Giữa không gian phố xá Hà Nội có phần chật hẹp, người đổ về dự hội làng Mọc phải chen chúc để kịp đuổi theo kiệu nhưng ai nấy đều vui vẻ, reo hò khi kiệu bắt đầu bất chợt chuyển hướng hoặc "nhảy múa."
Từ sáng sớm ngày 3/3 (12/2 Âm lịch năm Quý Mão), hàng nghìn người dân đã đổ về làng Mọc tại hai quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm, Hà Nội dể dự hội kết chạ hay hội kết nghĩa 5 làng. Do 5 năm mới được tổ chức một lần, lại thêm 3 năm bị gián đoạn vì dịch COVID-19 nên hội năm nay dường như rình rang hơn hẳn.
"Lần gần nhất chúng tôi mở hội làng Mọc là năm 2015. Theo tục lệ, nhẽ ra chúng tôi sẽ tổ chức vào năm 2020 nhưng vì dịch COVID-19 nên phải hoãn và chờ 8 năm mới được mở hội trở lại," ông Phạm Đức Hạnh, Bí thư chi bộ khu dân cư Giáp Nhất - một trong 5 làng - cho biết.
Cứ 5 năm một lần, từ mùng 10 đến 12 tháng Hai Âm lịch, người dân tại làng các làng Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) và Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống này để rước các thành hoàng làng du Xuân, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Năm nay, người dân làng đổ về xem hội chen nhau chật cứng. Giữa không gian ngõ phố Hà Nội có phần chật hẹp, đoàn người về dự hội đua nhau đuổi theo kiệu, nhưng ai nấy đều tươi cười và tò mò xem kiệu các thánh sẽ xoay đi đâu tiếp theo, khi nào thì về đến đình chính.
Người tham dự không chỉ có các bậc cao niên mà còn có cả thanh niên, trung niên. Nhiều người đã xin nghỉ làm một ngày hoặc một buổi sáng để dự hội làng vì đã lâu mới có dịp.
Huyền Trang, 26 tuổi, là người người làng Phùng Khoang. Chị cho biết là một người trẻ nhưng chị đặc biệt yêu thích hoạt động truyền thống tại hội làng nơi mình sinh sống. Chị đã xin nghỉ làm một buổi ở hiệu thuốc nơi mình làm việc để tận hưởng không khí lễ hội, cùng người làng chạy theo kiệu về đình làng Quan Nhân.
"Mình thấy rất háo hức. Hội rất vui, tưng bừng, cảm xúc có lẽ vẫn y như 8 năm trước. Đáng ra năm 2020 là làng mình được đăng cai nhưng vì dịch nên phải hoãn. Có thể đến 2025 sẽ lại đến lượt làng mình nên mình cảm thấy rất đáng mong chờ," Huyền Trang chia sẻ.
Mỗi lần tổ chức hội kết chạ, các làng thay phiên nhau đăng cai. Đình làng đăng cai sẽ là nơi tập trung kiệu của các làng "anh em" sau khi rước từ đình làng mình và đi qua khắp các con phố. Năm nay Quan Nhân là làng đăng cai. Đây được cho là làng thờ người anh thứ hai (Giáp Nhất được coi là anh cả, Cự Chính là anh thứ ba và Phùng Khoang là em út).
"Trung nghĩa đại vương Hùng Lãng công - thánh ông được tôn làm thành hoàng làng Quan Nhân - là người duy nhất trong 5 anh em có vợ, thánh bà là Trương Mỵ nương công chúa, cũng chính là người làng này nên hai vợ chồng ông bà đều được thờ ở đình," ông Nguyễn Văn Đản thủ từ đình Quan Nhân từ 2013-2018 cho biết bằng giọng tự hào.
Ông hào hứng kể làng Quan Nhân và làng Mọc có rất nhiều người giỏi như: Đại vương Hùng Lãng công chính là cháu của vua Hùng đời 18 và khi trưởng thành thì lập nghiệp ở Quan Nhân; có ông Lưu Trọng Điển đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Ất Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng 36 (1775); hay nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai cũng có gốc gác làng Mọc (theo quê quán của cha - ông Nguyễn Huy Bình)...
Trong cả ngày chính hội (ngày 12 Âm lịch), 5 kiệu bát cống (kiệu rước áo) và 5 kiệu long đình (kiệu rước bát hương) của 5 làng sẽ liên tục đi trên các tuyến phố quanh các đình làng. Nhiều người dân liên tục bám theo, hô to tên làng mình để cổ vũ mỗi khi kiệu có động thái mới.
Tương truyền, khi xưa, do thiên tai mà làng Mọc xưa phải chịu đói kém, dịch bệnh, người chết tràn lan. Làng Phùng Khoan được vua cho cháo và cơm nắm để sống qua ngày. Một cậu bé khi nhận được nắm cơm đã chia cho 4 cậu bé khác. 5 người kết nghĩa anh em, khi lớn đều lập nghiệp trong vùng và tạo thành những ngôi làng trù phú hay chính là làng Mọc sau này.
Từ tích chuyện này, lễ hội năm làng Mọc được hình thành với tục kết chạ (kết nghĩa anh em) giữa 5 làng Mọc Giáp Nhất, Mọc Chính Kinh, Mọc Cự Lộc, Mọc Quan Nhân và Mọc Phùng Khoang. Về sau, người dân quen gọi lược chữ "Mọc" nên các làng thường được gọi theo tên hai chữ.
Mỗi làng thờ một vị hiền tài và tôn họ làm thành hoàng làng. Làng Giáp Nhất thờ Phùng Luông - một vị tướng dưới thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; Cự Chính thờ Đức Thánh Lã Đại Liệu - một nha tướng dưới thời Ngô Quyền; Quan Nhân thờ Trung nghĩa đại vương Hùng Lãng công - người có công đánh giặc Nam Chiếu (năm 863); Phùng Khoang thờ Đoàn Thượng tướng quân - một danh tướng thời Lý.
Do Chính Kinh và Cự Lộc sát nhập thành một làng Cự Chính, nên trong hội 5 làng ngày nay chỉ còn kiệu rước từ 4 làng. Thế nhưng tổng số kiệu vẫn là 5 vì riêng Quan Nhân có cả kiệu ông lẫn kiệu bà./.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ra mắt chuyên trang quảng bá du lịch nông thôn để phát triển du lịch nông nghệp gắn với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm, đa giá trị.
Lễ hội Gióng hàng năm để tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người Anh hùng Thánh Gióng (một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam).
Chiều 12/4, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương cùng Hội LHTN Việt Nam TPHCM tổ chức chuyến thăm, tặng quà, chúc Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay đến đồng bào dân tộc Khmer, chùa Pothiwong tại quận Tân Bình, TPHCM.
Tại đại hội này, khi thảo luận xác lập nội dung cho hoạt động 5 năm phía trước, các đại biểu đã bàn thảo nhiều chuyện thiết thân của sinh viên.
Bức xúc trước tình hình nước không đảm bảo vệ sinh, cư dân KĐT Thanh Hà chính thức đồng loạt ký đơn kiến nghị phản ánh gửi các cơ quan chức năng về những vi phạm của Công ty CP Nước sạch Nam Hà Nội.
Đọc bài gốc tại đây.
Đại học Y Hà Nội mở ba ngành mới, lần đầu dùng tổ hợp khối C (Văn, Sử, Địa) và D (Toán, Văn, Anh) để xét tuyển.
Tin tức đáng chú ý: Từ 2025 giấy phép lái xe được cấp, đổi lại như thế nào?; Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn...
Vỏ hộp sữa, chai nhựa, giấy vụn được học sinh một trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gom lại, sau mỗi giờ học mang đến Nhà tái chế của trường. Nguồn kinh phí thu được từ phế liệu này dùng thực hiện phong trào và các hoạt động đội, thiện nguyện.
Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, những người trẻ áo lính Hải quân vẫn luôn mài sắc ý chí, quyết tâm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.