Nhìn bốn bề rừng núi nhưng chưa một lần tôi có ý định bỏ nghề

13:20 20/11/2023

Để theo nghề "gõ đầu trẻ", cô giáo Vương Ngọc Hiệp - giáo viên Trường Tiểu học xã Lâm Ca (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) đã từ miền xuôi lên vùng cao dạy học.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo tại xã An Châu (nay là thị trấn An Châu), huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, cô Hiệp cho biết, xuất thân trong gia đình thiếu vắng tình thương của bố, một mình mẹ vất vả nuôi ăn học. Đó là lí do cô Hiệp tự nhủ phải luôn cố gắng phấn đấu.

"Xuất thân trong gian khó, mang theo niềm hy vọng và tự hào của mẹ, tôi tự mình đặt ra quyết tâm lớn là cố gắng học thật tốt để trở thành cô giáo, giúp đỡ, dạy dỗ các em học sinh" - cô Hiệp chia sẻ.

Tốt nghiệp bằng Cao đẳng năm 2016, cô Hiệp nộp hồ sơ thi viên chức và trúng tuyển vào Trường PTDTBT Tiểu học I xã Bính Xá, huyện Đình Lập (Lạng Sơn).

"Đây là ngôi trường biên giới của huyện Đình Lập - nơi có đa số học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao.

Rời xa quê hương và mẹ đến công tác tại ngôi trường cách nhà 70km. Kể từ đây, hành trình gieo con chữ đầy gian khó của tôi bắt đầu. Những ngày đầu khi giảng dạy ở nơi đây, tôi thật sự bỡ ngỡ, mọi thứ đều mới lạ, tôi đã gặp không ít khó khăn, không chỉ là sự thiếu thốn cơ sở vật chất mà là phong tục tập quán, là sự bất đồng ngôn ngữ.

Nhìn khắp bốn bề toàn rừng, mây, núi, những con đường đất trơn trượt, nhìn những em học sinh với thân hình nhỏ bé, làn da đen sạm, nhiều khi tôi cảm thấy nản lòng" - cô Hiệp nghẹn ngào.

Nhưng nhờ sự cố gắng của bản thân cùng với sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp, những phút nản lòng đó cũng qua nhanh.

"Tôi dần bắt nhịp được với công việc giảng dạy của mình. Mỗi lần đứng trên bục giảng là mỗi lần tôi thấy yêu công việc của mình nhiều hơn; được giảng dạy cho học trò miền biên giới cũng là niềm vui, niềm tự hào của bản thân.

Là giáo viên ở xa nên ngủ tại trường, nhiều khi trời mưa các em phải đến trường từ Chủ nhật để kịp học thứ Hai, tôi giúp các em nấu cơm, đun nước tắm, hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân. Chính những điều đó lại càng giúp tôi có động lực hơn để giảng dạy, công tác xa nhà" - cô Hiệp chia sẻ.

Những thân hình nhỏ bé, những gương mặt ngây ngô là động lực để cô Hiệp đến trường mỗi ngày. Ảnh: NVCC

Sau hơn 6 năm công tác tại mái trường vùng biên giới, năm 2022, cô Hiệp được tạo điều kiện về công tác tại trường Tiểu học xã Lâm Ca - là một ngôi trường thuộc xã vùng III của huyện Đình Lập.

"Ở đây, phần đa là học sinh dân tộc thiểu số, đường đi lại khó khăn, cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều thiếu thốn, thiếu lớp học, không có nhà công vụ cho giáo viên nên hằng ngày tôi phải đi 30km để tới trường giảng dạy. Mặc dù khó khăn vất vả nhưng nhìn những đôi chân lấm lem vì đi bộ đường đất đến trường, những gương mặt ngây thơ, non nớt không quản ngại khó khăn ngày 2 buổi đến trường của các em, tôi lại quên hết mệt mỏi tiếp tục hành trình gieo chữ của mình" - cô Hiệp kể lại.

Khi đến công tác tại vùng miền núi mong muốn lớn nhất của cô Hiệp là được giúp các em thêm kiến thức để thoát khỏi đói nghèo, mang đến cho các em thêm nhiều tri thức mới đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng với nhu cầu hiện đại, phát triển của xã hội.

Sống không lùi bước, không đầu hàng trước khó khăn như là châm ngôn sống để cô Hiệp ngày càng muốn gắn bó mong muốn được đồng hành cùng các học trò nhỏ để giúp các em tiến bộ, phát triển hơn.

Có thể bạn quan tâm
Co loi xay ra
Co loi xay ra
Du học Nhật Bản, Học bổng Nhật Bản, Việc làm tại Nhật Bản, Dịch vụ ở Nhật Bản, Aishin Hà Nội
Du học Nhật Bản
Thông tin du học
Toyota hiace van, commercial van, campervan, toyota hiace van for sale
Toyota hiace van, commercial van, campervan, toyota hiace van for sale
Toyota hiace van for sale
Commercial van for sale
Campervan for sale