TP - Tại nhiều vị trí đất bãi sông Hồng qua trung tâm Hà Nội đang bị lấn chiếm và đổ đất, phế thải. Giao dịch mua bán đất đai, bảo kê xây nhà trong hành lang thoát lũ diễn ra công khai. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) liên tục có văn bản yêu cầu thành phố Hà Nội xử lý nghiêm các vi phạm này.
Cò đất và "tay to" bảo kê xây nhà
Từ bãi vật liệu cuối ngõ 76 An Dương, chúng tôi men theo con đường mòn dẫn ra Bãi Giữa. Khu vực bãi bồi này giờ đã trở thành cụm dân cư với vài chục hộ dân sinh sống. Mỗi gia đình là một mảnh đất vuông vức, có nhà và rào thép bao quanh. Những ngôi nhà ở khu này gần như cùng diện tích và lối thiết kế: Nhà chỉ khoảng 30m2, mặt sàn được lát nền bằng gạch, tường dựng trong khung thép, mặt tiền nhà ốp gỗ, mái phủ lá thơ mộng như “khu đô thị sinh thái” ven sông.
Tiền Phong Nhà xưởng mọc san sát trên đất nông nghiệp ven sông Hồng 1 |
Nhà xưởng mọc san sát trên đất nông nghiệp ven sông Hồng |
Trong vai người cần tìm mua đất, tôi được giới thiệu gặp ông Bính. Ông này ra giá: “Chỉ còn một mảnh đất 2 sào, chủ mảnh đất để không, đang muốn bán, giá 700 triệu. Tôi sẽ dựng nhà kiểu lợp tôn giống mấy ngôi nhà khác, đường rộng, ô tô vào thoải mái”.
Thấy chúng tôi lưỡng lự, ông Bính giới thiệu thêm một mảnh khác gần đó vẫn chưa có nhà.Thấy khách lo lắng mua đất không xây được nhà, ông Bính trấn an: “Sẽ có người bảo lãnh dựng nhà luôn. Mua đất không thì không dựng được đâu. Dựng nhà thì phải làm “luật”, không quen biết thì không làm được”.
Nói rồi, ông Bính đưa chúng tôi đến mảnh đất đã được giới thiệu. “Muốn xây ở đây thì sẽ làm theo quy trình. Đầu tiên, sẽ quây kín hàng rào bằng lưới che nắng màu đen. Sau đó, lát sàn gạch, dựng cột gỗ để quây lưới, muốn làm ở hướng nào thì do mình chọn. Khi có nhà rồi, ở khoảng vài tháng là có thể làm nhà vệ sinh, sân vườn được. Khoản chi phí phát sinh này mình tự lo, làm bình thường vì “luật” đã được bảo lãnh rồi”, ông Bính nói.
Tiền Phong Cảnh người đàn ông tên Bính giới thiệu khu đất bãi cho phóng viên 1 |
Cảnh người đàn ông tên Bính giới thiệu khu đất bãi cho phóng viên |
Sau đó, ông Bính giới thiệu một ngôi nhà đang được ông xây dựng cho khách cạnh đó. Ngôi nhà này tứ phía đều được quây kín bằng lưới chắn nắng màu đen, cổng được dựng bằng 2 miếng tôn xanh, rất khó để nhìn được vào bên trong. Mở cổng vào, phần gạch lát nền khoảng 40m2, diện tích mặt sàn 30m2 được dựng khung gỗ và phủ mái lá, lưới chắn đã được định hình.
“Mấy ngôi nhà ở đây tôi xây đều làm như thế này, còn phần tường muốn làm khung nhôm hay ốp gỗ thì tùy”, ông Bính tư vấn.
Ngoài điểm nóng Nhật Tân, khảo sát của phóng viên từ phía lòng sông Hồng bằng xuồng máy, dọc bãi sông từ chân cầu Thăng Long xuôi xuống cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cho thấy có hàng chục điểm bị đổ vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng sông làm khu trải nghiệm, khu du lịch tại các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.
Sau khi nghe ông Bính giới thiệu xong, chúng tôi đề cập đến người bán kia và được kết nối qua điện thoại với người đàn ông tên Đông.
“Nếu lấy mảnh đất đó, sẽ dựng nhà, có giếng khoan, có cả đường điện là 700 triệu đồng, thiện chí chốt thì giá là 680 triệu đồng. Đặt cọc trước là 200 triệu đồng để lo “luật”, khoảng nửa tháng là vào ở được”, ông Đông nói.
Để chứng minh khả năng của mình, ông Đông quả quyết: “Tôi bao được hết tất cả mọi vấn đề, nếu không có nhà tôi chịu phạt. Thử hỏi tất cả mọi người quanh đấy, tôi đã làm và bán 4 mảnh như vậy. Mấy mảnh có nhà và téc nước cao ở đằng sau, tất cả đều là tôi bán”.
Việc này, lãnh đạo phường Tứ Liên (Tây Hồ), phường Ngọc Thuỵ (Long Biên) thừa nhận có tình trạng chuyển nhượng quyền sở hữu nhưng chỉ là mua bán qua tay. UBND phường không xác nhận những giao dịch này và đã có biển cảnh báo nghiêm cấm hoạt động chuyển nhượng đất nông nghiệp.
Tiền Phong Hình ảnh lạch sông Hồng qua địa phận phường Tứ Liên bị đổ trạc thải lấn chiếm 1 |
Hình ảnh lạch sông Hồng qua địa phận phường Tứ Liên bị đổ trạc thải lấn chiếm |
Đổ đất đá bóp nghẹt dòng chảy
Như Tiền Phong đã phản ánh, hàng chục nghìn mét vuông đất bãi sông Hồng qua trung tâm Hà Nội đang bị lấn chiếm và đổ đất, phế thải xây dựng (còn gọi là trạc thải) để làm mặt bằng kinh doanh du lịch. Tại khu vực phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), phóng viên ghi nhận có nhiều điểm đã và đang bị đổ phế thải, lấn lòng sông Hồng với diện tích rộng hàng chục nghìn m2. Nhiều điểm, đối tượng lấn chiếm còn huy động 2-3 máy xúc cỡ lớn để san gạt.
Sau phản ánh, UBND phường Nhật Tân phối hợp với phòng Kinh tế Hạ tầng quận Tây Hồ kiểm tra. Cụ thể, tại vị trí K56+600 cuối ngõ 464 Âu Cơ, người vi phạm là ông Trương Văn Ch. và vợ là Phạm Thị N. Sau khi làm việc, người này đã cam kết khắc phục vi phạm bằng việc… san gạt, phủ màu trồng cây.
Tại khu vực bị đổ trạc thải cuối ngõ 264 Âu Cơ, UBND phường Nhật Tân đã tổ chức san gạt, hạ cốt và chôn cọc bê tông chống đổ thải, lấn chiếm. Ngoài ra, qua kiểm tra, công an phường Nhật Tân đã phát hiện và xử lý một số xe tải chở đất, gạch (chất thải xây dựng) vào khu vực bãi sông Hồng.
Đi về cuối ngõ 124, đường Âu Cơ, cách UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) khoảng 500m, từ trên cao nhìn xuống qua thiết bị flycam, phế thải xây dựng được đổ tràn lan lấn dần ra con lạch sát khu vực bãi giữa sông Hồng. Con lạch sâu bị lấp dần, có vị trí tiến sát đến gần khu vực bãi giữa. Có vị trí còn nham nhở, trắng xoá những rác thải, trạc xây dựng cao 7,8m. Cạnh đó, nhiều khoảnh đất được dựng cọc, chia lô và những nhà xưởng dần mọc lên. Đáng nói, con lạch này chính là hành lang thoát lũ của sông Hồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên cho biết, phường có khoảng 100ha đất bãi sông Hồng. Đất bãi được HTX giao cho các xã viên, đội sản xuất từ lâu.
“Chúng tôi đang đề xuất báo cáo đo đạc lại để thẩm định đưa diện tích này vào để quản lý. Qua nắm bắt tình hình trên địa bàn phường manh nha có hiện tượng dựng lều tôn, chuyển nhượng đất.
Tuy nhiên, đây là giao dịch dân sự, tự phát, trái quy định của pháp luật. Các đối tượng giao dịch không thông qua UBND phường. Chúng tôi đã cắm biển cảnh báo người dân tại nhiều vị trí trên địa bàn phường với nội dung: Khu vực không có dự án, việc phân lô tách thửa, mua bán chuyển nhượng, xây dựng trái phép sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Thắng nói và cho biết, mỗi năm các lực lượng của phường, liên ngành tổ ra quân vài lần để kiểm tra xử lý vi phạm về xây dựng, đất nông nghiệp, đất bãi. Trung bình mỗi năm xử lý, tháo dỡ một vài chục công trình vi phạm. Tuy nhiên, vi phạm trên thực tế vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Bộ NN&PTNT đề nghị quy trách nhiệm người đứng đầu
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cảnh báo, việc lấn chiếm hành lang thoát lũ rất nguy hiểm, nhất là khi có lũ lớn. Khi lòng sông bị lấn chiếm, dòng chảy bị bóp nghẹt, nguy cơ vỡ đê rất cao. Ông Luận cho hay, Bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội yêu cầu xử lý những vi phạm này.
Cụ thể, ngày 6/3/2023, Bộ NN&PTNT có văn bản yêu cầu thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khẩn trương làm rõ hành vi vi phạm đê điều (đổ phế thải xây dựng xuống lòng sông Hồng) và xử lý nghiêm theo quy định. Bộ cũng đề nghị thành phố có biện pháp buộc các cá nhân, tổ chức vi phạm khôi phục lại bãi sông, lòng sông bị lấn chiếm về hiện trạng ban đầu.
Trước đó, vào tháng 12/2022, Bộ NN&PTNT cũng có văn bản gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố. Cũng trong văn bản này, Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội cần gắn trách nhiệm người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra vi phạm kéo dài nhưng không xử lý kiên quyết.
__
(Xem tiếp trên số báo Thứ hai, ra ngày 3/4/2023)
Người dân ở Hà Tĩnh phát hiện đàn bò 9 con của hai gia đình bị chết trong khu vực rừng trồng keo. Chính quyền địa phương nghi vấn đàn bò chết nghi do sét đánh và hỗ trợ các gia đình thiệt hại kinh tế.
Cựu bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến khai từ năm 2014 đến khi nghỉ hưu năm 2020, vào các dịp lễ Tết đều được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC tặng quà, với tổng số tiền 13 tỉ đồng.
Đêm nay đến sáng mai, hàng chục nghìn hộ thuộc 10 quận huyện ở thành phố bị cắt nước hoặc nước yếu vì nhà máy nước Tân Hiệp, huyện Hóc Môn bảo trì, sửa chữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải đổi mới tư duy điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng theo tinh thần: Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; chính sách phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản trị phải thông minh.
Video đồng hồ đo nước sinh hoạt nhà anh Hiếu vẫn quay dù đã khoá 3 van chính. Những ngày gần đây, tình trạng mất nước tại Khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã được cải thiện, song cư dân vẫn chỉ dám sử dụng nước ở vòi bơm vào mục đích giặt quần áo, xả nhà vệ sinh chứ không dám dùng nấu ăn hay tắm rửa… Điều đáng nói, dù tình trạng thiếu nước, mất nước kéo dài gần nửa tháng 10, khi có nước trở lại, cư dân ở đây cũng hạn chế...
Hòa Bình - Dự án xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn dốc Cun vừa được gia hạn đến tháng 9.2024.
Bà Rịa - Vũng Tàu - Đoàn kiểm tra nhận định có sự thiếu quản lý, nắm tình hình của khách và hoạt động kinh doanh ở The Sóng, nơi...
Bị nhắc nhở, lập biên bản vì lấn chiếm lòng, lề đường Danh Dương không chấp hành mà còn chạy về lấy 2 cây dao chém trọng thương công an...
Những ngày qua, lượng khách đến chiêm bái đền Bảo Hà tăng đột biến khiến giao thông đoạn Quốc lộ 279 từ nút giao IC16 (cao tốc Nội Bài -...