Khi Maya chịu đựng quá đủ và nói thẳng với chồng rằng anh đang cưỡng bức mình, người chồng thách cô báo cảnh sát.
Năm 19 tuổi, Maya lấy người đàn ông cô yêu từ thời đại học. Không giống nhiều gia đình ở Ấn Độ, cô không bị bố mẹ sắp đặt hôn nhân, nhưng mẹ cô cũng không đồng ý cho con gái lấy người này.
Maya chuyển tới sống cùng nhà chồng. Gia đình anh lập tức không ưa Maya vì cô xuất thân từ tầng lớp thấp hơn. Trong xã hội phân tầng Ấn Độ, một số người tự coi bản thân cao quý hơn người khác, dù pháp luật nước này cấm mọi hình thức phân biệt đối xử dựa theo tầng lớp.
"Bà của chồng không ăn đồ tôi nấu hay chạm vào cốc nước mà tôi đưa. Bà ấy luôn coi thường tôi, từ cách tôi nói năng tới ăn mặc", Maya nói.
"Đó là lý do tôi và chồng hay cãi vã", người phụ nữ năm nay 21 tuổi cho biết. "Anh ấy bảo tôi thỏa hiệp, làm theo những gì nhà chồng bảo. Tôi nói anh ấy hãy đứng lên bảo vệ tôi, nhưng anh ấy không làm".
Maya nắm chặt tay khi kể về sự ngược đãi tinh thần, thể xác mà cô chịu đựng khi sống chung với chồng. "Tôi đã phải phá thai 4 lần. Chồng tôi dùng vũ lực cưỡng bức mỗi khi tôi từ chối quan hệ. Tôi trở nên nhu nhược, chỉ biết khóc", cô kể.
Cuối năm 2021, sau một lần bị chồng cưỡng bức, Maya đã quyết định phản kháng.
"Tôi nói với anh ta, 'Anh có biết thế này là gì không? Là cưỡng hiếp'. Anh ta đáp lời, 'Đúng, tôi biết tôi đang cưỡng hiếp cô. Cô đúng. Tôi đang cưỡng bức cô đấy. Hãy trình báo và kiện ra tòa nếu cô muốn'".
Maya không báo cảnh sát nhưng ngày hôm sau, cô thu dọn đồ đạc và rời đi sau hai năm chung sống. "Tôi muốn anh ta bị trừng phạt, phải ngồi tù vì tội của mình", cô nói. "Cho tới khi bị trừng phạt, anh ta sẽ không bao giờ hiểu hay nhận ra mình đã làm sai".
Tại Ấn Độ, việc một người đàn ông cưỡng ép vợ quan hệ tình dục không được coi là có tội, miễn là vợ trên 18 tuổi. Các chuyên gia nhận định xã hội gia trưởng ở Ấn Độ yêu cầu người vợ phải vâng lời chồng, dù muốn hay không.
Quan niệm này xuất phát từ những quy định luật pháp mà thực dân Anh đã áp dụng với Ấn Độ và nhiều thuộc địa khác, trong đó cho rằng phụ nữ thuộc sở hữu của đàn ông trong hôn nhân. Sau khi giành độc lập, nhiều nước đã xóa bỏ quan điểm lỗi thời này, nhưng Ấn Độ thì không.
Các nhà hoạt động đã cố tìm cách thay đổi luật trong nhiều năm qua, nhưng đối mặt với rào cản từ những người bảo thủ luôn cho rằng chính sách can thiệp của nhà nước trong vấn đề này sẽ phá hỏng truyền thống hôn nhân ở Ấn Độ.
Luật sư Karuna Nundy trong thư ngỏ năm 2017 kêu gọi phụ nữ Ấn Độ hãy "nắm rõ quyền lợi của mình" trong cuộc sống hôn nhân. "Bạn có quyền nói có, cũng có quyền nói không trong sinh hoạt tình dục với chồng", Nundy viết, kêu gọi những người bị chồng cưỡng bức hãy báo cảnh sát, tới bệnh viện lấy giấy kiểm tra và gọi luật sư. "Kẻ phạm tội mới đáng xấu hổ, không phải nạn nhân".
Trước đó, một phụ nữ đã lập gia đình tới gặp Nundy, cho hay đêm nào cũng bị chồng cưỡng bức từ khi lấy nhau. Nữ luật sư đồng ý giúp đỡ cô bỏ chồng, nhưng không muốn dừng lại ở đó, mà muốn thay đổi luật pháp để đàn ông cũng bị trừng phạt nếu cưỡng hiếp vợ.
Matthew Hale, luật gia nổi tiếng người Anh từ thế kỷ 17, từng nêu quan điểm hành vi cưỡng hiếp trong hôn nhân không thể bị coi là tội ác. "Khi đã ký vào bản đồng thuận kết hôn, người vợ từ bỏ bản thân trước người chồng mà không thể rút lại", Hale viết trong cuốn Lịch sử Tố tụng Hình sự được xuất bản năm 1736, 60 năm sau khi ông qua đời.
Gần 300 năm sau, quan điểm của Hale về hôn nhân, cưỡng bức và thậm chí phá thai vẫn được trích dẫn ở các phiên tòa khắp thế giới, trong đó có Mỹ. Tòa án Tối cao Mỹ hồi tháng 6/2022 đảo ngược phán quyết vụ kiện "Roe chống lại Wade" năm 1973 về quyền phá thai của phụ nữ, đã nhắc tên Hale hàng chục lần.
Cưỡng hiếp trong hôn nhân vẫn được coi là hợp pháp ở một số bang của Mỹ cho tới năm 1993 và chỉ bị cấm ở Anh sau quyết định mang tính bước ngoặt của tòa án năm 1991.
Trên khắp thế giới, 43 quốc gia vẫn chưa có luật giải quyết vấn đề cưỡng hiếp vợ hoặc chồng và trong số này, hình phạt đối với tội quan hệ tình dục không đồng thuận trong hôn nhân nhẹ hơn nhiều so với những tội cưỡng hiếp khác, theo đánh giá Hiện trạng Dân số Thế giới năm 2021 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc.
Ở Ấn Độ, phụ nữ cáo buộc chồng cưỡng hiếp có thể khởi kiện. Họ có thể viện dẫn lệnh hạn chế theo luật dân sự hay điều khoản trong Bộ Luật Hình sự về tấn công tình dục hay bạo lực gia đình.
Những luật này có nội hàm tương đối rộng và thẩm phán có thể kết án tù với tội tấn công tình dục trong trường hợp phụ nữ cáo buộc chồng cưỡng hiếp. Nhưng trên thực tế, nhiều thẩm phán đã không áp dụng các quy định đó, theo Nundy. Luật sư này cho hay phụ nữ đã có gia đình thường bị phớt lờ khi nộp đơn tố cáo chồng cưỡng bức lên cảnh sát.
Nghiên cứu Các vấn đề Sức khỏe Tinh thần và Tình dục công bố trên tạp chí Thư viện Y Quốc gia năm 2022 cũng nhắc đến vấn đề này. Hồ sơ tại ba bệnh viện công ở Mumbai từ năm 2008 đến 2017 cho thấy trong số 1.664 nạn nhân bị cưỡng hiếp, không có vụ nào được cảnh sát lập hồ sơ. Ít nhất 18 người đã báo cảnh sát, trong đó có 10 người bị chồng hoặc chồng cũ cưỡng hiếp.
Luật pháp Ấn Độ cho phép truy tố chồng cũ tội cưỡng hiếp nếu đã ly dị, nhưng theo nghiên cứu, cảnh sát thường không theo đuổi những sự việc như vậy. 4 phụ nữ trong số này cho hay cảnh sát tuyên bố họ không thể làm gì bởi cưỡng hiếp trong hôn nhân không bị coi là phạm tội.
"Phản ứng thiếu thỏa đáng của cảnh sát gây lo ngại, bởi tất cả những người này đều chịu đựng bạo lực nghiêm trọng", nghiên cứu có đoạn.
Một phụ nữ khác là Vidya tâm sự bằng giọng nói nhỏ nhẹ, có phần dè dặt, rằng cô chưa bao giờ muốn lấy chồng, nhưng cha cô bảo con gái không được phép lựa chọn và đã sắp xếp cho con kết hôn năm 19 tuổi. Cô không được dạy về tình dục trước đêm tân hôn.
"Tôi sợ vì không quen biết chồng", Vidya nói. "Tôi không nói câu nào, không nói đồng ý hay phản đối, mà anh ấy cũng không bao giờ hỏi".
Vài năm sau, Vidya sinh con trai. Người chồng đòi hỏi nhiều hơn, bạo lực hơn, đánh vợ nếu cô từ chối quan hệ. Không có nơi nào để đi, Vidya tiếp cận một tổ chức phi chính phủ và được họ tư vấn. Cô từng nghĩ sẽ bỏ chồng, đưa con về nhà mẹ đẻ, nhưng cuối cùng, cô nhận ra vẫn muốn ở cùng chồng và đề nghị anh cùng tham gia buổi tư vấn hôn nhân.
Người chồng đồng ý và tới giờ, họ vẫn ở bên nhau. "Anh ấy học cách giao tiếp tốt hơn. Chúng tôi không còn mâu thuẫn", Vidya, 37 tuổi, nói.
Cô cho rằng nên hình sự hóa hành vi cưỡng hiếp trong hôn nhân, dù không muốn chồng mình phải ngồi tù. "Tôi không muốn chồng bị trừng phạt vì bây giờ anh ấy đã tốt hơn", Vidya bày tỏ. "Nhưng luật này sẽ trao sức mạnh cho phụ nữ để tố cáo và ngăn chặn hành vi lạm dụng".
Hoàn cảnh của Nusrat, một phụ nữ Ấn Độ 33 tuổi, có phần bi đát hơn. Sau khi lấy chồng, cô phát hiện anh ta là người nát rượu, thường đánh đập vợ và trộm cắp vì không có việc làm. Cô thậm chí phải bán đồ trang sức để bảo lãnh chồng ra tù.
Hai vợ chồng cũng thường xuyên bất đồng về tình dục. Những khi cô không muốn, người chồng lại sử dụng vũ lực. Nhưng cô không dám bỏ chồng vì không có cách nào nuôi nấng ba đứa con.
"Tôi không được học hành đầy đủ, không thể tự kiếm tiền nuôi thân", cô nói. "Tôi tiếp tục sống cùng anh ta vì con cái, vì không còn lựa chọn nào khác". Đó là lý do cô cho rằng nên không nên hình sự hóa hành vi cưỡng hiếp trong hôn nhân.
Theo Khảo sát Sức khỏe Gia đình Quốc gia 2019-2021 của chính phủ Ấn Độ, 17,6% trong số hơn 100.000 phụ nữ ở độ tuổi 15-49 cho hay không thể từ chối chồng nếu không muốn quan hệ tình dục, 11% cho rằng chồng được quyền đánh vợ nếu người vợ từ chối.
"Chế độ phụ hệ đã trao đặc quyền cho đàn ông", Jaya Velankar, giám đốc của Jagori, tổ chức phi lợi nhuận vì quyền phụ nữ, nói. "Anh ta có thể tát, có thể đánh vợ hay đập phá đồ đạc khi nổi giận, lăng nhục vợ. Không ai thắc mắc. Bởi đó là cách chúng ta được dạy dỗ từ nhỏ".
Từ khi tòa án Ấn Độ bắt đầu xét xử các vụ án với tội danh cưỡng hiếp trong hôn nhân, hàng loạt nhà hoạt động vì quyền đàn ông đã phản đối. Tổ chức Cứu giúp Gia đình Ấn Độ là một trong những nhóm lên tiếng mạnh nhất. Họ cho rằng việc để phụ nữ "lợi dụng luật pháp để đẩy đàn ông vào tù" là hành động sai lầm.
Hồi tháng 3, số thành viên trong nhóm đã lên tới 100.000 người. Họ lên mạng xã hội kêu gọi biểu tình toàn quốc phản đối hình sự hóa hành vi cưỡng bức trong hôn nhân.
Theo khảo sát của chính phủ Ấn Độ, 9,7% trong số hơn 90.000 người đàn ông 15-49 tuổi cho rằng người chồng có lý khi đánh đập vợ nếu vợ từ chối quan hệ; 12,2% cho rằng người chồng có quyền dùng vũ lực nếu vợ từ chối.
Phóng viên CNN đã phỏng vấn một số đàn ông trên đường phố Delhi về quan điểm đối với vấn đề chồng cưỡng bức vợ. Alok Singh, sinh viên luật 21 tuổi, cho rằng hình sự hóa hành vi cưỡng hiếp trong hôn nhân sẽ trao quyền cho phụ nữ lên tiếng.
"Cần phải luật hóa", anh nói. "Chúng ta đang chứng kiến số vụ cưỡng hiếp trong hôn nhân gia tăng".
Tuy nhiên, đa số đàn ông được hỏi cho rằng không nên hình sự hóa hành vi này. Rajeev Verma, lao động tự do 43 tuổi, cho rằng luật sẽ '"gây mâu thuẫn trong hôn nhân". Ramdev, Yadav, 52 tuổi, tài xế taxi, e ngại hình sự hóa hành vi cưỡng bức trong hôn nhân có thể làm chùn bước người có ý định kết hôn.
"Không nên ép buộc quan hệ tình dục, nhưng sẽ không ai kết hôn nếu hình sự hóa điều này", ông nói.
Một khi được luật hóa, vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người Ấn Độ thế hệ sau. Những người ủng hộ cho rằng kể cả khi người vợ không vận dụng luật pháp để trừng phạt người chồng, quyền được kiện sẽ làm người dân cả nước hiểu rằng tình dục trong hôn nhân là lựa chọn, không phải quyền lợi.
Đối với Nundy, việc trao quyền cho người vợ sẽ cho thấy Ấn Độ đã bỏ qua quá khứ thuộc địa, gạt bỏ quan điểm của Hale, người đã qua đời hơn 300 năm trước. Cô cho rằng chiến dịch vì quyền phụ nữ không nhằm mục đích gây xung đột xã hội.
"Đây không phải cuộc chiến chống lại đàn ông", Nundy nói. "Đây là cuộc chiến chống lại chế độ phụ hệ".
Hồng Hạnh (Theo CNN)
Tiếp Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Trung Quốc quan tâm thúc đẩy việc hợp tác xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối hai nước.
Khi Nga ngày càng đẩy lùi phòng tuyến của Ukraine ở miền đông, nhiều binh sĩ và cư dân sống gần vùng giao tranh lo lắng về những gì sắp tới.
Ngày 20/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Hội nghị ở Thụy Sỹ, nơi dự kiến thảo luận về công thức hòa bình do Kiev đề xuất vào tháng 6, là cần thiết chủ yếu để gây áp lực lên Moscow.
Ukraine nói Nga khai hỏa nhiều loại vũ khí nhằm vào Kiev, đánh dấu lần đầu thành phố bị tấn công tên lửa kể từ cuối tháng 8.
Trong lúc Kiev tấn công vào vùng Kursk biên giới Nga từ hôm 6-8, lực lượng Nga đã có thêm nhiều bước tiến tại khu vực miền đông Ukraine.
Nhật Bản mới đây đã đưa ra phản hồi đầu tiên về phát ngôn của bà Kim Yo-jong, em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, liên quan việc để ngỏ khả năng cải thiện quan hệ Bình Nhưỡng-Tokyo.
Người chăn nuôi chó ở Hàn Quốc dọa thả hai triệu con chó gần các cơ quan chính phủ ở Seoul để phản đối kế hoạch cấm thịt chó từ 2027.
Lực lượng Hamas xác nhận thủ lĩnh Yahya Sinwar đã thiệt mạng, sau khi Israel tuyên bố hạ sát ông trong cuộc giao tranh ở miền nam Gaza.
Bulgaria mở cuộc điều tra một công ty bị nghi tham gia quá trình bán loạt máy nhắn tin cho Hezbollah trước khi chúng phát nổ ở Lebanon.