Nguyễn Thị Định (18 tuổi) sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn nhất nhì khu phố ngoại ô Phúc Cường, phường Quảng Tâm, TP Thanh Hóa.
Ngày Nguyễn Thị Định nhận giấy báo trúng tuyển vào ngành kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - kỹ thuật Hà Nội, cô thấy như một giấc mơ.
Đối với các bạn cùng trang lứa, được đi học là chuyện bình thường. Còn với Định, cô nữ sinh đang rất cần được tiếp sức đến trường, hành trình đi tìm con chữ thật lắm gian nan. Hai mẹ con ở với bà ngoại của Định từ khi cô mới ra đời trong ngôi nhà tạm bợ rộng chỉ 20m2.
Bà Nguyễn Thị Cử, 55 tuổi - mẹ của Định - vốn ốm đau, bệnh tật nhiều năm, quanh năm tần tảo với 5 sào ruộng và mảnh vườn ở quê, dành dụm từng đồng tiền lẻ để cho Định ăn học. Năm 2017, bà ngoại của Định mất. Mắt bà Cử mờ dần đi, đến bệnh viện khám phát hiện bị bong võng mạc, đục thủy tinh thể và viêm cả hai mắt.
Số tiền hai mẹ con tích góp nhiều năm để dành cho Định học phổ thông và lên đại học cứ theo đơn thuốc chữa mắt suốt hai năm sau đó ra đi. Đến khi gia đình khánh kiệt, đôi mắt của bà Cử vẫn mờ đi theo tuổi tác, bệnh tật kéo dài.
Mỗi lần nhìn mẹ đi lập cập chỗ thiếu ánh sáng như muốn chực ngã, nước mắt Định lại rơi trong nỗi hoang mang, lo lắng.
Thương mẹ già yếu, cứ đến mùa hè trong 3 năm học tại Trường THPT Chu Văn An, TP Sầm Sơn, Định lại xin đi làm thêm phụ giúp bán đồ ăn sáng cho quán của nhà chị họ ở khu du lịch biển Sầm Sơn.
Những đồng tiền lương được chị họ trả trong tháng, Định nâng niu, trân trọng đưa cho mẹ để lo thuốc thang cho mẹ. Đó là những ngày tháng cô trân quý sức lao động, thời gian của mình bỏ ra làm thuê kiếm tiền phụ giúp mẹ.
Hết mùa du lịch hè, Định lại cùng mẹ làm 5 sào lúa, chăm sóc vườn rau để mẹ bán từng bó lấy tiền cho cô ăn học.
Thương mẹ con Định sống trong cảnh nghèo khó, neo đơn, bà con trong khu phố Phúc Cường thường chia sẻ, hỗ trợ. Nhà nào mua bộ bàn ghế, cái tủ mới, cũng chở bộ bàn ghế, cái tủ cũ đến cho mẹ con Định dùng.
"Bàn ghế, tủ gỗ và một số đồ dùng thiết yếu khác trong gia đình tôi đều do bà con, anh em trong khu phố cho tặng. Cũ người, mới ta, chỉ cần lau chùi sạch sẽ là vẫn dùng tốt mà" - bà Nguyễn Thị Cử chia sẻ.
Trong khi một số bạn cùng trang lứa ở quê học xong phổ thông chọn con đường đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, hoặc làm công nhân ở các nhà máy trên TP Thanh Hóa, Nguyễn Thị Định quyết tâm vào học khoa kiểm toán, Trường Đại học kinh tế - kỹ thuật Hà Nội, với tổng điểm xét tuyển là 24 điểm.
Cái nghèo khó, hoàn cảnh của gia đình không khuất phục được ý chí vươn lên trong cuộc sống, học tập của nữ sinh nhỏ nhắn, có đôi mắt thông minh và nhanh nhẹn.
Thầy giáo Nguyễn Phú Lâm - giáo viên chủ nhiệm em Định tại Trường THPT Chu Văn An, TP Sầm Sơn cho biết: "Hoàn cảnh gia đình em Định rất khó khăn, nên thầy cô giáo trong trường luôn giúp đỡ em trong học tập. Thầy cô giáo chúc em vào đại học luôn vững tin, vượt qua mọi khó khăn để vươn tới chân trời tri thức".
Còn ông Nguyễn Hữu Hoàn - bí thư Đảng ủy phường Quảng Tâm, TP Thanh Hóa - xác nhận, hoàn cảnh của gia đình bà Nguyễn Thị Cử ở khu phố Phúc Cường là một trong những gia đình thuộc diện khó khăn nhất của phường.
Hoàn cảnh neo đơn, nhưng bà Cử luôn dành sự quan tâm đến việc học hành của con gái. Nguyễn Thị Định là công dân tốt, hoạt động phòng trào Đoàn ở địa phương sôi nổi, nhiệt tình.
"Ngày tôi báo tin đậu đại học, nước mắt mẹ trào ra. Mẹ vui lắm vì con gái quyết tâm học để thoát cảnh nghèo khó. Nhưng mẹ cũng đau đáu nỗi lo vì không biết xoay đâu ra tiền để nuôi con ăn học đại học.
Số tiền trợ cấp của Nhà nước dành cho phụ nữ đơn thân nuôi con mỗi tháng được 360.000 đồng, mẹ dành dụm nhiều năm, cộng với sự chắt chiu của thu nhập 5 sào ruộng lúa, mảnh vườn trồng rau bỗng chốc lại theo đơn thuốc điều trị mắt cho mẹ ra đi.
Nhiều đêm mẹ trằn trọc, không ngủ được vì nỗi lo không có tiền nuôi ước mơ học đại học của con" - Nguyễn Thị Định tâm sự.
Trước ngày con nhập học, bà Cử quyết định vay của ngân hàng 10 triệu đồng để con gái có tiền đóng các khoản đầu năm học.
"Trời còn cho sức khỏe, tôi còn mò mẫm làm ruộng, làm vườn được. Như vậy còn lo được cho con gái. Đợt tới, tôi làm sổ vay tiền thuộc diện hộ nghèo của Ngân hàng chính sách - xã hội để có kinh phí cho Định trang trải học đại học" - bà cho biết.
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Vừa dứt cảnh nuôi 6 con cùng chồng ốm liệt giường, bà Phụng lại phải bước vào 'trận chiến' mới chăm 4 cháu ngoại, bởi đứa gia đình ly tán, đứa vừa mất mẹ.
Sau hơn hai tháng chấn thương đầu do tai nạn, Huệ, 19 tuổi, thường đau đầu, la hét, tiêu tiểu không tự chủ, không nhận biết người thân, bác sĩ phát hiện não úng thủy.
Lễ hưởng ứng Cuộc thi Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ lần thứ IV vừa được phát động tại Nghệ An. Cuộc thi dành cho tất cả thiếu nhi Việt Nam độ tuổi từ 6 – 15 tuổi; các liên đội trường tiểu học, THCS và các nhà thiếu nhi trên cả nước.
Tối ngày 18/9, Thành Đoàn TPHCM tổ chức Lễ ra quân các đội hình tình nguyện tham gia hỗ trợ và khắc phục hậu quả bão số 3 tại các tỉnh phía Bắc, thể hiện tinh thần xung kích và nghĩa tình của tuổi trẻ TPHCM đối với đồng bào chịu thiệt hại nặng nề sau cơn bão.
Gần 300 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu trên cả nước được lựa chọn tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024 được các chuyên gia, lãnh đạo tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng nhằm phát huy vai trò của một đại biểu Quốc hội đại diện tiếng nói của trẻ em.
Người hiến máu được đeo một chiếc kính thực tế ảo tích hợp trong suốt giúp thư giãn vui vẻ, tạo ra sự phân tâm cho những người còn e dè hoặc chưa bao giờ hiến máu.
Huế - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trưng bày bộ tranh vẽ lễ phục triều Nguyễn của tác giả Nguyễn Văn Nhân tại Tàng Thơ Lâu.
Bác sĩ Khởi Quân, 27 tuổi, trúng tuyển chương trình thạc sĩ Dịch tễ và Sinh thống kê tại Đại học Johns Hopkins, với học bổng của Viện trưởng.
Nữ sinh 18 tuổi ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn tử vong do bệnh bạch hầu, 119 người tiếp xúc được cách ly theo dõi.