Mỹ phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về ngừng bắn ở Gaza, với lý do nó không gắn liền việc chấm dứt xung đột với trả tự do cho con tin.
Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên hôm 20/11 bỏ phiếu nghị quyết do 10 thành viên không thường trực đưa ra, trong đó kêu gọi "ngừng bắn lập tức, vô điều kiện và vĩnh viễn" cuộc xung đột đã kéo dài 13 tháng giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, đồng thời "trả tự do lập tức, vô điều kiện" cho các con tin Israel.
Nghị quyết cũng kêu gọi "tạo điều kiện để người dân được tiếp cận viện trợ nhân đạo một cách an toàn và không bị cản trở trên quy mô lớn", bao gồm cả ở miền bắc Dải Gaza đang bị bao vây, và lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm bỏ đói người Palestine.
Mỹ, quốc gia thành viên thường trực có quyền phủ quyết, là bên duy nhất bỏ phiếu chống. Do đó, nghị quyết không được thông qua.
Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood nói rằng Washington sẽ chỉ ủng hộ nghị quyết dứt khoát kêu gọi thả con tin ngay lập tức như một phần của lệnh ngừng bắn.
"Hai mục tiêu kết thúc cuộc chiến và thả con tin phải gắn liền với nhau. Nghị quyết này đã bỏ qua việc đó, nên Mỹ không thể ủng hộ", ông Wood cho hay, thêm rằng nội dung nghị quyết được đề xuất sẽ gửi "thông điệp nguy hiểm tới Hamas rằng không cần thiết phải quay lại bàn đàm phán".
Chiến dịch đáp trả của Israel nhằm vào Hamas ở Gaza đã khiến gần 44.000 người thiệt mạng và gần như toàn bộ cư dân ở vùng đất này phải sơ tán ít nhất một lần. Trong số 251 con tin bị bắt, 97 người vẫn còn ở Gaza, trong đó 34 người được cho là đã chết.
Nhiều nước thành viên Hội đồng Bảo an đã chỉ trích gay gắt động thái của Mỹ.
"Vô cùng đáng tiếc khi quyền phủ quyết được sử dụng, hội đồng này một lần nữa không thể thực hiện trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế", đại sứ Malta tại Liên Hợp Quốc Vanessa Frazier nói. "Nghị quyết này bao gồm tối thiểu những việc làm cần thiết để bắt đầu giải quyết tình hình tuyệt vọng trên thực địa".
Các chuyên gia an ninh lương thực đã cảnh báo nạn đói sắp xảy ra với 2,3 triệu người ở Gaza.
Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Majed Bamya tuyên bố "không có bất kỳ lời biện minh nào cho việc phủ quyết một nghị quyết nhằm ngăn chặn sự bạo tàn".
Đại sứ Pháp Nicolas de Riviere cho biết nghị quyết bị Mỹ bác bỏ cũng đã yêu cầu "rất kiên quyết" về việc thả con tin. "Pháp vẫn còn hai con tin ở Gaza và chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc vì Hội đồng Bảo an không thể yêu cầu thả họ", ông nói.
Theo đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Fu Cong, mỗi lần Mỹ thực hiện quyền phủ quyết để bảo vệ Israel, số người thiệt mạng ở Gaza lại tăng lên.
"Còn bao nhiêu người nữa phải chết trước khi họ thức dậy sau giấc ngủ giả vờ?", đại sứ Fu đặt câu hỏi. "Việc khăng khăng đặt điều kiện tiên quyết cho lệnh ngừng bắn tương đương bật đèn xanh để chiến sự tiếp tục và dung túng cho việc giết chóc".
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, đại sứ Israel Danny Danon cho rằng văn bản này không phải nghị quyết vì hòa bình, mà chỉ là "sự thỏa hiệp vô nguyên tắc" dành cho Hamas và "con đường dẫn tới đau thương, đổ máu nhiều hơn".
"Lịch sử sẽ ghi nhớ ai đã sát cánh cùng các con tin và ai bỏ rơi họ", ông Danon nói. "Chúng tôi cảm ơn Mỹ vì đã thực hiện quyền phủ quyết".
Hamas cho rằng cũng như Israel, Mỹ "chịu trách nhiệm trực tiếp về cuộc chiến diệt chủng và thanh lọc sắc tộc" ở Gaza. "Một lần nữa, Mỹ đã chứng minh họ là đối tác trực tiếp trong cuộc chiến chống lại người dân của chúng tôi. Họ là tội phạm sát hại phụ nữ, trẻ em, hủy hoại cuộc sống của dân thường ở Gaza", Hamas ra tuyên bố.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20/1/2025, đã bày tỏ ủng hộ Israel mạnh mẽ về mặt ngoại giao và tiếp tục cung cấp vũ khí cho họ. Chính quyền của ông chưa thể thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn nhằm thả con tin ở Gaza để đổi lấy những người Palestine bị Israel giam giữ.
Từ khi xung đột ở Gaza bùng phát, Hội đồng Bảo an gặp khó khăn trong việc đưa ra tiếng nói chung, vì Mỹ đã nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)
Mỹ đang phát triển một mẫu tàu ngầm tấn công hạt nhân mới, được kỳ vọng sẽ đánh bại các đối thủ cạnh tranh sau khi ra mắt.
Hơn 250 người nhập cư trái phép bị nhồi nhét trong xe container đã bị giới chức Mexico phát hiện khi đang trên đường hướng về biên giới Mỹ.
Ngày 17/10, Tổng thống Tunisia Kais Saied tuyên bố “chấm dứt nhiệm vụ” của Bộ trưởng Kinh tế và kế hoạch Samir Saied, song không nêu rõ lý do.
Kiev cáo buộc Moskva đứng sau các cuộc biểu tình phản đối nông sản nhập khẩu Ukraine của nông dân Ba Lan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Qatar, nhất trí tăng cường hợp tác, xem xét đàm phán hiệp định miễn visa cho người mang hộ chiếu phổ thông.
Nga kêu gọi dân vùng biên giới ở Kursk ngừng sử dụng các ứng dụng hẹn hò, hạn chế mạng xã hội để ngăn Ukraine thu thập thông tin tình báo.
Ukraine báo động toàn quốc sau khi phát hiện nhiều đợt UAV tự sát và tên lửa hành trình phóng từ oanh tạc cơ chiến lược Nga.
Tổng thống Putin nhận định nếu Nga tiếp tục giành thế chủ động trên chiến trường, Ukraine sẽ bị giáng một đòn rất mạnh.
Tàu ngầm hạt nhân Tula của Nga xuất hiện kết cấu giống giáp lồng chống drone, vốn thường được lắp trên xe tăng, thiết giáp tham chiến ở Ukraine.