Nhiều lính dự bị Israel háo hức nhập ngũ để bảo vệ đất nước, nhưng ngày càng thất vọng vì cuộc chiến kéo dài chưa hồi kết với Hamas và Hezbollah.
Khi Hamas mở chiến dịch tấn công bất ngờ vào miền nam Israel vào ngày 7/10 năm ngoái, Yotam Vilk, một quân nhân dự bị, đã tình nguyện tái ngũ để xung phong đi chiến đấu. Kể từ đó, Vilk đã dành hơn 230 ngày tham chiến ở Gaza.
Xung đột kéo dài đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc sống của anh. Giờ đây, Vilk từ chối gia nhập cuộc chiến thêm một lần nữa.
"Thời điểm ngày 7/10, tôi không do dự, bởi nhiều người dân Israel đã phải bỏ mạng hay bị bắt làm con tin. Tôi hiểu rằng cần cứu họ. Đến hiện tại, chúng tôi vẫn cần phải cứu họ, nhưng dường như chính phủ Israel không coi đó là điều cấp bách", anh nói.
Sau khi hoàn thành đợt triển khai vòng hai ở Gaza hồi mùa hè, Vilk quyết định sẽ từ chối quay lại nếu được triệu tập. Anh tin rằng hành động quân sự là chính đáng trong một số trường hợp, nhưng nó chỉ nên được sử dụng như một công cụ để tiến tới các giải pháp ngoại giao hướng đến hòa bình.
Vilk không tin chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu muốn đạt được điều đó, bất chấp "Gaza ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng, cuộc sống người dân Palestine ngày càng khó khăn và cuộc sống các con tin Israel ngày càng khốn khổ hơn".
Hôm 9/10, Vilk cùng hơn 130 quân nhân dự bị khác của Israel đã ký vào bức thư ngỏ gửi tới Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, nêu rõ rằng họ từ chối phục vụ trừ khi có một thỏa thuận được ký kết để chấm dứt chiến sự, đồng thời đưa 101 con tin bị bắt ở Gaza trở về.
"Đối với một số người trong chúng tôi, lằn ranh đỏ đã bị xâm phạm. Và đối với những người khác, ngày đó đang đến rất gần, ngày mà chúng tôi sẽ từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự với trái tim tan vỡ", bức thư có đoạn.
"Lằn ranh đỏ" của Vilk đã bị phá vỡ, nhưng đây không phải là quyết định dễ dàng đối với anh. Một mặt, khi từ chối thực hiện nhiệm vụ, anh cảm thấy mình đang bỏ rơi các con tin và chấp nhận để Hamas nắm quyền ở Gaza, điều mà anh tin rằng sẽ khiến cuộc sống người dân Palestine trở nên tồi tệ hơn.
Nhưng mặt khác, nếu không từ chối, Vilk lo sợ mình sẽ phải tham gia một cuộc chiến sẽ kết thúc bằng việc Israel chiếm đóng Gaza, kịch bản anh không bao giờ mong muốn.
Mặc dù Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Israel sẽ không chiếm đóng Gaza, Vilk cho biết việc chính phủ ủng hộ mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây khiến anh nghi ngờ. Nội các của Netanyahu với các bộ trưởng cực hữu đã không ít lần kêu gọi thiết lập những khu định cư cho người Israel ở Gaza.
"Họ đặt tôi vào tình thế khó khăn khủng khiếp. Tôi cảm thấy bị chính phủ của mình phản bội", anh nói.
Và Vilk không đơn độc.
Max Kresch đã chiến đấu với lực lượng Hezbollah ở khu vực biên giới Israel - Lebanon trong 66 ngày từ sau sự kiện ngày 7/10/2023, khi Hezbollah tuyên bố ủng hộ Hamas và tiến hành các cuộc pháo kích vào miền bắc Israel.
Giờ đây, Kresch nói rằng mọi thứ đã quá đủ với anh. Khi trở về nhà ở Jerusalem hồi cuối tháng 12 năm ngoái, Kresch cho biết anh đã có một khoảng thời gian khó khăn để điều chỉnh lại cuộc sống và rơi vào trầm cảm nặng.
Theo lời Kresch, việc phục vụ trong quân đội rất khó khăn đối với anh vì bầu không khí ở đó rất nặng nề.
"Một bộ phận rất lớn những người mà tôi gặp đều thấy họ được truyền động lực chiến đấu bởi vấn đề tôn giáo, điều đó khiến tôi vô cùng khó chịu", Kresch nhấn mạnh.
Kresch nhớ có lần một người lính đã nói với anh rằng anh ta tin việc giết người Palestine ở Gaza, kể cả trẻ em, là mitzvah, hay nghĩa vụ tôn giáo của người Do Thái.
Mặc dù một số đồng đội có quan điểm cực đoan, Kresch vẫn tin họ là người tốt, khiến cho lựa chọn của anh trở nên khó khăn hơn bội phần.
Kresch khẳng định khi ký vào bức thư ngỏ, anh không có ý định ngăn cản những người khác nhập ngũ, mà chỉ là để ủng hộ những người đã quyết định không tham gia cuộc chiến.
Mối lo ngại của Kresch lên đến đỉnh điểm khi Israel kỷ niệm một năm ngày Hamas thực hiện cuộc đột kích lãnh thổ nước này, cột mốc mà anh coi là giọt nước tràn ly.
"Một năm đã trôi qua và chúng tôi vẫn chưa đạt được thỏa thuận để giải cứu con tin. Ngay cả việc đạt được thỏa thuận cũng sẽ không khiến tôi cảm thấy ổn và đột nhiên muốn quay trở lại. Mọi thứ đã quá giới hạn chịu đựng. Cần nhiều thứ hơn nữa để chữa lành", anh nói.
Một quân nhân dự bị khác, 28 tuổi, đã chiến đấu ở Gaza trong hơn 130 ngày. Anh yêu cầu giấu tên vì không muốn gia đình những người lính đã chết cảm thấy bị phản bội bởi quyết định từ chối phục vụ của mình.
Người lính này cũng cảm nhận được sức nặng của ngày kỷ niệm. "Áp lực quân sự đã quá lớn trong hơn một năm qua và tôi không nghĩ bất kỳ hành động quân sự nào nữa có thể thay đổi tình hình", anh nói.
Giống như Kresch và Vilk, anh tin họ cần phải chiến đấu với Hamas sau ngày 7/10, nhưng vì mục đích gì?
"Chúng ta luôn có thể tiếp tục ném bom Gaza... Nhưng không có lý do gì để tiến hành một cuộc chiến có khả năng kéo dài vô tận", anh cho hay.
"Cuộc chiến vô tận" đã trở thành khẩu hiệu trọng tâm của những người phản đối Thủ tướng Netanyahu. Họ tin rằng ông muốn kéo dài xung đột vì lợi ích chính trị cá nhân.
Netanyahu đã thề rằng Israel sẽ "tiếp tục chiến đấu" cho đến khi kẻ thù bị đánh bại, các con tin được trả tự do, đồng thời người dân Israel có thể trở về nhà ở cả phía nam và phía bắc.
Tháng trước, quân đội Israel tiến hành chiến dịch trên bộ ở Lebanon để "bắt đầu giai đoạn tiếp theo" trong cuộc chiến chống Hezbollah.
Người lính dự bị 28 tuổi đến từ một thị trấn ở miền bắc Israel đã bị Hezbollah bắn phá trong năm qua. Anh cảm thấy Israel cần truy đuổi lực lượng do Iran hậu thuẫn này, nhưng lo ngại điều đó sẽ khiến quân đội mất tập trung ở Gaza, cũng như xao lãng nhiệm vụ đưa các con tin trở về.
Kresch, người đã chiến đấu ở biên giới vào năm ngoái, tin rằng tại thời điểm đó, Hezbollah là mối đe dọa cần ngăn chặn. Nhưng bây giờ, anh không khỏi hoài nghi về việc Thủ tướng Netanyahu đã "lợi dụng" tổn thương của người dân Israel "để đạt được lợi ích chính trị riêng".
Đây không phải lần đầu tiên lính dự bị Israel tuyên bố từ chối phục vụ sau cuộc đột kích của Hamas. Hồi tháng 5, hơn 40 lính dự bị đã ký vào một lá thư ngỏ tuyên bố không tham gia cuộc chiến sau khi lực lượng Israel đột kích thành phố Rafah ở miền nam Gaza.
Nhưng với bức thư mới nhất, số lính dự bị từ chối phục vụ đã tăng lên hơn hai lần và rủi ro cũng cao hơn nhiều, khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự trên nhiều mặt trận.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Miri Regev cho hay bà đã kêu gọi chính phủ bắt giam những người đã ký tên vào thư kiến nghị. "Không có chỗ cho những kẻ khước từ phục vụ trong quân đội", bà nhấn mạnh.
Vài ngày sau khi lá thư được công bố, Kresch cho biết anh đã nhận cuộc gọi từ viên sĩ quan chịu trách nhiệm triệu tập quân dự bị trong đơn vị. Người này yêu cầu anh rút lại những gì đã nói hoặc thề sẽ không bao giờ gọi anh trở lại lực lượng dự bị.
"Cuộc trò chuyện giống như kiểu 'anh không từ chối tôi mà chính tôi mới là người từ chối anh' với chút ẩn ý là 'chúng ta vẫn có thể sửa chữa sai lầm'", Kresch nói.
"Tôi trả lời rằng tôi giữ nguyên lập trường. Theo quan điểm của tôi, điều này không thể được sửa chữa dưới thời Netanyahu và bất kỳ ai lên nắm quyền sau đó cũng sẽ phải nỗ lực rất lớn để hàn gắn lòng tin đã bị phá vỡ", anh cho hay.
Vilk cũng nhận được cuộc gọi từ chỉ huy lữ đoàn của mình, đe dọa sẽ cách chức anh. Vilk từng là phó chỉ huy đại đội ở Gaza và mặc dù từ chối phục vụ, anh vẫn giữ chức vụ này từ đó đến nay.
Vilk cho biết chỉ huy lữ đoàn tuyên bố anh không được phép nói mình chống lại chính phủ vì đây là hành vi vi phạm quân lệnh.
"Tôi vẫn không biết mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào", Vilk nói nhưng khẳng định anh không lo sợ về hậu quả.
"Tôi quan tâm nhiều hơn đến các quyết định đạo đức, hạnh phúc của mình, cũng như việc mình có thể nhìn lại và tự tin khẳng định bản thân đã đưa ra lựa chọn đúng đắn", anh nhấn mạnh.
Người lính dự bị giấu tên cho biết anh cũng cảm thấy như vậy. Anh không mong đợi lá thư sẽ được chú ý mà chỉ hy vọng nó sẽ có tác động nào đó.
"Quan điểm của tôi là tuân theo lệnh khi nó giúp ích cho đất nước và giúp cứu sống người khác, chứ không phải tuân lệnh khi chúng ta không cần phải làm vậy vì chúng có hại và nguy hiểm", anh giải thích.
"Xung đột là một điều tồi tệ. Chúng ta nên cố gắng làm cho nó ngắn nhất có thể. Nhưng ngay lúc này, có vẻ như nó đã trở thành mục tiêu mà giới lãnh đạo của chúng ta hướng tới, nó không phục vụ bất kỳ mục đích nào, bản thân nó chính là mục đích", người này nói thêm.
Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)
Một số tòa nhà thuộc sở hữu của thành phố New York có thể phải mở cửa nhà vệ sinh cho công chúng trong giờ hành chính.
Hàn Quốc nói Triều Tiên sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng nếu dùng vũ khí hạt nhân, sau khi Bình Nhưỡng dọa đáp trả Washington đưa tàu ngầm đến bán đảo.
Tổng thống Azerbaijan cảnh báo việc Pháp gửi viện trợ quân sự cho Armenia có thể châm ngòi xung đột mới giữa hai quốc gia vùng Nam Kavkaz.
The Economist (Anh) nhận định các đợt tấn công mới đây của Houthi vào tàu thương mại đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng an ninh ở Biển Đỏ.
Dọc các bức tường bảo tàng Căn cứ Không quân Kanoya và Bảo tàng Hòa bình Chiran là hàng trăm ảnh chân dung phi công kamikaze, cùng những bức thư cuối của họ.
Xung đột Nga-Ukraine đã tạo điều kiện để ngành công nghiệp quốc phòng hồi sinh mạnh mẽ tại châu Âu.
Hôm nay 17-8, Chính phủ Indonesia tổ chức buổi lễ lớn kỷ niệm 79 năm quốc khánh với điểm nhấn đặc biệt: các hoạt động kỷ niệm diễn ra tại thủ đô mới Nusantara, song song với màn chào mừng truyền thống ở Jakarta.
Chiều ngày 22/7, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Bakhtiyor Saidov.
Truyền thông Czech cho biết nghi phạm xả súng tại Đại học Charles ở Prague khiến 14 người chết là một nam sinh viên 24 tuổi.