Đêm trước nổ súng chiến dịch Điện Biên Phủ, 25/1/1954, tổng tư lệnh 43 tuổi không thể chợp mắt, đầu đau nhức, y sĩ phải buộc trên trán ông nắm ngải cứu.
Nhiều năm sau này, đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong hồi ký Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử nhớ 26/1/1954 là ngày "thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình". Đó là chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", cách thời điểm nổ súng tiêu diệt Trần Đình - bí danh của Điện Biên Phủ, chỉ vài giờ.
Để ra quyết định này, ông phải trải qua 11 ngày đêm "mất ăn mất ngủ" với những phân tích tình hình, lập luận để thuyết phục và nhận được đồng thuận của đoàn cố vấn, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận, theo đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Viện phó Lịch sử quân sự.
Quyết định mà 70 năm sau, giới nghiên cứu quân sự trong nước vẫn cho là "chìa khóa" mở cửa thắng lợi chiến trường.
"Đó là một quyết định lịch sử trong chiến dịch lịch sử", đại tá Long nói.
39 ngày sau khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Trần Đình, phương án tác chiến "đánh nhanh giải quyết nhanh" được phổ biến trong Hội nghị cán bộ chiến dịch tại hang Thẩm Púa, ngày 14/1/1953.
Hang Thẩm Púa - nơi đầu tiên đặt Sở Chỉ huy chiến dịch, nằm dưới chân núi Pú Hồng, huyện Tuần Giáo, cách lòng chảo Điện Biên hơn 60 km. Vây quanh chiếc sa bàn lớn là các ông Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Nam Long, Cao Văn Khánh, Chu Huy Mân..., những cán bộ cao, trung cấp các đại đoàn chiến đấu chủ lực.
Bộ phận tiền trạm Bộ Tổng tham mưu cùng cố vấn Trung Quốc chung nhận định quân Pháp mới đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên, còn lạ nước lạ cái, công sự, bố phòng nhiều sơ hở. Tranh thủ lúc này tập trung binh hỏa lực đánh thốc vào trung tâm Mường Thanh, chia cắt rồi cô lập từng cứ điểm để tiêu diệt cả tập đoàn. Cách đánh này, người Trung Quốc gọi là "oa tâm tạng chiến thuật", tức là "thọc thẳng vào tim".
Phía quân đội Việt Nam sĩ khí đang dâng cao khi lần này có cao xạ, đại bác 105 mm tham chiến. Đánh nhanh khi bộ đội còn sung sức sẽ giảm tổn thất, cũng giải quyết được khâu tiếp tế đạn dược, lương thực cho 55.000 chiến sĩ trong bối cảnh hậu phương cách xa 300-500 km.
Mệnh lệnh chiến đấu được thông qua, Trần Đình sẽ được giải quyết trong ba đêm hai ngày. Ngày nổ súng ấn định 20/1/1954. Trận đọ sức cuối cùng sẽ diễn ra trên cánh đồng dài 15 km, rộng 6-7 km, cách biên giới Việt - Lào 13 km.
Không khí hội nghị sôi nổi, riêng tướng Giáp trầm tư. Ai cũng đồng ý phải đánh nhanh, nhưng ai có thể đảm bảo chắc thắng? Ông khuyến khích cán bộ nói hết khó khăn, nhưng họ chỉ hỏi cho rõ hơn. Không ai thắc mắc gì. Hôm ấy đã là mùng 10 tháng chạp, cách Tết Nguyên đán chỉ 20 ngày.
Trên thực tế từ trước khi hội nghị diễn ra, trong lòng ông đã gợn sóng về đánh nhanh giải quyết nhanh. Dọc đường từ AKT lên Thẩm Púa, khi bản sơ đồ tập đoàn cứ điểm được trải rộng, ông lần đầu tiên nhìn thấy những vị trí quân Pháp dày đặc. Muốn tiếp cận từ phía Tây phải vượt qua cánh đồng rộng, nếu từ phía Đông sẽ gặp núi đồi liên hoàn án ngữ.
Từ chỗ "cần tìm hiểu thêm tình hình", tướng Giáp thấy đánh nhanh "là quá mạo hiểm", cuối cùng nhận định "không thể giành thắng lợi" với phương án tác chiến này. Nhưng mới từ AKT lên, ông chưa đủ cơ sở thực tiễn bác bỏ phương án những người đã lên mặt trận trước đó lựa chọn. Đại tướng dặn những người thân cận điều tra kỹ di biến động trên cánh đồng hướng Tây, nơi được coi là sơ hở và báo cáo hàng ngày cho riêng ông.
>>Điện Biên Phủ - tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương 70 năm trước
Khi hội nghị Thẩm Púa diễn ra, các cứ điểm trên lòng chảo Điện Biên thay đổi từng ngày - điều mà bộ đội Việt Minh khó lường được. Chỉ trong 40 ngày, tập đoàn này bổ sung 10 tiểu đoàn, 7 trong số 8 trung tâm đề kháng hoàn chỉnh chia ba phân khu rõ ràng, đầy đủ tăng pháo, bãi mìn cùng 200 chuyến bay chi viện hậu cần mỗi ngày.
Điện Biên Phủ đã không còn ở trạng thái "sơ hở của một kẻ mới lâm thời chiếm lĩnh trận địa" mà "chật cứng những tiểu đoàn quân Pháp, các công trình phòng thủ hoàn tất, mọi việc chuẩn bị đã kết thúc" trước ngày 14/1/1954, như lời Jean Pouget, thư ký riêng của Navarre sau này nhận xét.
"Con nhím Điện Biên" cứng cáp dần, nỗi lo lắng lẫn hoài nghi trong lòng vị tướng 43 tuổi về yếu tố "chắc thắng" cũng lớn theo. Điều tiên quyết là các khẩu pháo phải được đưa vào trận địa, sẵn sàng nhả đạn, trận đánh mới có thể bắt đầu. Hội nghị Thẩm Púa cách thời điểm nổ súng dự định 6 ngày. Nhưng sau 7 đêm, pháo vẫn chưa vào hết trận địa.
Thời gian nổ súng dự định phải lui lại 5 ngày, sang 17h ngày 25/1/1954.
Tướng Giáp tự nhận đây là quãng thời gian rất dài với ông khi nhiều đêm thao thức vẫn chỉ tìm thấy rất ít yếu tố thắng lợi. Các phái viên đi nắm tình hình phải báo lại với ông bất cứ điều gì đáng chú ý. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói sẽ phải đột phá liên tục ba lần mới vào được trung tâm. Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ đảm nhiệm mũi thọc sâu "hoàn toàn im lặng".
Tới ngày thứ chín, Cục phó Cục Bảo vệ Phạm Kiệt - người theo dõi việc kéo pháo ở phía Tây, gọi điện cho tướng Giáp. Ông Kiệt nói pháo đặt trên trận địa dã chiến, rất trống trải, sẽ tổn thất nặng nếu bị phản kích. Một số khẩu còn chưa kéo được vào tới trận địa. Đó là người đầu tiên, duy nhất dám nói thật về những bất lợi trước trận đánh.
Tất cả biểu hiện chiến trường làm cho tướng Giáp sốt ruột. Gần ngày nổ súng, thậm chí có trung đoàn đột kích đề nghị trả bớt pháo vì được trao quá nhiều. Khi những khẩu pháo nặng gần hai tấn nhích dần về trận địa, diễn biến đầu tiên ngoài dự kiến xảy ra - một chiến sĩ Đại đoàn 312 bị bắt.
Lo bị lộ, thời gian nổ súng được hoãn thêm 24 tiếng, sang ngày 26/1/1954.
11 ngày trôi qua, với đại tướng "dài như cả tháng". Và mỗi ngày, ông càng nhận thấy "không thể đánh nhanh" được. Đêm 25/1/1954 trong lán ở bản Nà Tấu - nơi cách Điện Biên Phủ 30 km, đại tướng kể "không sao chợp mắt, đầu đau nhức". Lời dặn dò của Hồ Chủ tịch trước lúc lên đường cùng nghị quyết Trung ương cứ vẳng bên tai "... Chỉ được thắng, không được bại. Vì bại thì hết vốn!". Đến nỗi, y sĩ phải buộc trên trán ông một nắm ngải cứu.
Trận này, ông không được phép thua. Bởi phần lớn tinh hoa bộ đội chủ lực trong 8 năm kháng chiến đã tập trung về đây. Ông thuộc từng trung đoàn, tiểu đoàn, từng đại đội chủ công, nhớ từng gương mặt lập công. Với ông, đó là "vốn liếng vô cùng quý giá, nhưng cũng thực ít ỏi". Chiến dịch đâu chỉ là giành thắng bằng mọi giá, còn phải giữ được "vốn liếng" cho cuộc chiến lâu dài.
Ông hiểu vì sao ai nấy đều lựa chọn đánh nhanh. Hậu cần chỉ là một yếu tố, lý do chính là e ngại thời gian chuẩn bị dài, Pháp tăng quân số, tập đoàn cứ điểm càng vững, cơ hội tiêu tiệt càng mỏng manh. Ai cũng tin vào sức mạnh tinh thần, nhưng loại sức mạnh này cũng có giới hạn.
Chọn chiến trường rừng núi có lợi cho bộ đội Việt Minh. Nhưng Điện Biên Phủ đâu hoàn toàn là rừng núi, còn có cánh đồng Mường Thanh lớn nhất Tây Bắc. Bộ đội sẽ phải đương đầu với hỏa lực cực mạnh ở nơi bằng phẳng như đồng bằng. Quân Pháp chấp nhận giao tranh ở Điện Biện Phủ, đồng nghĩa đây cũng là chiến trường do chúng lựa chọn.
Nhưng pháo binh đã vào vị trí, các đại đoàn đã ở tuyến xuất phát xung phong. Lần thứ ba hoãn trận đánh, tinh thần bộ đội sẽ ra sao? Cuối cùng, tướng Giáp nhận thấy phải cho các đơn vị rút khỏi mặt trận, chuyển sang đánh chắc. Ông chỉ mong chóng sáng.
Nắm ngải cứu còn trên trán, ông gọi phiên dịch Hoàng Minh Phương cùng sang gặp cố vấn trưởng Vi Quốc Thanh, mờ sáng 26/1/1954, ngay trước họp Đảng ủy Mặt trận. Phân tích kỹ ba khó khăn bộ đội gặp phải, ông khẳng định "nếu đánh là thất bại" và nói rõ "hoãn cuộc tiến công ngay chiều nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm đánh chắc, tiến chắc".
Cố vấn Vi Quốc Thanh sau một lúc suy nghĩ đã đồng ý, nói sẽ làm công tác tư tưởng với đoàn Trung Quốc. Cuộc trao đổi khoảng nửa giờ.
Khi tướng Giáp nói rõ thay đổi cách đánh trước cuộc họp Đảng ủy Mặt trận, ai nấy im lặng. Tất cả đều băn khoăn "làm sao giải thích cho bộ đội?". Có ý kiến trái chiều đề nghị giữ vững quyết tâm mà đánh. Hội nghị phải tạm dừng. Lúc trở lại, nhiều người vẫn muốn đánh nhanh, nhưng "có chắc thắng trăm phần trăm không?" là câu hỏi không ai có thể trả lời. "Đánh chắc thắng" lúc này trở thành nguyên tắc cao nhất.
Cách nổ súng vài giờ, cuộc tiến công lần thứ ba được hoãn.
"... lệnh cho các đồng chí từ 17h hôm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh! Không giải thích", tướng Giáp lệnh qua điện thoại cho Chính ủy Đại đoàn công pháo 351 Phạm Ngọc Mậu, trưa 26/1/1954.
>>Hậu cần - bài toán "cân não" trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Rất nhiều năm sau này, những người lính Điện Biên vẫn kể rằng chiều hôm ấy, thay vì nổ súng xung trận, họ nhận lệnh lui binh, kéo pháo ra. Anh em nháo nhác hỏi nhau vì sao. Nhưng chỉ huy đơn vị chỉ nói ba lời: Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình, tuyệt đối tin tưởng cấp trên và triệt để chấp hành mệnh lệnh.
Trong hồi ức cố thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, bộ đội "bàng hoàng" khi nhận được lệnh kéo pháo ra. Cán bộ chưa thông nhưng vẫn bình tĩnh. Còn chiến sĩ "cằn nhằn ra mặt". Có công binh đang mở rộng tuyến đường, được tin đã bất bình lao phập lưỡi xẻng ngập sâu xuống đất. Trên trận địa, lệnh "thu pháo" của khẩu đội trưởng đã hạ, nhưng các pháo thủ vẫn đứng tần ngần chưa muốn đậy nắp nòng, chưa buồn nhấc đạn đã lau xếp vào hòm. Trên đường kéo pháo, lệnh quay ra đã đến nhưng hầu như chưa có hiệu lực.
Khi không thể điện đài báo cáo Trung ương, đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư hỏa tốc trình bày rõ với Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị, giao cán bộ tác chiến dùng chiếc Jeep duy nhất mang thư đi suốt ngày đêm về căn cứ.
"Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình", ông kể trong hồi ký.
Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Long, sau này có ý kiến băn khoăn vì sao không thay đổi phương án sớm hơn? Trên thực tế, "đánh nhanh giải quyết nhanh" không phải là không có cơ sở vào thời điểm ấy. Nhưng đại tướng mới từ ATK lên mặt trận, trong khi bộ phận tiền trạm Bộ Tổng tham mưu và đoàn cố vấn Trung Quốc đã có mặt và nghiên cứu từ cả tháng trước.
Ông Long nói cuộc họp thay đổi phương châm tác chiến vào giờ chót vẫn được giới nghiên cứu quân sự ví như "hội nghị Bình Than" thời Trần. Những nhân chứng lẫn tài liệu đều chỉ ra các chỉ huy tranh luận rất thẳng thắn, thậm chí "có phần gay gắt" để làm rõ vì sao phải thay đổi cách đánh vì sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề.
Khó nhất là làm công tác tư tưởng chiến đấu cho bộ đội. Đại tá Long phân tích với phương án đánh nhanh, công tác Đảng, chính trị đã thổi tư tưởng tiến công vào tâm trí mỗi người lính. Gần đến "giờ D" bộ đội đã ở yên trên chiến hào sẵn sàng xung trận. Chuyển sang đánh chắc và lại phải kéo pháo ra khiến tinh thần họ "như quả bóng xì hơi". Con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất mỗi chiến dịch, nên giải quyết công tác tư tưởng ra sao?
Với khâu hậu cần, "đánh chắc" dự kiến kéo dài 45 ngày đêm - gấp 15 lần so với đánh nhanh, việc đảm bảo lương thực, tiếp tế cho 55.000 chiến sĩ, chưa kể hàng chục nghìn dân công hỏa tuyến thế nào? Hàng loạt vấn đề đặt ra không dễ giải quyết.
>>Binh đoàn xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Nhưng thực hiện mệnh lệnh chiến trường, hậu phương "vét bồ" cho tiền tuyến đợi ngày "đánh chắc thắng". Cùng lúc kéo pháo ra và xây dựng đường cơ động cho xe pháo vào trận địa, từ ngày 26/1 đến trước chiều 13/3/1954, bộ đội đào gần 200 km đường hào thít dần về lòng chảo Điện Biên Phủ chờ ngày nổ súng.
Đó là những ngày giáp Tết, hoa ban bắt đầu bung trắng khắp các sườn núi. Trong hồi ký, tướng Giáp nói đã theo dõi việc kéo pháo từng giờ. Trong đầu ông thuộc từng cái tên dốc Bảy Tời, vực sâu Vườn Chuối, cửa rừng Nà Nham... Pháo với người an toàn vượt qua mỗi địa danh này, coi như bộ đội đã lập được chiến công.
Dốc Bảy Tời, trước chỉ cuộn dây đưa pháo lên, nay lại từ từ nhả dây ròng pháo xuống. Vực sâu Vườn Chuối hôm nào ghìm dây thả pháo từ từ, nay còng lưng đẩy ngược pháo lên. Lá ngụy trang trên đường kéo pháo đã úa, Pháp đánh hơi liên tục bắn phá. Sau ánh chớp lòe cùng loạt đạn xé gió từ phía Mường Thanh, nhịp "hai...ba...nào..." lại vang núi rừng. Trên đường kéo pháo ra đã là đêm 30 tháng chạp, các chỉ huy pháo binh gom góp ít đỗ xanh, mấy thanh đường phên, vài điếu thuốc lá... ăn Tết.
"Bộ đội ta đã làm nên kỳ công", đại tướng tự hào về những người lính của ông.
Trong cuộc trường chinh kháng chiến, các chỉ huy nhìn thấy tâm hồn "kỳ lạ" của những người lính, động viên họ ra tiền tuyến thì dễ, động viên ở lại hậu phương rất khó, lệnh tiến họ đạp đầu thù mà xông lên, lệnh lui họ lại trù trừ. Khi họ chưa thông mệnh lệnh thì không khỏi thắc mắc, nhưng đã hiểu thì không khó khăn nào khuất phục được.
Nếu năm đó không thay đổi cách đánh, chiến cuộc sẽ thế nào? "Lịch sử không có nếu như", đại tá Trần Ngọc Long đáp.
Nhưng theo ông, nếu so sánh tương quan lực lượng và mức độ phòng thủ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, không một ai dám khẳng định đánh nhanh sẽ chắc thắng. Nhưng tổn thất lại có thể nhìn thấy rõ. Tướng Giáp, với vai trò chỉ huy cao nhất trên chiến trường, đã đánh cược sinh mệnh chính trị khi quyết thay đổi cách đánh vào giờ chót. Trong di sản tư tưởng quân sự Việt Nam, "đánh chắc thắng" là bất biến, còn lựa chọn cách đánh sao cho phù hợp là "ứng vạn biến".
"Trên hết đó còn là trách nhiệm của ông với hàng vạn sinh mệnh cán bộ, chiến sĩ như lời cố thượng tướng Trần Văn Trà biết đau cùng nỗi đau người lính, biết quý từng giọt máu chiến binh, cũng là trách nhiệm trước trọng trách mà Hồ Chủ tịch cũng như Bộ Chính trị ủy thác cho người cầm quân ra trận", ông Long nói.
Mười năm sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Giáp được nghe các chỉ huy giãi bày. Những người dù nhìn thấy nhiệm vụ quá nặng, đột phá liên tiếp, khó cứu chữa thương binh, tiếp tế đạn dược, nhưng trước không khí trao nhiệm vụ, tinh thần lên cao, đã không dám nói ra băn khoăn.
Chính ủy Đại đoàn công pháo Phạm Ngọc Mậu như "được cởi tấm lòng" khi nghe lệnh kéo pháo ra. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói "nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó, phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ".
Riêng Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ hoàn toàn im lặng trong hội nghị Thẩm Púa, bởi không tin 2.000 viên pháo 105 mm mở màn có thể làm tập đoàn cứ điểm nhiều cây số vuông tan nát. Ông nghĩ lần đó "nếu đánh nhanh, giải quyết nhanh, cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm".
Hoàng Phương
Ảnh tư liệu chụp tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Tư liệu tham khảo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Hồi ức Hữu Mai thể hiện; Hồi ức cố thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, Viện Lịch sử quân sự lược trích dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bài tiếp: Trận địa pháo trong lòng chảo Mường Thanh
Đồng Nai - Ngày 29.1, LĐLĐ huyện Trảng Bom cho biết vừa tổ chức họp mặt, chúc Tết và tặng quà cho 200 gia đình công nhân khó khăn trên...
Sau vụ va chạm, tàu Erofey Khabarov bị hư hại một khoang chứa 138 tấn dầu; thủy thủ đoàn đã nỗ lực bơm số dầu còn lại vào khoang khác và lắp đặt hàng rào xung quanh tàu để ngăn dầu tràn.
Ngày 14/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 5 đối tượng gồm: Nguyễn Duy Khỏe (SN 2000), Đào Văn Dương (SN 2006), Dương Hoàng Hiệp (SN 2005), Bùi Trung Hiếu (SN 2007) cùng trú ở tỉnh Hưng Yên và Trần Công Vinh (2006) trú ở Đắc Nông và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ cướp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Kiến...
Một người đàn ông ở Khánh Hòa đến nhà rồi đâm chị ruột khiến nạn nhân tử vong.
Cử tri kiến nghị Quốc lộ 14 có nhiều điểm nghẽn nên cần mở rộng.
Sáng 12/8, lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an TP Dĩ An (Bình Dương) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Văn Thanh (SN 1973, quê Bình Dương) và Kiều Anh Huy (SN 1985, quê Nghệ An) về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Trước đó, khoảng 21h15 ngày 9/8, anh Đ.X.C. lái ô tô tải giao hàng đến tiệm tạp hóa trên đường N2, khu phố Thống Nhất 1, phường Dĩ An, TP Dĩ An. Khi tới nơi, anh đỗ xe trước nhà Lê Văn Thanh để giao hàng. Cùng lúc...
Ngày 24.10.2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 3 đối tượng về tội “Mua bán bộ phận cơ thể người”.
Đoàn lãnh đạo Sở Y tế và các y bác sĩ Cần Thơ đã lặn lội ra trao tận tay thuốc men, tiền, những món quà 'ân tình' đến bà con bị bão lũ ở Lào Cai.
Dịp lễ vừa qua, rất đông người dân hồ hởi khi đã trải nghiệm được cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.