Nhiều dãy nhà trọ sinh viên được cải tạo với tên mới căn hộ mini, chung cư mini đã có sức hút hơn hẳn. Dù phòng dạng này có giá thuê 3,5 - 7 triệu đồng/tháng nhưng luôn trong tình trạng "cháy phòng".
Việc xây nhà trọ kiểu này đang dần thành xu thế ở TP.HCM, mọc lên khá nhiều ở các quận Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Các trang mạng chuyên đăng tin cho thuê - tìm phòng trọ cũng không khó để tìm thấy thông tin các phòng dạng này.
Quỳnh Hương - nữ sinh viên năm hai ngành công nghiệp thực phẩm - đang thuê một căn hộ mini ở quận Bình Tân với giá phòng mỗi tháng 5,5 triệu đồng, chưa tính điện (3.500 đồng/kWh), nước 100.000 đồng/người, phí quản lý 100.000 đồng/phòng/2 người, phí vệ sinh... Hương thừa nhận chi phí trọ của mình mỗi tháng đang cao nhưng tính toán kỹ lại thấy hợp lý.
Hương ở cùng một bạn nữa, chia ra mỗi người khoảng 2,8 triệu đồng/tháng. Phòng có diện tích khoảng 28m2, ban công rộng thoáng và máy lạnh lắp sẵn. Giá điện thì gần như chung của các khu trọ.
Riêng phí quản lý, dịch vụ như thang máy, vệ sinh hành lang, sửa chữa điện nước khi cần làm Hương rất hài lòng. "Vì có đóng phí quản lý nên có bảo vệ trực 24/7, ra vào cổng phải có vân tay, camera đủ mọi ngóc ngách nên an toàn lắm" - Hương nói.
Dù học trường cơ sở ở quận 12 nhưng Bảo Anh - sinh viên ngành truyền thông - vẫn chọn thuê trọ chung cư mini ở quận Tân Bình. Với giá 4,7 triệu đồng/tháng, căn phòng Bảo Anh thuê chừng 22m2 có gác lửng, sạch sẽ và đang ở chung với hai bạn khác.
Tổng bill mỗi tháng cả điện nước, dịch vụ, rác... khoảng 6 triệu đồng. "Tính ra mỗi người có 2 triệu thôi nhưng phòng mát mẻ lắm, chứ hồi năm nhất mình ở phòng trọ sinh viên giá rẻ hơn đây phân nửa nhưng nóng khủng khiếp" - Bảo Anh cười.
Anh Huấn - quản lý một dãy căn hộ mini ở quận Tân Bình - cho biết nhiều tháng nay cả khu này đều kín phòng dù giá mới tăng thêm mỗi phòng 300.000 đồng, phòng thấp nhất 4,2 triệu đồng, cao nhất 5,2 triệu đồng/tháng.
Lý do khác khiến nhà trọ dạng này luôn kín khách, theo anh Huấn, đó là luôn liên kết với môi giới bên ngoài nên chỉ cần khách báo trả phòng, lập tức thông tin tìm khách mới sẽ xuất hiện trên mạng liền.
Thực tế cho thấy phòng trọ "hạng sang" đang dần chiếm được cảm tình người thuê, nhất là sinh viên và lao động trẻ - nhóm ở thuê nhiều nhất. Nên để bớt chi phí, xu hướng tìm người ở ghép ngày càng nở rộ. Thông tin tìm bạn ở ghép có thể tìm thấy bất kỳ đâu trên mạng, rõ thông tin khu vực, số tiền cần chia.
Tài khoản Bảo Như đăng vào nhóm "Ở ghép TP.HCM 24/7" cho biết muốn "tìm phòng ghép nữ gần khu vực quận 10 và 3, chi phí 2 triệu đổ xuống". Liền bên dưới, một tài khoản ẩn danh đăng bài "tìm nam ghép phòng Bình Thạnh, full nội thất thoáng mát, rộng 45m2, đã đi làm càng tốt hoặc sinh viên năm cuối, chi phí 2,5 triệu/người/tháng".
Có bài đăng sau khi chia sẻ thông tin còn viết rõ "Ở chung phòng nhưng có giường riêng và không gian riêng tư, đủ nội thất nên chỉ cần dọn vali vào ở thôi" để trấn an bạn cần tìm. Bởi tình thế buộc phải ở chung chứ nhiều người không quen ngủ cùng người lạ.
"Trước lạ sau quen" là "câu thần chú" của bất kể ai muốn tìm bạn ở ghép từ mạng. Nhưng cũng có những biến tướng, cũng đủ kiểu "trời ơi đất hỡi", kể cả lừa đảo. Những ngày lần mò trên các trang đăng tin tìm người ở trọ, chúng tôi làm quen với Ngọc Nga. Bạn sinh viên năm hai ấy đăng bài tố người bạn chung phòng quỵt tiền trọ, trốn nợ.
Bất đắc dĩ lắm Nga mới phải lên mạng tìm người ở ghép để chia khoản tiền phòng hơn 4,7 triệu đồng/tháng. Tìm được người cũng là sinh viên, ở chung hai tháng thì một ngày bạn ở cùng "bỗng dưng biến mất". Vấn đề là cô bạn đó ở cùng hai tháng nhưng chưa đóng một đồng tiền nhà nào, còn "khuyến mãi" mượn Nga thêm 1,7 triệu đồng trang trải cuộc sống rồi âm thầm dọn đi, lặn mất tăm.
Đầy trên mạng các bài đăng tố người ở ghép không trả tiền nhà còn cuỗm luôn đồ đạc của người ở cùng. Mới đây, anh Ngọc Khải - nhân viên kinh doanh tại TP Thủ Đức - đăng đàn kể việc thanh niên tên T. sau khi ở ghép được 5 tháng bỗng một ngày lại vào vai "mất tích".
Rời đi không lời từ biệt, T. còn "khoắng" theo khá nhiều thứ của anh Khải, giá trị nhất là chiếc laptop. "5 tháng ở chung thấy rất hiền lành, tôi biết cả nơi làm việc, quê quán của bạn đó nên đăng lên cảnh báo bạn trả đồ chứ liên quan tới công an là mệt à" - anh Khải nói.
Đúng là tìm được nơi trọ có không gian thoáng đãng, sạch sẽ cũng giúp ích rất nhiều, từ sức khỏe đến tâm lý, tinh thần. Cộng với liên tiếp các vụ cháy nhà trọ xảy ra gần đây gây thiệt hại lớn về người và tài sản cũng làm cho nhiều người đặt vấn đề an ninh, an toàn cháy nổ lên trên trước khi đi tìm nhà trọ.
Kinh nghiệm nhiều lần tìm và chuyển chỗ trọ, sinh viên Thanh Nam (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) khoe "mẹo" để tìm được chỗ trọ nhanh chóng, an toàn và rẻ phải hỏi chính những ai đang ở trọ hay gần đó. "Chỉ những người đang ở đó mới rõ tình hình, có an toàn không, đặc biệt tính khí chủ trọ ra sao, chứ gặp một lần dễ gì biết chủ thế nào" - Nam cười.
Còn bạn Khánh Huyền (Trường ĐH Công Thương TP.HCM) cho biết bạn luôn tìm nhà trọ qua các kênh chính thống tại trường hay Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM. "Tìm ở đó giá rất tốt, phù hợp, chứ giá cho thuê bên ngoài đắt lắm, sinh viên sao chịu nổi" - Huyền nói.
Thông tin nhà trọ luôn được Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM (SAC) đăng tải, cập nhật liên tục. Đây là địa chỉ rất đáng để sinh viên tham khảo khi muốn tìm phòng mức giá phù hợp, an toàn. Ngoài ra, sinh viên còn có thể tìm đến các trung tâm, phòng hỗ trợ sinh viên của trường mình.
Riêng SAC hiện tiếp nhận khoảng 1.000 chỗ trọ ở 300 địa chỉ khác nhau toàn TP. Phòng có nhiều loại, giá từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng, có thể ở 2 - 3 người. Các địa chỉ trọ này đều đã được đội ngũ tình nguyện viên xác minh kỹ thông tin trước khi giới thiệu cho sinh viên.
Sinh viên cần tìm chỗ trọ có thể liên hệ với SAC theo số điện thoại 028.3827.4705 hoặc website: www.sac.vn, ứng dụng nhà trọ http://app.sac.vn/nhatro hoặc fanpage https://www.facebook.com/sac.nhatro/.
Kiểm tra bếp ăn tập thể của Công ty may Việt Nhật sau khi 71 công nhân ngộ độc, lực lượng chức năng ghi nhận không có nắp đậy và không đảm bảo vệ sinh.
Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 , tỉnh Cao Bằng đã đón khoảng 67.500 lượt du khách.
Võ Thị Mỹ Linh, 31 tuổi, bị phạt tù chung thân về hành vi liên tiếp đánh vào đỉnh đầu bé trai 6 tháng tuổi do quấy khóc khi ăn, thay tã, khiến cháu tử vong.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông báo hạn chế các loại xe lưu thông một số tuyến đường trong thời gian tổ chức Lễ hội thanh niên 2024 (từ 22 đến 24-3).
Cứ có đồng nghiệp nào đi du lịch hoặc thấy ai đăng ảnh lên mạng xã hội, vợ lại thấy ghen tị, khó chịu và nói cạnh khóe tôi.
Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, tổ thảo luận chủ đề 'Sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng' đã có nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp gia tăng hàm lượng tri thức, chuyển đổi số, sáng tạo gắn với chuyên môn, thế mạnh của sinh viên trong các hoạt động tình nguyện.
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết thời gian tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lùi từ tháng 10 sang tháng 12-2024.
Đầu tháng 10, Nurul Syazwani lên mạng xã hội cho biết người chồng bị liệt vì tai nạn xe hơi được cô chăm sóc 6 năm qua, đã khỏe lại và lấy vợ mới.
Chồng không chịu làm việc nhà nhưng khi tôi đề nghị mua máy rửa bát, anh lại nói tôi hoang phí.