Thấy ngã ba đường bắt đầu ùn ứ, ông Hùng xỏ vội đôi dép tổ ong, quờ tay cầm còi và gậy rồi chạy ra đường.
Quan sát tình hình, người đàn ông 52 tuổi ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, ra hiệu cho những xe vào phố Cầu Cốc đi trước để mở lối thoát. Dòng xe chầm chậm di chuyển theo tiếng còi và tín hiệu từ chiếc gậy của ông. Gần 20 phút, đoạn ùn tắc dài cả trăm mét đã thông thoáng.
Ông Nguyễn Văn Hùng đã tình nguyện điều tiết giao thông ở ngã ba này từ những năm 2000 khi thấy tình trạng ùn tắc liên tục xảy ra vào giờ cao điểm.
"Thời đó tôi còn làm nghề lái xe tải, thấy không ít đồng nghiệp lái non, đến ngã ba đường nhỏ hẹp không biết tránh, dễ gây ùn tắc, nên có đôi lần ra hỗ trợ. Nhưng hễ không có người điều tiết là lại tắc nên quyết định dành hai tiếng mỗi ngày ra đây 'vác tù và hàng tổng'", ông Hùng giải thích. Ý định này được gia đình ủng hộ.
Thời mới làm, ông Hùng thường gặp một số người không nghe hiệu lệnh, cố tình lấn làn, khi bị nhắc lập tức nói những câu xúc phạm. Vài lần người đàn ông 52 tuổi tự ái vì "tự nhiên bị chửi", bỏ không làm nữa. Nhưng thấy đoạn ùn tắc ngày càng dài, người dân mệt mỏi nhích từng mét, ông lại mang còi, gậy ra đường. Ngoài giờ cao điểm, nhiều lần giữa trưa, đầu giờ chiều đột nhiên ách tắc, người dân xung quanh lại gọi ông ra giúp.
"Việc tôi làm chẳng lớn lao hay vất vả gì, đơn giản là giúp bà con để các nút tắc sớm được giải tỏa. Ai cũng có việc riêng, nhưng nếu muốn làm ắt sẽ có cách sắp xếp", ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Tấn Long, Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng dân phố, phường Tây Mỗ, cho biết phố Hữu Hưng và Cầu Cốc là đường hai chiều, đông xe cộ nhưng diện tích nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc.
"Hơn 20 năm nay, nhờ có anh Hùng hỗ trợ điều tiết, giảm bớt gánh nặng cho cảnh sát giao thông và đội dân quân tự vệ của phường. Người dân quanh đây ai cũng biết ơn vì sự đóng góp thầm lặng", ông Long nói.
Vị tổ trưởng cũng cho biết tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng vinh dự nhận danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2023 do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm trao tặng.
Cách ông Hùng 15 km, tại nút giao ngõ 13 phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, ông Đặng Vũ Tuấn, 73 tuổi, cũng ngày ngày căng sức điều phối điểm nóng giao thông bởi khu vực này tập trung ba trường học, ba chung cư và một chợ dân sinh.
Ông Tuấn là bảo vệ dân phòng nhiều tuổi nhất ở phường Mai Động. Người đàn ông 73 tuổi kể thời trẻ xung phong đi bộ đội, hòa bình lập lại về công tác làm trong ngành xây dựng. Năm 2003, ông về hưu nên chủ động xin tham gia lực lượng dân quân tự vệ của phường. "Tôi muốn đi làm để thấy bản thân dù tuổi cao vẫn có thể đóng góp cho cộng đồng chứ không phải mong tăng thu nhập", ông Tuấn nói.
Sau gần 10 năm làm nhiệm vụ tại nhiều điểm đen giao thông trên địa bàn phường, từ năm 2010 đến nay, ông Tuấn nhận trách nhiệm đảm bảo giao thông thông suốt tại nút giao ngõ 13 phố Lĩnh Nam.
Người đàn ông 73 tuổi cho biết con ngõ này nối với đường Minh Khai, khu đô thị Times City, đây cũng là tuyến đường có nhiều ôtô trên 16 chỗ đón trả học sinh, khiến tình trạng ùn tắc từ 7-8h sáng và 5-7h chiều mỗi ngày, trở nên trầm trọng.
Hơn 20 năm điều tiết giao thông, ông Tuấn nhiều lần được các con khuyên nghỉ bởi tuổi cao. Nhưng ông từ chối vì "càng làm càng khỏe", sau thành thói quen, nay chỉ mong đến giờ ra chốt. Vào giờ cao điểm, nhiều hộ dân sống gần ngõ 13 Lĩnh Nam cũng chủ động ra hỗ trợ, mong giảm bớt áp lực cho ông Tuấn.
"Tôi vẫn muốn góp sức phục vụ xã hội. Khi nào mắt mờ, tay run, chân chậm mới tính chuyện xin nghỉ", ông Tuấn nói.
Ngoài ông Hùng và ông Tuấn, người dân tại các tuyến đường trong trung tâm vẫn chủ động ra phân luồng khi cần. Hai trong số đó là bà Nguyễn Thị Tiến, 68 tuổi và anh Nguyễn Hoàng Thắng, 28 tuổi, ở phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Nhiều năm nay, họ đã cùng dân quân, cảnh sát giao thông hỗ trợ phân luồng tại ngã tư Quan Nhân - Cống Mọc, vào giờ cao điểm.
Theo người dân, tình trạng ùn tắc tại ngã tư này thường xảy ra do đường hẹp, phân luồng giao thông chưa rõ, không có đèn tín hiệu, mật độ xe đông. Hiểu được điều này, tranh thủ lúc rảnh sau giờ học anh Thắng ra hỗ trợ phân luồng. Còn bà Tiến, người bán hàng nước gần ngã tư, cũng ra điều phối để đảm bảo giao thông thông suốt, từ năm 2015.
Ông Lê Thành, 70 tuổi, ở phố Nhân Chính, cho biết hình ảnh anh Thắng, bà Tiến không ngại mưa nắng ra điều phối giao thông, rất quen thuộc với người dân trong phố.
"Nhưng thời gian gần đây, khi nút giao này được nhiều lực lượng chức năng ra trực chốt, họ ít phải xuất hiện hơn. Chỉ thi thoảng khi đội dân quân đã về nhưng bất ngờ xảy ra ùn tắc mới ra giúp. Hành động đẹp nên người dân trong phố ai cũng yêu mến", ông Thành nói.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, đánh giá việc người dân chủ động điều tiết giao thông hỗ trợ lực lượng chức năng là đáng quý và là hình ảnh đẹp của người thủ đô.
"Thống kê cho thấy Hà Nội có 20-30 điểm đen về ùn tắc, bởi hạ tầng và giao thông công cộng chưa đáp ứng nhưng lưu lượng xe tăng 10-20% mỗi năm, khiến việc phân luồng khó khăn. Thực tế, thanh tra giao thông, công an, cảnh sát không thể nào trực chốt liên tục 15-20 tiếng trên đường nên rất cần được người dân trợ giúp", ông Thủy nói.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc, giảm áp lực cho các lực lượng chuyên trách và người dân, chuyên gia giao thông gợi ý một số giải pháp như nâng cấp hạ tầng, làm đường rộng, thoáng hơn. Quan trọng hơn, theo ông Thủy, các phương tiện công cộng phải đáp ứng yêu cầu của người dân, đi đúng giờ, thái độ phục vụ tốt để kích cầu, không nên xây dựng dày đặc chung cư trong trung tâm mà cần nghiên cứu mở thành phố vệ tinh để kéo giãn mật độ dân số.
"Nhưng trên tất cả vẫn cần chính người dân có ý thức tham gia giao thông", chuyên gia nhấn mạnh.
Quỳnh Nguyễn
Thông tấn xã Việt Nam đã để lại dấu ấn về báo chí sáng tạo tại Hội báo toàn quốc năm nay bằng sáng kiến dựng trường quay ảo đơn giản, tạo trải nghiệm thử làm MC truyền hình cho mọi người.
Cuộc điều tra của nhật báo The Telegraph (Anh) cho thấy gia đình những người qua đời sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca đã phải đấu tranh để giấy chứng tử ghi nguyên nhân tử vong là vắc xin.
Lần đầu Diệu Nhi hút thuốc lá điện tử là hôm khai giảng lớp 7 khi được 9 đứa bạn kéo ra công viên Thống Nhất và đưa cho chiếc pod.
Bà Hậu, 50 tuổi, đứt ba dây chằng chính của khớp gối sau tai nạn giao thông, được bác sĩ lấy gân từ các vị trí khác để tái tạo, khôi phục vận động.
Để thực hiện được việc xây dựng cây cầu đi bộ lên thượng thành Huế cần phải được sự đồng ý của Chính phủ và UNESCO.
Sau bài phản ảnh của báo Tuổi Trẻ về việc nhân viên y tế Bệnh viện quận 7 bị hành hung, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã chỉ đạo tăng cường đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Chương trình Tiếp sức mùa thi ở Khánh Hòa có gần 700 tình nguyện viên ra quân hỗ trợ, tiếp sức nước, bút… cho thí sinh.
Theo Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, đâu đó ở trong từng lĩnh vực, từng môi trường công tác, vẫn có những người trẻ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm.
Ngày 28/8, tại Hà Nội, anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, tiếp xã giao ông David Chua - Giám đốc điều hành Hội đồng Thanh niên Quốc gia Singapore.