Tổng thống Biden xuất hiện tại các hội nghị quốc tế lớn cuối cùng của nhiệm kỳ, nhưng sự chú ý dường như không còn tập trung nhiều vào ông.
"Đây là hội nghị thượng đỉnh G20 cuối cùng của tôi", Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/11 nói với các lãnh đạo thế giới khi dự sự kiện ở Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil.
"Chúng ta đã cùng nhau đạt được nhiều tiến bộ, nhưng tôi kêu gọi các vị tiếp tục. Và tôi chắc rằng các vị sẽ làm như vậy dù có sự thúc giục của tôi hay không", ông nói.
Ông dường như đã đúng. Lãnh đạo các nước tới dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil dường như đã sẵn sàng tiếp tục chương trình nghị sự về chống đói nghèo và chiến tranh mà không còn chú ý nhiều tới ông.
Vài giờ sau đó, các lãnh đạo thế giới tập trung để chụp ảnh kỷ niệm như thông lệ. Khi các lãnh đạo như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nắm tay mỉm cười trước ống kính, ông Biden chưa có mặt vì đang trò chuyện với Thủ tướng Canada Justine Trudeau.
Khi họ tới bục, các lãnh đạo khác đã chụp ảnh xong và rời đi. Ông Biden, ông Trudeau và cả Thủ tướng Italy Giorgia Meloni không có mặt trong bức ảnh chụp chung. Quan chức Mỹ giải thích đây là do vấn đề hậu cần.
Sơ suất hậu cần gần như không thể tránh khỏi tại các sự kiện với sự góp mặt của hàng chục lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, thật khó bỏ qua ấn tượng mà nó để lại rằng dấu ấn của Tổng thống Biden dường như đang phai nhạt trên trường quốc tế, khi ông sẽ hết nhiệm kỳ trong hai tháng tới, theo Kevin Liptak và Kayla Tausche, hai nhà phân tích của CNN.
Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil được xem là một trong những cơ hội cuối cùng để ông Biden có thể duy trì dấu ấn cho di sản đối ngoại của mình, khi nhiều lãnh đạo thế giới đang dần chuyển sự chú ý sang chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ông Biden đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người ông quen biết từ lâu, bên lề hội nghị G20. Trong cuộc gặp riêng kéo dài gần hai giờ ngày 16/11, hai người đã thảo luận về mối quan hệ song phương và trao đổi thẳng thắn về những vấn đề hai bên quan ngại.
Tuy nhiên, ngay cả ông Tập cũng có vẻ cũng nói về chính quyền sắp tới khi đưa ra lời cảnh báo với lãnh đạo Mỹ. "Hãy lựa chọn khôn ngoan. Hãy tiếp tục con đường đúng đắn để hai nước lớn có thể giữ quan hệ tốt với nhau", ông Tập nói.
Các trợ lý của ông Biden tuần này cố gắng tránh bị cuốn vào các câu hỏi về chương trình nghị sự của chính quyền kế nhiệm. Họ từ chối bình luận về những ứng viên nhiều tranh cãi được ông Trump bổ nhiệm vào nội các mới, thừa nhận rằng họ biết rất ít về những gì ông Trump và chính quyền mới đang lên kế hoạch.
"Chính quyền mới không có trách nhiệm cung cấp cho chúng tôi sự đảm bảo về bất kỳ điều gì. Họ sẽ tự quyết định về những gì sắp tới", Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói.
Ông Trump đã nhận được nhiều lời chúc mừng chiến thắng và lời mời tiếp đón từ các lãnh đạo thế giới. Ông Erdogan đã mời Tổng thống đắc cử Mỹ tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ, nỗ lực được cho là nhằm hàn gắn quan hệ sau nhiều căng thẳng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Trong khi đó, Tổng thống Biden đã tận dụng các sự kiện ở Brazil để thúc giục lãnh đạo thế giới tiếp tục những dự án mà ông đang thực hiện, ngay cả sau khi ông rời nhiệm sở.
Trong chuyến thăm rừng nhiệt đới Amazon đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm, ông Biden cảnh báo người kế nhiệm không đảo ngược các sáng kiến về khí hậu được thông qua trong 4 năm qua.
"Sự thật là có một số người có thể tìm cách bác bỏ hoặc trì hoãn cuộc cách mạng năng lượng sạch ở Mỹ. Nhưng không ai có thể đảo ngược nó. Không ai cả", ông Biden nói.
Tuy nhiên, ông từ chối trả lời các câu hỏi về sáng kiến khí hậu hay bất kỳ vấn đề nào.
Trong chuyến công du dự hội nghị G20 ở Brazil tuần này hay hội nghị APEC ở Peru trước đó, ông Biden và đội ngũ trợ lý không tổ chức họp báo, điều khác biệt so với truyền thống trong nhiệm kỳ của ông. Trong 4 năm qua, ông Biden và nhóm cộng sự thường tổ chức họp báo khi công du nước ngoài hoặc khi lãnh đạo các nước đồng minh, đối tác tới thăm Nhà Trắng.
Ông Biden đã tổ chức họp báo tại cả 4 lần nhóm họp của nhóm G7 trong nhiệm kỳ và tại mọi hội nghị thượng đỉnh hàng năm của các lãnh đạo NATO. Trong năm 2023, buổi họp báo của lãnh đạo Mỹ được tổ chức với sự tham gia của Tổng thống Phần Lan, thành viên mới nhất của liên minh quân sự.
Trở lại Rio de Janeiro ngày 19/11, các lãnh đạo thế giới đã tập trung chụp bức ảnh kỷ niệm khác để đảm bảo ông Biden có mặt. Khi được hỏi tại sao các lãnh đạo thế giới không đợi ông Biden trong lần chụp đầu tiên, Bộ trưởng Truyền thông Brazil Paulo Pimenta giải thích rằng nước này coi trọng sự đúng giờ.
"Đến giờ thì phải tiến hành thôi", ông Pimenta nói.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ tham gia thêm một cuộc họp nữa về biến đổi khí hậu cùng ngày, kêu gọi các lãnh đạo xem xét cuộc khủng hoảng này một cách nghiêm túc.
"Lịch sử đang dõi theo chúng ta", ông Biden, người bước sang tuổi 82 vào ngày 20/11, thúc giục. "Tôi kêu gọi chúng ta giữ niềm tin và tiếp tục những gì đang làm".
"Tôi còn nhiều điều để nói", Tổng thống Mỹ thứ 46 nói với vẻ ngần ngừ, trong phát biểu cuối cùng của ông tại sự kiện quốc tế này. "Nhưng tôi sẽ không nói nữa".
Thùy Lâm (Theo CNN, NBC News)
Ngày 18/6, tại trụ sở Quốc hội Thái Lan, Đại sứ Phạm Việt Hùng đã đến thăm và làm việc với Chủ tịch cùng các thành viên Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Thái-Việt.
Những người tị nạn ủng hộ chính phủ Eritrea gây bạo loạn với nhóm đối lập, đốt xe cảnh sát trên đường phố Hà Lan, khiến giới chức phải trấn áp.
Đại sứ Mỹ Marc Knapper dành phút mặc niệm, nghiêng mình trước đài tưởng niệm các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã hy sinh trong đợt ném bom của Không quân Mỹ năm 1972.
Băng đảng Gran Grif xả súng vào thị trấn Pont-Sonde để trả thù người dân, khiến ít nhất 70 người thiệt mạng và hơn 6.000 người phải tháo chạy.
Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra được cảnh sát chuyển đến nhập viện ngay đêm đầu trong tù.
Ngày 27/5, Phiên họp mùa Xuân của Hội đồng nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra tuyên bố kêu gọi phương Tây bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí đã được cấp để nhắm vào các mục tiêu quân sự bên trong Nga.
Tổng thống Putin hứa sẽ biến Nga thành một cường quốc có khả năng tự chủ nhằm đối phó những áp lực từ phương Tây.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói rằng Ukraine tổn thất hơn 71.000 binh sĩ và 11.000 đơn vị khí tài trong năm 2024, trong đó có 6 HIMARS, 5 Patriot.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân đến Trung Quốc, ngày 20/8, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gặp song phương với Thượng tướng Đổng Quân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc.