Người Việt ngày càng ít ăn cơm nhà

08:40 13/05/2024

Kể từ khi em trai lên đại học, điều Khánh Vy, 28 tuổi, ở quận 8, TP HCM thấy thay đổi rõ nhất là bữa cơm gia đình biến mất.

Từ 18-20h tối hàng ngày, bốn người trong nhà Vy đi ăn ngoài, mỗi người một hướng. Mẹ cô, một bảo mẫu trường mầm non ăn với đồng nghiệp. Ba, một thợ bạc làm việc tại nhà nên tối ra đầu ngõ kiếm gì ăn tranh thủ tám chuyện với xóm giềng. Em trai học cách nhà 20 km thường ăn luôn với bạn. Riêng Ly, nhân viên một công ty tổ chức sự kiện hay phải ra ngoài nên sẽ tiện đâu ăn đó.

"Mối quan hệ của các thành viên vẫn rất tốt, chỉ là hiếm có bữa cơm chung", cô nói. Nhiều gia đình xung quanh nhà Vy cũng vậy, với tỷ lệ ăn hàng tương đương, thậm chí nhiều hơn ăn nhà.

Tại Hà Nội, nơi bữa cơm nhà thường rất được xem trọng như các gia đình người Bắc, vợ chồng Ngọc Ánh và con trai hai tuổi vẫn thích ăn hàng hơn. Bữa sáng của họ hoàn toàn đi mua, còn bữa trưa và tối ăn hàng chiếm 50-60%. Cô cho biết từ ngày 1 đến 7/5, cả nhà đã ghé ăn 6 nhà hàng và một quán vỉa hè với các món sushi, đồ Thái, gà, bánh tráng cuốn thịt heo, thịt ngan cháy tỏi, dimsum và bún đậu.

"Mỗi ngày làm việc ba ca, đầu óc mệt mỏi rồi nên tôi không muốn phải nấu ăn nữa", Ánh, một bác sĩ da liễu nói.

Gia đình thường chọn nhà hàng ở trung tâm thương mại tiện cho con trai vừa ăn vừa chơi, đôi khi sẽ tìm đến quán đang nổi trên mạng xã hội, với giá dao động từ 400.000 đến 800.000 đồng mỗi bữa, tổng cả tháng hết 8 đến 10 triệu đồng.

Nếp sống của gia đình Vy hay Ánh phản ánh một bức tranh rộng lớn hơn. Báo cáo Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam do iPOS (công ty cung cấp giải pháp quản lý nhà hàng, cà phê) phát hành cuối tháng 3 cho thấy người Việt đang có xu hướng ăn ngoài thường xuyên hơn, với hơn 17% ăn hàng mỗi ngày, gần 30% ăn 3-4 lần một tuần, cao hơn hẳn năm 2022. Khó khăn kinh tế không làm ảnh hưởng đến thói quen này. Năm 2023 chứng kiến người Việt chi nhiều hơn cho bữa trưa và bữa tối bên ngoài.

Báo cáo tháng 12/2023 của Grab cho thấy ngày càng nhiều người dùng Việt thích sử dụng ứng dụng này để khám phá, trải nghiệm các nhà hàng và cửa hàng mới, hơn 50% truy cập ứng dụng khi chưa biết rõ muốn ăn ở đâu.

Trước đó một khảo sát của Q&me cũng chỉ ra người dân thành thị, đặc biệt bộ phận có thu nhập cao ăn ngoài nhiều hơn, với 36% cho biết giảm tần suất nấu ăn tại nhà kể từ sau đại dịch.

"Bữa cơm gia đình đang ngày càng mai một", chuyên gia tâm lý gia đình Hồng Hương (Hà Nội) nói.

Theo bà, guồng quay cuộc sống ở các đô thị đang lấn át thời gian dành cho bữa cơm gia đình. Vì bận rộn, công việc đã quá áp lực cộng thêm giờ giấc sinh hoạt của các thành viên không thống nhất khiến khó duy trì thói quen nấu ăn. Ngay cả việc ăn uống bây giờ cũng khác, có những người ăn cho no bụng, người ăn theo chế độ đảm bảo sức khỏe, thậm chí nhiều người nhịn ăn.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, chuyên gia ẩm thực Vũ Thị Tuyết Nhung (Hà Nội) gọi việc mình đi chợ nấu ăn là "nếp sống cũ". Con cháu bà thích và thường xuyên ăn ngoài. Khi bà hỏi "toàn những món đơn giản sao không nấu?", người con trả lời là "không có thời gian". Nếu có nấu, các con bà thường mua thực phẩm tẩm ướp sẵn về "nấu nháo nhào cho xong".

Chuyên gia dinh dưỡng, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết ăn hàng đang trở thành nếp sống của nhiều gia đình đô thị đi kèm với những nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm và số vụ ngộ độc tăng, số lượng người ảnh hưởng nhiều.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết có tới 70-80% thức ăn vỉa hè, đường phố được xác định nhiễm khuẩn như Ecoli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột. Năm 2023 toàn quốc ghi nhận 125 vụ làm trên 2.100 người mắc và khiến 28 người tử vong, tăng hơn 70 vụ so với 2022. Mới nhất hôm 30/4, vụ ngộ độc bánh mỳ ở Đồng Nai đã khiến 568 người nhập viện.

Đã có các bằng chứng khoa học chỉ ra ăn hàng có liên quan đến thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường và ung thư. Các số liệu của Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ở Việt Nam tăng gấp đôi sau 10 năm.

Theo tiến sĩ Hưng, ăn hàng sẽ không thể kiểm soát được năng lượng nạp vào cơ thể, nhiều muối, dầu mỡ, phụ gia. "Có ăn ngoài, nhưng hãy cố gắng duy trì bữa ăn gia đình vì chỉ như vậy mới kiểm soát được đầu vào thực phẩm và dinh dưỡng phù hợp", ông khuyên.

Trường hợp phải ăn ngoài, ông đề nghị mọi người kiểm tra giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của cửa hàng, quan sát nguyên liệu sử dụng, môi trường chế biến và nấu nướng, người bán có sử dụng găng tay, dụng cụ để xử lý thực phẩm riêng biệt, bát đũa sạch sẽ... hay không.

"Tốt nhất đi ăn hàng nên chọn các món luộc, hấp sẽ an toàn hơn các món chiên rán được tẩm ướp hoặc các món băm trộn sẽ khó xác định được nguyên liệu đầu vào là gì, có an toàn không", chuyên gia khuyên.

Mặc dù luôn chọn các hàng quán được đánh giá tốt và giá không hề rẻ, gia đình Ngọc Ánh vẫn không tránh được bị ngộ độc thực phẩm vài lần mỗi năm. "Biết ăn ngoài nhiều không tốt, mọi người cũng khuyên lắm nhưng với công việc quá bận hiện tại đi ăn ngoài với tôi là xả stress", Ánh nói.

Gia đình Khánh Vy gần đây bắt đầu lo ngại khi ngày càng nhiều người xung quanh mắc ung thư. Tháng trước, Vy mới làm về một chiến dịch về ung thư, tiếp xúc nhiều người bệnh nên càng thêm lo ngại cho thói quen ăn uống của mình. Cả nhà đang đặt mục tiêu sẽ nấu ăn nhà nhiều hơn, trước tiên cải thiện vào hai ngày cuối tuần. Vy cũng đang lên kế hoạch đi học một khóa nấu ăn.

"Với tôi, tự nấu ăn như một kỹ năng sinh tồn, chí ít cũng không để lặp lại tình cảnh như thời đại dịch", cô gái nói.

Phan Dương

Có thể bạn quan tâm
Bức tranh Panorama về Chiến thắng Điện Biên Phủ giành giải Đặc biệt

Bức tranh Panorama về Chiến thắng Điện Biên Phủ giành giải Đặc biệt

09:30 10/09/2023

“Bức tranh tròn Panorama, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” được trao giải Đặc biệt tại Lễ trao Giải thưởng Sáng tác, Quảng bá Tác phẩm Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về học tập và làm theo lời Bác.

Du khách Hải Phòng tử vong khi leo 'nóc nhà Yên Bái'

Du khách Hải Phòng tử vong khi leo 'nóc nhà Yên Bái'

18:30 09/10/2023

Một nam du khách Hải Phòng 61 tuổi tử vong khi leo đỉnh Tà Chì Nhù, mệnh danh 'nóc nhà Yên Bái', nguyên nhân ban đầu được xác định do đột quỵ.

Họa sĩ Pháp gốc Việt 40 năm đi tìm mẹ

Họa sĩ Pháp gốc Việt 40 năm đi tìm mẹ

06:50 23/12/2023

Hành trình 40 năm đi tìm nguồn cội của Rémy được đánh dấu bằng 7 lần sang Việt Nam, hàng chục lần xét nghiệm ADN nhưng anh mới tìm thấy bố, còn mẹ vẫn biệt tăm.

Chồng lấy lý do giữ sức khỏe cho vợ để tránh gần gũi tôi

Chồng lấy lý do giữ sức khỏe cho vợ để tránh gần gũi tôi

06:20 04/07/2024

Tôi cảm thấy anh không nồng nhiệt như trước, thậm chí cả tháng không đụng chạm vào vợ.

Bắc Giang ra quân tình nguyện kỳ nghỉ hồng

Bắc Giang ra quân tình nguyện kỳ nghỉ hồng

18:40 22/06/2024

Ngày 22/6, Tỉnh Đoàn Bắc Giang tổ chức ra quân chiến dịch tình nguyện kỳ nghỉ hồng, với hoạt động trọng tâm hỗ trợ xây nhà nhà tặng người nghèo.

Sóc Trăng bàn giao công trình Thắp sáng đường quê

Sóc Trăng bàn giao công trình Thắp sáng đường quê

18:00 18/01/2024

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Sóc Trăng vừa tổ chức Lễ bàn giao công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” năm 2024 tại ấp Bét Tôn, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng).

Sinh viên Kiến trúc Hà Nội hào hứng hiến máu thắp sáng trái tim hồng

Sinh viên Kiến trúc Hà Nội hào hứng hiến máu thắp sáng trái tim hồng

20:00 17/05/2023

Ngày 17/5, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, CLB Sinh viên Vận động hiến máu Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phối hợp Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức Ngày hội hiến máu toàn trường 'Thắp sáng trái tim hồng' lần thứ 26 thu hút đông đảo sinh viên tham gia.

Thú 'nuôi' hạt xoài độc lạ, gây tranh cãi của giới trẻ Trung Quốc

Thú 'nuôi' hạt xoài độc lạ, gây tranh cãi của giới trẻ Trung Quốc

10:20 10/08/2023

Các bạn trẻ Trung Quốc đang rộ trào lưu biến hạt xoài thành thú cưng, thậm chí viết cả nhật ký về chúng.

Co loi xay ra
Co loi xay ra