Sức mua sáng nay có nơi tăng gấp 3 lần khi người dân đổ đi tích trữ hàng tránh bão nhưng các siêu thị đều khẳng định "không thiếu hàng hóa".
Từ sáng sớm nay, nhiều chợ dân sinh, cũng như siêu thị ở các tỉnh phía Bắc - nơi có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão Yagi - chật kín khách. Đến khoảng 10h, anh Hiệp, trú tại An Dương (Hải Phòng) cho biết đi tìm mua thịt heo tại nhiều chợ ở khu vực trung tâm thành phố nhưng đều hết hàng. Tình trạng này cũng diễn ra tại một số chợ ở Hà Nội.
Các siêu thị lớn ở Hà Nội, Hải Phòng đều cho biết lượng khách hàng tăng đột biến sáng nay. Việc người dân đổ đi mua hàng hóa tích trữ khiến nhiều sản phẩm như thịt, rau xanh tạm hết trong một số thời điểm nhất định khi nhân viên chưa kịp bổ sung lên kệ hàng. Dù vậy, giá hầu hết loại thực phẩm thiết yếu tại siêu thị vẫn được giữ ổn định.
Theo Phó tổng giám đốc chuỗi siêu thị WinMart Nguyễn Tiến Dũng, riêng tại siêu thị WinMart Thăng Long, ở Cầu Giấy, lượng khách đến mua sắm tăng 300% so với ngày thường.
Co.opmart Hà Nội cũng có lượng khách hàng đến mua buổi sáng tăng khoảng 30%. Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, đơn vị đã phải bố trí nhân viên túc trực tại các quầy hàng, thu ngân, kho bãi để nhanh chóng bổ sung, không để khách hàng chờ đợi.
Tương tự, đại diện Aeon Mall Việt Nam cho biết các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị ở phía Bắc cũng ghi nhận sức mua của khách hàng trong hai ngày gần đây (5 và 6/9) tăng mạnh so với ngày thường, tập trung vào các thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả, thịt, cá, gạo, mì tôm.
"Aeon Hải Phòng nằm ở địa phương có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão nên sức mua tăng khoảng 20% so với thông thường", Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Aeon Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Huệ thông tin.
Còn tại siêu thị Go ở Hải Phòng ghi nhận sức mua tăng 20-40%. Đại diện Go cho biết từ chiều qua, người dân ở đây đã đổ đến siêu thị mua thực phẩm. Ngay từ 8h, khách hàng đã kín siêu thị, thay vì 11h trưa như ngày thường, đông nhất cũng tại các quầy rau, thịt.
Dù sức mua tăng đột biến, hầu hết siêu thị đều khẳng định đã có kế hoạch cung ứng đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân trước bão.
Phó tổng giám đốc chuỗi WinMart thông tin đã làm việc với nhà cung cấp, tăng dự trữ thêm 30% các nhóm hàng thực phẩm tươi sống. "Hàng hóa được tăng dự trữ tại các kho trung tâm ở khu vực Miền Bắc và các siêu thị, đảm bảo phục vụ khách hàng", ông Dũng nói, khẳng định chuỗi siêu thị này vẫn hoạt động đến 22h hàng ngày.
Đồng thời, WinMart cũng điều chỉnh kế hoạch cung ứng với các nhà cung cấp, đặt hàng sớm để tránh thiếu hụt hàng hóa do gián đoạn vận chuyển từ kho trung tâm về điểm bán, cũng như có phương án thay thế nguồn hàng. Ví dụ, với 2 nguồn chính cung cấp rau lá từ nông trường WinEco ở Hải Phòng và Quảng Ninh khi thiếu hụt có thể được thay thế bằng cách huy động thêm từ các nhà cung cấp khác tại Lâm Đồng.
Với Aeon Việt Nam, các cơ sở ở phía Bắc của doanh nghiệp đã được nâng lượng hàng dự trữ gấp 2-3 lần ngày thường. Công ty này cũng đã lên kế hoạch, làm việc với các nhà cung cấp nhằm đáp ứng đầy đủ nguồn cung, giá cả ổn định. Cùng với đó, chuỗi này tăng sản lượng lưu trữ tại các trung tâm phân phối (kho trung chuyển) để khi có nhu cầu có thể kịp thời đáp ứng, cung cấp cho các siêu thị. Các kênh online của Aeon vẫn luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng.
Tương tự, chuỗi GO, BigC miền Bắc đã tăng gấp đôi nguồn cung ứng rau củ quả hàng hóa thiết yếu để đảm bảo phục vụ người dân. Co.opmart Hà Nội cũng đã chủ động sắp xếp nhân sự, linh hoạt ca làm việc nhằm không làm ảnh hưởng giờ bán hàng của siêu thị, điều phối cho việc phục vụ khách hàng trực tiếp tại siêu thị và các khách hàng đặt qua điện thoại.
Đầu giờ chiều 6/9, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thông tin hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng tốt nhu cầu dù sức mua tăng mạnh từ chiều qua, căn cứ báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước. Hiện lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường.
Đến nay, qua báo cáo sơ bộ từ các Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối, tình hình thị trường hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 cơ bản vẫn ổn định, sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mỳ gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu. Theo nhận định của Sở Công Thương các địa phương, nguồn cung hàng hóa thiết yếu sẽ được bảo đảm và cung ứng đủ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão Yagi có phạm vi ảnh hưởng rất rộng nên từ trưa nay, vùng biển phía đông của vịnh Bắc Bộ (gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ tối và đêm nay, vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, biển động dữ dội. Đây là một trong những cơn bão được cho là mạnh nhất trên Biển Đông 30 năm qua.
Các cơ quan khí tượng cũng dự đoán vị trí đầu tiên tâm bão đi vào là khu vực giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, cường độ cấp 10-12, tức tối đa 133 km/h, giật cấp 14. Bão sau đó có thể đi sâu vào Đông Bắc Bộ, gây gió mạnh cấp 6-8 (tối đa 74 km/h), giật cấp 9-11. Thời điểm gió mạnh nhất là từ sáng đến chiều tối 7/9.
Tất cả tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã ra lệnh cấm biển; khoảng 240 chuyến bay nội địa và 70 chuyến bay quốc tế bị hủy trong ngày 7/9.
Thi Hà - Phương Dung - Anh Tú
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, tuy chưa đạt yêu cầu đề ra nhưng nhìn lại quý I tăng trưởng chỉ 0,7%, đến quý IV tăng hơn 9,6% là điều rất ấn tượng, đáng khích lệ, khẳng định sự cải thiện chất lượng tăng trưởng.
Tập đoàn T&T Group đã trao ủng hộ tỉnh Điện Biên 5 tỷ đồng (tương ứng với 100 căn nhà), góp phần không nhỏ vào thành công chung của Đề án làm 5.000 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương cũng như từng bước hiện thực hóa mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát, không an toàn trên địa bàn tỉnh.
Đại hội cổ đông Tập đoàn FLC sáng 4/3 đã bầu bổ sung hai thành viên vào HĐQT để thay ông Đặng Tất Thắng và bà Bùi Hải Huyền vừa từ nhiệm, trong đó có người được cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ủy quyền toàn bộ quyền cổ đông tại FLC.
Ngày 7/8, trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Pháp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, ngũ cốc miễn phí mà Nga hứa hẹn với các nước châu Phi không đủ để giải quyết vấn đề nảy sinh từ việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc.
Tại lễ khai mạc Triển lãm quốc tế công nghiệp điện và năng lượng Việt Nam - ENE Vietnam 2024, ngày 16/5, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều đề xuất thúc đẩy hợp tác Trung Quốc - Việt Nam về điện và năng lượng.
TP HCM: Nhiều dự án nhà ở tạm ngưng giải quyết hồ sơ
TP - Vụ mùa năm nay, nông dân xã Buôn Choah (huyện Krông Nô), một trong những địa phương có diện tích gieo cấy lúa lớn nhất của Đắk Nông bất lực nhìn những ruộng lúa phát triển tốt tươi nhưng bị lép, không kết hạt.
Đến hôm nay (19/9), các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả khoảng 10,3 tỷ đồng cho nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội.
Điện Biên đang là điểm thu hút khách du lịch nhất hiện nay khi ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cận kề. Dù các hãng liên tục tăng tần suất khai thác nhưng các chuyến bay giữa Hà Nội - Điện Biên đã hết sạch vé, các chuyến bay từ TPHCM còn rất ít vé một chiều.