Rời quê trở lại phố

07:30 22/04/2024

Hai tháng trước, anh Minh Tùng gọi điện cho chị họ tìm giúp một phòng trọ giá rẻ để trở lại Hà Nội đi làm, sau gần bốn năm về quê.

Ngày đó, vợ chồng anh Tùng, 37 tuổi, ở Quảng Bình là nhân viên văn phòng ở Hà Nội, tổng thu nhập khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Trừ mọi chi phí nuôi hai con nhỏ, họ tiết kiệm được hơn 5 triệu đồng mỗi tháng.

Nhưng cũng từ khi hai đứa trẻ chào đời, anh Tùng luôn thấy day dứt vì để con phải sống cảnh chật chội và ngột ngạt. Người cha thấy có lỗi nhất là khi chở con đi qua những đoạn đường tắc cứng trong những ngày Hà Nội nắng nóng cao điểm. "Tôi thấy mình là một ông bố tồi. Cha mẹ nuôi tôi nghèo nhưng có tuổi thơ", anh Tùng nói.

Họ quyết định chuyển về quê "sống nghèo mà vui". Chị Nguyễn Thị Hồng, vợ anh xin làm việc cho một công ty cách nhà hơn 20 km, lương bằng nửa công ty cũ. Anh Tùng thuê mặt bằng mở đại lý buôn gạo.

Ở làng trước đó đã có ba đại lý gạo. Nhà này đều có họ với nhà kia nên chỉ ăn gạo người quen. Người trong họ nhà anh cũng tới mua ủng hộ, nhưng chủ yếu mua nợ. Đến giờ, sau bốn năm anh đóng cửa đại lý, tiền bán gạo vẫn thu được hết.

Nhà gần biển, anh Tùng chuyển sang mở quán nước, huy động thêm vợ, mẹ, chị gái, em họ làm phục vụ. Trừ mọi chi phí anh cũng được 500.000 đồng một ngày. Nhưng quán chỉ mở được ba tháng hè.

Những ngày quán nước đóng cửa, anh theo bạn đi làm môi giới bất động sản. Được vài tháng Tùng cũng ế việc do cơn sốt đất qua nhanh. Nhiều tháng liền cả gia đình chỉ nhòm vào đồng lương 5 triệu đồng của chị Hồng. Lũ trẻ ngày một lớn, không chỉ chơi, chúng phải học và ăn nhiều hơn. Mâu thuẫn gia đình từ đó mà nảy sinh.

"Thà ở trọ chật chội còn hơn kinh tế chật vật", anh đúc kết.

Người đàn ông để vợ con ở lại quê nhà, một mình ra thành thị kiếm kế sinh nhai. Hiện anh Tùng đang khởi đầu những ngày ở Hà Nội bằng công việc chạy taxi, thu nhập bấp bênh nhưng vẫn có dư để gửi về cho vợ.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng chị Lê Thị Thùy, 42 tuổi, ở Thanh Hóa quyết định về quê, chấm dứt đời bán hàng rong ở Biên Hòa, Đồng Nai. Họ bảo nhau lần này quyết tâm bám trụ ở quê vì cũng đã quá ngán cuộc sống tha hương cầu thực.

Chồng chị mở quán vịt bán trước cửa nhà. Chị Thùy theo người làng đi học việc ở xưởng may. Nhưng quán mở ra vắng khách vì dân quê chỉ ăn cơm nhà. Công việc của chị Thùy chỉ được hơn 4 triệu đồng một tháng, trong khi họ phải nuôi ba con nhỏ và mẹ già. Làm được hai năm, doanh nghiệp hết đơn hàng, phải cắt giảm công nhân. Chị Thùy vào diện buộc phải nghỉ việc vì tuổi nghề ít, tuổi đời lại cao.

Vợ chồng chị Thùy đành gửi con để trở lại thành phố sau vài tháng trầy trật không xin được việc.

Mỗi năm, họ có hai dịp về quê là hè và Tết nguyên đán. Dịp đó, vợ chồng chị sẽ ở nhà khoảng một tháng với con. Cạn tiền, họ quay trở lại Đồng Nai.

Hai người hai gánh hàng đi khắp ngõ ngách, những nơi gần khu công nghiệp, gần xóm trọ công nhân bán hàng. Nhiều bữa, anh chồng dậy từ 2h sáng, đèo vợ trên chiếc xe máy đi Bình Dương tìm khách. Thu nhập mỗi ngày trừ chi phí được 500-700 nghìn đồng.

"Tiền kiếm được nhiều hơn ở quê, bán ngày nào có tiền ngày ấy, không đợi đến tháng mới lĩnh", chị nói.

Di cư từ nông thôn lên thành phố là nhu cầu tất yếu của người lao động khi cơ hội nghề nghiệp, điều kiện sống tốt hơn nông thôn, theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội.

Báo cáo PAPI 2023 do UNDP mới công bố đầu tháng 3 năm nay cũng cho thấy, gần 22% người dân cho biết muốn di cư đến TP HCM, 15% muốn di cư đến Hà Nội. Top 10 tỉnh thành người dân muốn di cư đến nhất còn có Đà Nẵng, Cần Thơ, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định. Hai trong ba lý do lớn nhất người dân đưa ra là muốn có môi trường làm việc tốt hơn (22%) và môi trường tự nhiên tốt hơn (17%).

Ở chiều ngược lại, tỉnh miền núi Lai Châu có nhiều người bày tỏ mong muốn rời đi nhất với hơn 3,5%, tiếp theo là Điện Biên 3% và Quảng Bình, Đồng Tháp. Đây đều là những tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn. Như Lai Châu, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 hơn 47 triệu đồng, Quảng Bình, Đồng Tháp hơn 60 triệu đồng, cách xa mức trung bình 101 triệu đồng của cả nước.

Ông Lộc cho biết, nhiều người nghĩ đến trở về gắn bó với quê hương hơn sau đại dịch, nhưng vì điều kiện sinh kế đành một lần nữa phải ra đi.

Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) và VCCI chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tiến hành khảo sát hơn 1.000 công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh năm 2022, 15,5% công nhân lựa chọn về quê trong thời gian tới, 44,6% người còn lưỡng lự, 39,9% người chưa có dự định. Điều đó cho thấy, trong suy nghĩ người lao động vẫn mong muốn về quê lao động, sản xuất, khi có điều kiện phù hợp.

Theo PGS Nguyễn Đức Lộc, Việt Nam phát triển nền kinh tế theo mô hình mũi nhọn, kinh tế trọng điểm, vì vậy các nguồn lực phát triển đều tập trung ở đô thị, dẫn đến sự chênh lệch khá lớn giữa nông thôn và thành thị. Dù muốn về quê, nhiều người không thể tìm được công việc phù hợp với năng lực, chuyên môn, sở thích hoặc nhu cầu sống.

Người trẻ có thể tìm việc trong các nhà máy, nhưng người lớn tuổi như chị Thùy rất khó có được vị trí phù hợp mang lại thu nhập.

Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương cho rằng ngoài yếu tố về kinh tế, giáo dục, còn có yếu tố khác như dịch vụ đô thị, văn hóa và lối sống đô thị, văn minh đô thị khiến nhiều người dân muốn sống ở thành phố. Một số người muốn ra thành phố vì cũng chưa rõ mình muốn gì hoặc muốn khám phá, muốn thử sức bản thân ở môi trường khác. "Có người nhận ra thế mạnh của mình ở phố, nhưng cũng có người nhận ra muốn về quê", bà Hương nói.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trường, 28 tuổi, ở Hưng Yên quyết định về quê ba năm trước phụ giúp bố mẹ chăm sóc hơn 3 ha rau được trồng theo hướng hữu cơ. Thu nhập ổn định nên họ không áp lực tài chính, nhưng lúc nào vợ chồng anh cũng thấy buồn, nhớ cuộc sống sôi động ở Hà Nội.

Vợ chồng anh yêu thích sự sôi động của thành phố khi đêm về, thích gặp gỡ những người cùng đam mê. Còn ở quê chưa đến 20h hàng quán đóng cửa. Cả xóm đều tắt đèn trước 21h. "Ra đường lúc 22h là im ắng hơn nghĩa địa", anh nói.

Ở quê được hơn một năm, khi con gái được ba tuổi, Trường quyết định quay trở lại thành phố. Ngoài nhu cầu tinh thần, anh muốn con có môi trường giáo dục tốt hơn và hai vợ chồng cũng học lên để phát triển bản thân.

Ông Lộc cho rằng ra phố làm việc là quy luật tự nhiên. Dù là lái taxi, gánh hàng rong hay dân văn phòng cũng đều tham gia đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài, những lao động đổ ra thành thị làm những công việc phi chính thức sẽ tạo ra nguồn lao động bấp bênh quá lớn, gây áp lực cho hệ thống an sinh xã hội.

Với những người muốn về quê, nhưng phải ra phố như anh Tùng hay chị Thùy, ông Lộc khuyên nên thay đổi tư duy về cuộc sống. Ngày nay, đa số mọi người bị ảnh hưởng bởi làn sóng tiêu dùng nên lúc nào cũng thấy thiếu thốn, lao vào vòng xoáy ganh đua. Khi có quan điểm tư duy vừa đủ, biết cách tổ chức sinh kế, có thể chúng ta không khá giả nhưng vẫn đủ sống.

Bà Quỳnh Hương cho rằng với những người muốn ở quê nhưng lại ra phố, có lẽ do chưa thực sự hiểu về nhu cầu bản thân. "Ra đi cũng là cách để thực sự hiểu mình muốn gì, cần gì", bà nói.

Về mặt chính sách, ông Lộc kiến nghị Việt Nam có 30 năm thực hiện chính sách kinh tế trọng điểm, đã đến lúc cần xây dựng chiến lược hài hòa, cân bằng hơn giữa nông thôn và thành thị để rút ngắn khoảng cách.

"Như Trung Quốc, những năm trước họ dồn sức cho thành thị, những năm gần đây chuyển sang bù đắp cho nông thôn, để người lao động trở về", ông nói.

Anh Tùng vẫn đau đáu mong ước về quê. Nhưng sau bốn năm trầy trật ở nơi mình sinh ra, anh biết phải có vốn để ổn định lâu dài thay vì cứ thích là về ngay.

"Thật sự rất khó thể sống nghèo mà vui được", anh nói.

Phạm Nga

Có thể bạn quan tâm
Rách lớn gân vai gây teo cơ

Rách lớn gân vai gây teo cơ

19:20 03/04/2024

Ông Tư, 63 tuổi, đau vai nhiều năm vẫn tiếp tục làm công việc nặng, nay rách hoàn toàn gân chóp xoay vai, teo cơ.

Nữ sinh trường Ams trúng tuyển 3 đại học Ivy League, giành học bổng 7 tỉ

Nữ sinh trường Ams trúng tuyển 3 đại học Ivy League, giành học bổng 7 tỉ

11:50 18/04/2024

Nữ sinh trường Ams Lê Hà Anh vừa nhận tin trúng tuyển 14 trường đại học, tất cả đều là ngành kinh tế, trong đó có 3 trường thuộc nhóm Ivy League.

Sợ phải hối hận khi chờ bạn gái du học 4 năm

Sợ phải hối hận khi chờ bạn gái du học 4 năm

12:00 23/05/2024

Tôi 27 tuổi, tốt nghiệp học viện ngân hàng, chuyên viên tại ngân hàng lớn ở Hà Nội; bạn gái 26 tuổi, giảng viên đại học.

VTV 'mở' chiến dịch Điện Biên Phủ trên... sóng

VTV 'mở' chiến dịch Điện Biên Phủ trên... sóng

16:00 27/04/2024

Nhà báo Đỗ Đức Hoàng - phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam - nói như thế tại Họp báo các chương trình trọng điểm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra vào sáng 26-4 ở Hà Nội.

Nam sinh 14 tuổi hiến tạng cứu sống ba bệnh nhân

Nam sinh 14 tuổi hiến tạng cứu sống ba bệnh nhân

19:40 28/05/2024

Nam sinh 14 tuổi đang tập chạy cự ly 2,4 km tại trường thì bất ngờ đột quỵ và tử vong, gia đình em đồng ý hiến tặng cứu sống ba người.

Mẹ mắng tôi đua đòi khi muốn học đại học

Mẹ mắng tôi đua đòi khi muốn học đại học

17:20 08/04/2024

Có lúc mẹ la tôi khá nặng: 'Nhà nghèo mà đua đòi, sau có làm ông to bà lớn không mà học?'.

Việt Nam có gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê

Việt Nam có gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê

11:40 30/11/2023

Ngày 29.11, tại Nhà văn hóa 3/2 tỉnh Nam Định, Cục Di sản văn hóa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với UBND tỉnh Nam...

Dạy tiếng Anh và làm học trò ở Việt Nam

Dạy tiếng Anh và làm học trò ở Việt Nam

14:30 29/04/2023

'Tuy chúng tôi là giáo viên tiếng Anh nhưng chúng tôi hiểu mình cũng là học trò trên đất Việt'.

Người đầu tiên bị nhiễm virus B ở Hong Kong do bị khỉ cắn

Người đầu tiên bị nhiễm virus B ở Hong Kong do bị khỉ cắn

08:10 05/04/2024

Một người đàn ông 37 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch sau khi bị khỉ tấn công ở công viên quốc gia Hong Kong.

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới