Trước Tết, nhiều bạn trẻ TP.HCM cùng các cô chú lão thành cách mạng tìm về căn cứ của Đoàn thời kháng chiến như một gắn kết truyền thống.
Mỗi chuyến đi là lời tri ân bà con các vùng đất đã từng nuôi giấu bao thế hệ cán bộ Thành Đoàn thời chiến, cũng là cơ hội quý giá để các bạn trẻ tìm hiểu và thêm tự hào về trang sử lẫy lừng, trưởng thành của tổ chức Đoàn đi cùng vị thế vững mạnh của Tổ quốc.
Đi với đoàn về thăm cứ Sông Sở Thượng (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) ngay trước Tết Giáp Thìn 2024 hôm ấy có bà Đoàn Thị Kim Cúc (bí danh Út Hằng). Bà Út Hằng từng là cán bộ Thành Đoàn hoạt động tại căn cứ này giai đoạn 1970 - 1972. Bà nói đó là một thời tuổi trẻ gan dạ, một lòng đi theo cách mạng.
Bà từng bị bắt, bị bỏ tù. Ra tù, được tổ chức phân công, bà Út Hằng trở thành giao liên tại chính khu căn cứ này. Năm 1973, lực lượng ở đây được rút hết và phải rất lâu sau bà mới có dịp trở lại thăm chốn xưa.
Cơ duyên trở lại vùng đất ấy đến với bà Cúc hồi năm 2000. Khi đó, bà đi theo đội hình thanh niên tình nguyện của Thành Đoàn TP.HCM về hỗ trợ bà con huyện Hồng Ngự khắc phục hậu quả lũ lụt. Chuyến đi tình cờ mà hữu duyên ấy đưa bà đi vào đúng vùng đất mình cùng đồng đội từng hoạt động ngày trước.
Lân la hỏi thăm, bà Cúc kết nối lại được với nhiều gia đình từng hỗ trợ cách mạng, hỏi ra được nhiều người đã dành cả tuổi trẻ tham gia hoạt động cùng cán bộ Thành Đoàn ngày ấy mà nay người còn người mất.
Thế là đến nay đã 24 năm, cứ chuẩn bị đón xuân mỗi năm, thể nào cô giao liên Út Hằng năm xưa cũng tìm về nơi ghi dấu bao kỷ niệm, ký ức của những ngày tuổi trẻ sôi nổi bí mật đi làm cách mạng của mình và đồng đội.
"Mỗi lần về cứ, được ôm nhau hỏi thăm sức khỏe đã thấy lòng ấm áp khó tả. Có những bà má già yếu nay không còn nhưng tình cảm của những người ở lại vẫn thắm thiết, bồi hồi xúc động lắm" - bà Út Hằng xúc động.
Câu chuyện nối tiếp trên mỗi chuyến xe trong hành trình về thăm cứ được các cô chú Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm của một thời gian khó nhưng rất đỗi tự hào. Rồi họ nhắc tên từng gia đình, người dân gắn với những câu chuyện học giữa rừng, kỷ niệm lội đồng bắt cá cải thiện bữa ăn. Ký ức ùa về như mới hôm qua!
Đi cùng chuyến với các cô chú lão thành cách mạng, bạn Trần Bảo Ngọc - sinh viên năm nhất Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - nói thấy rất vui và tự hào vì không chỉ có cơ hội lần đầu đến miền Tây mà còn được học về lịch sử của cha ông đi trước một cách trực quan nhất. Ngọc nói chưa đến cứ nghĩ đó là một di tích lịch sử được tôn tạo, gìn giữ.
Nhưng đặt chân đến nơi, bạn đầy bất ngờ vì căn cứ Sông Sở Thượng là cả vùng đất mà người dân Hồng Ngự ngày ấy anh dũng, kiên cường đã che chở, nuôi giấu cán bộ của Đoàn thời kháng chiến, quyết một lòng theo Đảng, bảo vệ Tổ quốc.
Mỗi món quà được Ngọc cùng các thành viên trong đoàn trao đến bà con và các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn chỉ như lời tri ân nhỏ bé bởi khó mà sánh được với công sức, sự hy sinh của bà con nơi đây trong thời khắc đầy khói lửa ấy. Ngọc nói chuyến đi để lại nhiều suy nghĩ và bạn mong sẽ có nhiều hơn những chuyến về nguồn như thế.
"Với mình, đây là cơ hội quý để tuổi trẻ được gặp gỡ những nhân chứng một thời đã cùng viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. Lắng nghe những câu chuyện truyền thống còn giúp khơi lên khát khao chia sẻ, cống hiến trong lòng mỗi bạn trẻ có mặt trong chuyến đi, mình tin vậy" - Bảo Ngọc bày tỏ.
Trở về sau hành trình cùng các bạn trẻ đến thăm cứ tại tỉnh Bến Tre, chị Tô Phương Thảo - bí thư Quận đoàn 4 (TP.HCM) - cho rằng mỗi chuyến đi thăm cứ dịp cuối năm của Thành Đoàn đã góp phần giáo dục truyền thống anh hùng của Đoàn, giúp cán bộ Đoàn các thời kỳ và đoàn viên, thanh niên thêm gắn bó.
Đồng thời cũng thể hiện tình cảm và trách nhiệm của tuổi trẻ TP với các thế hệ đi trước, nhất là giúp cho cán bộ Đoàn, tuổi trẻ TP.HCM và các địa phương nơi từng đóng căn cứ hiểu về vai trò quan trọng của vùng căn cứ của Đoàn, mối quan hệ gắn bó máu thịt của những gia đình nơi đây với bao cán bộ Thành Đoàn ngày ấy đến nay.
Tại mỗi cứ đến thăm, nhiều cô chú thành viên Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn kể những câu chuyện, ký ức về một thời hoạt động cách mạng tại mỗi nơi này.
Nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phạm Chánh Trực (bí danh Năm Nghị) - chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn, cùng đi thăm cứ tại Bình Dương, Bến Tre - chia sẻ: "Nhờ sự che giấu và ủng hộ của bà con mà hoạt động của học sinh, sinh viên và cán bộ Thành Đoàn lúc bấy giờ đã góp phần vào cuộc tranh đấu, góp sức chung cho sự nghiệp giải phóng miền Nam".
Ông Năm Nghị nói những câu chuyện về căn cứ kháng chiến Thành Đoàn cũng chính là câu chuyện về truyền thống cách mạng lâu đời của cha ông. Mà nếu không có sự cưu mang, nuôi giấu của các gia đình thì bao thế hệ cán bộ Thành Đoàn ngày ấy khó lòng tham gia hoạt động cách mạng.
"Hiểu để trân trọng và tiếp nối truyền thống tốt đẹp, đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay" - ông Năm Nghị gửi gắm.
Hai học sinh ở miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã có hành động đẹp một công dân Mỹ bị đánh rơi tài sản.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em yêu cầu lập hội đồng chuyên môn đánh giá vụ sản phụ tử vong sau sinh mổ ở Lâm Đồng.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư T.Ư Đoàn chúc mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Nhà xuất bản Thanh niên; đánh giá cao NXB Thanh niên đã phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục, định hướng các thế hệ thanh niên Việt Nam xung kích, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ở vỉa hè của một ngã ba trung tâm quận 1 có gánh xôi từ hơn 30 năm trước. Người dân quanh đó vẫn quen gọi là xôi gà cô Lệ.
Người khám sức khỏe để cấp đổi giấy phép lái ôtô phải xét nghiệm 5 loại ma túy song không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn trừ khi có yêu cầu của bác sĩ.
Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi, ngày 20.6, Sở Y tế TPHCM có tờ trình UBND TPHCM về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn thành phố năm 2024.
Ngày 6/2, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Đồng Tháp tổ chức lễ khánh thành công trình “Thắp sáng đường quê bằng năng lượng mặt trời” tại ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Đây cũng là 1 trong 3 địa phương trên cả nước được Trung ương Đoàn chọn xây dựng mô hình “Làng quê đáng sống”.
Triển lãm ảnh Tổ quốc bên bờ sóng và TP.HCM - Cùng cả nước, vì cả nước, diễn ra từ ngày 25-4 đến hết ngày 2-5, tại đường đi bộ Nguyễn Huệ.
Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn dù không phải ở làng Quan họ gốc hay làng Quan họ thực hành nhưng với tình yêu dân ca đã lan tỏa tình yêu loại hình nghệ thuật truyền thống này đến cộng đồng.