Các sao hạng A có thể cổ vũ thêm nhiều người đi bỏ phiếu, nhưng lập trường của họ được cho là không tác động nhiều đến quan điểm của cử tri.
"Nữ hoàng truyền hình Mỹ" Oprah Winfrey ngày 19/9 chủ trì sự kiện "Nước Mỹ đoàn kết" của Phó tổng thống Kamala Harris, trong nỗ lực giúp đảng Dân chủ gây ấn tượng với cử tri. Sự kiện diễn ra tại Michigan, một trong 7 bang chiến trường định đoạt cuộc bầu cử Mỹ, thu hút hàng trăm nghìn người xem trên mạng xã hội.
Winfrey, 70 tuổi, không theo chính đảng nào và những năm gần đây thường giữ khoảng cách với chính trường. Bà thể hiện quan điểm khi bất ngờ xuất hiện tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ ở Chicago, bang Illinois, hôm 21/8.
Nhiều sao hạng A khác ở Mỹ cũng đã nêu tên ứng viên tổng thống họ ủng hộ. Ngoài Winfrey, bà Harris còn được nhiều ngôi sao như Taylor Swift, Jennifer Lopez, Billie Eilish, Jennifer Lawrence hậu thuẫn.
Cựu tổng thống Donald Trump, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, cũng được hàng loạt người nổi tiếng ủng hộ, như tỷ phú Elon Musk, ca sĩ Jason Aldean, rapper 50 Cent, Lil Wayne, chủ tịch công ty giải trí võ thuật hỗn hợp Ultimate Fighting Championship (UFC) Dana White.
Tuy nhiên, Megan Duncan, giáo sư truyền thông tại Đại học Virginia Tech ở bang Virginia, cho rằng sự ủng hộ từ người nổi tiếng thường chỉ tiếp động lực cho cử tri đi bầu hơn là thay đổi quan điểm của họ. "Họ không giỏi trong việc giúp cử tri hiểu cụ thể bất cứ chính sách nào", bà nói.
Người nổi tiếng tham gia chính trị không phải điều mới. Họ có cộng đồng người hâm mộ lớn và sức ảnh hưởng ngày càng hiện rõ theo sự phát triển của mạng xã hội.
"Có bằng chứng cho thấy tiếng nói từ người nổi tiếng là cực kỳ mạnh mẽ trong thúc đẩy sự tham gia của công dân và thay đổi kết quả thăm dò", nghiên cứu do Trung tâm Ash về Quản trị Dân chủ thuộc Đại học Harvard công bố tháng 8 có đoạn viết.
"Cử tri trẻ tuổi đang có niềm tin tương đối thấp vào giới lãnh đạo và các tổ chức, trong đó có truyền thông truyền thống, nhưng người nổi tiếng lại là ngoại lệ", Ashley Spillane, tác giả nghiên cứu, nói với ABC News.
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tham gia bầu cử của cử tri đủ điều kiện ở Mỹ thấp hơn so với các quốc gia phát triển khác, xếp thứ 31 trong số 50 quốc gia được khảo sát.
Theo bà Spillane, thiếu động lực đi bầu là một trong những lý do chính đằng sau xếp hạng này và người nổi tiếng có thể là chìa khóa để giải quyết vấn đề. "Bỏ phiếu nên là hành động hợp thời, thú vị để làm. Nghiên cứu cho thấy cử tri sẽ tham gia bầu cử nếu cảm thấy như vậy", Spillane bổ sung.
Tỷ lệ cử tri đăng ký bỏ phiếu và làm tình nguyện viên tại điểm bầu cử đều tăng khi có người nổi tiếng lên tiếng.
Taylor Swift đăng bài ủng hộ ứng viên Harris ngay sau khi bà kết thúc tranh luận với ông Trump ngày 10/9, kèm đường dẫn đến trang đăng ký bỏ phiếu. Website sau đó thông báo "ghi nhận hơn 35.000 lượt đăng ký mới thông qua đường dẫn".
"Cô ấy có lẽ là người được biết đến nhiều nhất trên hành tinh lúc này", Michael Platt, giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nói.
Kết quả thăm dò do Đại học Monmouth ở bang New Jersey công bố ngày 19/9 cho thấy 76% cử tri đã đăng ký nói họ biết về tuyên bố ủng hộ của Swift. Những khảo sát khác lại cho thấy đa số người Mỹ biết Swift định bỏ phiếu cho ai, nhưng hầu hết không bị lay chuyển bởi thông điệp từ nữ ca sĩ. Tỷ lệ này là 81% trong kết quả thăm dò công bố ngày 15/9, do ABC News/Ipsos thực hiện. 6% cảm thấy họ muốn bỏ phiếu cho bà Harris hơn, 13% ngược lại.
Dù vậy, chiến dịch của bà Harris vẫn hoan nghênh động thái của Swift, cho rằng mọi phiếu bầu đều quan trọng trong những cuộc bầu cử cạnh tranh sít sao.
Lần đầu tiên Oprah Winfrey ủng hộ một ứng viên chính trị là năm 2008, dành cho ông Barack Obama của đảng Dân chủ, người khi đó đang cạnh tranh với đối thủ đảng Cộng hòa John McCain.
Các học giả tại Đại học Northwestern ở bang Illinois và Đại học Maryland thuộc bang Maryland ước tính động thái của bà Winfrey khi đó đã giúp ông Obama có thêm một triệu phiếu bầu, chủ yếu từ cử tri nữ.
Tuy nhiên, một số chiến lược gia Dân chủ cảnh báo không nên quá sa đà vào văn hóa người nổi tiếng, đặc biệt là khi đảng này cố gắng tự thể hiện mình là bên quan tâm, bảo vệ tầng lớp lao động.
Chiến dịch tranh cử năm 2016 của Hillary Clinton từng nhận được sự ủng hộ của nhiều ngôi sao. Bà còn xuất hiện trên sân khấu cùng với Jay-Z và Beyoncé vào đêm trước ngày bầu cử, nhưng bà đã thất bại trước ông Trump.
"Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng đây không phải là một chiến dịch tập trung vào người nổi tiếng", quan chức chiến dịch của Harris cho biết. "Cách tiếp cận của chúng tôi ở đây là chúng tôi sử dụng sự ủng hộ của các ngôi sao để tạo ra không khí phấn khích hoặc tiếp cận một cộng đồng nhất định".
Như Tâm (Theo FT, ABC News)
Tổng Thư ký LHQ Guterres đã nêu bật tình hình ảm đạm tại CHDC Congo và vạch ra kế hoạch rút quân nhanh chóng và có trách nhiệm của MONUSCO sau gần 25 năm hoạt động tại quốc gia Trung Phi này.
Điện Kremlin đã từ chối xác nhận thông tin từ phía Mỹ, cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong tháng này.
Con kangaroo đấm vào mặt một sĩ quan khi người này tóm lấy đuôi nó, trong lúc con vật đang chạy trốn ở vùng nông thôn phía đông Toronto.
Theo kết quả sơ bộ, đảng VMRO-DPMNE đối lập tại CH Bắc Macedonia đã giành chiến thắng trong cả cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống nước này ngày 8/5.
Đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Wolseong ở Hàn Quốc phát hiện mực nước kho nhiên liệu đã qua sử dụng tại nhà máy này giảm vào sáng hôm nay.
Trung Quốc sẽ khởi động dự án thí điểm tại hơn 20 thành phố nhằm tạo ra văn hóa hôn nhân và sinh đẻ “kỷ nguyên mới” nhằm thúc đẩy...
Bang Alabama hành quyết Eugene Smith bằng khí nitơ nguyên chất, đánh dấu cuộc xử tử đầu tiên tại Mỹ áp dụng phương pháp này.
Giới chức Ấn Độ bắt được toàn bộ 7 nghi phạm cưỡng hiếp tập thể nữ du khách mang quốc tịch kép Brazil - Tây Ban Nha và hành hung chồng của cô.
Thống đốc Florida DeSantis thông báo dừng tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng và bày tỏ ủng hộ với cựu tổng thống Trump.