Miệt mài đưa con chữ về với người Dao
Ông Đức chia sẻ: “Từ năm 16 tuổi, tôi bắt đầu học chữ Dao. Với 3 năm trên lớp tôi cũng đã thành thạo chữ viết, tuy nhiên ngần ấy là chưa đủ để có thể truyền đạt cho những người khác. Sau 3 năm tiếp tục cố gắng tự học hỏi, mày mò từ những quyển sách cổ đi mượn, đi xin của các cụ thì tôi đã nắm chắc chữ Nôm Dao. Rồi sau đó tôi bắt đầu dạy chữ cho người dân”.
Theo ông Đức, chữ nôm Dao là hệ thống kí tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao. Chữ nôm Dao trước đây được sử dụng trong mọi văn tự, từ sách vở đến ghi chép ngày, tháng, thơ, văn, di chúc, tục lệ... nó luôn gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Dao.
Qua thời gian, do ảnh hưởng hội nhập văn hóa nên ít người còn biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao. Ông Đức đã sưu tầm và biên soạn được 9 quyển sách để đưa vào giáo án có tên: Thưởng Cổ, Xơ Khai, Khai Thiên Tỉ, Khai Thiên Lập Địa, Nhân Chi Xơ, Thiên Tử Trống Hiền Hào, Thiên Tử, Tử Tòng, Tăng Quảng Hiền Văn.
Ông Đức cho biết, hệ thống chữ viết Nôm Dao rất phức tạp, gồm 214 kí tự và đặc biệt chỉ có số ít có thể ghép lại và đánh vần như tiếng Việt. Còn lại, tất cả các chữ đều phải học mới biết đọc, viết và hiểu được nghĩa của mỗi mặt chữ. Vậy nên, để có thể học được loại chữ này cần khá nhiều thời gian và người học cần tập trung mới có thể nhớ hết được.
Những cuốn giáo án với những nội dung nói về cội nguồn của người Dao, văn hóa sinh hoạt người Dao, dạy đạo đức, siêng học, siêng làm, cách đối nhân xử thế, đoàn kết gắn bó giúp đỡ lẫn nhau... Tất cả đều hướng con người ta đến với những cái đẹp, cái tốt trong cuộc sống.
“Ấy thế mà đã hơn 30 năm làm nghề gieo lại con chữ cho người dân tộc mình. Tôi cũng không còn nhớ nổi cụ thể số học viên của mình là bao nhiêu, mà chỉ biết rằng học viên già có, trẻ có. Một số người còn là lãnh đạo ở địa phương, là những người thành công nhưng vẫn muốn tìm về nguồn cội” - người thầy bộc bạch.
Đến nay, ông Đức đã mở được khoảng 12 lớp học và có đến hơn 1.000 học viên ở mọi lứa tuổi từ 15 - 70, có cả những người là thầy giáo, bí thư chi bộ, trưởng bản, cán bộ... Lớp học sẽ bắt đầu vào ngày mồng 1 và 15 hằng tháng, học vào những ngày cuối tuần và mỗi lớp học thường kéo dài 3 năm. Lớp học hiện tại đã mở được 2 năm, dự kiến cuối năm 2023 kết thúc, đa số học viên đã đọc thông, viết thạo.
“Con đường đưa con chữ trở về với người Dao vất vả lắm. Tôi đã đi khắp các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La và xuống cả huyện Mai Châu (Hòa Bình) dạy chữ cho bà con. Họ biết đến và nhờ tôi dạy chữ, tất cả kinh phí một phần là học viên hỗ trợ, còn lại là tự tôi chi trả. Tôi cũng không vì gì cả, vì một cái là muốn bảo tồn văn hóa của dân tộc mình thôi” - ông Đức tâm sự.
Người thầy Bàn Văn Đức kể, vài năm trước ông có dạy một lớp tại huyện Phù Yên (Sơn La) vào mỗi 2 ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Sáng phải dậy từ 4h30 di chuyển hơn 100 km, chiều chủ nhật về nhà thì có ngày 22h mới đến nhà. Những ngày ấy cơ thể ông mệt vô cùng. Nhưng vì dân tộc ông không từ bỏ và duy trì hơn 2 năm đến khi các học viên hoàn thành chương trình học.
Ông Bàn Văn Liềm (học viên 60 tuổi, trú tại bản Suối Lìn, xã Vân Hồ) cho hay: "Tôi tuổi cao rồi chắc chắn học sẽ không bằng lớp trẻ, nhưng với trách nhiệm nhiều năm là bí thư chi bộ bản, tôi cố gắng đi học để làm gương cho lớp trẻ noi theo. Hơn thế nữa là hiểu thêm được phong tục tập quán cha ông, và biết viết, biết đọc chữ của dân tộc mình”.
Người nắm giữ tinh hoa dân tộc Dao
Không chỉ dạy chữ viết, ông Đức còn dạy những nghi lễ truyền thống, như: Lễ cấp sắc, lễ cầu mùa... và những bài hát, điệu múa của dân tộc mình. Tất cả là do bản thân ông cố gắng tự tìm hiểu, có khi là đi đến các vùng người dân tộc Dao sinh sống ở các tỉnh bạn để học hỏi. Những câu từ được ông viết lại một cách tỉ mỉ không chỉ để dễ đọc mà đây còn là tâm huyết của một đời người, truyền lại cho các thế hệ người Dao sau này.
Tại nơi ông Đức sinh sống, ông không chỉ mang chức danh là thầy dạy chữ mà còn dạy múa, hát hay là người thầy cúng thực hiện nhiều nghi lễ quan trọng trong cuộc sống của đồng bào người Dao.
“Phong tục tập quán của người Dao rất đa dạng, nên nếu không ghi chép lại hoặc không đi học hỏi thêm thì sẽ không thể biết hết được. Cũng là vì đam mê, tình yêu với văn hóa dân tộc mình nên tôi luôn cố gắng, tìm tòi trau dồi cho bản thân được biết nhiều hơn nữa”.
Bên cạnh đó, những cuốn sách Nôm Dao còn ghi lại những kiến thức trong việc trồng trọt, chăn nuôi mà thế hệ xưa đúc kết nên. Hiện trong nhà ông Đức còn lưu trữ khoảng 10 cuốn sách chữ Nôm Dao cổ, tuy nhiên chất lượng của chúng đã khó có thể sử dụng do tuổi đời của chúng đã rất lớn.
“Những cuốn sách Nôm Dao cổ được tôi xin của các cụ từ thời mới học chữ, chúng còn hơn tuổi của tôi. Khi mượn hoặc xin được về tôi liền chép thành một quyển khác để học, còn những bản gốc hiện không dùng được nữa nhưng đây được xem như báu vật dân tộc của tôi vậy” - ông Đức nói.
Cho đến hiện tại, thế hệ sau là con của ông Đức vẫn được ông truyền dạy chữ và phong tục tập quán dân tộc mỗi ngày. Cũng không chắc chắn các con nối nghiệp mình nhưng ông vẫn tin rằng, bằng sự cố gắng và những tâm huyết truyền lại cho hàng nghìn học viên trong những năm qua thì truyền thống văn hóa dân tộc Dao sẽ mãi lưu truyền.
Ông Đức nghĩ: “Mình không làm thì sẽ bị mai một, nên cho dù khó thế nào tôi cũng luôn cố gắng để bảo tồn nó vì đây là những gì tinh hoa nhất mà cha ông từ xa xưa để lại cho con cháu chúng ta. Thật hạnh phúc khi tôi được nhiều người biết đến, các lớp học chữ ở huyện khác đều là do họ tự mở lớp và mời tôi đến dạy”.
Bà Nguyễn Thị Lư - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vân Hồ cho hay: “Ông Bàn Văn Đức là đi đầu và sôi nổi nhất trong việc gìn giữ chữ viết và phong tục tập quán dân tộc Dao trên địa bàn huyện. Ông được đại diện tham gia trong nhiều sự kiện văn hóa dân tộc do tỉnh tổ chức, cũng là tấm gương sáng trong việc bảo tồn văn hóa, truyền thống dân tộc Dao nói chung và các dân tộc trên địa bàn huyện Vân Hồ nói riêng”.
Trước nguy cơ chữ viết của một số dân tộc dần mai một, những người thầy dạy chữ Nôm Dao như ông Bàn Văn Đức thật đáng trân trọng, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Dao. Với tâm huyết, miệt mài truyền dạy chữ, phong tục văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Dao, năm 2019, ông Bàn Văn Đức được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể.
Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) là công trình quan trọng, giúp giảm tải nhu cầu đi lại rất lớn của người dân, kết nối giữa các tỉnh, quận, huyện phía Đông của Hà Nội với trung tâm nội thành.
Chưa đến ngày Quốc tang nhưng nhiều nơi ở Hà Nội đã đồng loạt treo cờ rủ, chiếu các tư liệu trên màn hình để tưởng nhớ Tổng bí thư.
Con trai Tổng thống Joe Biden , Hunter Biden, bị kết án cả 3 trọng tội trong phiên xét xử ngày 11.6.
Khi tuyên truyền pháp luật về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã nhắc nhở bà con ngư dân tàu cá về mức chế tài này.
Các quan chức Ukraine cho biết một nghị sĩ nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ đã được thông báo chính thức về việc ông này bị nghi ngờ phản quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 22/2, Ấn Độ cho biết nước này và Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp ở thủ đô Bắc Kinh để tham vấn về các vấn đề biên giới và thảo luận về các đề xuất rút quân.
UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo lúc 14h chiều 7-9 để thông tin dự án hồ chứa nước Ka Pét hình thành trên 600 ha đất rừng tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.
83 nước đã nhóm họp tại thị trấn Davos, bang Graubünden (Thụy Sĩ) ngày 14-1 để tìm điểm chung về công thức hòa bình nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Không nằm ngoài dự đoán, Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) cầm quyền do Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kim Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử kéo dài hơn sáu tuần, nhưng kết quả công bố hôm 4/6 không như kỳ vọng...