Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cắt băng khánh thành hai cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - quốc lộ 45 sáng nay 29-4.
Sáng nay Bộ Giao thông vận tải phối hợp hai tỉnh Bình Thuận, Thanh Hóa tổ chức khánh thành hai đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - quốc lộ 45. Lễ khánh thành kết nối trực tuyến hai điểm cầu Bình Thuận và Thanh Hóa.
Điểm cầu chính diễn ra tại Km0+00 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Điểm cầu còn lại diễn ra tại phía nam hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, thuộc đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45.
Đây là hai dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Trực tiếp:Khánh thành 2 dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Mai Sơn - quốc lộ 45
Đến dự buổi lễ khánh thành tại điểm cầu chính Bình Thuận có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương, địa phương liên quan. Đại diện một số hộ dân của dự án Phan Thiết - Vĩnh Hảo đi qua cũng đến dự.
Còn tại đầu cầu tỉnh Thanh Hóa có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo địa phương.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hai dự án đã trải qua 2.000 ngày đêm thần tốc thi công, gặp vô vàn khó khăn, đến nay đã đưa vào khánh thành.
Đối với đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, lần đầu tiên khu vực Đông Nam Bộ có tuyến cao tốc liền mạch, rút ngắn thời gian đi lại tại vùng trọng điểm này.
Ông Nguyễn Hồng Hải - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết khi có dự án này, địa phương đã tháo được điểm nghẽn kẹt xe cố hữu trên quốc lộ 1 và sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng đối nội, kết nối với dự án trọng điểm này.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hôm nay chúng ta vui mừng tổ chức lễ khánh thành cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Mai Sơn - quốc lộ 45. Đây là những đoạn cao tốc quan trọng, rút ngắn thời gian đi lại và đảm bảo an toàn.
Hai đầu cầu của đất nước là TP.HCM và Hà Nội đã tiến sát về miền Trung. Việc khai thác những tuyến cao tốc này ý nghĩa hơn khi dịp lễ nhân dân đi lại nhiều. “Khi phát triển và làm tốt được hạ tầng giao thông sẽ tạo ra không gian mới, khu công nghiệp mới, khu đô thị mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
20 năm qua chúng ta vừa học vừa làm. Trong 5 năm gần đây phải hoàn thành gấp đôi 20 năm trước. Khối lượng công việc gấp 4 lần 20 năm trước. Đây là nhiệm vụ hết sức thách thức, rất nặng nề, yêu cầu mục tiêu đặt ra rất lớn.
Hành lang vận tải Bắc Nam mang tính quyết định đến phát triển kinh tế nhanh và bền vững của nước ta. Là trục xuyên suốt, rất quan trọng, từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các vấn đề hạ tầng này để có một tuyến đường cao tốc xuyên suốt Bắc Nam, từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau.
Ngoài ra các tuyến cao tốc ở những vị trí khác cũng đang triển khai như các tuyến Đông Tây. Trong nhiệm kỳ này đang triển khai một loạt dự án như thế để phấn đấu đến năm 2025 có 3.000km cao tốc.
Việc phát triển hạ tầng đang làm rất quyết liệt bằng các hình thức hợp tác công tư và đầu tư công. Ngoài cao tốc còn có hệ thống sân bay, đường sắt nhanh, đường thủy nội địa, cảng biển…
Vì vậy yêu cầu đặt ra rất lớn, phải quyết tâm, nỗ lực, cố gắng hơn nữa. Bên cạnh đó phải biết cách huy động nguồn lực.
Hai dự án này đã gặp nhiều khó khăn vướng mắc, chưa đạt tiến độ theo kế hoạch, từ đó có thể thấy chúng ta đã vượt nắng - thắng mưa, thắng đại dịch, vượt lên chính mình, vượt qua bão giá… để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.
Kinh nghiệm vừa qua cho chúng ta thấy khó đến đâu phải giải quyết ở đó. Vướng mắc cấp nào thì cấp đó giải quyết, không né tránh đùn đẩy. “Khó mấy chúng ta cũng giải quyết được”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng đánh giá cao các đơn vị, không quản ngày đêm, thực hiện nghiêm các cam kết để đưa dự án vào hoàn thành.
Ông đánh giá cao các bộ ngành, địa phương phối hợp và hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải và cảm ơn bà con trong vùng dự án nhường đất, tạo điều kiện cho nhà thầu thi công.
Thủ tướng chỉ đạo phải làm tốt hơn công việc sắp tới. Lợi ích chung và lợi ích của người dân phải đặt lên trên. Phải đảm bảo đời sống nhân dân tốt hơn, ít nhất là bằng nơi ở cũ.
Ông chỉ đạo không chia nhỏ các gói thầu. Việc này mất thời gian, lãng phí nguồn lực. Xác định nhà thầu phải đảm bảo năng lực, nhà thầu nào làm tốt phải thưởng, làm không tốt phải xử lý nghiêm để động viên người làm tốt.
Tất cả phải vì lợi ích quốc gia, của nhân dân. Phải phòng chống tiêu cực, bảo vệ người làm tốt.
Việc hoàn thành hai tuyến này có vai trò quan trọng, đẩy nhanh các tuyến còn lại phải hoàn thành. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng.
Các địa phương phải đảm bảo điều kiện tốt hơn cho người dân có vùng dự án đi qua. Phải đảm bảo sinh kế, tinh thần người dân bền vững. Tận dụng tối đa lợi thế cao tốc để phát huy thêm.
Qua công trình này, các nhà thầu phải rút kinh nghiệm, áp dụng khoa học tiên tiến hơn. Nhà thầu nào làm tốt sẽ tiếp tục giao thêm việc.
10h30 sáng, Thủ tướng chính thức tuyên bố khánh thành hai dự án.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư hạ tầng giao thông được xác định là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Ngành giao thông được Quốc hội, Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc.
Bộ đang mạnh mẽ đổi mới về tư duy và cách làm, điều hành với mục tiêu hoàn thành các công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật.
Đến nay, nhiều dự án trọng điểm của ngành đã hoàn thành đưa vào khai thác. Trong đó, đường bộ cao tốc đã hoàn thành 1.580km.
Riêng giai đoạn trước năm 2020 đưa vào khai thác 1163km, trong 3 năm gần đây đã đưa vào khai thác 416km.
Hôm nay, bộ tiếp tục khai thác thêm 2 dự án, nâng lên 784km. Thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Thanh Hóa, từ TP.HCM đến Bình Thuận đã rút ngắn đáng kể.
Bộ đang chỉ đạo dự kiến khánh thành thêm hai đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Cam Lâm - Nha Trang.
Đến năm 2025 sẽ thông toàn tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Đại diện cho đơn vị thi công, ông Đào Ngọc Thanh - chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex - cho biết nhờ sự vào cuộc quyết liệt của tất cả đơn vị, nhà thầu đã hoàn thành nhiệm vụ.
Quá trình thi công dự án khiến các nhà thầu gặp vô vàn khó khăn, có thời điểm dừng thi công nhiều tháng liền. Các nhà thầu đã tận dụng thời gian, áp dụng nhiều giải pháp để bù đắp lại tiến độ, đảm bảo chất lượng thi công.
Ông cho rằng dự án là danh dự, là uy tín của doanh nghiệp nên nhà thầu đã vượt qua khó khăn, huy động mọi nguồn lực và rút ra nhiều bài học quý giá. Qua đây cũng kiến nghị các cơ quan trung ương sớm tháo gỡ nhiều khó khăn trong giai đoạn qua để giai đoạn tiếp theo không mắc phải.
Tại điểm cầu Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng cho biết địa phương là cầu nối, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên việc đầu tư hạ tầng rất quan trọng.
Ông cho biết việc đưa cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào hoạt động là ước mơ bao đời nay của nhân dân Bình Thuận, rút ngắn khoảng cách, việc đi lại, kết nối các vùng kinh tế. Dự án tạo động lực thu hút phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng. Địa phương sẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh, hạ tầng để kết nối dự án trọng điểm này.
Tại điểm cầu Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn bày tỏ nhân dân trong tỉnh vui mừng khi công trình được khánh thành dịp 48 năm ngày thống nhất đất nước 30-4. Dự án có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh, đặc biệt rút ngắn quãng đường từ Thanh Hóa ra Hà Nội, kết nối với các trung tâm kinh tế xã hội cả nước, thúc đẩy du lịch, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa.
Tỉnh bố trí 7.500 tỉ đồng ngân sách đầu tư một số tuyến đường trọng điểm của địa phương với các nút giao thông lớn.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Trong đó đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài 47,5km, Đồng Nai dài 51,5km.
Đây là dự án duy nhất trong giai đoạn này được đầu tư cấp đặc biệt với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, mỗi bên 1 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư 12.577 tỉ đồng.
Điểm đầu dự án giao điểm cuối đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Điểm cuối đấu nối tại km43+125 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai.
Trừ hai điểm đầu và cuối, cao tốc còn có 5 nút giao lên xuống trên tuyến chính gồm quốc lộ 55, tỉnh lộ 720 (huyện Hàm Tân, Bình Thuận), quốc lộ 1, tỉnh lộ 765 và quốc lộ 56 (Đồng Nai).
Khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác, xe cộ ở TP.HCM xuất phát tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ thông suốt đến TP Phan Thiết (Bình Thuận), rút ngắn thời gian dự kiến từ 4 giờ xuống còn 2 giờ.
Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 63,37km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Trong đó tỉnh Ninh Bình dài 14,35km, Thanh Hóa dài 49,02km.
Giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng quy mô 4 làn xe, rộng 17m, vận tốc thiết kế tối đa 80km/h. Tổng mức đầu tư hơn 12.111 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỉ đồng.
Giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc mở rộng 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Khi cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại phía Bắc được nối thông từ Chi Lăng (Lạng Sơn) đến Thanh Hóa gồm các dự án thành phần Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn giữa Hà Nội - Bắc Giang và Pháp Vân - Cầu Giẽ có đoạn nối từ cầu Phù Đổng qua cầu Thanh Trì đến Pháp Vân, vành đai 3 Hà Nội), Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45.
Chiều 13.5, Công an TP Hải Phòng thông tin, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố đang điều tra vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra...
Giới chức trách cho biết nhân viên nhà trường đã phát hiện những vết đạn tại cửa trước của hai trường học ở khu Cote-des-Neiges thuộc Montreal.
Do lái xe nhầm chân phanh và chân ga, một xe tải cỡ nhỏ đã lao vào đám đông đang xếp hàng tham gia bỏ phiếu bầu chủ nhiệm hợp tác xã khiến 3 người thiệt mạng và 17 người bị thương.
Chiều 6-3, đám cháy phát sinh và lan rộng tại Nhà máy rác Chư Sê (Gia Lai), các lực lượng chức năng huyện này đang tổ chức dập lửa.
Ngày 4-7, một tiêm kích MiG-31 của Nga rơi khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của nước này.
Điện Kremlin bác bỏ những tuyên bố 'không có thực' trên báo chí phương Tây rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin...
Chiều 17.8, tại Hội nghị nâng cao công tác quản lý vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh...
Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo Quân đội nhân dân sẽ tăng đáng kể sau khi tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2024.
Trung Quốc tuyên bố áp lệnh trừng phạt với một số công ty con và lãnh đạo của tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ, do bán vũ khí cho Đài Loan.