TP - “Tôi nghĩ mình đã làm một việc để sau này không bị con cháu oán hận”, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Phạm Văn Chi đã chia sẻ như vậy khi kết thúc cuộc trò chuyện về quyết định phản đối dự án thép tại vịnh Vân Phong hơn 15 năm trước.
Đầu năm 2008, ông Phạm Văn Chi đã kiên trì tìm kiếm, tổng hợp và phân tích các số liệu, kiến nghị Chính phủ loại bỏ dự án thép khỏi vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Nhớ lại thời điểm đó, ông ví như thể đang chơi “đấu trường 100” khi phải đi ngược lại, đấu tranh với hàng trăm quan điểm trái chiều. Lúc đó, ông Chi là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối dự án nhà máy thép của Posco (Hàn Quốc) với mức đầu tư dự kiến cả chục tỷ USD.
Gặp PV Tiền Phong vào chiều 24/4, ông Phạm Văn Chi (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) dù đã hơn 77 tuổi nhưng vẫn nhớ như in câu chuyện ông quyết liệt phản đối dự án nhà máy thép tại vịnh Vân Phong, thuộc khu vực biển Đầm Môn, huyện Vạn Ninh. Vào giữa năm 2007, ông Chi nghe một vị lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh cho biết Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đề xuất dự án đầu tư nhà máy thép liên hợp tại vịnh Vân Phong có tổng mức đầu tư đến 11,5 tỷ USD, được xem là dự án lớn nhất Việt Nam về sản xuất thép thời điểm đó. Lúc đó, toàn bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, hầu hết các bộ, ngành Trung ương đều thống nhất đề nghị cho xúc tiến triển khai dự án nhà máy thép của Posco. Chính vì thế, tháng 1/2008, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương cho lập dự án.
Tiền Phong Khu vực biển Tập đoàn Posco dự kiến làm nhà máy thép tại vịnh Vân Phong. (Ảnh: Công Hoan) 1 |
Khu vực biển Tập đoàn Posco dự kiến làm nhà máy thép tại vịnh Vân Phong. (Ảnh: Công Hoan) |
Nhận thấy có quá nhiều hiểm họa đối với môi trường ở một dự án sản xuất thép lớn như thế, ông Phạm Văn Chi kiên quyết đấu tranh, đề nghị không chấp nhận dự án này. Nhân cuộc họp Thường vụ qua các nhiệm kỳ vào đầu năm 2008, ông Chi đã phân tích, chỉ rõ các phản ứng hóa học trong quá trình sản xuất thép và cảnh báo tác hại môi trường của nhà máy thép thải ra vô cùng lớn cho lãnh đạo chủ chốt tỉnh khi đó biết. “Nhưng trong cuộc họp đó của tỉnh, tôi nói hầu như không ai nghe. Ngược lại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn ra chủ trương quán triệt đến cấp chi bộ là mọi đảng viên phải có trách nhiệm ủng hộ dự án đó. Tỉnh đã cử nhiều đoàn cán bộ qua Hàn Quốc khảo sát, tham quan nhà máy thép của Posco, khi về ai cũng khen nức nở. Riêng tôi dứt khoát không đi và kịch liệt phản đối dự án này”, ông Chi nhớ lại.
Tiền Phong Ông Phạm Văn Chi (bên phải ảnh) kể lại với PV Tiền Phong về việc phản đối xây dựng nhà máy thép tại vịnh Vân Phong. (Ảnh: Khánh Nguyên) 1 |
Ông Phạm Văn Chi (bên phải ảnh) kể lại với PV Tiền Phong về việc phản đối xây dựng nhà máy thép tại vịnh Vân Phong. (Ảnh: Khánh Nguyên) |
Ông Phạm Văn Chi phân tích, thông thường cứ cho ra 1 tấn thép thì cần 2 tấn quặng và 1 tấn quặng phải cần 3 tấn than đốt, cứ 15 triệu tấn thép thì cần 30 triệu tấn quặng, 90 triệu tấn than. Với công suất nhà máy thép này thì hàng năm thải ra môi trường 100 triệu tấn bã. “Vậy nguồn bã sẽ giải quyết đi đâu, lẽ nào đổ xuống biển. Chưa kể, phản ứng hóa học trong quá trình đốt than sẽ sinh ra lượng CO2 vô cùng lớn. Ngoài ra, nguy hại còn ghê gớm hơn nếu sử dụng đốt than đá nguyên chất, bởi trong than đá hàm lượng lưu huỳnh và phốt pho vô cùng cao. Khi đốt cháy sẽ bốc lên gặp nước tạo ra các loại a xít, gặp khí lạnh sẽ tạo ra mưa a xít, khi đó tác động môi trường sẽ rất kinh khủng”, ông Chi bày tỏ lo ngại tại cuộc họp trên.
“Tôi cho rằng, việc phản đối quyết liệt dự án thép tại vịnh Vân Phong của anh Phạm Văn Chi đã cứu lấy môi trường vùng biển khu vực Đầm Môn nói riêng và cả vùng biển duyên hải Nam Trung bộ nói chung. Nếu dự án này được triển khai, chắc chắn môi trường trường biển khu vực sẽ không còn vẹn nguyên như hôm nay. Anh Chi đã làm điều đúng đắn để giữ lại tài nguyên biển đảo cho con cháu mai sau”.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc - nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa
Cũng theo ông Chi, cái khó đầu tiên không thể thực hiện được là mình cấp đất và mặt nước cho Posco trong khi giá trị cho thuê đất rẻ mà dự án lấp đất chiếm 1/3 vịnh, điều này không thể cho phép vì trái luật. Còn nếu mình tự đổ đất lấp sẽ tốn hàng ngàn tỷ đồng, vậy bao nhiêu năm mình mới lấy nguồn thu. “Hơn nữa sắt không phải áp giá trị tiêu thụ đặc biệt và họ cũng không bán ở đây nên tỉnh sẽ không có nguồn thu. Như vậy tỉnh lỗ từ đầu chí cuối, chỉ được cái danh đầu tư nhà máy thép tỷ đô mà thôi”, ông Chi kể lại.
Là một kỹ sư chế tạo máy, ông Phạm Văn Chi lặng lẽ đi thu thập nhiều tài liệu để phân tích, chỉ rõ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ đại dự án trên. “Tôi biết rằng công nghiệp luyện gang thép là ngành công nghiệp có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên quy mô rất lớn. Tôi không nói vo mà có cơ sở khoa học, phân tích các thông số cụ thể của các phản ứng hóa học trong quá trình sản xuất thép. Với công suất 15 triệu tấn thép mỗi năm của dự án phải dùng bao nhiêu tấn quặng, bao nhiêu tấn than, rồi thải ra bao nhiêu tấn xỉ than cùng những độc tố nào… Tôi tính toán và biết rằng mỗi năm nhà máy này thải ra hàng triệu tấn chất thải công nghiệp, phần lớn là độc hại. Với lượng chất thải như vậy, không chỉ môi trường vùng biển Khánh Hòa mà cả khu vực duyên hải Nam Trung bộ sẽ bị tàn phá”, ông Chi cho hay.
Tuy nhiên, những phân tích trên của ông Phạm Văn Chi chưa thuyết phục được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ đủ quyết tâm để đề xuất Trung ương ngừng dự án thép chục tỷ đô này. Vì thế, ông Chi đã gửi toàn bộ những phân tích tác hại cụ thể của việc đầu tư nhà máy thép ở vịnh Vân Phong đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ TN-MT, Bộ KH-CN… và không quên gửi cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trả lời báo chí sau đó, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng chỉ rõ: “Cần phải có tầm nhìn dài hạn hơn trước những công trình thế kỷ như ở Vân Phong. Dự trữ tài sản của một quốc gia không chỉ là tiền bạc mà còn là đất đai, các tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên khác. Đó là của để dành cho con cháu chúng ta mai sau”.
Sau khi nhận bản kiến nghị này, Trung ương đã yêu cầu tổ chức hội thảo để xem xét lại dự án. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã yêu cầu tỉnh Khánh Hòa cần tổ chức hội thảo khoa học để xem xét đánh giá lại dự án. Cuối cùng, kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó chính thức không chấp thuận dự án đầu tư nhà máy thép của Posco tại vịnh Vân Phong. Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa vào tháng 7/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đây là dự án liên quan đến vấn đề môi trường nên phải cực kỳ quan tâm. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa phải đảm bảo môi trường sạch để phát triển bền vững, ưu tiên số một cho việc xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong và bảo vệ môi trường là hai vấn đề không gì đánh đổi được. Một tháng sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức không chấp thuận dự án đầu tư nhà máy thép của Posco tại vịnh Vân Phong.
Đến nay dù tỉnh Khánh Hòa không có dự án thép hàng chục tỷ USD làm điểm tựa để tăng ngân sách, nhưng đổi lại doanh thu hàng năm về du lịch biển của Khánh Hòa vẫn là một trong những thành phố đứng đầu cả nước. Kết thúc câu chuyện phản đối dự án thép của Tập đoàn Posco tại vịnh Vân Phong, ông Phạm Văn Chi chia sẻ: “Tôi nghĩ mình đã làm một việc để sau này không bị con cháu oán hận”!
(Còn nữa)
Do ảnh hưởng của mưa rất lớn, nhiều hộ dân tại Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) nằm trong khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn. Cơ quan chức năng cảnh báo, mưa lớn tiếp diễn trên địa bàn, gió giật mạnh, vùng biển có sóng cao từ 1,5-3 mét gây nguy hiểm cho sinh hoạt, đời sống và hoạt động của tàu thuyền trên biển.
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp công an cấp huyện rà soát, lập danh sách 19 lò...
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khởi động cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn mang tên Steadfast Noon vào thứ Hai (14/10), với sự tham gia của 60 máy bay chiến đấu và 2.000 binh sĩ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với bà Nguyễn Thu Hằng, 61 tuổi, trú tại tổ dân phố 8, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới thời hạn 3 tháng về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”. Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định, vào tháng 4/2023, sau khi nghe Hội đồng xét xử Tòa án Nhân...
Thời gian qua báo Tiền Phong đã đăng nhiều bài, ảnh phản ánh tình trạng xe “diễu phố” và nhiều hành khách đón các xe này đã bị thả ở dọc đường, cho ý kiến về sự việc lãnh đạo bến xe Giáp Bát vừa cho biết, bến xe cũng đã phát hiện một nhà xe như vậy và đã đình tài nhà xe vi phạm.
Đạt được 28,7 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, em Nguyễn Thị Lan trở thành thủ khoa khối A00 của Hà Tĩnh. Nữ sinh tiết lộ thích những con số từ nhỏ và đặc biệt học vào ban đêm khi cả nhà đi ngủ.
Một người câu cá tại hồ dịch vụ thuộc địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã bất ngờ bắt được một con cá sấu nặng khoảng 6kg.
3 lồng bè với khoảng 5 tấn cá của các hộ dân nuôi trên lòng hồ thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông bất ngờ bị chết, phần lớn là cá lăng.
TPHCM – Liên quan đơn kêu cứu của tập thể người lao động và thân nhân người lao động đang làm việc tại Công ty TNHH Thành Bưởi (nhà xe...