Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng xây dựng văn hóa học đường, đề cao gương mẫu của người lớn là giải pháp căn cơ để giảm bạo lực học đường.
Bên hành lang Quốc hội sáng 30/10, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trả lời VnExpress về tình trạng và giải pháp chặn bạo lực học đường.
- Ông đánh giá thế nào về tình trạng bạo lực học đường thời gian gần đây?
- Thực trạng bạo lực học đường có lẽ xưa nay vẫn có. Nhưng gần đây, có một số hiện tượng cho thấy mức độ bạo lực và cách hành xử bạo lực trong học sinh, thanh thiếu niên rất đáng lo ngại. Các em không chỉ động chân, động tay mà còn xúc phạm nhân phẩm của nhau, nhiều vụ học sinh đánh hội đồng bạn, lột quần áo rồi quay video đăng lên mạng.
Lo ngại hơn là cộng đồng xung quanh như bạn bè chứng kiến cảnh bạo lực nhưng không thể hiện thái độ rõ ràng, chưa chủ động ngăn cản. Đây là vấn đề rất đáng báo động mà chúng tôi từng lên tiếng từ lâu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, phần do tác động từ phim ảnh, phần từ mạng xã hội, phần vì những hành vi của người lớn khiến con trẻ học theo. Hiện nay, nhiều trẻ được tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, internet từ rất sớm, trong đó có những cảnh quay, hình ảnh không lành mạnh.
- Giải pháp để ngăn chặn và giảm bớt bạo lực học đường, theo ông?
- Tôi nghĩ cần có nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng căn cơ và lâu dài là xây dựng văn hóa học đường cho học sinh. Trong xã hội hiện đại, ngoài lúc ở nhà nhận giáo dục của ông bà, bố mẹ thì phần lớn thời gian trẻ ở trường, nhận sự giáo dục của thầy cô. Vì vậy, việc này cần làm thường xuyên, liên tục, lâu dài chứ không thể trong một sớm một chiều mà có thể nhìn thấy kết quả ngay. Từ chủ trương thành hành động, thay đổi nhận thức và hành vi của con người đòi hỏi sự kiên trì.
Trong trường, giáo viên cần thật sự gương mẫu, xây dựng mối quan hệ thầy trò thực sự yêu thương, quan tâm nhau. Đơn cử, có những việc rất nhỏ như làm sao để học sinh khi gặp bác bảo vệ cũng lễ phép chào hỏi. Những việc nhỏ ấy được chú ý thì mọi việc sẽ dần tốt hơn. Nếu không dạy các em từ vấn đề nhỏ nhặt như vậy, sẽ sinh ra nhiều mâu thuẫn.
Nhà trường, gia đình ngoài định hướng các em tiếp cận thông tin lành mạnh nhiều hơn, hạn chế thông tin tiêu cực, cũng cần xây dựng sức đề kháng cho các em để tự nhận biết cái nào tốt, cái nào xấu.
Các em cũng cần được học cách bày tỏ thái độ không đồng tình khi chứng kiến cảnh bạo lực. Việt Nam đang xây dựng xã hội hạnh phúc, con người biết yêu thương lẫn nhau, mọi người vì mỗi người, mỗi người vì một người. Tinh thần này cần được thầy cô, phụ huynh giáo dục các em khéo léo, tinh tế qua từng tiết học, môn học hay sinh hoạt hàng ngày trong gia đình.
Làm được như vậy, tôi tin rằng bạo lực học đường và thanh thiếu niên sẽ giảm.
- Sự nêu gương của người lớn có vai trò thế nào để hạn chế bạo lực học đường?
- Tính nêu gương của người lớn từ các ông bà, bố mẹ, các thành viên gia đình đến xã hội rất quan trọng với trẻ. Người lớn đã có nhận thức đầy đủ. Trẻ thường học và làm theo người lớn. Người lớn suy nghĩ, hành động ra sao đều ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ sau.
Vì vậy, người lớn cần hành xử mẫu mực. Cuộc sống khó tránh khỏi những lúc bức xúc nhưng mỗi người phải học cách kiềm chế và không dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Có như vậy trẻ mới không tiếp xúc với hành vi tiêu cực và làm theo. Người lớn chúng ta hành xử với nhau văn minh, thượng tôn pháp luật sẽ dần dần hình thành nếp sống như vậy cho các em.
Đơn cử, bây giờ ra đường nhiều bố mẹ có ý định vượt đèn đỏ sẽ bị trẻ nhắc nhở ngay. Đó là do các em được giáo dục tuân thủ Luật An toàn giao thông.
Nhưng cũng có người băn khoăn vì sao lúc nhỏ các em có ý thức cao như vậy nhưng khi lớn hơn thì sự tự giác giảm dần. Tôi cho rằng ngoài yếu tố giáo dục thì cần quản lý xã hội nghiêm minh, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để mọi người đều có ý thức tuân thủ.
Trẻ luôn đặc biệt, tôi mong mỗi người cố gắng làm sao giúp các em tiếp cận điều tích cực ngay từ lúc nhỏ.
- Chương trình giáo dục trong nhà trường cần thiết kế ra sao để xây dựng văn hóa học đường và tạo sức đề kháng cho học sinh trước những điều xấu?
- Văn hóa học đường nằm trong nội dung mỗi môn học, từ tiếng Việt, tiếng Anh, Giáo dục công dân... đến nhiều môn khác. Nếu các môn học được thiết kế có tính giáo dục văn hóa cao sẽ truyền cách sống văn minh cho các em ngay từ nhỏ.
Tôi vẫn nhớ trước đây được học bài Hai con dê qua cầu, để nhắc nhở về tính nhường nhịn. Bây giờ ra đường, nếu mỗi người nhường nhau một chút khi tắc đường thì các em sẽ học được điều đó, hình thành cách ứng xử văn minh như vậy.
Vì vậy, nội dung mỗi bài học ngoài truyền dạy kiến thức, cần thiết kế tốt để học sinh tự cảm nhận và dần hình thành nhân cách.
Tôi biết bây giờ cả bố mẹ và thầy cô đều bận rộn, chịu nhiều áp lực. Vậy nên việc nêu gương cho các em phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải chỉ trong giờ học. Tôi ví dụ chương trình học kỳ quân đội mà nhiều em tham gia, chỉ ba tuần nhưng các em được học tự gấp chăn màn, bày tỏ yêu thương với bố mẹ.
Mọi người đều mong xã hội tốt hơn, nhưng khó ai tránh khỏi những lúc sai lầm. Trẻ cũng vậy. Khi các em mắc lỗi thì thầy cô, bố mẹ nên tạo điều kiện để các em có cơ hội sửa chữa tốt hơn. Đừng nên vì một câu chuyện cụ thể mà tạo áp lực cho các em dẫn đến suy nghĩ tiêu cực.
Hà Nội - Ông Đinh Quang Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, nhà trường chưa ra văn bản đình chỉ...
Nhiều thí sinh nhận xét, đề thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay có độ phân hoá cao.
Bước sang năm học thứ 4 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với sự chủ động của toàn ngành, hoạt động đổi mới giáo dục đang được thực hiện hiệu quả, đem lại nhiều kết quả tích cực.
Tính đến ngày 30.7, cả nước đã có 119 trường đại học, học viện công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển sớm năm 2023.
Sáng 26-8, tại phiên tòa xét xử cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm vụ nâng khống giá cây xanh, Viện kiểm sát đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo. Bị cáo Mận ngã khuỵu tại tòa và được cảnh sát hỗ trợ dìu dậy.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng xét tuyển bổ sung hệ đại học chính quy theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp...
Ngày 5.9, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã tổ chức trao tặng 20 bộ máy vi tính, hơn 17 nghìn quyển vở cho các nhà trường, học sinh tại...
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến 14h ngày 23.6, đã có 15 trường THPT không chuyên của tỉnh thông báo...
Nhiều trường đại học đã mời học sinh trung học phổ thông đến tham quan, trải nghiệm 1 ngày làm sinh viên.