Sau đợt truyền hóa chất đầu tiên, ngay khi về đến nhà, chàng trai mồ côi đã cảm nhận được tình người ấm áp. Bà con cô bác làng xóm chạy sang hỏi han, người cho cặp bánh chưng, hoa quả, mớ rau để đứa trẻ nghèo đón một cái Tết tươm tất.
28 tháng Chạp, sau đợt truyền hóa chất đầu tiên, Nguyễn Công Quang (27 tuổi) từ Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) trở về căn nhà lụp xụp ở thôn Ngoại Đàm (xã An Phượng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương).
Hay tin Quang về đến nhà, người dân thay nhau kéo đến hỏi han tình hình sức khỏe và động viên tinh thần để anh sớm vượt qua bệnh tật. Căn nhà vốn cũ kỹ, vắng lặng nay trở nên ấm áp hơn bao giờ hết.
Từ sáng sớm, chị Giang - người làng đang bán hàng ở chợ đã tận tay mang hoa quả ngày Tết cho chàng trai nghèo. Vừa hỏi thăm sức khỏe, chị còn dặn dò Quang nếu trong nhà chưa kịp có đào, quất thì để chị mang đến cho có không khí Tết.
Còn bà Lành (48 tuổi) vừa thấy Quang về là lật đật sang thăm. Nghe anh kể sau đợt truyền hóa chất, sức khỏe yếu hơn, miệng đắng ngắt, ăn cái gì cũng thấy buồn nôn, bà xót hết gan ruột.
Nước mắt ngắn dài, bà Lành kể từ ngày mẹ mất vì tai nạn giao thông, cậu bé Quang ở một mình trong căn nhà nhỏ. Hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ, người làng ai cũng xót xa vì đứa trẻ lủi thủi tội nghiệp, vất vả vô cùng.
"Giờ lại mang thêm căn bệnh u hạch, thương lắm, không còn gì khổ hơn" - bà bật khóc.
Từ nhỏ, Quang là đứa trẻ ngoan ngoãn, biết quan tâm mọi người nên xung quanh ai cũng yêu quý. Bất kể ngày thường hay lễ tết, thấy đứa trẻ ăn uống thất thường, bà con hàng xóm lại gọi cậu sang nhà ăn cơm. Ai cũng coi Quang như con cháu trong nhà.
Đặc biệt Tết đến dường như xua đi sự cô đơn, thiếu vắng hơi ấm mẹ cha, thay vào đó là tình yêu thương, đùm bọc của hàng xóm láng giềng. Cứ đến ngày 29, 30 tháng Chạp, các cô bác lại chạy sang hỏi thăm xem nhà thiếu gì không rồi người cho cặp bánh chưng hay mang đến nải chuối, mớ rau nhà trồng để Quang có một cái Tết tươm tất. Đến ngày mùng 1 Tết là vui nhất vì được ăn cơm tân niên với các cô bác trong xóm.
Ánh mắt chất chứa nỗi niềm, Quang nói bản thân được lớn lên như ngày hôm nay là nhờ sự cưu mang, yêu thương của mọi người. Chính quyền địa phương cũng cho anh mượn gian nhà mẫu giáo cũ bỏ hoang để ở tạm. Nhờ tình thương ấy đã nuôi đứa trẻ ấy ngày một lớn lên, trưởng thành như ngày hôm nay.
Ngày nhỏ, Quang chọn đi đóng đậu ở quê để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Khi đủ tuổi lao động, anh xin vào công ty vừa học, vừa làm. Có công việc ổn định, Quang gom góp và cải tạo lại phần mái nhà, mua được một chiếc tủ thờ vững chắc để thờ cúng cha mẹ.
Tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ tự nguyện xin thoát nghèo. Quang nói ở độ tuổi đó đã có thể kiếm được tiền, sức vóc của chàng trai mới lớn cùng với lòng tự trọng không cho phép anh tiếp tục nhận hỗ trợ thêm vì xung quanh còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn.
"Làm công ty vừa có tiền vừa có bảo hiểm nên mình xin thoát nghèo luôn" - anh chia sẻ.
Tưởng rằng thử thách cuộc đời đang dần lùi bước với chàng trai mồ côi, thế nhưng sau một thời gian làm việc ở công ty, Quang mắc phải chứng bệnh ngứa, dị ứng vải.
Dù đã đi chữa ở nhiều bệnh viện tuyến trung ương, tiêu hết cả tiền tiết kiệm nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Cuối năm 2023, anh đành xin nghỉ việc ở công ty để làm việc tại nhà.
Được học nghề, Quang nhận vệ sinh máy giặt, sửa chữa máy khâu tại nhà. Nhưng một lần khách hàng đến thấy cổ họng của anh sưng to quá, khuyên anh nên đi khám bác sĩ. Lo lắng về tình hình sức khỏe, anh tìm đến cô Chín - bác sĩ trên xã để nhờ tư vấn thì cũng nhận được lời khuyên phải lên viện tuyến trên khám ngay.
Vậy là những ngày đầu năm mới, Quang khăn gói lên Hà Nội khám bệnh. Giây phút ấy chàng trai trẻ như chết lặng với kết quả chẩn đoán trên tay: U lympho (ung thư hạch).
"Lúc đấy chỉ nghĩ ông trời cho sống bao nhiêu thì sống. Số phận đã thế rồi nên mình chỉ biết cố gắng đối diện thôi" - anh nhớ lại.
Quang cho biết, liệu trình điều trị bác sĩ đưa ra là 4 mũi xạ trị, nhưng chi phí điều trị quá lớn vượt sức của anh. Vậy là một lần nữa anh ngậm ngùi nói chắc sẽ xin lại… hộ nghèo. Có như vậy mới đủ sức để chạy chữa với căn bệnh này.
Sống trong nghịch cảnh, đôi lúc cũng chạnh lòng vì trống vắng, thế nhưng tình làng nghĩa xóm đã giúp chàng trai nghèo vượt qua những biến cố, thử thách của cuộc đời.
Ngày biết tin Quang bị bệnh, người làng ai cũng thương, người nấu đồ ăn mang đến, người kêu gọi quyên góp cho anh có tiền đi chạy chữa. Mỗi người gom góp 50.000 đồng, 100.000 đồng, ai có bao nhiêu ủng hộ bấy nhiêu để giúp anh có đủ chi phí cho lần xạ trị đầu tiên.
Ánh mắt cụp xuống, Quang nói còn những lần tiếp theo thì chưa dám nghĩ tới vì trong tay chỉ còn vỏn vẹn 10 triệu đồng.
"Nhưng mình phải cố gắng sống tiếp để không phụ tình thương của mọi người" - chàng trai mồ côi quả quyết.
Em đã 30 tuổi, sinh ra và lớn lên ở miền Trung xứ Quảng, sau đó vào Sài Gòn đi học và đang làm công việc văn phòng.
Mặc dù nguồn hiến mô tạng từ người chết tim tiềm năng tại Việt Nam rất nhiều nhưng hiện chưa có quy định để thực hiện.
Dư luận đang tỏ ra rất phẫn nộ khi nhận ra mình đã bị sở thú Shanwei ở tỉnh Quảng Đông lừa tham quan hai con gấu trúc nhưng thực chất là chó chow chow.
Ngồi tính toán chi phí cho hôn lễ, Trần Hà Phương nhận ra riêng khoản vàng cưới đã tốn 64 triệu đồng, số tiền quá lớn với cả hai gia đình nên cô quyết định đi thuê vàng.
Ngày 21.3, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đơn vị vừa cấp cứu thành công một trường hợp bệnh nhân có dị vật, được xác định là con lươn dài 30cm trong ổ bụng.
Bệnh nhân 50 tuổi đột ngột ngừng tim khi đang cấp cứu, 20 phút sau tim đập trở lại rồi tiếp tục ngừng, bác sĩ phải hạ thân nhiệt chỉ huy, lọc máu.
Đại hội lần VII Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã bế mạc sau hai ngày làm việc tại Nhà văn hóa Sinh viên trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM vào hôm qua (5-11).
Nhờ chính sách visa mới, Maria Sanchez đến Việt Nam, ở lại ba tuần trước khi sang Campuchia một tuần rồi lại nhập cảnh Việt Nam dự một buổi hội thảo.
Khi công ty yêu cầu áp dụng công nghệ mới, anh Khoa xin ba tháng để làm quen nhưng cấp trên chỉ cho một tháng.