Lục quân Mỹ công bố tài liệu cho thấy Nga có thể thất bại trong giai đoạn đầu chiến sự ở Ukraine vì không bám sát học thuyết quân sự của chính mình.
Tài liệu về "chiến thuật Nga" trong điều lệnh mới được lục quân Mỹ công bố gần đây thể hiện nhiều chi tiết về cách thức binh sĩ Nga chiến đấu theo học thuyết quân sự của nước này. Nó cũng góp phần giải thích lý do lực lượng Nga không thể hiện được hiệu suất chiến đấu cao trên chiến trường Ukraine, đặc biệt là trong giai đoạn đầu xung đột.
Theo tài liệu, học thuyết quân sự Nga nêu rõ khi một sư đoàn hoặc lữ đoàn tiến công, các đơn vị xung kích cùng xe tăng phải tiến lên theo từng đợt, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng trinh sát, đơn vị bảo vệ sườn, công binh, pháo binh và phòng không. Mục tiêu là đánh mạnh, tiến nhanh, xuyên thủng phòng tuyến đối phương và tiến sâu vào tuyến sau.
Để giảm thiểu sức kháng cự của đối phương, lực lượng xung kích phải chia thành nhiều đội hình "để phân tán các đơn vị tiến công theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cũng như giảm thiệt hại từ đòn tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc hỏa lực chính xác của kẻ thù".
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu chiến sự với Ukraine, khi lực lượng Nga tìm cách "đánh nhanh thắng nhanh" vào Kiev, họ đã không tuân thủ học thuyết này. Các đơn vị tăng thiết giáp Nga tập trung thành một mũi tiến công duy nhất, tiến theo hàng dọc vào những con đường chật hẹp để hướng về Kiev.
Hậu quả là khi gặp chướng ngại vật và bị đối phương phục kích, các đoàn xe Nga nghẽn lại trên đường, trở thành mục tiêu cho pháo binh, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa chống tăng của Ukraine.
Đoàn xe này cũng ùn lại suốt nhiều ngày vì hết nhiên liệu, trong khi xe hậu cần tiếp tế bị bỏ lại phía sau và dễ dàng bị lực lượng Ukraine tập kích.
Cách thức tác chiến hiện tại của Nga ở Ukraine cũng không tuân theo học thuyết mà nước này đề ra. Thay vì tung đòn tấn công chớp nhoáng hiệp đồng giữa lục quân và không quân, Nga đang tìm cách phá hủy phòng tuyến Ukraine bằng bom lượn, pháo hoặc điều các đơn vị bộ binh với quân số áp đảo tấn công vị trí đối phương.
"Rất nhiều yếu tố cơ bản trong học thuyết của quân đội Nga đủ vững chắc để có thể tạo cơ sở cho những chiến dịch thành công, nhưng điều kiện căn bản là phải bám sát học thuyết", Scott Boston, cựu sĩ quan pháo binh Mỹ đang làm việc cho hãng phân tích RAND có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Theo Boston, các đợt tiến công "theo bài bản" vẫn có thể thất bại, nhưng việc xa rời những nguyên tắc đã được Nga đề ra và huấn luyện lực lượng có thể là nguyên nhân khiến họ phạm nhiều sai lầm trong giai đoạn đầu chiến sự.
"Khi không triển khai lực lượng trinh sát tiền trạm, đội hình chính có thể rơi vào tình thế giao tranh một cách bị động và gặp bất lợi. Học thuyết cũng chỉ ra rằng đừng dồn hết quân vào một vài tuyến đường, cũng đừng để lực lượng hậu cần rơi vào tình cảnh không được bảo vệ", Boston nói. "Đó đều là những điều cơ bản".
Các chuyên gia nhận định học thuyết quân sự hiện tại của Nga chủ yếu thừa hưởng từ quân đội Liên Xô, trong đó các đơn vị hoạt động theo cơ chế người chỉ huy kiểm soát mọi thứ.
"Chỉ huy đơn vị chỉ đạo mọi thứ, phụ trách các yếu tố chính của kế hoạch tác chiến, không trao cho cấp dưới quyền xử lý tình huống linh hoạt hoặc chủ động theo kiểu quân đội Mỹ", Boston nói.
Các đợt cải cách của quân đội Nga sau năm 2008 từng được kỳ vọng sẽ tạo ra những nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG) có quy mô nhỏ, linh hoạt hơn mô hình sư đoàn. Tuy nhiên, chiến thuật này bộc lộ nhiều hạn chế do thiếu binh lực và cấu trúc chỉ huy không linh hoạt, khiến quân đội Nga quay lại với mô hình truyền thống và chú trọng nhiều hơn vào việc áp đảo về số lượng, theo Boston.
Ngoài việc không bám sát học thuyết, việc lực lượng Nga thất bại trong giai đoạn đầu xung đột có thể còn do chiến lược tổng thể của chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.
Với lực lượng tấn công ban đầu chỉ gồm khoảng 180.000 quân trên mặt trận dài hơn 900 km, Nga không thể áp đảo quân đội Ukraine với quy mô nhỏ hơn như mục tiêu của học thuyết.
Các chỉ huy và lãnh đạo Nga, cũng như nhiều chuyên gia và quan chức phương Tây, khi đó nhận định Ukraine sẽ sớm chấm dứt phản kháng và nhanh chóng đầu hàng trước lực lượng Nga. Các đơn vị xung kích Nga thậm chí không nhận được thông báo tóm tắt về chiến dịch quân sự cho tới khi xung đột nổ ra.
"Một đạo quân thiếu linh hoạt vẫn có thể giành chiến thắng, nhưng vạch ra kế hoạch tốt sẽ hữu ích hơn rất nhiều", Boston nói. Chuyên gia này cho biết khi tấn công Iraq năm 2003, các chỉ huy Mỹ tin rằng đối phương sẽ không kháng cự mạnh, song kế hoạch tác chiến của họ vẫn tính đến khả năng này và lên phương án đối phó.
"Các đơn vị Nga nhận lệnh đánh chiếm những vị trí quan trọng của Ukraine theo mốc thời gian chặt chẽ, nhưng không được cảnh báo hoặc có thời gian lên kế hoạch cho tình huống khác nếu diễn biến chiến trường xấu đi", Boston cho biết. "Học thuyết và huấn luyện không giúp ích gì nếu cử các đơn vị đi thực hiện sai nhiệm vụ với trang bị không phù hợp".
Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây cũng phải thừa nhận một số yếu tố trong học thuyết của quân đội Nga "đã được chứng minh là đúng đắn, đặc biệt trong hoạt động phòng thủ". Trong số này có việc Nga chặn đứng chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine vào mùa hè năm 2023.
"Có nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động phòng thủ của Nga bám sát học thuyết và cách thức truyền thống của họ", Boston nói. "Trong một số trường hợp, họ cải tiến học thuyết phòng thủ bằng cách tăng chiều sâu và mật độ của bãi mìn".
Một câu hỏi có thể khiến giới chuyên gia tranh cãi trong nhiều năm tới là nếu làm khác đi, liệu Nga có thể kiểm soát Kiev và giành chiến thắng ngay trong những ngày đầu tiên của xung đột với Ukraine hay không. Theo Boston, đây là giả định rất phức tạp.
"Nếu Nga chuẩn bị đầy đủ hơn cho lực lượng của mình, Ukraine có thể nhận thấy ý định của họ và phản ứng theo cách khác. Nếu Nga có kế hoạch khác tốt hơn, không bỏ phí những lợi thế ban đầu, thực tế có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều đối với Ukraine", Boston nói.
Ông khẳng định việc hạ thấp sức mạnh quân sự của Nga sẽ phản tác dụng với Ukraine. "Nếu cho rằng quân đội Nga tệ đến thế, lực lượng Ukraine cũng có thể không giỏi như những gì được ca tụng", Boston nói. "Tôi không cho rằng quân đội Nga tệ hại, mà sai lầm của họ chủ yếu do tính toán sai của các chỉ huy".
Nguyễn Tiến (Theo BI, Reuters, AFP)
Tình báo Ukraine nói chuyên gia mạng của Kiev đã tấn công máy chủ Bộ Quốc phòng Nga, thu được nhiều dữ liệu mật của cơ quan này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Washington Times (WT), được đăng tải ngày 13/3, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjártó cho rằng, xung đột ở Ukraine sẽ phải kết thúc bằng đàm phán.
115 tù binh Nga được trao đổi với 115 tù binh Ukraine, trong thỏa thuận mới nhất do UAE làm trung gian đàm phán.
Sáng 3/6, Tổng thống Mexico sắp mãn nhiệm Andres Manuel Lopez Obrado đã ca ngợi việc bà Claudia Sheinbaum được bầu làm nữ Tổng thống đầu tiên của đất nước là sự kiện mang tính lịch sử của quốc gia Mỹ Latinh này.
Ngày 23/5, Văn phòng Tổng thống Czech thông báo, Tổng thống Petr Pavel đã được đưa vào một bệnh viện ở Prague kiểm tra sau khi gặp tai nạn xe mô tô, vết thương của ông 'không nghiêm trọng'.
Ông Medvedev nói Nhật Bản sẽ phải từ bỏ yêu sách lãnh thổ đối với nhóm đảo tranh chấp nếu muốn ký hiệp ước hòa bình với Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken tuyên bố Ukraine sẽ gia nhập NATO vào một ngày nào đó trong tương lai, vì các nước thành viên vẫn duy trì ủng hộ vững chắc với Kiev.
Dưới áp lực từ các đồng minh phương Tây để giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza, Israel đang chuẩn bị tăng cường cung cấp điện cho một nhà máy khử mặn nhằm sản xuất thêm nước cho người dân trong khu vực.
Theo hồ sơ bầu cử liên bang công bố hôm 20/6, đội ngũ tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã huy động được nhiều hơn 60 triệu USD vào tháng 5 so với nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Joe Biden, trong đó chỉ rõ chiến dịch gây quỹ của đảng Cộng hòa thu về nhiều hơn sau khi tòa tuyên bố ông Trump có tội.