Quá tin tưởng hỗ trợ từ Iran và đánh giá thấp ý chí quân sự của Israel được cho là hai sai lầm chính đẩy Hezbollah vào thế yếu trong cuộc đối đầu với Tel Aviv.
Vài tuần sau khi Hamas tấn công miền nam Israel hồi tháng 10 năm ngoái, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã có bài phát biểu hùng hồn để giải thích lý do nhóm này tham gia cuộc đối đầu với Tel Aviv.
Israel "đang run rẩy" vì sợ hãi và "yếu hơn cả mạng nhện", ông nói. Không giống những lần xung đột trước, cuộc chiến lần này "mang tính lịch sử và quyết định", nên tất cả các phong trào vũ trang do Iran hậu thuẫn, từ Lebanon đến Syria, Iraq hay Yemen, đều có nghĩa vụ tham gia.
"Một số người ở Lebanon nói rằng chúng tôi đang mạo hiểm. Nhưng rủi ro này là một phần của tính toán có lợi và đúng đắn", Nasrallah nhấn mạnh.
Nhưng những diễn biến trong hai tuần qua cho thấy tính toán đó của Hezbollah đã sai lầm, khi nhóm mất hàng loạt chỉ huy cấp cao, đồng thời hàng nghìn thành viên bị vô hiệu hóa sau loạt vụ nổ thiết bị liên lạc được cho là do Israel đứng sau.
Đòn giáng nặng nề nhất có lẽ là việc thủ lĩnh Nasrallah bị hạ sát trong cuộc tập kích của Israel vào thủ đô Beirut của Lebanon tối 27/9. Tiếp theo đó, sáng 1/10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ nhắm vào cơ sở của Hezbollah ở miền nam Lebanon.
Dù Israel tuyên bố đây chỉ là chiến dịch "tấn công hạn chế", Burcu Ozcelik, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định các đơn vị Hezbollah sẽ phải rút lui về phía bắc sông Litani trước sự áp đảo về sức mạnh quân sự của Israel.
"Hezbollah không còn lựa chọn nào khác nếu muốn tiếp tục tồn tại trong cuộc xung đột", Ozcelik nói. "Nếu không, họ sẽ suy yếu, bị đánh tơi tả và bầm dập, các chỉ huy cấp cao thiệt mạng và năng lực tấn công của họ sẽ bị xói mòn đáng kể".
Theo giới quan sát, thiệt hại mà Hezbollah phải hứng chịu cùng những diễn biến gần đây cũng là bằng chứng cho thấy khả năng xâm nhập đáng kinh ngạc của Israel vào bộ máy của nhóm vũ trang. Tình báo Israel có "ngân hàng mục tiêu" nhiều đến mức trong ba ngày của chiến dịch không kích gần đây, chiến đấu cơ nước này đã tập kích hàng nghìn vị trí được coi là nơi ẩn náu của thành viên Hezbollah, theo các tuyên bố công khai từ IDF.
Tình cảnh của Hezbollah hiện nay được coi là hậu quả từ hai sai lầm chiến lược của thủ lĩnh Nasrallah: Đánh giá quá thấp Israel.
Sự tự tin của Hezbollah dường như xuất phát từ kho tên lửa và rocket khổng lồ mà họ sở hữu, trong đó có cả tên lửa đạn đạo dẫn đường chính xác. Nhóm coi những vũ khí tầm xa này như công cụ kiềm chế mọi động thái leo thang từ Israel. Nhưng đến nay, vũ khí của của họ vẫn chưa gây ra bất kỳ thiệt hại đáng kể nào cho Tel Aviv.
Quân đội Israel từ hôm 16/9 tiến hành chiến dịch không kích nhằm chấm dứt các cuộc pháo kích của Hezbollah qua biên giới. Theo Bộ Y tế Lebanon, hơn 1.000 người đã thiệt mạng tại nước này kể từ đó, trong khi không một người Israel nào tử vong do các cuộc tập kích mà Hezbollah tiến hành từ ngày 19/9.
"Hezbollah tin rằng trò chơi răn đe với Israel về cơ bản là ngang ngửa", Michael Young, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Carnegie Trung Đông, trụ sở ở Beirut, Lebanon, nhận xét. "Israel đã chứng minh thực tế không phải vậy".
"Chúng ta đã thấy một điều rất quan trọng từ các cuộc đụng độ hiện nay: Dù Hezbollah hành động như một đội quân, họ không phải là đối thủ của Israel về hỏa lực, sức mạnh trên không, tình báo và cả công nghệ", cựu thủ tướng Lebanon Fouad Siniora nhận xét.
Nasrallah đã lãnh đạo Hezbollah trong hơn ba thập kỷ và cái chết của ông khiến nhóm mất đi một thủ lĩnh giàu kinh nghiệm, người gần như có địa vị "thiêng liêng" trong cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite.
Khi quyết định dẫn dắt Hezbollah vào một cuộc chiến mới với Israel, Nasrallah dường như tin rằng xung đột có thể được kiềm chế vì Tel Aviv đã kiệt sức do đối đầu Hamas ở Gaza và vẫn mang tâm lý e dè trước kho tên lửa của nhóm.
Chiến lược này đã phát huy hiệu quả trong nhiều tháng, khi Israel và Hezbollah chỉ đấu hỏa lực qua biên giới và tránh được các động thái leo thang nghiêm trọng.
Nhưng những tuần gần đây, các lãnh đạo Israel, đối mặt áp lực phải đưa hàng chục nghìn người dân phải sơ tán vì xung đột với Hezbollah trở về nhà ở miền bắc đất nước, đã nhanh chóng gia tăng các đòn tấn công. Sự quyết liệt chưa từng có về mặt quân sự này đã tạo ra cơn hỗn loạn đối với Hezbollah và cản trở khả năng phản ứng của nhóm.
Israel có hai lợi thế lớn trước Hezbollah. Đầu tiên, cơ quan tình báo của họ đã thâm nhập sâu vào nhóm, cho phép họ theo dõi và tiêu diệt nhiều chỉ huy cấp trung và cấp cao, khiến năng lực điều hành của Hezbollah bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Họ đã chui rất sâu vào Hezbollah đến mức dường như biết mọi thứ, các lãnh đạo ẩn náu ở đâu, họp tại vị trí nào và thời gian cụ thể", Young nói.
Ngay cả sau khi các vụ ám sát của Israel cho thấy rõ họ đang theo dõi sát sao bộ máy lãnh đạo Hezbollah, nhóm vẫn chậm trễ trong việc điều chỉnh biện pháp an ninh, bảo mật.
Israel tuần trước hạ sát Ibrahim Aqil, người đứng đầu lực lượng biệt kích tinh nhuệ của Hezbollah, trong lúc ông gặp các chỉ huy quân sự khác. Nasrallah dường như bị nhắm mục tiêu bên trong trụ sở Hezbollah khi tham gia một cuộc họp.
Lợi thế thứ hai Israel có được là hành động của Nasrallah cho thấy ông không muốn đáp trả các cuộc tấn công từ Tel Aviv theo cách có thể khiến xung đột leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát.
Sau khi Israel hồi tháng 7 hạ sát Fuad Shukr, chỉ huy cánh quân sự của Hezbollah đồng thời là cố vấn thân cận cho thủ lĩnh Nasrallah, nhóm đã không có bất kỳ phản ứng đáng kể nào. Bất chấp những động thái "nắn gân" của Israel, Hezbollah không tiến hành đòn tập kích lớn bằng tên lửa đạn đạo như họ đe dọa.
"Ở mọi cấp độ leo thang, Hezbollah đều không thể theo kịp Israel", Young bình luận.
Vì vậy, Israel nhanh chóng gia tăng sức ép, đẩy mạnh những cuộc tấn công chính xác nhằm vào các thủ lĩnh Hezbollah, đồng thời ném bom dữ dội thành trì của nhóm ở miền nam và miền đông Lebanon. Các cuộc tập kích đã khiến hơn 700 người thiệt mạng trong tuần qua trước, nhiều người trong số đó là dân thường.
Giới chức Israel nói rằng họ đang tìm cách tránh một chiến dịch trên bộ vào Lebanon bằng cách làm suy yếu đáng kể năng lực cũng như loại bỏ các thủ lĩnh chủ chốt của Hezbollah.
Bằng cách hạ sát thủ lĩnh Nasrallah, Israel dường như hy vọng rằng đây sẽ là một đòn hạ gục đối với Hezbollah.
Theo giới chuyên gia, sai lầm khác của Hezbollah là quá tin tưởng vào cam kết hỗ trợ từ Iran và mạng lưới đồng minh trong "trục kháng chiến".
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran Nasser Kanani hôm 30/9 tuyên bố Tehran sẽ không điều quân tới Lebanon hay Gaza để chiến đấu với Israel, dù các đồng minh của họ đang chịu sức ép ngày càng tăng từ Tel Aviv.
Bình luận viên Yaroslav Trofimov từ Wall Street Journal đánh giá tuyên bố này như một gáo nước lạnh dội vào Hezbollah, lực lượng từng cam kết sẵn sàng "đổ máu" vì Iran và các đồng minh trong "trục kháng chiến".
"Hezbollah được xây dựng để bảo vệ Iran, nhưng giờ đây Iran phải đối mặt với khả năng có thể phải ra tay để bảo vệ Hezbollah", Michael Horowitz, lãnh đạo bộ phận tình báo tại công ty tư vấn quản trị rủi ro Le Beck International, cho hay.
Việc Hezbollah bị suy yếu tạo ra thách thức đặc biệt đối với Iran, vốn dựa vào tên lửa của nhóm tại Lebanon như một biện pháp răn đe, ngăn chặn mọi cuộc tấn công tiềm tàng từ Israel nhằm vào chương trình hạt nhân nước này. Tuy nhiên, rủi ro nếu Iran đối đầu trực tiếp với Israel lớn hơn rất nhiều.
Vali Nasr, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, cựu cố vấn cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định với việc tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đang cố gắng thuyết phục phương Tây quay lại bàn đàm phán hạt nhân và giảm bớt lệnh trừng phạt lên nước này, Tehran nhiều khả năng sẽ không tham chiến vì Hezbollah.
Hezbollah rõ ràng đã đánh mất là hào quang bất khả chiến bại vốn làm nên ảnh hưởng của họ tại Lebanon. Đất nước này không có tổng thống kể từ tháng 10/2022 vì Hezbollah và các đồng minh ngăn quốc hội tổ chức bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới.
Vị thế của Hezbollah trong cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite tại Lebanon cũng đối mặt rủi ro, đặc biệt khi cư dân ở các khu vực người Shiite ở miền nam đất nước và thung lũng Bekaa đang phải rời bỏ nhà cửa vì đòn không kích từ Israel.
"Tính toán của Hezbollah đã phản tác dụng, nhiều vùng rộng lớn ở miền nam Lebanon bị phá hủy và hàng trăm nghìn người Shiite đã mất nhà cửa hoặc về cơ bản trở thành dân tị nạn. Hezbollah có thể duy trì lòng trung thành của những người này như thế nào?", Young đặt câu hỏi. "Vấn đề khác là ở trong nước, Hezbollah đang bị cô lập khi nhắc đến việc mở mặt trận thứ hai với Israel. Nhiều người đang hình thành tâm lý bất mãn vì những gì xảy ra với họ".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson yêu cầu sa thải lập tức Đại sứ Ukraine tại Mỹ, bà Oksana Markarova.
Nhân kỷ niệm 55 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969-2/9/2024) và 79 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Pháp, đã cùng nhau tới công viên Montreau ở TP. Montreuil để đặt vòng hoa tại tượng đài Bác.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, ngày 27/9, cảnh sát Pháp đã phát hiện 6 phụ nữ trong đó có 4 người được cho là công dân Việt Nam trong một xe chở hàng đông lạnh tại Rhone, thành phố Lyon, Pháp.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Quốc vương Malaysia Ibrahim Sultan Iskandar kể từ khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 31/1 vừa qua.
Tổng thống Mỹ Biden nói Hamas là trở ngại duy nhất với thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza và kêu gọi Qatar gây sức ép với lực lượng này.
Tổng thống Macron chỉ trích 'những người theo chủ nghĩa hòa bình' và 'tâm lý chưa đánh đã hàng' đang xuất hiện trên chính trường về vấn đề Ukraine.
Ngày 4/9, ít nhất 6 quan chức Ukraine, bao gồm các bộ trưởng trong Nội các của nước này, đã nộp đơn xin từ chức.
Ông Zelensky chỉ trích Nga 'đùa giỡn với tính mạng tù binh Ukraine', kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về vụ rơi máy bay Il-76 tại tỉnh Belgorod.
Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa và Đại tướng Mao Sophan mong muốn thời gian tới, quan hệ giữa quân đội Việt Nam-Campuchia sẽ ngày càng phát triển