Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện các vụ lừa cấp cứu, lừa người thân đưa đón học sinh hay tệ nạn tiềm ẩn như bóng cười xâm nhập vào trường học... có thể xem như lời cảnh báo về việc tội phạm phát sinh, nhắm vào học đường.
Vậy có thể làm gì để kiểm soát và ngăn chặn các hành vi này, cũng như nâng cao ý thức bảo mật, tránh lộ lọt thông tin?
Thượng tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an):
Phải thấy rằng, quan trọng nhất để kẻ xấu có thể thực hiện được các trò lừa đảo là phải có số điện thoại của phụ huynh và nắm rõ thông tin cá nhân, quan hệ của người đó với học sinh ở lớp. Điều này cho thấy rất có thể thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh đã bị lộ lọt do vô tình hoặc cố ý.
Khi đã lỡ lộ lọt thông tin thì giữa nhà trường và gia đình học sinh cần tăng cường sự liên lạc, trao đổi thông tin thông qua đường dây nóng. Các lớp học, giáo viên và phụ huynh học sinh cần đề phòng bị tấn công vào điện thoại rồi lộ lọt thông tin cá nhân, danh sách lớp học.
Bên cạnh đó, giáo viên cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục học sinh kỹ năng phòng tránh, tăng cường giám sát, đề cao cảnh giác về các thủ đoạn như lừa đón con hộ, bắt cóc học sinh. Phụ huynh nêu cao tinh thần cảnh giác, giám sát, đưa đón con từ nhà tới trường và từ trường về nhà để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.
Về phía công an, ngay khi nắm bắt được thông tin các hình thức lừa đảo, cần nhanh chóng đưa ra các cảnh báo, tư vấn pháp lý về phương thức thủ đoạn để người dân cảnh giác, đề phòng. Có các giải pháp phối hợp với nhà trường, phụ huynh để ngăn chặn tình trạng lừa đảo này.
Thạc sĩ Dương Trọng Phúc (phó hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, Thành Đoàn TP.HCM):
Theo quy định pháp luật và yêu cầu của các đơn vị cung cấp thì người dùng số điện thoại và tài khoản đều phải định danh, vậy số điện thoại gọi đến chúng ta là gì? Từ đâu gọi đến? Số tài khoản ngân hàng của người cung cấp là ai? Rút tiền ở đâu, chuyển khoản đến ai? Chắc chắn về mặt kỹ thuật, chúng ta có thể tra cứu được.
Nhiều cuộc lừa đảo đã xảy ra, nhưng hiện tại việc phát hiện và xử lý còn hạn chế, do đó cũng tạo nên sự hoang mang và lo lắng nhất định. Chúng ta phải ràng buộc trách nhiệm với các đơn vị cung cấp dịch vụ, ràng buộc trách nhiệm với mỗi người dân, tăng mức xử phạt với các hành vi xâm phạm thông tin.
Chắc chắn các hình thức lừa đảo sẽ còn phát triển hơn, đa dạng hơn trong thời gian sắp tới nên chúng ta không chỉ có "chống" mà còn phải "xây". Chống ở đây là phát hiện, xử lý nghiêm, tuyên truyền phòng chống các hình thức lừa đảo.
Xây ở đây là trang bị kiến thức, phát triển khả năng thích nghi của người dân với thời đại công nghệ số, khả năng phân định thông tin, kỹ năng tư duy phản biện để bình tĩnh hơn, cẩn trọng hơn, tự tin hơn khi ứng xử trong môi trường hiện đại, tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh (trưởng bộ môn tội phạm học, Trường ĐH Luật TP.HCM):
Việc lừa đảo nhắm đến phụ huynh cho thấy rõ thủ đoạn là gây tâm lý hoang mang. Thủ đoạn này trước đây hiếm gặp nhưng gần đây đã được "khai thác". Khi thủ đoạn mới được áp dụng người dân sẽ thiếu cảnh giác. Người dân chỉ "né" được những kiểu lừa đảo cũ, bởi vì khi kẻ xấu áp dụng người dân đã được cảnh báo và không bị mắc bẫy, vì thế họ tìm phương thức mới.
Các thủ đoạn lừa đảo ở trường học gần đây cho thấy việc bảo mật thông tin của con em cũng cần đánh giá, rà soát lại. Bởi vì họ có được những thông tin này mới lừa được phụ huynh khi nhiều trường hợp, các đối tượng lừa đảo nói trúng vanh vách những thông tin mà dường như nó là bí mật.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hà (phó trưởng khoa cảnh sát hình sự, Trường CĐ Cảnh sát nhân dân 2):
Tôi cho rằng hình thức lừa đảo qua điện thoại đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng kẻ xấu thường xuyên thay đổi kịch bản nên vẫn có rất nhiều người dân "sập bẫy". Đáng nói, hình thức lừa đảo càng ngày càng tinh vi hơn, ít để lại dấu vết do tội phạm sử dụng công nghệ cao, khiến công tác điều tra phát hiện, ngăn chặn gặp không ít khó khăn.
Đa số các trường hợp nhận được cuộc gọi lừa đảo vào đúng giờ lên lớp, khiến phụ huynh khó liên lạc được với giáo viên nên tỏ ra lo lắng.
Tuy nhiên các nhóm lừa đảo qua mạng hiện nay với nhiều chiêu thức rất tinh vi khiến phụ huynh không kịp trở tay. Những người này thường lợi dụng, đánh vào tâm lý hoang mang, lo lắng của nạn nhân, tạo ra tình huống nguy cấp.
Do đó, nếu như chưa có được thông tin từ nhà trường, phụ huynh có thể "điều tra" ngược lại người gọi điện cho mình bằng các câu hỏi hoặc nhắn tin vào các nhóm chung Zalo, Facebook... của trường, lớp để hỏi thông tin.
Ngoài ra có thể liên hệ ngay với công an nơi gần nhất như phường, xã, thị trấn; công an quận, huyện, thành phố để thông báo và nhờ trợ giúp xác minh thông tin nếu không thể xác minh bằng cách thông thường.
TS Ngô Xuân Điệp (trưởng khoa tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Theo tôi, có mấy nguyên nhân cụ thể dẫn đến việc phụ huynh bị lừa đảo khi nghe cuộc gọi con đang cấp cứu thời gian gần đây. Đầu tiên cha mẹ nào cũng lo lắng cho con, nhất là những vấn đề liên quan đến sức khỏe các em.
Thứ hai, phụ huynh chưa kết nối tốt với nhà trường, giáo viên, chưa nắm sát thông tin học tập của con. Vì thế, trước bất cứ việc gì người làm cha làm mẹ cũng cần bình tĩnh, kết nối với các bên liên quan để tìm hướng giải quyết tốt nhất...
Ngoài việc chính quyền phải đảm bảo an toàn trước cổng trường, tôi cho rằng cha mẹ cũng cần lưu ý để dạy con. Trước nay, chúng ta vẫn luôn dạy trẻ phải "gọi dạ, bảo vâng", áp đặt và không lắng nghe trẻ nên trẻ em Việt Nam hiện vẫn thiếu nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng từ chối người lạ, từ chối những đồ vật lạ...
Trước tiên phải dạy trẻ bảo vệ bản thân trước. Gia đình cũng có một phần trách nhiệm trong việc dạy trẻ tránh xa cái xấu, biết cái nào nên, cái nào không nên...
Vì thế, cha mẹ cần gần gũi con, học cách nói chuyện với con, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con... để từ đó dạy con những kỹ năng cần thiết, cảnh báo con những hiện tượng lừa đảo, khả nghi... trong bối cảnh công nghệ, mạng xã hội phát triển như hiện nay.
MỸ DUNG ghi
Hà Nội: thông báo rộng rãi cách xử trí
Ông Phạm Xuân Tiến, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay lãnh đạo sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục bên cạnh việc tuyên truyền về hành vi lừa đảo để phụ huynh, học sinh, học viên biết, cần rà soát, có biện pháp phối hợp chặt chẽ hơn với phụ huynh, học sinh, sinh viên.
Cụ thể, cần xây dựng quy định thống nhất, thông báo rộng rãi cách xử trí nếu xảy ra các vấn đề liên quan tới học sinh, học viên trong quá trình học tập tại trường.
Nhà trường và giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ học sinh cho tới khi bàn giao cho cha mẹ, không sử dụng hình thức yêu cầu chuyển khoản tiền cho bệnh viện, cho các cá nhân để xử lý như các chiêu lừa đảo.
Lãnh đạo sở cũng đề nghị các nhà trường nhắc nhở học sinh khi nhận được bất cứ thông tin nào qua điện thoại, tin nhắn từ thuê bao lạ phải bình tĩnh thông báo cho giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường, trao đổi với cha mẹ để kiểm chứng, không vội vàng làm theo yêu cầu qua các cuộc gọi điện thoại.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cảnh báo các nhà trường về việc để lọt thông tin của học sinh, của nhà trường. Việc rà soát để ngăn chặn việc lộ lọt thông tin rất cần thiết vì có thể các đối tượng xấu sẽ còn nghĩ ra nhiều chiêu lừa đảo mới dựa trên thông tin của học sinh và nhà trường.
TP.HCM: liên hệ trực tiếp đến nhà trường
Ông Trịnh Duy Trọng, trưởng phòng chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay đã chỉ đạo khẩn trương việc kiểm tra, rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình; công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, đảm bảo được sự kết nối, liên lạc thông tin.
Các cơ sở giáo dục phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đến cha mẹ học sinh, học sinh - sinh viên, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động rà soát thông tin tránh trường hợp thông tin sai sự thật.
Đặc biệt, thông tin đến cha mẹ của từng học sinh rằng khi cần thông tin liên quan đến việc học tập, rèn luyện, sinh hoạt của học sinh tại nhà trường thì đề nghị quý phụ huynh liên hệ trực tiếp giáo viên chủ nhiệm hoặc liên hệ số điện thoại đường dây nóng của nhà trường. Tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu qua điện thoại của các đối tượng mạo danh nhà trường.
Đà Nẵng: làm tốt công tác tuyên truyền
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho hay sở đã yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm việc vận dụng các kênh thông tin (tin nhắn SMS, nhóm Zalo, website nhà trường...) tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh bình tĩnh, đề cao cảnh giác trong trường hợp nhận được cuộc gọi thông báo về các vấn đề sức khỏe, tình hình học tập của con em.
Lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ với phụ huynh để kịp thời tiếp nhận, phối hợp xử lý. Tăng cường giám sát, quản lý đối với người ra vào nhà trường, nhất là thời điểm đầu giờ và tan học.
Tăng cường công tác phối hợp với chính quyền, công an địa phương đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự xung quanh trường. Ngoài ra các trường cũng phải đẩy mạnh giáo dục phòng tránh tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử...
Bộ GD-ĐT yêu cầu khẩn trương lấp lỗ hổng bảo mật nếu có
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh vừa ký văn bản gửi các cơ sở giáo dục, đề nghị có ngay biện pháp tuyên truyền cho phụ huynh hiểu về các thủ đoạn lừa đảo và phối hợp chặt chẽ với các nhà trường khi tiếp nhận thông tin tương tự để đối phó với các đối tượng lừa đảo.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các cơ sở giáo dục khẩn trương rà soát công tác bảo mật, cung cấp thông tin của học sinh, sinh viên tại các nhà trường để khắc phục lỗ hổng bảo mật nếu có nhằm ngăn chặn các đối tượng xấu lợi dụng thông tin thực hiện hành vi lừa đảo.
Các nhà trường vận động phụ huynh, học sinh, sinh viên đã bị lừa đảo kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan công an để điều tra, xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả.
V.HÀ - M.DUNG - Đ.CƯỜNG ghi
Với những vi phạm gây ra, các bị cáo tại vụ án xảy ra tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan đã bị đề nghị mức án phạt tù.
Điện Kremlin bác thông tin nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất lệnh ngừng bắn ở Ukraine với Mỹ thông qua trung gian.
Ông Michael Tyler - người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Biden - bình luận 'chỉ có một cách duy nhất để ngăn ông Donald Trump vào Phòng Bầu dục', sau khi ông Trump bị kết tội hình sự.
Công dân Úc sẽ được Trung Quốc miễn visa nhập cảnh 15 ngày - một động thái thể hiện thiện chí với Canberra nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường.
Công an quận Hà Đông (Hà Nội) bất ngờ kiểm tra hành chính quán bar REX trên địa bàn lúc rạng sáng, phát hiện 13 nhân viên và khách dương tính với ma túy.
Hạ viện Mỹ bỏ phiếu khiển trách dân biểu Đảng Dân chủ Rashida Tlaib, nghị sĩ người Mỹ gốc Palestine duy nhất tại Quốc hội Mỹ.
UBND quận 1 (TP.HCM) báo cáo xin ý kiến về việc cưỡng chế tháo dỡ cao ốc số 6 Thái Văn Lung xây dựng dựng không phép đã 18 năm.
Trong phát biểu đăng trên trang web của Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã đề cao vai trò của châu Phi, khẳng định hợp tác giữa Nga và châu Phi 'đang đạt đến một tầm cao mới.'
Vụ xả súng ở trung tâm thương mại Texas Mỹ hôm 6.5 làm ít nhất 9 người bị thương và một số người chết.