Từng xem trường học là nhà, bạn bè như người thân, nay Lê Văn Thông khóa cửa, quay mặt vào tường mỗi lần có thầy cô hay bạn bè muốn tới chơi.
Thông, một học sinh lớp chọn trường THCS Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh vẫn yêu trường lớp nhưng tự ti vì vẻ bề ngoài không còn như các bạn. "Con sợ các bạn nhìn thấy đầu trọc sẽ cười con. Chân con đau, cũng không đá bóng cùng các bạn nữa'', cậu bé nói.
Lần cuối cùng Thông ra sân là tháng 10 năm ngoái. Hồi đó, sau trận bóng cậu bé bị ngã, đầu gối trầy xước. Thấy con kêu đau, chị Trịnh Thị Nhi, 41 tuổi, chườm đá, nhưng không đỡ. Đến khi đầu gối con tím lại, chị Nhi hớt hải đưa đến bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội chụp chiếu. Các bác sĩ đề nghị chuyển Thông sang bệnh viện K Tân Triều làm xét nghiệm sinh thiết. Kết quả cho thấy cậu con trai út bị ung thư đùi trái.
''Lúc đấy mẹ thì khóc, đứng không được, nhưng con vẫn vô tư lắm'', chị Nhi kể. Các bác sĩ cho biết, bệnh tình của Thông phải phẫu thuật sinh thiết u, sau đó truyền 18 mũi hóa chất.
Chị Nhi bảo với con phải nằm viện điều trị một thời gian, hết bệnh lại về đi học. Thông tự lấy bệnh án đọc, biết mình bị ung thư, cậu nhắn tin cho bạn bè thông báo.
''Lúc ấy cháu chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra'', mẹ Thông kể. Đến phẫu thuật rồi truyền hóa chất, Thông sụt cân nên người gầy rộc đi, tóc cũng rụng từng mảng. Nhìn cái đầu trọc và cơ thể yếu ốm, cậu bé không muốn tiếp xúc với ai.
Cô Văn Thị Thu Hoài, chủ nhiệm lớp 7A của Thông kể, khi biết học trò bị bệnh hiểm nghèo, các thầy cô kêu gọi phụ huynh học sinh, mạnh thường quân và tự trích tiền lương chung tay giúp Thông có viện phí điều trị. "Chỉ 9 tháng trước bố Thông bị ung thư phổi qua đời, mình mẹ em ấy nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học'', cô Thu Hoài nói.
Khi cô giáo và các bạn tới thăm cũng là lúc Thông được về nhà sau đợt dài điều trị ở viện. ''Nhưng em ấy khóa cửa không muốn nói chuyện với ai, cứ khóc mãi'', cô giáo kể. Thương trò, các thầy cô và bạn bè kiên nhẫn ngồi lại đợi Thông bình tâm hơn, mẹ cũng ra sức khuyên nhủ. ''Nhưng con tủi thân lắm, con không giống các bạn nữa rồi'', Thông nói với mẹ. Đồng ý mở cửa nhưng mọi người bước vào, cậu bé vẫn nằm quay lưng vào tường, nước mắt giàn giụa.
Chị Nhi kể không chỉ lúc về nhà, ở viện, nằm chung phòng với các bệnh nhi ung thư khác, tự ti vẫn đeo đẳng lấy Thông. Mẹ và em mỗi lần từ Hà Tĩnh ra Hà Nội điều trị mất đến 9 tiếng ngồi xe khách. Bởi vậy họ hàng ở quê không ai tới thăm được. Nhìn các bạn cùng phòng hết đoàn này đến nhóm khác đến thăm, có đủ bố lẫn mẹ chăm sóc, chiều chuộng, Thông tủi thân.
"Các bạn có cha mà con chẳng có cha. Ước gì cha con vẫn sống, chỉ ở nhà thôi cũng được. Con nhớ cha'', sau những đợt truyền hóa chất đau đớn, Thông hay khóc như thế.
Mẹ và hai anh trai của cậu cũng nghĩ nếu trên đời có hai chữ ''giá như'', họ ước chồng, cha mình vẫn còn.
Chỉ hai năm trước thôi, cuộc sống của gia đình năm người vẫn trôi qua êm đềm. Anh Trung làm phụ hồ, lương tháng 7-8 triệu đồng, chị Nhi làm thuê tháng hơn 3 triệu. Không giàu có nhưng họ nuôi đủ ba con trai đến trường như chúng bạn. Cuối năm 2022, sau cú ngã bất tỉnh khi đang làm ngoài đồng, anh Trung phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối, đã di căn sang não.
Chị Nhi dồn tiền tiết kiệm và vay mượn, giữ được anh ở bên bốn mẹ con thêm 5 tháng. Cũng trong năm đó, Thông phát hiện bệnh hiểm nghèo. Anh trai cậu, Lê Văn Thanh hè này thi đại học, nhưng thấy sức nhà đã cạn đành nghỉ học đi làm, cùng mẹ lo cho các em. Huỳnh, cậu con trai 16 tuổi cũng vừa học xong lớp 10, thấy tương lai mơ hồ vì tiền không có.
''Nếu có chồng, có cha kề vai gánh vác, mẹ con tôi không bơ vơ thế này'', chị nói.
Mùa hè này, khi bạn bè liên hoan tổng kết năm học cũng là lúc Thông được bác sĩ cho về nhà nghỉ ngơi sau đợt dài điều trị. Bữa tổng kết, cô Thu Hoài gọi cho chị Nhi hỏi xem nếu con về rồi thì các cô qua đón đến liên hoan cùng các bạn. Người mẹ hỏi ý kiến con, nhưng Thông lắc đầu.
''Con sợ các bạn trêu'', cậu nói. Chị Nhi khuyên con không cần tự ti, nếu muốn đến lớp, mẹ sẽ lấy xe máy chở đi, con vẫn không chịu. ''Tôi đành gọi cho cô giáo nói là con chưa về kịp'', chị kể.
Hiện tại, Thông đã truyền xong 10 mũi hóa chất trong phác đồ 18 mũi. Chị Nhi cho biết, dẫu phải đánh đổi mọi thứ để con được sống, chị chấp nhận. "Chồng tôi mất rồi, nếu con cũng không còn hay nó sống trong buồn khổ, tôi cũng chẳng còn tha thiết sống chi thêm'', người mẹ nói.
Phạm Nga
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho trẻ em yếu thế, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả xem thông tin chương trình tại đây
Đó là lời nhắn nhủ mà các cô, chú từng chiến thắng căn bệnh ung thư gửi cho những 'chiến binh nhí' đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1) và Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP. Thủ Đức, TP.HCM).
Sáng 3-11, Không gian truyền thống học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã khánh thành.
Với sự kết hợp giữa di chuyển với biểu diễn âm nhạc, múa và các giai điệu đặc sắc, Lễ hội Quảng diễn đường phố thực sự là bữa 'đại tiệc' về nghệ thuật diễn ra trên đường phố, làm say lòng du khách.
Trận mưa lớn đêm 15/9 khiến nhiều tuyến phố tại Hà Nội ngập sâu, người dân di chuyển khó khăn, tắc đường ở nhiều khu vực.
Vườn nho của ông Nguyễn Bá Vũ ở ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đang ra trái rộ, đẹp nên thu hút đông đúc du khách đến tham quan, ăn uống và tắm suối Đá Bàn.
Chiều 24-1, tại xã Tân Hội, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Trung ương Đoàn phối hợp với Tổng Công ty CP SABECO tổ chức chương trình Tết sẻ chia, năm rồng khởi sắc.
Chiều 4/5, Ban Thường vụ Thành Đoàn TPHCM đã phát động đợt thi đua cao điểm “Tuổi trẻ Thành phố Bác năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TPHCM năm 2023”.
Ngày hội do Tỉnh Đoàn, Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) phối hợp tổ chức nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về ý thức chấp hành Luật giao thông trong đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân.
Tỉnh Đoàn – Hội đồng Đội tỉnh Cà Mau vừa phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức chương trình Đêm hội Trăng rằm năm 2024, tại Trường tiểu học Đỗ Thừa Luông (xã Khánh Thuận, huyện U Minh). Chương trình có sự tham gia của 500 em thiếu nhi.