Về đình Sừng thuộc miền đất cổ ở làng Quỳ Lăng, xã Lăng Thành, tỉnh Nghệ An, du khách sẽ được mãn nhãn và thả hồn vào nét cổ kính, thâm nghiêm, bình yên và trầm mặc của đình.
Nằm ở phía Bắc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, đình Sừng thuộc miền đất cổ làng Quỳ Lăng, xã Lăng Thành, là một kiến trúc cổ có quy mô nghệ thuật trang trí, điêu khắc, chạm trổ vào loại bậc nhất ở tỉnh.
Nằm giữa bốn bề sóng lúa xanh mướt, mênh mông, đình Sừng không chỉ là nơi lưu giữ giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc độc đáo, tinh tế mà còn là địa điểm du lịch nổi tiếng, niềm tự hào của người dân quê lúa Yên Thành nói chung, xã Lăng Thành nói riêng.
Về đình Sừng, du khách sẽ được mãn nhãn và thả hồn vào nét cổ kính, thâm nghiêm, bình yên và trầm mặc của đình Sừng.
Theo các tài liệu còn lưu giữ, cuối năm 1583 đình Sừng được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá nằm giữa một quần cư trù mật để thờ Thành hoàng làng và phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh, cũng là nơi hội họp của dân làng. Qua 4 lần tu sửa, đến năm 1929 đình được tu lý xây dựng lại như hiện nay. Trải qua thời gian hàng trăm năm với những thăng trầm theo tiến trình lịch sử, đình Sừng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ.
Đình Sừng có kiến trúc thời Nguyễn, dài hơn 24m, rộng hơn 11m, toàn bộ khung sườn đều làm bằng gỗ lim. Tòa đình có 6 vì liên kết với nhau bởi đường thượng lương và hệ thống giằng cột, xà dọc, xà ngang tạo thành 5 gian rộng và 2 gian phụ ở đầu hồi văn.
Nâng đỡ mái đình là hệ thống 24 cột hình trụ tròn bằng gỗ lim, kích thước lớn một người ôm mới xuể, được kê trên những tảng đá xanh vuông vức, có kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc giống nhau. Phía hai gian cuối của đình Sừng có đặt hai tấm bia đá cổ có nội dung ghi chép thời gian khởi dựng, tu sửa, sự đóng góp của dân dân tôn tạo đình. Trong đó tấm bia đá 4 mặt đặt được dựng vào thời Nguyễn, tấm bia đá 2 mặt được dựng vào thời Lê.
Từ tòa đình đi qua một khoảng trống sẽ đến tòa hậu cung. Theo các cụ cao niên trong xã Lăng Thành cho biết tòa hậu cung hiện nay được chuyển từ đền Nghè ở làng Quỳ Lăng, về dựng năm 1995, đặt lên móng tòa hậu cung xưa. Tòa hậu cung có kiến trúc thời Nguyễn với 4 vì, 3 gian, 2 hồi văn, làm bằng gỗ lim, được chạm khắc tinh tế với các đề tài tứ linh, tứ quý, 3 phía xung quanh xây tường.
Phía Đông cách tòa hậu cung khoảng gần 10m là nhà Miếu thờ thần bản thổ. Nhà miếu có kiến trúc thời Nguyễn, khung sườn làm bằng gỗ lim, xung quanh xây tường, còn giữ được tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu.
Điều dễ dàng cảm nhận được khi bước chân vào đình Sừng là không gian thật yên bình, khí hậu trong lành, mát mẻ dù ngoài trời nắng nóng. Ngoài yếu tố nhiều cây xanh được bố trí trồng trong khuôn viên đình và ở vị trí hai đầu hồi tòa đình thì mái đình được lợp bởi hai lớp ngói vảy, ngói vuông (ngói âm, dương) đã giúp nhiệt độ trong đình luôn mát mẻ, có nền nhiệt chênh lệch, giảm đi rất nhiều so với nhiệt độ ngoài trời.
Điểm nhấn thu hút du khách tìm đến đình Sừng là nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo, tinh tế, tinh xảo trên các bộ phận kiến trúc gỗ của đình. Các mảng chạm trổ đều có thần thái, cách thể hiện độc đáo, toát lên tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự thanh cao, tinh khiết, thuần hậu và tâm hồn hướng thiện, hiếu mỹ, lạc quan. Trên bờ nóc, hai mảng tường bít đốc (bít nóc) là những mảng phù điêu sinh động được đắp bằng vôi vữa trộn với mật mía nổi bật với hình tượng Rồng chầu nguyệt, Phượng hàm thư… được thể hiện mềm mại, tinh tế, uyển chuyển, cân đối và mang nhiều ý nghĩa biểu trưng.
Cả bốn góc ở hai đầu tòa đình được bẻ góc, uốn cong về phía trước và kê dưới cột trụ là những hình con vật được chạm trổ rất độc đáo, tinh xảo, thanh thoát, rất có hồn. Hệ thống các đường thượng lương, giằng cột, xà dọc, xà ngang, kẻ, hạ được đục, chạm trổ, chạm lỗng rất công phu, tỉ mỉ, tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao. Các đề tài được trang trí, thể hiện trên kiến trúc gỗ đều xoay quanh những mô típ quen thuộc như “Tứ linh” “Tứ quý”... mang đậm văn hóa Á Đông nhưng được bố trí, sắp xếp rất hài hòa, cân đối, toát lên vẻ đẹp, sự sinh động.
Đặc biệt, tại bốn bức chạm trên 4 bức cốn mê ở 4 góc của tòa bái ở đình Sừng nổi bật với nghệ thuật chạm lỗng tỉ mỉ, công phu mang tính nghệ thuật, cách điệu cao với các linh vật Long (rồng), Ly (Kỳ lân), Quy (Rùa), Phụng (Phượng hoàng) được thể hiện vừa mảnh mai, uyển chuyển, mang tính nhân hóa cao, bố trí đăng đối, cân xứng, hài hòa.
Trong dòng chảy thời gian đình Sừng trở thành chứng nhân, gắn liền với những dấu mốc lịch sử quan trọng của người dân vùng đất lúa Yên Thành nói chung, xã Lăng Thành nói riêng.
Trong những năm 1930-1931, đình Sừng là địa điểm hội họp bí mật của Chi bộ Đảng Quỳ Lăng (Lăng Thành ngày nay). Từ năm 1932-1933, thực dân Pháp đã chiếm lấy đình Sừng làm nơi đóng đồn, giam cầm, tra tấn các cán bộ cách mạng, đảng viên. Tháng 5/1945, đình Sừng là nơi tập trung quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa cướp chính quyền và đình trở thành trụ sở làm việc đầu tiên của Ủy ban lâm thời xã Quỳ Lăng. Các cuộc vận động lớn như tuần lễ vàng, tuần lễ vũ khí, công phiếu quốc gia, công phiếu kháng chiến… được tổ chức, diễn ra tại đình Sừng.
Ông Nguyễn Hồ Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, cho biết đình Sừng được công nhận Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 59/QĐ-BVHTT, ngày 29/10/2003 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Trong năm 2024, hệ thống đường giao thông đấu nối từ trung tâm thị trấn Yên Thành đến xã Lăng Thành, từ trung tâm xã đến di tích đình Sừng được mở rộng, dải thảm nhựa sạch sẽ, khang trang càng tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn khách đến với di tích đình Sừng; qua đó đánh thức tiềm năng du lịch văn hóa của địa phương.
Vào những ngày đầu Xuân năm mới Ất Tỵ 2025, đình Sừng thu hút nhiều người dân trên địa bàn và du khách thập phương đến thăm quan, vãn cảnh.
Chị Nguyễn Thị Phương, giáo viên dạy Mỹ thuật đến từ huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, cho biết trong hành trình du Xuân ở tỉnh Nghệ An, gia đình tôi lựa chọn đình Sừng là một điểm đến. Tham quan, tìm hiểu kiến trúc của đình tôi thật sự rất thích thú, ấn tượng trước các mảng khối, hình ảnh, đường nét, kỹ thuật chạm trổ trên kiến trúc gỗ. Hơn nữa, không gian đình Sừng còn cho tôi chất liệu để trở về khung cảnh hội làng xưa.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lăng Thành Nguyễn Hồ Sơn cho biết thêm ngày nay, đình Sừng là nơi diễn ra nhiều hoạt động hội họp của các tổ chức, đoàn thể địa phương. Đặc biệt, vào ngày 15/3 (Âm lịch) hàng năm, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn tổ chức Lễ cầu yên tại đình Sừng.
Trong Lễ cầu yên, nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, lịch sử vùng đất cổ Quỳ Lăng được tổ chức như nghi lễ tế thần, rước kiệu, hát ả đào, ca trù, hát chèo, tuồng, vật cù… thu hút đông đảo người dân địa phương, du khách trong và ngoài tỉnh về dự./.
Trong những ngày mùa đông lạnh giá này, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên ĐHQG Hà Nội tổ chức chương trình tình nguyện “Mùa đông ấm” năm 2023 tại 10 xã khó khăn của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, với tổng số quà tặng trị giá lên tới gần 1 tỷ đồng.
Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu vua triều Nguyễn) cùng chính quyền địa phương đã tiến hành khởi công xây dựng lại lăng mộ vợ vua Tự Đức từng bị san ủi hồi năm 2017 để làm bãi đậu xe.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chương trình tuyên dương 54 “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XIV, năm 2023, vào ngày 13/5/2023, tại Bình Dương.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tiếp nhận hơn 31.600 đơn vị tiểu cầu từ trên 9.200 người hiến, truyền cho hàng nghìn bệnh nhân trong 10 tháng qua.
Nghe tin có chuyến tàu đi từ ga Hà Nội đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm, ông Nguyễn Hoàng Tuyến đưa cháu đi 60 km, từ Bắc Giang về đăng ký tham gia, sáng 18/11.
Lê Thị Sang cắn răng chịu cơn đau chân để ngồi xe ba tiếng về quê khám bệnh và trở lại bệnh viện trong ngày, bởi sợ con trai mắc ung thư một mình bơ vơ.
Sau nhiều năm trùng tu và phục dựng, điện Thái Hòa và điện Kiến Trung bên trong Hoàng cung Huế sẽ mở cửa đón khách vào dịp Tết Giáp Thìn năm nay.
Theo Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, hiện nay mỗi năm trên toàn quốc phát hiện từ 90-140 người mắc bệnh phong mới, nghĩa là khoảng 100 bệnh...
Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhà nhà sẽ chuẩn bị mâm cỗ để cúng với mong muốn cầu những điều may mắn cho năm mới Giáp Thìn 2024.