Nhóm người Israel cực đoan kết nối với nhau qua WhatsApp để nắm lịch trình các đoàn xe chở hàng viện trợ cho Dải Gaza để lên kế hoạch tấn công.
Sau nhiều ngày đình trệ vì chiến dịch quân sự của Israel, các đoàn xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo hôm 26/5 bắt đầu đi qua cửa khẩu Kerem Shalom, nằm ở biên giới phía nam Dải Gaza để cứu trợ cho hàng trăm nghìn dân đang sống trên bờ vực "nạn đói thảm họa" tại đây.
Quan chức phụ trách viện trợ cho biết khoảng 200 xe tải sẽ mang đồ cứu trợ cho khu vực, nhưng phóng viên Hani Mahmoud của Al Jazeera cho biết số hàng này chỉ như "muối bỏ bể" so với nhu cầu của người dân Gaza.
"200 xe tải gần như không đủ khi đối mặt với những thách thức và điều kiện khó khăn, khắc nghiệt không chỉ do chiến dịch oanh tạc dữ dội mà còn bởi các vấn đề trên thực địa", ông nói, đề cập tới an toàn của nhân viên chở hàng cứu trợ cũng như những vụ tấn công nhằm vào kho chứa hàng.
Nỗi lo ngại từ làn sóng bạo lực nhắm vào đoàn xe và nhân viên cứu trợ quốc tế cho Gaza ngày càng trở nên nhức nhối, khi những người định cư Israel ở Bờ Tây gần đây tăng cường những cuộc tấn công vào hàng viện trợ đi qua khu vực.
Họ bám theo đoàn xe, tự ý thiết lập trạm kiểm soát trên đường và tra hỏi tài xế. Một số người cực đoan thậm chí lục soát, đốt xe và đánh đập tài xế người Palestine, khiến ít nhất hai người nhập viện.
Nhóm cực đoan này tận dụng mạng lưới các nhóm chat WhatsApp để theo dõi lịch trình của xe tải viện trợ và phối hợp tấn công, tăng khả năng thành công cho hoạt động.
Điều tra của Guardian cho thấy những người định cư Israel và nhà hoạt động cực hữu này thường xuyên thông báo trước cho các thành viên về địa điểm, thời gian các đoàn xe chở hàng viện trợ tới Gaza. Các tin nhắn trong nhóm cho hay họ nhận được tin báo chỉ điểm từ binh sĩ và cảnh sát Israel, giúp họ bố trí lực lượng chặn xe và phá hoại hàng hóa.
Cuộc tấn công hôm 23/5 cho thấy hệ thống theo dõi, chỉ điểm của họ tỏ ra hiệu quả. Người dùng trong một nhóm WhatsApp với hơn 800 thành viên bắt đầu đăng bài về chiếc xe tải chất đầy đường, chia sẻ ảnh họ chụp trên đường đi theo xe.
"Chiếc xe tải chở hàng cho Hamas dừng ngay trước Evyatar", Yosef de Bresser, 23 tuổi, đề cập tới trạm kiểm soát của Israel ở thành phố Nablus ở phía bắc Bờ Tây.
De Bresser là lãnh đạo phong trào "Chúng tôi sẽ không quên", nhóm phát động các cuộc biểu tình tại cửa khẩu Kerem Shalom đầu năm nay và điều hành một số nhóm WhatsApp chuyên theo dõi, phục kích đoàn xe cứu trợ vào Gaza.
"Hãy cùng nhau ngăn chặn nó", thanh niên 23 tuổi viết.
Theo những hình ảnh đăng sau đó trong nhóm, chiếc xe tải đã bị lục soát, những bao đường bị vứt tung tóe khắp nơi. Dù Fahed Arar, người sở hữu lô hàng, cho biết 30 tấn đường đang trên đường tới Salfit, thành phố ở Bờ Tây, de Bresser khẳng định chiếc xe "đang hướng về Gaza" vì giấy gửi hàng không ghi điểm đến.
"Vụ tấn công xảy ra ngay trước mắt binh sĩ quân đội Israel", Arar nói, thêm rằng tài xế kể lại lính Israel không có bất cứ động thái nào để ngăn chặn hành động của nhóm cực đoan.
Ông cho biết tài xế không bị thương, nhưng binh sĩ Israel không cho phép ông xếp lại hàng hóa lên xe. Thay vào đó, binh lính dùng máy ủi phá hủy chúng, khiến Arar thiệt hại hơn 30.000 USD.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không bình luận về thông tin này, song đưa ra tuyên bố nói rằng mục tiêu của họ ở Bờ Tây chỉ là "giải tán các cuộc đối đầu giữa thường dân Israel và người Palestine", cũng như hỗ trợ cho đến khi cảnh sát có mặt.
Guardian ngày 21/5 đăng video cho thấy đám đông người định cư Israel ở Bờ Tây chặn đoàn xe tải chở hàng hóa cứu trợ cho Dải Gaza tại trạm kiểm soát Tarqumiya. Họ phá thùng xe, vứt các bao hàng cứu trợ xuống vệ đường, trong khi nhóm binh sĩ Israel có nhiệm vụ hộ tống đoàn xe cầm vũ khí đứng ngay bên cạnh mà không có bất cứ biện pháp ngăn cản nào.
Người phát ngôn của nhóm hoạt động Israel xác nhận họ được nhân viên cảnh sát và quân đội thông báo về vị trí của các xe tải viện trợ. Nhóm phá hoại xe viện trợ cho Dải Gaza nói rằng số hàng này khi đến Gaza sẽ lọt vào tay Hamas, thay vì được chuyển tới người dân Palestine cần giúp đỡ.
Tình trạng bạo lực và phá hoại diễn ra mà không bị xử lý đã làm dấy lên nhiều hoài nghi về việc lực lượng an ninh Israel có thực sự sẵn sàng ngăn cản những phần tử cực đoan và bảo vệ người Palestine hay không. Nó cũng thách thức tuyên bố của chính phủ Israel rằng họ đang làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng viện trợ sẽ tới Gaza, nơi đang đối mặt khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Khi các nhóm thanh niên trở thành người quyết định ai được phép hay không được phép đi qua các con đường ở Bờ Tây, bất kỳ xe tải chở thực phẩm nào cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công.
"Môi trường xung quanh chúng tôi chất chứa thù ghét và khao khát trả thù", Abdo Idrees, chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại Palestine, nói.
Với áp lực từ Mỹ, Israel đã mở cửa khẩu Tarqumiya ở Bờ Tây hồi đầu tháng này, cho phép xe tải viện trợ đi từ Jorrdan đến Gaza, cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp Palestine ở địa phương xuất khẩu thực phẩm. Các tuyến đường đều đi qua những trạm kiểm soát của Israel, nơi chứng kiến tình trạng bạo lực của người định cư Israel chống lại người Palestine tăng vọt trong những tháng gần đây.
Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan gọi các vụ tấn công vào xe tải viện trợ là "điều đáng phẫn nộ", cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với người liên quan.
Các nhóm nhân đạo cho hay Gaza đang trong thời kỳ đen tối nhất sau gần 8 tháng xung đột Israel - Hamas. Liên Hợp Quốc cho biết hơn một triệu người Palestine đã phải di dời sau khi Israel bắt đầu cuộc tấn công vào Rafah và phong tỏa tuyến đường bộ quan trọng nhất để chuyển viện trợ cho khu vực. Chương trình Lương thực Thế giới cũng nói rằng phần lãnh thổ phía bắc Gaza chìm trong "nạn đói toàn diện", cảnh báo nguy cơ lan rộng về phía nam.
Công tố viên trưởng của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan tuần trước xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cũng như thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, chỉ huy lữ đoàn al-Qassam của Hamas Mohammed Deif và lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh.
Lý do được ông Khan đưa ra là các lãnh đạo Israel và thủ lĩnh Hamas đã phạm "tội ác chiến tranh" và "tội ác chống lại nhân loại" liên quan tới cuộc tấn công ngày 7/10/2023 và xung đột Gaza sau đó. Tuy nhiên, các bên đều lên tiếng chỉ trích những cáo buộc.
Việc mở cửa khẩu Tarqumiyah ngày 13/5 được thông báo là một phần nỗ lực của IDF nhằm tăng cường dòng chảy viện trợ vào Gaza. Tuy nhiên, đoàn xe đầu tiên từ Jordan đã lập tức bị người định cư Israel tấn công. Họ ném các hộp thực phẩm xuống đất và giẫm lên, một số xe tải bị đốt cháy.
"Chúng tôi chưa bao giờ kêu gọi người dân tự mình thực thi luật pháp", Rachel Touitou, người phát ngôn Tzav 9, nhóm có hàng trăm thành viên gồm cả người định cư và quân nhân Israel xuất ngũ đã tích cực ngăn chặn xe tải viện trợ đến Gaza từ tháng 1, nói.
Nhóm đã tạm dừng hoạt động sau vụ tấn công ngày 13/5, nhưng Touitou cho biết nỗ lực này sẽ tiếp tục bởi nó "ngấm trong máu của Tzav 9".
De Bresser phủ nhận cáo buộc nhóm của anh đã đốt xe tải, nhưng cho biết không thể lên án hành vi bạo lực này. "Tôi vui mừng khi mọi xe tải không vào được Gaza và cũng vui mừng khi nó bốc cháy", anh nói.
Thanh niên 23 tuổi thêm rằng phong trào của họ ủng hộ tấn công xe tải và đôi khi hành động dựa vào thông tin nội bộ từ các công nhân vận chuyển, sĩ quan cảnh sát và binh lính phản đối gửi "vật tư cho Hamas".
Trong những ngày gần đây, nhiều nỗ lực bảo vệ đoàn xe viện trợ đã được triển khai. Alon-Lee Green, người đứng nhóm Standing Together ở Israel, cho biết những người phản đối bạo lực đã tự thành lập "lực lượng bảo vệ nhân đạo", gây áp lực với cảnh sát để đảm bảo hoạt động cho đoàn xe cứu trợ. Một số xe tải viện trợ từ Jordan được cảnh sát hộ tống, song những xe tải thương mại khác không nhận được biện pháp bảo vệ như vậy.
Ibrahim al-Razem, tài xế 35 tuổi, đang lái xe chở hàng tới Kafr Aqab, ngoại ô Jerusalem vào đêm 16/5 thì bị chặn tại một chốt kiểm soát do người định cư Israel tự dựng lên trên đường.
"Họ hỏi tôi có phải chở hàng tới Gaza hay không", Razem kể. Anh phải đưa giấy tờ vận chuyển cho họ xem để chứng minh hàng hóa được chuyển tới nơi khác.
Đám đông vẫn không hài lòng và tiếp tục hỏi "anh có phải người Do Thái hoặc Arab không?" trước khi bắt đầu tấn công tài xế. "Họ thực sự muốn giết tôi", Razem nói.
Anh cho biết sĩ quan cảnh sát tại hiện trường dường như không làm gì để ngăn đám đông tấn công. Razem phải chui xuống trốn dưới gầm xe của IDF để không bị đánh thêm.
IDF cho biết hai sĩ quan và một binh sĩ bị thương nhẹ khi cố ngăn những người tấn công. "Hàng chục người dân Israel đã phản ứng dữ dội với lực lượng của chúng tôi", IDF cho hay.
Tuy nhiên, Razem cho rằng nếu quân đội Israel thực sự muốn giải tán đám đông đó, "họ đã có thể bắn chỉ thiên". Razem đã bị rạn 3 đốt sống, gãy xương sườn và gãy mũi sau vụ tấn công.
Chiếc xe tải của anh cũng đã bị đốt cháy sau khi anh được đưa tới bệnh viện. "Đây là nguồn thu nhập của tôi. Tôi hoàn toàn phá sản", anh nói, cho biết thiệt hại mà anh phải gánh lên tới 200.000 USD.
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera, Washington Post)
Nga bắt một người đàn ông Hàn Quốc bị cáo buộc làm gián điệp và đang giam người này tại nhà tù ở Moskva.
Trường học hai tầng ở Nigeria bất ngờ đổ sập sau ba ngày mưa lớn, khiến ít nhất 21 người tử vong, phần lớn là học sinh đang làm bài thi.
Quân đội Israel thông báo không kích hơn 200 mục tiêu tại Dải Gaza, trong đó có xe chở vũ khí, kho khí tài của Hamas.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời 2 quan chức Mỹ khẳng định tuyên bố ngày 22/6 của Houthi về việc lực lượng này đã tấn công tàu sân bay Dwight D. Eisenhower trên Biển Đỏ là sai sự thật.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Putin sẵn sàng cho mọi cuộc tiếp xúc, kể cả với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông Trump và ông Biden đã gặp nhau tại Nhà Trắng để thảo luận về việc chuyển giao quyền lực. Cuộc gặp diễn ra trong không khí yên bình, trái ngược những chỉ trích mà hai người dành cho nhau suốt nhiều năm qua.
Cơ quan tình báo quân đội Ukraine thông báo đặt bom phá một cây cầu đường sắt ở tỉnh Samara, tây nam nước Nga.
Moskva thông báo mở chiến dịch chống khủng bố ở Cộng hòa Dagestan thuộc Nga và bắt ba nghi phạm đang âm mưu thực hiện các vụ tấn công.
Ông Bakar, 70 tuổi, đến Malaysia làm lao công trong 27 năm liên tục không nghỉ ngày nào, nuôi con trở thành thẩm phán, bác sĩ và kỹ sư.