Nhiều hộ dân thoát nạn trong vụ cháy chung cư ở Khương Hạ đi ở nhờ, ngóng tiền hỗ trợ từng ngày, song MTTQ thành phố nói chờ phương án công bố trước ngày 6/11.
Gần hai tháng sau vụ cháy, chung cư mini trong ngõ 70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) vẫn niêm phong, quây kín bạt bên ngoài. Lực lượng an ninh trông giữ hàng ngày, phòng người lạ đột nhập trộm cắp tài sản.
Các hộ dân từng sống trong chung cư cháy tản mát nhiều nơi, có hộ nương náu nhà người thân, họ hàng. Gia đình anh Nguyễn Công Huy bốn người, từng sống ở căn hộ 201, vẫn đang ở nhờ nhà trọ em gái gần hiện trường vụ cháy. Gia đình anh nằm trong số hộ chuyển đến sớm nhất khi tòa chung cư mini 10 tầng hoàn thành năm 2016.
"Tài sản mất gần hết, giờ gần như hai bàn tay trắng", anh nói, cho hay cả nhà vẫn phải khám sức khỏe định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ để phòng bất trắc. Sau hỏa hoạn, người đàn ông bước chân ra đường thi thoảng vẫn giật mình khi trông thấy tia lửa hàn xì. Công việc trở lại bình thường, song nếp sống gần như đảo lộn.
Ít ngày trước, các hộ dân chung cư mini đã ngồi lại cùng nhau bàn bạc. Theo anh Huy, các gia đình đều có nguyện vọng chuyển đi nơi khác sinh sống do kết cấu hạ tầng chung cư mini không còn bảo đảm sau cháy nổ.
"Quan trọng hơn là liên quan yếu tố tâm linh", anh nói, mong muốn sớm nhận được tiền hỗ trợ để tái an cư.
Sau vụ cháy, gia đình bốn người đã nhận được 160 triệu đồng từ chính quyền phường Khương Đình hỗ trợ trước mắt để tạm trang trải cuộc sống. Anh dự tính gom góp tiền cùng khoản ủng hộ, đền bù nếu có để tìm mua chỗ ở khác.
Chung cảnh ngộ, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa cũng đang ở nhờ nhà con. Căn hộ tầng 2 nơi gia đình từng sinh sống nằm sát cầu thang nên đã cháy rụi, "có chỗ lòi cả sắt". Vợ chồng bà cũng ngóng tiền hỗ trợ từng ngày để tìm nơi ở mới, không muốn cậy nhờ con cái quá lâu. Quen đường đi lối lại lẫn nếp sống ở Khương Đình, bà muốn tìm một căn hộ gần chỗ cũ để tiện sinh hoạt.
"Nhưng tôi nghĩ khó mà quay trở lại chung cư cháy sống thêm lần nữa", bà bày tỏ.
Bác sĩ Vũ Thị Nhung, một trong hai bệnh nhân nặng nhất vụ hỏa hoạn từng được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, đã đi làm trở lại gần một tuần. Sức khỏe hồi phục trên 90%, song chị vẫn phải theo dõi do từng ngạt khí CO.
Nữ bác sĩ đã gửi con về quê cho ông bà chăm sóc, vợ chồng chị cùng em gái thuê phòng trọ ở tạm. Sau cháy, hai lần gia đình được trở lại nhà cũ để lấy giấy tờ, quần áo song không được mang đi vật dụng giá trị do chung cư đang bị niêm phong.
"Tôi lấy được mỗi chiếc nồi cơm điện từ nhà cũ mang đi", chị cho biết.
Sau vụ cháy, mỗi người trong gia đình bác sĩ Nhung nhận được 40 triệu đồng hỗ trợ trước mắt từ thành phố và 7 triệu từ chính quyền quận Thanh Xuân. Nhà có ba xe máy bị thiêu rụi trong hỏa hoạn, nay được hỗ trợ hai chiếc mới để đi làm. Nếu nhận được tiền ủng hộ, chị tính tìm nơi ở mới chứ không muốn quay về chỗ cũ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội (MTTQ) cho biết Mặt trận ba cấp nhận được hơn 130 tỷ đồng ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân.
Trước khi xây dựng phương án phân bổ cụ thể, MTTQ quận Thanh Xuân đã chi 6 tỷ đồng từ khoản ủng hộ ban đầu để hỗ trợ các gia đình ngay sau hỏa hoạn với 40 triệu đồng mỗi người. Thành phố trích riêng ngân sách 9 tỷ đồng để giúp các hộ tạm cư, mai táng phí, đóng học phí cho học sinh, sinh viên trở lại trường...
Về dư luận cho rằng Mặt trận các cấp Hà Nội chậm phân bổ nguồn lực ủng hộ khi gần hai tháng sau vụ cháy, nạn nhân chưa nhận được tiền, ông Tuấn giải thích "thời gian tiếp nhận lẫn phân phối nguồn lực vẫn nằm trong quy định tại Nghị định 93 năm 2021 của Chính phủ". Cụ thể, việc tiếp nhận hỗ trợ ngay sau ngày vụ hỏa hoạn xảy ra, thời gian tiếp nhận ủng hộ không vượt quá 90 ngày tính từ ngày phát động. Việc phân phối nguồn lực ủng hộ trong vòng 20 ngày tính từ ngày dừng tiếp nhận. Hôm 16/10, Mặt trận các cấp đã thông báo dừng tiếp nhận ủng hộ.
"Các bước hỗ trợ ban đầu thành phố đã tổ chức tích cực rồi. Thành phố không chậm trong việc chi trả hỗ trợ, vì mọi thứ làm đúng quy trình, quy định, công khai, minh bạch", ông Tuấn nói.
MTTQ TP cho biết đã hoàn thiện phương án hỗ trợ trình Thường trực Thành ủy Hà Nội, dự kiến công bố cụ thể trước ngày 6/11. Trên cơ sở này, quận Thanh Xuân tổ chức chi hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân ngay sau đó.
"Toàn bộ khoản này sẽ được chi trả một lần bằng tiền mặt cho các hộ dân gặp nạn. Việc sử dụng số tiền đó thế nào do các gia đình quyết định", ông Tuấn nói, thêm rằng Mặt trận không tính tới phương án hỗ trợ tái định cư vì mỗi gia đình có nguyện vọng khác nhau.
Về phương án hỗ trợ, ông Tuấn nói việc phân phối cũng làm theo hướng dẫn, dựa trên tổng số tiền lẫn hiện vật tiếp nhận và mức độ thiệt hại, thương tổn con người do vụ hỏa hoạn gây ra cũng như nguyện vọng của từng gia đình.
Lãnh đạo MTTQ TP Hà Nội không thông tin cụ thể nội dung phương án, song cho biết tiêu chí và mức tiền hỗ trợ "không cào bằng" mà căn cứ mức độ thiệt hại của từng trường hợp. Cụ thể, ngoài khoản chi hỗ trợ ổn định cuộc sống sẽ có tiền hỗ trợ người bị thương nặng - nhẹ, trẻ mồ côi cha lẫn mẹ và mồ côi cha hoặc mẹ theo mức khác nhau. Với trường hợp cả gia đình tử vong trong đám cháy, tiền được trao cho người thừa kế theo quy định.
Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ xảy ra nửa đêm 12/9. Chung cư này gồm 9 tầng, một tum, với khoảng 45 căn hộ, hơn 150 nhân khẩu. Công an Hà Nội xác định 56 người tử vong, 37 trường hợp bị thương. Chủ chung cư mini đã bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng phục vụ điều tra.
Việt An - Hồng Chiêu
Công an tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ công bố quyết định điều động Thượng tá Võ Châu Tuấn - Trưởng Công an huyện Vũ Quang giữ chức Trưởng Công an huyện Can Lộc.
Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan khi tiếp Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác quan trọng.
Việc một giáo viên chụp ảnh trẻ không có đồng phục gửi lên nhóm phụ huynh kèm lời nhắn có phần phân biệt đang nhận nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội.
Ngày 24/2, TAND huyện Châu Phú, tỉnh An Giang tuyên phạt bị cáo: Đỗ Thị Phượng (SN 1971) 3 năm 6 tháng tù; Lê Thị Phân (SN 1999) 2 năm 6 tháng tù; Đỗ Thị Đào (SN 1958), Đỗ Thanh Nhàn (SN 1982) và Đỗ Thị Phiên (SN 1961) 2 năm tù cùng về tội Chống người thi hành công vụ. Các bị cáo đều trú tại tỉnh An Giang. Theo nội dung vụ án, vào năm 2019, được sự cho phép của UBND huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt...
Bắc Kạn - Lượng lớn ma tuý được các đối tượng thu mua từ Nghệ An rồi vận chuyển ra Bắc Kạn để tiêu thụ. Khi đang giao dịch thì bị...
Thay vì mất gần 1 giờ đồng hồ 'leo lên rồi tuột dốc' con đường đèo 22km, giờ đây, những người lái xe trên lộ trình Bắc-Nam chỉ mất 10-15 phút để 'vượt đèo Hải Vân' trên đoạn đường hầm dài hơn 12km.
TP - Sau hơn một năm áp dụng, Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di tích và lễ hội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục đổi mới, bổ sung các quy định liên quan để công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tiền công đức ngày càng minh bạch.
Tin tức giáo dục 24/7: Trường hợp được miễn thi môn ngoại ngữ tốt nghiệp THPT 2023; Sinh viên áp lực tăng học phí đại học kèm nỗi lo thất nghiệp; Làm rõ...
Bà Phan Thị Sinh (sống tại chung cư mini ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) bật khóc khi kể lại khoảnh khắc suýt chết đuối trong hầm chung cư bị ngập sâu.