Việc Niger hủy hợp tác quân sự, lệnh cho 1.100 lính Mỹ rời đi có thể giáng đòn nặng vào chính sách đối ngoại và lợi ích chiến lược của Washington tại châu Phi.
Đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên chính quyền quân sự Niger, ngày 16/3 cho biết nước này quyết định hủy bỏ "ngay lập tức" thỏa thuận cho phép quân nhân và nhân viên dân sự Lầu Năm Góc hoạt động tại Niger. Họ cũng ra lệnh cho 1.100 quân nhân Mỹ đồn trú tại Niger phải rời khỏi nước này.
Abdramane cáo buộc phía Mỹ không tuân thủ các nghi thức ngoại giao, không thông báo trước cho Niger về thành phần của phái đoàn cũng như thời điểm họ tới quốc gia châu Phi này.
Thông báo được đưa ra một ngày sau khi phái đoàn Mỹ, dẫn đầu bởi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi Molly Phee và chỉ huy Bộ tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Phi (USAFRICOM) Michael Langley, kết thúc chuyến thăm Niger.
Niger được coi là một trong những quốc gia cuối cùng mà phương Tây có thể hợp tác để đẩy lùi các nhóm phiến quân Hồi giáo ở vùng Sahel, dải đất rộng hơn 3 triệu km2 kéo dài từ bờ biển phía tây đến phía đông châu Phi. Mỹ cùng các đồng minh đã chi hàng trăm triệu USD để viện trợ quân sự và huấn luyện cho quân đội Niger, đồng thời duy trì lực lượng đồn trú tại nước này suốt nhiều năm qua.
Quyết định của Niger đã "dội gáo nước lạnh" vào lợi ích và tính toán chiến lược của Mỹ ở châu Phi, nối tiếp xu hướng đã diễn ra ở nhiều quốc gia khu vực gần đây, khi họ trở nên lạnh nhạt với Mỹ và quay sang tăng cường quan hệ với Nga, quốc gia có hiện diện và lợi ích ngày càng tăng ở đây.
Mali và Burkiana Faso, hai quốc gia láng giềng của Niger, đã trải qua đảo chính quân sự từ năm 2020 và tìm đến Nga để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ an ninh. Chính quyền quân sự Niger cũng đang duy trì quan hệ khăng khít với tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga.
Cameron Hudson, cựu chuyên gia về châu Phi của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng Niger bị chọc giận bởi nỗ lực của Mỹ nhằm buộc nước này tránh xa Nga, cũng như cho thấy sức ảnh hưởng của Washington tại khu vực đang ngày càng suy giảm.
"Thật trớ trêu khi một trong những tôn chỉ của chính quyền Tổng thống Joe Biden là các nước châu Phi có thể tự do lựa chọn đối tác của họ", ông nói.
Phee, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi, hồi tháng 12/2023 cho biết đã thảo luận với các lãnh đạo chính quyền quân sự Niger, kêu gọi họ xây dựng thời gian biểu tổ chức cuộc bầu cử dân chủ để đổi lấy khôi phục viện trợ nhân đạo và quân sự của Washington.
Trong cuộc gặp tuần trước, Phee và các quan chức Mỹ đã cảnh báo Niger về một số vấn đề, trong đó có thông tin chính quyền quân sự Niger gần đạt thỏa thuận cho phép Iran tiếp cận các mỏ uranium trữ lượng lớn của nước này.
Insa Garba Saidou, cố vấn truyền thông của chính quyền quân sự Niger, chỉ trích Washington đang buộc Niamey phải "chọn phe" giữa các đối tác chiến lược và họ dường như đã đưa ra lựa chọn. "Căn cứ và nhân viên dân sự của Mỹ không thể hiện diện trên lãnh thổ Niger thêm nữa", ông nói.
Aneliese Bernard, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề châu Phi, nhận định chuyến công tác của phái đoàn Mỹ tại Niamey đã thất bại và Washington cần xem xét lại phương thức ngoại giao ở cả châu Phi, chứ không chỉ với Niger.
"Chính phủ Mỹ thường làm việc mà không thèm để ý đến tình hình khu vực. Chúng ta không thể phủ nhận rằng quan hệ xấu đi giữa Washington với nhiều nơi trên thế giới đang tác động đến quan hệ với những nước ở Tây Phi", bà cảnh báo.
Trước đó, chính quyền quân sự Niger đã gây sức ép để buộc 1.500 lính Pháp đồn trú ở nước này rời đi, với cáo buộc họ đã không thể làm gì để ngăn chặn tình trạng phiến quân liên tục tiến hành các cuộc tấn công đẫm máu những năm qua.
Nỗi bất bình thúc đẩy Niger 'ly dị' với Pháp hậu đảo chính
Mỹ triển khai binh sĩ tới đồn trú tại hai địa điểm ở Niger, trong đó có Căn cứ không quân 201, cơ sở chuyên vận hành máy bay không người lái (UAV), gần thành phố Agadez ở miền trung Niger. Từ năm 2018, căn cứ này được sử dụng làm nơi điều phối hoạt động tập kích các nhóm phiến quân thân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda ở châu Phi.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel hôm 18/3 cho biết nước này đang liên lạc với các cơ quan thuộc chính quyền quân sự Niger để làm rõ quan điểm của họ và cùng thảo luận bước tiếp theo.
"Quan hệ an ninh của chúng tôi với các đối tác Tây Phi đem tới lợi ích chung, nhằm đạt được mục tiêu là phát hiện, ngăn chặn và giảm tình trạng khủng bố, cũng như tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và xã hội", Patel nói.
Một quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ nói rằng chưa có thay đổi trong hoạt động của binh sĩ đang đóng quân tại Niger. Lầu Năm Góc vẫn tiến hành những chuyến bay trinh sát từ Căn cứ 201 để bảo vệ binh sĩ Mỹ, cũng như cảnh báo giới chức Niger nếu phát hiện mối đe dọa khủng bố cận kề.
"Hủy thỏa thuận hợp tác quân sự không đồng nghĩa Niger sẽ quyết liệt buộc lính Mỹ rời đi, điều từng xảy ra với quân đội Pháp. Đây dường như là chiến thuật đàm phán quyết liệt của Niger để giành thêm nhiều lợi ích trong hợp tác với Mỹ", Hannah Rae Armstrong, nhà phân tích chuyên về an ninh tại khu vực Sahel, nêu quan điểm.
Quyết định của chính quyền quân sự Niger gắn liền với vấn đề chủ quyền, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người dân trong nước.
"Mục đích của Mỹ không phải để chống lại các nhóm phiến quân, mà nhằm duy trì kiểm soát và ngăn chặn sức ảnh hưởng ngày càng lớn của những cường quốc như Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Không có bằng chứng nào cho thấy căn cứ Mỹ tại Niger có tác dụng trong cuộc chiến chống phiến quân", cây bút Abdoulaye Sissoko viết trên một trong những tờ báo nhiều người đọc nhất tại Niger.
J. Peter Pham, cựu đặc phái viên Mỹ tại vùng Sahel, nhận định Washington sẽ phải chờ đợi xem Niamey sẽ thực thi quyết định mới như thế nào.
"Nếu họ thực hiện một cách gắt gao như những gì đã diễn ra với lực lượng đồn trú Pháp, Mỹ có thể đánh mất quyền tiếp cận loạt căn cứ tại Niger, gây tổn thất lớn với nỗ lực chống khủng bố và tình báo ở khu vực. Nếu xét rộng hơn, nó còn dẫn đến tác động xấu với vị thế của Mỹ tại châu Phi", ông nói.
Chuyên gia Armstrong cho rằng tuyên bố của chính quyền quân sự Niger là một phần trong sự chuyển dịch lớn về cán cân quyền lực giữa nước này với các quốc gia phương Tây. "Niger thường xuyên phải kêu gọi viện trợ an ninh và nhân đạo suốt 10 năm qua. Bây giờ Mỹ đang bị đẩy vào thế phải tìm mọi cách để được duy trì căn cứ và binh sĩ ở nước này", ông nhận định.
Vũ Anh (Theo AP)
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tăng cao khi hai miền đều đưa ra các tuyên bố cứng sau phản ứng của Bình Nhưỡng với các thiết bị bay không người lái thả tờ rơi xâm nhập bầu trời thủ đô này.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết ông Binladin bị trục xuất vì đăng tải nội dung tôn vinh chủ nghĩa khủng bố lên mạng xã hội.
Mỹ, Anh và 8 đồng minh hôm 12/1 cho biết các cuộc không kích chung của họ nhằm vào các mục tiêu của phiến quân Houthi ở Yemen nhằm mục đích khôi phục 'sự ổn định ở Biển Đỏ'.
Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Italy để cải thiện các cơ chế hợp tác an ninh song phương nhằm bảo vệ tốt hơn lợi ích an ninh của cả hai nước.
Mặc dù sắp mãn nhiệm nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một quyết định quan trọng liên quan đến xung đột Nga-Ukraine. Một phần muốn đi trước ông Trump một bước với kỳ vọng có thể thay đổi cục diện, đồng thời tiếp thêm thế và lực cho Kiev nếu phải sớm bước vào bàn đàn phán với Moscow.
Quân đội Ukraine đang rất cần nhân lực để ngăn chặn đà tiến của Nga, song những tính toán chính trị đang khiến điều này trở nên khó khăn.
Xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Putin đề cập việc tái khởi động sản xuất tên lửa tầm trung, Hội nghị thượng đỉnh EU, tranh luận bầu cử Mỹ, Thủ tướng Ba Lan thăm Trung Quốc… là những ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, Reuters, The Guardian… tổng hợp.
IDF tấn công mục tiêu thuộc Hezbollah ở miền đông Lebanon, sau khi nhóm vũ trang phóng rocket vào lãnh thổ Israel để hướng ứng cuộc tập kích của Iran.
Một số tỉnh Canada ghi nhận lượng thi thể trong nhà xác không được người thân nhận về tăng vọt, khi chi phí mai táng ngày càng đắt đỏ.