân của huyện Bình Chánh luôn chịu áp lực lớn trong việc giải quyết chỗ học cho học sinh trước tình trạng tăng dân số cơ học ở mức cao do tập trung khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trường lớp được đầu tư xây dựng nhưng không thể theo kịp tốc độ tăng học sinh.

Thống kê số học sinh trong độ tuổi đi học cho thấy ở các xã này đang cần 1.801 phòng học nhưng hiện có chỉ 1.243 phòng. Thực tế đặt ra nhu cầu cấp bách đối với huyện là xây thêm 558 phòng học cho các xã này.

Bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh, toàn huyện hiện có hơn 130 trường (89 trường công lập, 41 trường ngoài công lập), cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập tại địa phương. Dù vậy, để đảm bảo trường, lớp theo quy định, huyện cần có khoảng 170 trường mới nữa. Trong điều kiện nguồn lực đầu tư công có hạn, huyện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này.

Trong quy hoạch chung của huyện, hiện có 84 vị trí được quy hoạch xây dựng trường học với tổng diện tích gân 100ha, tập trung ở các xã có nhu cầu cao.

Áp lực về trường, lớp còn xảy ra ở rất nhiều địa phương khác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Thủ Đức và các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn là những địa phương có số học sinh tăng nhiều nhất, bởi ở đây quá trình đô thị hóa nhanh, dân số cơ học khu vực này tăng cao.

Nhu cầu chỗ học tăng cao nhưng rất nhiều dự án xây dựng, mở rộng trường học chậm tiến độ. Khó khăn lớn nhất là do vướng trong công tác giải phóng mặt bằng, hiện quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch giáo dục cơ bản đã triển khai; cùng với đó, một số dự án chưa bố trí vốn, chưa duyệt kế hoạch hoặc điều chỉnh dự án.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết Sở đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn.

Sở tham mưu thành phố ưu tiên bố trí vốn ngân sách đẩy nhanh các công trình xây dựng trường học, đặc biệt là ở các quận 7, quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh để tăng cường chỗ học trước tình hình tăng dân số cơ học.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách, thành phố có một số cơ chế, giải pháp đặc thù ưu đãi về đất đai, thuế, thủ tục hành chính để thu hút các nguồn lực đầu tư vào giáo dục. Hiện nay, nhiều địa phương đang đẩy mạnh triển khai các chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Căn cứ vào dự kiến quy mô dân số độ tuổi đi học và số phòng học hiện có, dự kiến từ nay đến năm 2025, thành phố cần xây thêm hơn 7.700 phòng học mới.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo đến tháng 12/2022, toàn thành phố đã đạt 294 phòng nhưng tỷ lệ này không đông đều, có quận, huyện đạt rất thấp, thậm chí, ngay cả trong kế hoạch đến năm 2025 nhiều địa phương cũng xác định không thể đạt được chỉ tiêu này.

Củng cố đội ngũ giáo viên

Năm học 2023-2024, thành phố có nhu cầu tuyển 4.466 giáo viên các bậc học. Hiện nhiều quận, huyện vẫn đang trong quá trình tuyển dụng viên chức ngành giáo dục cho năm học mới.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh… là những môn học đặc thù và thiếu nhiều giáo viên nhất, ở các bậc học. Bên cạnh thiếu nguồn tuyển do số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm từ các trường đào tạo giáo viên hạn chế, còn có một phần nguyên nhân do chính sách đãi ngộ cho giáo viên hiện chưa thu hút sinh viên ra trường đến với nghề dạy học.

Giải quyết thực trạng này, cùng với việc “đặt hàng” đào tạo từ các trường đại học, ngành giáo dục thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo số giáo viên theo yêu cầu. Ngành huy động giáo viên có trình độ, năng lực phù hợp theo quy định, ở hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật ở các cấp học dưới lên dạy bậc Trung học Phổ thông.

Ngoài hình thức thi tuyển, thành phố bổ sung thêm hình thức ưu tiên xét tuyển với những đối tượng sinh viên xuất sắc, với các trường hợp có kinh nghiệm công tác và trình độ phù hợp với nhu cầu tuyển dụng…

Mặt khác, nếu không đủ nguồn nhân sự tại chỗ, các đơn vị có thể liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký hợp đồng ngắn hạn theo quy định; các đơn vị không phân công công tác kiêm nhiệm đối với giáo viên của các môn học còn thiếu giáo viên.

Cùng với nỗ lực tuyển đủ giáo viên đứng lớp, ngành giáo dục Thành phố phối hợp với các trường đại học trên địa bàn tổ chức đào tạo nâng chuẩn, bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng đội ngũ đứng lớp. Hiện tỷ lệ giáo viên các trường học của thành phố đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục khá cao.

Tính đến cuối năm học 2022-2023, bậc Mầm non có 80% giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; bậc Tiểu học có 78,5% giáo viên có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; Trung học Cơ sở có 93,2% giáo viên có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Theo kế hoạch mới được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt, năm học 2023-2024, mỗi quận, huyện sẽ phân bổ 30-40% giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo tham gia khóa học nâng chuẩn.

Cùng với đó, thành phố chú trọng công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên đề hằng năm cho cán bộ quản lý và giáo viên.

Nhiều năm nay, ngành giáo dục thành phố nỗ lực đề xuất, triển khai các chính sách nhằm thu hút, giữ chân giáo viên cho từng cấp học và đối với các vị trí giáo viên những bộ môn thiếu nguồn tuyển dụng nói riêng.

Bên cạnh các chính sách chung, thành phố đang triển khai nhiều chính sách riêng nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên. Thành phố hỗ trợ thêm 25% tiền lương/tháng do tính chất công việc cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; với giáo viên mầm non mới ra trường được hỗ trợ trong ba năm đầu làm việc, năm thứ nhất 100%, năm thứ hai 70%, năm thứ ba 50% lương cơ sở/tháng, từ năm thứ 4 thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên theo quy định hiện hành.

Từ hiệu quả của chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, thành phố dự kiến tiếp tục xây dựng đề án về chế độ hỗ trợ đối với cấp tiểu học; những năm tiếp theo sẽ xây dựng chế độ hỗ trợ đối với từng cấp học còn lại./.

Có thể bạn quan tâm
Nhiều nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh bị đề nghị xem xét kỷ luật

Nhiều nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh bị đề nghị xem xét kỷ luật

13:50 16/07/2023

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC); Nguyễn Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc AIC; Trương Thị Xuân Loan, Trưởng ban quản lý dự án 3 (Công ty AIC); Nguyễn Thị Tích Tổng giám đốc Công ty Mopha; Hoàng Đình Sơn, cựu phó giám đốc Ban quản lý dự án các Công trình y tế (Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh); Nguyễn Quý Thị, cựu trưởng phòng hành chính tổng hợp, Ban quản lý dự án (Sở Y...

Điểm cấm đổ rác lại thành nơi để rác ở trung tâm thành phố Cần Thơ

Điểm cấm đổ rác lại thành nơi để rác ở trung tâm thành phố Cần Thơ

14:00 25/05/2024

Cần Thơ - Dù đã có biển cấm với mức phạt khá nặng, thế nhưng dọc theo các tuyến đường trung tâm thành phố, những túi rác lớn nhỏ cứ...

CSGT Hà Nội tuyên truyền, xử lý nhiều tài xế xe 'u-oát' chở khách vi phạm

CSGT Hà Nội tuyên truyền, xử lý nhiều tài xế xe 'u-oát' chở khách vi phạm

19:20 11/06/2024

Quá trình làm nhiệm vụ, tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) dừng kiểm tra, xử lý nhiều xe 'u-oát' vi phạm, đồng thời tuyên truyền về việc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông.

Vì sao Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam xin thôi giữ chức vụ?

Vì sao Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam xin thôi giữ chức vụ?

11:50 17/11/2023

Ngày 17/11, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Dương Ngọc Vinh cho biết, cách đây một tháng, ông đã gửi đơn bày tỏ nguyện vọng xin thôi giữ chức vụ Phó giám đốc sở. “Thời gian qua, công việc tại Sở Y tế, tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, tôi xin thôi giữ chức vụ vì nhận thấy Bệnh viện Mắt Quảng Nam đang thiếu con người để phát triển. Trong khi tôi lại là người được đào tạo chuyên sâu về mắt từ những năm vừa ra trường đến bây giờ. Tôi nghĩ khi...

Bắt khẩn cấp người đàn ông ở Bình Thuận sử dụng, mua bán giấy phép lái xe giả

Bắt khẩn cấp người đàn ông ở Bình Thuận sử dụng, mua bán giấy phép lái xe giả

19:50 31/05/2024

Chiều 31/5, thông tin từ Công an huyện Hàm Thuận Nam, đơn vị đã bắt khẩn cấp N.V.T (49 tuổi, thường trú Đồng Nai, tạm trú xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) để điều tra làm rõ về hành vi “sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức là giấy phép lái xe giả” quy định tại khoản 2, Điều 341 Bộ luật Hình sự. Trước đó, trong quá trình triển khai công tác tích hợp định danh điện tử ứng dụng VNeID, Công an huyện Hàm Thuận Nam phát hiện nhiều người dân sử...

Một sinh viên Trường đại học Hải Phòng bị hủy trúng tuyển sau 2 năm học

Một sinh viên Trường đại học Hải Phòng bị hủy trúng tuyển sau 2 năm học

13:00 13/07/2023

Sau khi đã học được 2 năm tại Trường đại học Hải Phòng, sinh viên Đỗ Tiến Đ. (23 tuổi) bất ngờ nhận được thông báo hủy kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh từ năm 2021.

Giữa đêm lẻn vào quán karaoke giết người để thỏa cơn bực tức

Giữa đêm lẻn vào quán karaoke giết người để thỏa cơn bực tức

20:30 24/02/2023

Hung thủ giết nhân viên quán karaoke ở Quảng Ngãi bị bắt ở Bình Dương khai do mâu thuẫn với nhân viên quán trong lúc hát nên nảy sinh ý định giết để trả thù.

Khởi tố người giúp sức bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan

Khởi tố người giúp sức bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan

16:00 04/11/2023

Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định bị can Dương Tấn Trước giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong vụ...

Trường học hạnh phúc ở TP.HCM: Không ghi hình thức kỷ luật vào học bạ

Trường học hạnh phúc ở TP.HCM: Không ghi hình thức kỷ luật vào học bạ

10:10 20/10/2023

Không ghi hình thức kỷ luật vào học bạ học sinh là một trong những nội dung thực hiện tiêu chí Trường học hạnh phúc ở TP.HCM.

Co loi xay ra
Co loi xay ra