Làn sóng tẩy chay, phản đối Mỹ đang trỗi dậy ở các nước Arab khi người dân khu vực đổ lỗi cho Washington về cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza.
Toàn bộ trang nhất của một tờ báo Lebanon tháng qua đã đăng hình khuôn mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden chồng lên các bức ảnh về những đứa trẻ Palestine thiệt mạng với dòng tiêu đề "Nạn diệt chủng của phương Tây".
Tại Ai Cập và một số quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, các cửa hàng Starbucks và McDonald's vốn nhộn nhịp nay trở nên vắng bóng người do làn sóng tẩy chay các thương hiệu Mỹ.
Tại Beirut, Tunis cùng các thủ đô Arab khác, người biểu tình đã tuần hành trước cơ quan ngoại giao Mỹ để trút giận về những gì Gaza phải trải qua.
Quan điểm phổ biến khắp Trung Đông là dù không trực tiếp tham chiến, Mỹ phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột bởi nếu không có hậu thuẫn về ngoại giao và đạn dược do Washington cung cấp, Tel Aviv không thể phát động chiến dịch tại Gaza nhằm "xóa sổ Hamas". Nói cách khác, Mỹ đã trở thành "tội đồ" trong mắt người dân khu vực.
Các nhóm nhân quyền quốc tế đã bày tỏ lo ngại về chiến dịch của Israel ở Gaza, nói rằng phản ứng của Israel là không tương xứng và có thể phạm vào tội ác chiến tranh, cáo buộc mà Tel Aviv bác bỏ.
Ở các quốc gia Arab, nơi tinh thần đoàn kết với người Palestine vẫn đứng vững sau nhiều thập kỷ, hàng triệu người đang theo dõi mọi hành động của Mỹ, lực lượng duy nhất mà họ cho rằng đủ khả năng ngăn chặn cuộc đổ máu ở Gaza thay vì thúc đẩy nó.
Lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas do Mỹ hậu thuẫn, vốn kéo dài 4 ngày và sau đó được gia hạn thêm hai ngày, nhìn chung được hoan nghênh. Nhưng nó không đáp ứng được những lời kêu gọi của thế giới Arab về việc Mỹ cần hành động quyết liệt hơn nữa để tạo ra một lệnh đình chiến lâu dài. Israel đã khẳng định sẽ nối lại chiến dịch sau khi thỏa thuận ngừng bắn kết thúc, Mỹ cũng nhiều lần nói rằng họ ủng hộ "tạm ngừng bắn vì mục đích nhân đạo", không kêu gọi đình chiến toàn diện.
Giới phân tích chính trị ở Trung Đông gọi việc Mỹ ủng hộ cuộc chiến của Israel là lập trường liều lĩnh, chưa tính đến các tác động ngoại giao, an ninh và kinh tế lâu dài từ nguy cơ Washington bị xa lánh ở một khu vực nhạy cảm, nơi các đối thủ đang mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ.
Quan trọng hơn, sự ủng hộ của Mỹ với Israel đặt ra những câu hỏi về vấn đề đạo đức, khi những tuyên bố từ Tổng thống Biden về việc bảo vệ mạng sống dân thường Ukraine được đặt cạnh thái độ im lặng của ông khi Israel ném bom các trường học và bệnh viện ở Gaza. Israel nói rằng Hamas đặt hạ tầng quân sự ở các cơ sở này trong khi nhóm vũ trang bác bỏ.
Trên mạng xã hội lẫn trong những cuộc nói chuyện thường ngày, người Arab bày tỏ thất vọng và giận dữ về phản ứng của Mỹ trước nỗi thống khổ mà người Palestine phải chịu. Cảm giác đó càng tăng lên khi Nhà Trắng đưa ra tuyên bố về thỏa thuận trao đổi con tin giữa Israel và Hamas hôm 21/11.
"Tôi rất vui vì những những người dũng cảm, đã phải chịu đựng một thử thách không thể tả xiết, có thể đoàn tụ với gia đình khi thỏa thuận được thực hiện đầy đủ", Tổng thống Biden nói về các con tin Israel trong tay Hamas. Nhưng ông lại không đề cập đến những người Palestine thiệt mạng. Theo số liệu mới nhất của cơ quan y tế ở Gaza, hơn 14.800 người đã thiệt mạng, trong đó có hơn 6.150 trẻ em và hơn 4.000 phụ nữ.
Trên mạng xã hội X, nhiều người dùng đã bày tỏ bất bình phía dưới tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng, nói rằng di sản mà Tổng thống Mỹ để lại ở Trung Đông sẽ rất "đẫm máu".
"Những giá trị Mỹ mà chính quyền Biden đã nói đến từ khi lên nắm quyền ở đâu?", Maha Allam, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Ai Cập, trụ sở ở Cairo, bình luận. "Mỹ có nhiều cơ hội để định hướng lại la bàn của mình, nhưng họ không làm vậy".
Kể từ khi giao tranh nổ ra, các thương hiệu Mỹ đã trở thành mục tiêu chính hứng chịu phẫn nộ vì vai trò của Washington trong cuộc xung đột. Một nền tảng tên Bdnassh, nghĩa là "Chúng tôi không muốn", cho phép người dùng xem liệu một thương hiệu nào đó có nằm trong danh sách tẩy chay, cùng với Pizza Hut, Pepsi và nhiều sản phẩm khác hay không.
Các video ủng hộ tẩy chay thu hút hàng nghìn, đôi khi hàng triệu lượt xem trên YouTube và TikTok với thông điệp "mua hàng từ các thương hiệu lớn của Mỹ là đồng lõa giết hại người Palestine". Trong một video, người dùng biên tập hình ảnh sốt cà chua biến thành máu khi một người đang rưới nó vào món khoai tây chiên McDonald's. Trong bức ảnh khác, chiếc cốc Starbucks màu xanh lá cây và trắng chuyển sang màu đỏ thẫm và logo nàng tiên cá biến thành bộ xương.
"Chúng tôi chọn Starbucks để gửi thông điệp", Abdrahman Taeyara, sinh viên đại học tham gia biểu tình bên ngoài một chi nhánh của chuỗi cà phê này ở thủ đô Beirut, Lebanon, nói. Các nhà hoạt động đứng phát truyền đơn và mang theo những tấm biểu ngữ kêu gọi người qua đường cùng tẩy chay.
Một số người tẩy chay còn đi xa hơn khi kêu gọi chỉ trích cả những người không tham gia cùng họ.
"Nếu bạn đi ngang qua quán Starbucks, hãy nhìn xem có kẻ phản bội nào bên trong hay không", một người tẩy chay ở Qatar nói trên TikTok, đồng thời kêu gọi mọi người "nhìn chằm chằm vào họ để họ cảm thấy tội lỗi". Video đã nhận được gần hai triệu lượt xem.
Tại Ai Cập, để đối phó làn sóng tẩy chay, một số cửa hàng McDonald's đang treo cờ Palestine, đồng thời cam kết quyên góp cho Gaza. Dù vậy, nhiều nơi vẫn vắng khách.
Hồi đầu tháng, Liên đoàn Phòng Thương mại Ai Cập đã đưa ra tuyên bố vận động người dân không làm theo lời kêu gọi tẩy chay vì những hành động này chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế quốc gia và ảnh hưởng đến "mức lương của hàng chục nghìn người đang làm việc tại những công ty đó".
Nhưng lời kêu gọi của chính quyền không thể làm lung lay Eman Khaled, sinh viên Ai Cập, 18 tuổi, người ủng hộ mạnh mẽ phong trào tẩy chay hàng Mỹ.
"Máu của người Palestine cũng giống như máu chúng ta. Họ cũng là con người như chúng ta. Tại sao lại phải trả tiền cho những người mua đạn giết họ?", cô cho hay.
Đối với những người trẻ tuổi Arab, phong trào tẩy chay là cách tốt nhất để họ thể hiện nỗi tức giận của mình mà không bị chính phủ cản trở. Theo Liên Hợp Quốc, thế giới Arab hiện có "lượng thanh niên lớn nhất từ trước tới nay", chiếm 60% dân số dưới 30 tuổi trong khu vực.
Thông qua mạng xã hội, thanh niên Arab có thể kết nối với các nhà hoạt động cùng chí hướng trên khắp thế giới. Ngay cả khi không thể lên tiếng chỉ trích công khai vì lý do an ninh, họ vẫn cố gắng thể hiện quan điểm của mình bằng cách đeo vòng tay có hình cờ Palestine hay chia sẻ hình ảnh dưa hấu. Loại quả này đã được dùng để làm biểu tượng cho sự ủng hộ với Palestine, vì nó được trồng phổ biến ở Bờ Tây và Gaza. Màu đỏ, đen, xanh và trắng của dưa hấu trùng với màu của cờ Palestine.
Tại Baghdad, Đại học Mỹ ở Iraq đã gây náo động với một email ngày 10/10 thông báo áp dụng lệnh cấm sử dụng những chiếc khăn có hoa văn truyền thống của khu vực, trong đó có cả khăn kaffiyeh đen trắng gắn liền với người Palestine.
Vài giờ sau, trước phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, các quản trị viên đã xin lỗi vì thông tin "bị hiểu lầm". Ngày hôm sau, các sinh viên đã tổ chức một cuộc biểu tình, đeo kaffiyeh trong khuôn viên trường, phản đối việc giết hại thường dân Palestine.
Firas Ali, sinh viên khoa học máy tính 22 tuổi, cho biết anh lớn lên với lòng ngưỡng mộ nước Mỹ. Ali học tiếng Anh một phần qua các bộ phim Hollywood, bắt chước giọng Mỹ và tin vào những giá trị được Mỹ đề cao như nhân quyền hay tự do ngôn luận.
Ali cho biết đăng ký học tại Đại học Mỹ là một phần ước mơ được của anh. Nhưng mọi niềm tin và kỳ vọng sụp đổ khi anh chứng kiến thảm cảnh xảy ra đối với dân thường ở Gaza.
"Với tôi, họ từng là người hùng. Điều đó đã thay đổi sau ngày 7/10", anh nói, đề cập đến thời điểm Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel và Tel Aviv đáp trả bằng chiến dịch sâu rộng tại Dải Gaza.
Mohammed Obeid, nhà phân tích chính trị tại Beirut có mối quan hệ thân cận với Hezbollah, nhóm vũ trang Lebanon đối đầu với Israel, cho rằng Mỹ đã là bên tham gia cuộc xung đột ngay từ đầu, bằng cách điều tàu chiến tới hỗ trợ Israel trước khi cử các chính trị gia hoặc nhà ngoại giao đến.
Chỉ một ngày sau vụ tấn công hồi đầu tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thông báo điều một nhóm tác chiến tàu sân bay tới đông Địa Trung Hải, gần Israel. Ngoại trưởng Antony Blinken đến Israel 4 ngày sau đó.
"Trước khi cử các nhà ngoại giao đi tìm giải pháp chính trị, họ đã điều tàu chiến, vũ khí và đe dọa sẽ đáp trả", Obeid nói. "Vì vậy, họ thực sự tham gia vào cuộc xung đột này".
Bình luận của phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby rằng "chúng tôi không vạch ra lằn ranh đỏ cho Israel" đã được phát liên tục trên các hãng tin tiếng Arab. Người Arab cũng chỉ trích Mỹ vì nước này bày tỏ nghi ngờ về thống kê thương vong của người Palestine, do thông tin được công bố bởi cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu độc lập và nhóm nhân đạo đã xác nhận tính chính xác của số liệu.
Không ít người lo ngại lập trường của Mỹ về chiến sự Israel - Hamas khiến các nhóm vũ trang khác trong khu vực giận dữ, qua đó đe dọa ổn định tại một số quốc gia Arab là đồng minh tin cậy nhất với Washington ở Trung Đông.
Các quốc gia như Jordan, Ai Cập và Arab Saudi đều đang hứng chịu sức ép từ hai phía, một bên là nhiệm vụ bảo vệ lợi ích chung của họ với Mỹ và bên còn lại là bầu không khí giận dữ ngày càng dâng cao trong công chúng, đổ lỗi cho Washington về thảm cảnh ở Gaza.
Con đường bình thường hóa quan hệ vốn rất nhạy cảm giữa Israel và các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, trong đó có Arab Saudi, đang bị đóng băng. Trong khi đó, một phái đoàn Ngoại trưởng Arab gần đây tới Trung Quốc để đàm phán về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Gaza.
"Sự ủng hộ của Washington với Israel đã làm ảnh hưởng tới quyền lực mềm của Mỹ trong khu vực", Noha Bakr, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mỹ ở Cairo, Ai Cập, nói. "Không ai có thể chịu đựng những gì họ đang phải chứng kiến, khi những người dân thường phải hứng chịu bom đạn".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)