Khi thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chuyển đến văn phòng mới tại trụ sở NATO, ông dường như sẽ không có nhiều khoảng thời gian "trăng mật".
Chiến dịch tranh cử chức tổng thư ký NATO của ông Mark Rutte, người sắp mãn nhiệm thủ tướng Hà Lan, kết thúc tuần này khi ông nhận được ủng hộ của tất cả 32 đồng minh NATO. Ông sẽ trở thành lãnh đạo mới của NATO thay thế Tổng thư ký đương nhiệm Jens Stoltenberg vào tháng 10.
Ông Rutte, lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ năm của Liên minh châu Âu (EU) trong 14 năm, được ca ngợi là người giỏi tìm kiếm sự đồng thuận. Ông cũng bày tỏ quyết tâm ủng hộ Ukraine, trong đó có nỗ lực của Hà Lan để đào tạo phi công tiêm kích F-16 cho Kiev.
Nhưng ngay cả khi là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, nhiệm vụ sắp tới của ông Rutte ở NATO được đánh giá là không dễ dàng.
Bốn tuần sau khi ông Rutte bắt đầu công việc mới ở NATO, người Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống và ứng viên Donald Trump được cho là có nhiều cơ hội tái đắc cử.
Sự trở lại của Trump sẽ là điều khiến nhiều người e ngại vì lập trường hoài nghi NATO của cựu tổng thống Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đe dọa cắt viện trợ cho Ukraine nếu trở lại Nhà Trắng. Nếu điều này xảy ra, đây có thể là đòn giáng nặng nề vào uy tín của các đồng minh NATO trong nỗ lực giúp đỡ Ukraine, bởi Mỹ đến nay là nhà tài trợ quân sự lớn nhất của khối cho Kiev.
Kịch bản ông Trump tái đắc cử nhiều khả năng sẽ làm chệch hướng kế hoạch của NATO trong việc kết nạp Ukraine vào liên minh trong tương lai.
Các nước NATO năm ngoái hứa hẹn rằng họ sẽ "để ngỏ cánh cửa" gia nhập liên minh với Ukraine khi tất cả thành viên đồng ý và Kiev đáp ứng các điều kiện. Tuy nhiên, dựa vào nhận xét gần đây của ông Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cam kết đó có vẻ ngày càng lung lay.
"Ông Zelensky có thể là người giao dịch giỏi nhất trong tất cả chính trị gia từ trước đến nay. Ông ấy vừa rời đi bốn ngày trước với 60 tỷ USD, sau khi ký thỏa thuận an ninh 10 năm với Tổng thống Joe Biden, và ông ấy về nhà thông báo rằng cần thêm 60 tỷ USD nữa. Những yêu cầu đó không bao giờ dừng lại", ông Trump nói trong một chiến dịch tranh cử tuần trước.
Dù sự trở lại của ông Trump được cho mang theo nhiều thách thức, ông Rutte báo hiệu rằng sẵn sàng làm việc với cựu tổng thống Mỹ.
"Chúng ta nên ngừng than vãn và cằn nhằn về Trump. Tôi không phải người Mỹ và cũng không thể bỏ phiếu ở Mỹ. Chúng ta phải làm việc với bất kỳ ai trở thành lãnh đạo nước này", ông nói tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2.
Ngay sau khi ông Rutte nhậm chức, lãnh đạo NATO cũng sẽ phải tiếp tục giải quyết bài toán giúp đỡ Ukraine trong cuộc chiến chưa hồi kết với Nga. Ukraine được cho là sẽ kêu gọi NATO tăng cường giúp đỡ khi mùa đông tới gần.
Trong những tháng gần đây, Nga đã tăng cường tấn công nhằm vào các nhà máy nhiệt điện và đập thủy điện ở Ukraine. Thiệt hại về hạ tầng năng lượng này dự kiến mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để sửa chữa.
Chiến thuật đánh vào hạ tầng năng lượng của Nga không mới. Trong mùa đông đầu tiên sau khi xung đột bùng phát, lưới điện của Ukraine đã tê liệt vì các đợt tập kích của Nga.
Theo Tổng thư ký sắp mãn nhiệm Stoltenberg, chìa khóa để NATO giúp Ukraine là cung cấp nhiều hệ thống phòng không để bảo vệ các cơ sở năng lượng, cũng như nhân viên bảo trì đang sửa chữa các cơ sở bị hư hại.
Các nước NATO cũng đang nỗ lực tìm cách chuyển hệ thống phòng không cho Ukraine để giúp nước này xây dựng lưới phòng không vững chắc. Song châu Âu không có nhiều nguồn cung để đáp ứng nhu cầu, khi các nước gần Nga không sẵn sàng từ bỏ lá chắn trên không vào thời điểm nguy hiểm này.
NATO tuần qua ghi nhận 23 trong 32 thành viên đạt mức chi ngân sách quốc phòng 2% GDP. Hà Lan cũng đã vượt qua ngưỡng này sau nhiều năm không hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa 1/3 liên minh chưa đạt mục tiêu, dù cam kết được đưa ra từ 10 năm trước.
Các quốc gia Nam Âu nằm trong số những nước chưa hoàn thành kế hoạch. Tại Italy, chi tiêu quốc phòng năm 2024 ước tính giảm nhẹ so với mức 1,5% GDP vào năm ngoái. Tây Ban Nga chỉ chi 1,28% GDP cho quốc phòng, trong khi Bồ Đào Nha cam kết 1,55%.
Ông Trump trong nhiệm kỳ đầu nhiều lần phàn nàn về việc các nước thành viên NATO không đáp ứng mục tiêu 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Trong cuộc vận động tranh cử tại bang Nam Carolina hồi tháng 2, cựu tổng thống Mỹ cho biết ông từng nói với một "lãnh đạo quốc gia lớn" tại hội nghị của NATO rằng sẽ không bảo vệ các nước không đóng góp đủ ngân sách.
Canada, quốc gia láng giềng của Mỹ, chỉ cam kết mức chi 1,37% GDP cho ngân sách quốc phòng, tăng 0,1% so với thời điểm xung đột Ukraine bùng phát.
Giới quan sát nhận định ông Rutte sẽ phải tìm cách giải quyết bài toán tăng ngân sách của các nước thành viên NATO, đặc biệt trong trường hợp ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Ngoài ra, Rutte cũng có thể phải đối mặt vấn đề đau đầu khi các nước gần biên giới Nga không thực sự ủng hộ ông. Họ bất bình về mức chi tiêu quốc phòng thấp của Hà Lan và đặc biệt khó chịu khi vai trò lãnh đạo NATO luôn thuộc về các nước phương Tây hoặc Bắc Âu, dù các thành viên sườn đông đã gia nhập liên minh hơn 1/4 thế kỷ.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas không tham gia cuộc tranh cử vị trí lãnh đạo NATO sau khi được thông báo rằng bà sẽ không nhận được ủng hộ từ các nước như Mỹ, Pháp. Đức. Các nước lo ngại việc bổ nhiệm Kallas sẽ bị Moskva coi là hành vi leo thang căng thẳng.
Tổng thống Romania Klaus Iohannis chạy đua tranh cử nhưng chỉ duy nhất Hungary ủng hộ ông.
Các nước sườn đông NATO có thể sẽ yêu cầu bổ nhiệm đại diện của họ vào vị trí cấp thấp hơn như phó tổng thư ký và trợ lý tổng thư ký. Việc phân bổ vai trò trong liên minh đã trở thành vấn đề gây nhức nhối đối với các nước ở sườn đông trong nhiều năm qua. Trong khi vị trí phó tổng thư ký hiện tại là đại diện của Romania, tất cả 7 vị trí trợ lý tổng thư ký đều là đại diện của phương Tây, gồm hai người Mỹ và 5 người đến từ Đức, Hà Lan, Anh, Italy, Pháp.
"Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông Rutte trên cương vị Tổng thư ký NATO sẽ là bổ nhiệm cấp phó và chắc chắn sẽ đối mặt áp lực phải chọn ai đó từ các nước Đông Âu", Stuart Lau, nhà phân tích của Politico, nói.
Không chỉ đối mặt thách thức từ cựu tổng thống Trump, ông Rutte cũng sẽ phải thuyết phục nhiều thành viên khác duy trì liên minh NATO. Trên khắp châu Âu, các đảng cực hữu hoài nghi vai trò của NATO và có lập trường thân thiện hơn với Nga đang trỗi dậy.
Pháp đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử quốc hội, trong đó đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) nhiều khả năng chiến thắng. Tổng thống Emmanuel Macron cáo buộc phe cực hữu có ý định đưa Pháp rời NATO và kêu gọi ủng hộ nhằm ngăn phe cực hữu nắm quyền. Sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Pháp đã buộc ông Stoltenberg phải đưa ra lời kêu gọi Paris "giữ cho NATO mạnh mẽ".
Ông Rutte có lẽ rất hiểu điều này. Ông sẽ làm quen với công việc của NATO trong khi đảng Nhân dân Tự do và Dân chủ trung hữu của ông đối mặt nguy cơ thua đảng cực hữu Vì Tự do do Geert Wilders lãnh đạo trong cuộc bầu cử ở Hà Lan.
Trong cuộc phỏng vấn năm ngoái, Wilders tuyên bố đánh giá cao Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như ông Trump vì họ là "những lãnh đạo đại diện cho người Nga và người Mỹ".
Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng có một điều mà ông Rutte không cần lo lắng khi đảm nhận vai trò lãnh đạo NATO là "công việc mới của ông ấy sẽ không nhàm chán".
Thanh Tâm (Theo Politico, AFP, Reuters)
Một thuyền chở 10 hành khách đã bị lật trên khúc sông chảy qua huyện Pakbaeng, tỉnh Oudomxay, Bắc Lào vào cuối tuần qua, khiến 3 người thiệt mạng (đã tìm thấy thi thể) và 2 người mất tích.
Ngày 25/7, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia đã tổ chức lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và mở sổ tang tại trụ sở cơ quan.
Chính quyền quân sự khẳng định không nhượng bộ trước ECOWAS, láng giềng ‘mạnh tay’ với Niamey là một số tin tức đáng chú ý sau vụ đảo chính ở Niger.
Trực thăng Mi-8 mất tích tại bán đảo Kamchatka, trên máy bay có 19 hành khách cùng ba thành viên tổ lái.
Băng đảng Ecuador đã bắt cóc, tra hỏi và sát hại 5 du khách, dường như vì nhầm họ là thành viên của băng đảng ma túy đối thủ.
Robert F. Kennedy Jr., cháu trai cố tổng thống Kennedy, trở thành ứng viên yêu thích của người gốc Latin và có thể khiến ông Biden đánh mất phiếu của nhóm cử tri quan trọng này.
Giới chức Ukraine kiểm tra mảnh vỡ tên lửa mà họ cho là do Triều Tiên sản xuất và chuyển cho Nga, nhận định nửa số này phát nổ trên không.
Ngày 5/1, Tòa án Tối cao Mỹ đã đồng ý tiếp nhận và xử lý đơn kháng cáo của cựu Tổng thống Donald Trump đối với quyết định tư pháp cấm ông tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Cộng hòa ở bang Colorado.
Đó là chia sẻ mong muốn của Đại sứ Jaime Francisco Rodríguez tại lễ kỷ niệm 180 năm Quốc khánh Cộng hoà Dominica.