Trong một thập kỷ, hơn 800 lượt cán bộ, sĩ quan 'mũ nồi xanh' của Việt Nam đã đặt chân đến những vùng đất xa xôi, thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Đại tá Mạc Đức Trọng - cục phó Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về những dấu ấn nổi bật của lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày truyền thống (27-5-2014 - 27-5-2024).
Năm 2014, đại tá Mạc Đức Trọng - phó cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam - là một trong hai sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia sứ mệnh cao cả gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan (châu Phi).
Tám năm sau (năm 2022), ông tiếp tục giữ cương vị chỉ huy Đội Công binh số 1 của Việt Nam đã "mở đường thắng lợi" với một nhiệm kỳ thành công tại Abyei.
* Những kết quả nổi bật của Việt Nam trong suốt 10 năm thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc là gì, thưa ông?
- Trong 10 năm, Việt Nam đã triển khai hơn 800 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp theo hình thức cá nhân và đơn vị, trong đó có 114 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân.
Có thể kể đến ba mốc thời gian nổi bật nhất. Đó là việc cử hai sĩ quan đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc vào năm 2014. Bốn năm sau, vào năm 2018 triển khai đơn vị đầu tiên là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. Đến năm 2022 triển khai thành công Đội Công binh đầu tiên. Như vậy cứ bốn năm, chúng ta nâng lên một bước.
Với hình thức cá nhân, trong số 114 cán bộ, sĩ quan, chúng ta có một tỉ lệ cán bộ hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc (theo tiêu chí cao nhất của Liên Hiệp Quốc) đạt trên 30%.
Đây là tỉ lệ rất cao so với mặt bằng chung của các quốc gia tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Các cá nhân đã thể hiện tính chuyên nghiệp, chuyên môn cao, nhiệt tình trong công tác, tính kỷ luật cao của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trước bạn bè quốc tế, được thế giới công nhận.
Với hình thức đơn vị, chúng ta triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 ở địa bàn rất khó khăn (Nam Sudan - PV). Một bệnh viện dã chiến hoạt động ở môi trường phức tạp, cơ sở hạ tầng khó khăn nhưng lại đòi hỏi về chuyên môn, kỹ thuật đáp ứng chuẩn quốc tế rất cao, thế nhưng Việt Nam đã đáp ứng được, hoàn thành tốt nhiệm vụ Liên Hiệp Quốc giao.
Từ khi Bệnh viện dã chiến cấp 2, Việt Nam triển khai đến Phái bộ UNMISS (ở Nam Sudan). Mỗi năm chúng ta tiếp nhận từ 1.200 - 2.000 bệnh nhân. Có thể khẳng định, với năng lực cao, thái độ phục vụ rất tốt, chúng ta mới đón được nhiều bệnh nhân như vậy, đạt được tiếng vang rất lớn.
Sau 4 năm triển khai bệnh viện dã chiến, chúng ta đã có bước nhảy vọt khi triển khai Đội Công binh với quân số lớn (184 cán bộ, nhân viên), trang thiết bị rất lớn (gần 150 loại xe, máy, trang thiết bị khác nhau) và tổng hàng hóa mang theo đến 2.200 tấn.
Ở Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), Đội Công binh Việt Nam đã làm rất tốt, rất nhanh, đáp ứng được những yêu cầu của Liên Hiệp Quốc trong những tình huống, điều kiện khó khăn. Đồng thời làm tốt công tác nhân đạo với nhân dân địa phương, xây dựng trường học, làm cống thoát nước, giếng nước, hạ tầng cơ sở…
Đó là những việc làm vượt ra ngoài mong đợi của Liên Hiệp Quốc, được đánh giá đã làm thay đổi hình tượng của Phái bộ với nhân dân địa phương.
* Trong môi trường quốc tế với rất nhiều khó khăn, chúng ta đã rút ra những kinh nghiệm nào trong quá trình triển khai và hoạt động suốt một thập kỷ qua, thưa ông?
- Trong 10 năm vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa học hỏi, khắc phục những khó khăn, chúng ta đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm về tuyển chọn nguồn nhân lực đáp ứng cho từng nhiệm vụ, từng vị trí, từng loại hình khác nhau.
Qua đánh giá, tổng kết hoạt động của các cá nhân và các đội hình cấp đơn vị, ai cũng nhận thấy lợi ích to lớn khi có cơ hội được làm việc, trải nghiệm trong môi trường hoạt động quốc tế, nhất là năng lực ngoại ngữ được nâng cao rõ rệt.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại phái bộ, những kinh nghiệm, kiến thức đó tiếp tục được áp dụng rất tốt, nhất là khi có công việc phối hợp với đối tác, bạn bè quốc tế.
* Công tác tạo nguồn là một trong những bước quan trọng, thời gian tới, làm thế nào để chúng ta làm tốt công tác này, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc?
- Việc ngày càng mở rộng về số lượng cũng như lĩnh vực tham gia tạo ra thách thức cho chúng ta về tạo nguồn cán bộ trong lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Hiện nay, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam được lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu cho phép tuyển chọn cán bộ trong toàn quân. Như vậy, chúng ta có nguồn cán bộ rất lớn đến từ các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, các học viện nhà trường.
Tuy nhiên khó khăn nhất vẫn là ngoại ngữ. Có cán bộ chuyên môn cao nhưng ngoại ngữ hạn chế, ngược lại cán bộ có ngoại ngữ thì chuyên môn lại hạn chế. Vì vậy, phải làm sao tuyển được cán bộ vừa có chuyên môn vừa có ngoại ngữ song hành với nhau. Đây là điều khó khăn trong suốt 10 năm qua mà chúng ta luôn phải nỗ lực để tìm ra những cán bộ có năng lực nhất, phù hợp nhất với từng nhiệm vụ, đáp ứng các vị trí cụ thể.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng khuyến khích các đơn vị tìm ra các đối tác nước ngoài để mở khóa đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam. Từ đó tạo nguồn cán bộ để tuyển chọn đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại các phái bộ.
* Chúng ta có kế hoạch nào để mở rộng các loại hình, vị trí tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình không, thưa ông?
- Với các vị trí cá nhân, chúng ta tiếp tục tìm kiếm các phái bộ mới. Nhưng mục tiêu đặt ra là triển khai được 3 cán bộ tại một thời điểm, tại một phái bộ để tạo ra một tập thể sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau và đặc biệt thành lập chi bộ để các cán bộ có điều kiện sinh hoạt Đảng.
Với việc mở rộng loại hình đơn vị, chúng ta đang nghiên cứu những loại hình phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Hiện nay, chúng ta đang nghiên cứu loại hình mới như kiểm soát quân sự, bảo vệ sở chỉ huy…
Tuy nhiên, việc triển khai rất khó khăn vì tính cạnh tranh giữa các quốc gia rất cao. Hiện nay, trong hệ thống đăng ký của Liên Hiệp Quốc cho các vị trí cấp đơn vị luôn có hàng chục quốc gia. Do đó để được chọn lựa và triển khai được, chúng ta phải chuẩn bị rất lâu dài, kỹ lưỡng. Khi muốn mở rộng loại hình mới, bước chuẩn bị cần rất chắc chắn mới có thể đạt được kết quả.
* Hiện nay Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phát triển thành trung tâm huấn luyện Gìn giữ hòa bình hàng đầu trong khu vực và quốc tế. Phương hướng trọng tâm để đạt được mục tiêu này trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Năm 2014, khi triển khai hai sĩ quan đầu tiên, chúng ta phải mời một số tùy viên quân sự nước ngoài là đối tác của Việt Nam đến chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình. Thời điểm đó, Việt Nam mới bước đầu tham gia, chưa tự đào tạo được, phải nhờ đến bạn bè quốc tế.
Nhưng chỉ trong vòng 10 năm, chúng ta đã tự đào tạo được các khóa cá nhân từ nguồn các cán bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ công tác trở về, tùy theo từng vị trí để huấn luyện lại cho các sĩ quan tiếp theo.
Chúng ta cũng áp dụng thành công huấn luyện tiền triển khai cấp đơn vị. Phải nói rằng việc này rất khó vì phải theo hệ thống chương trình, đào tạo, giáo trình của Liên Hiệp Quốc. Khi Liên Hiệp Quốc đến kiểm tra đơn vị, họ kiểm tra chi tiết từng bài giảng, thậm chí cả cuốn sổ đăng ký học viên hằng ngày…
Nhưng chúng ta đã làm rất bài bản, nghiêm túc, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Liên Hiệp Quốc về các chương trình huấn luyện, chủ động hoàn toàn được huấn luyện tiền triển khai ở cấp đơn vị. Đây là một bước tiến rất quan trọng trong công tác huấn luyện của chúng ta.
Đối với đào tạo quốc tế, từ chưa có kinh nghiệm, phải nhờ các giáo viên, giảng viên các nước đến giảng dạy, sau đó kết hợp giảng viên, giáo viên quốc tế với trong nước, đến nay, Việt Nam đã tổ chức được các khóa huấn luyện chuyên môn rất cao, phối hợp giữa quốc tế và Việt Nam, tổ chức tại Việt Nam để đào tạo cho học viên Việt Nam, học viên của các nước ở khu vực và quốc tế.
Có thể nói, con đường đi đến trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình mang tầm vóc khu vực và quốc tế của Việt Nam đang được hình thành và đạt kết quả tốt. Đó là con đường đi đúng đắn và tin rằng sẽ đạt được mục tiêu đó trong thời gian ngắn.
* Là nhân vật "đặc biệt" của lực lượng "mũ nồi xanh" Việt Nam với nhiều lần đặt chân đến nơi xa xôi thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả, 10 năm trôi qua, ông còn nhớ những cảm xúc đầu tiên khi đến những vùng đất này chứ?
- Thật ra tôi không nghĩ tôi đặc biệt đâu. Điều kiện, cơ hội đến với cá nhân đúng thời điểm thì mình xung phong, xông pha đi trước để tìm hiểu.
Tôi vẫn nhớ như in những hoạt động đầu tiên khi tham gia gìn giữ hòa bình, đặt những dấu chân đầu tiên đến phái bộ (ở Nam Sudan). Khi xem lại những hình ảnh, thước phim đầu tiên, tôi thấy rất xúc động vì đều có dấu ấn ở những nơi đó.
Thời điểm đó, phía Liên Hiệp Quốc đề nghị tạo điều kiện tốt nhất cho hai cán bộ Việt Nam lần đầu tham gia như bố trí nơi ở tốt (về điều kiện cuộc sống, chợ, lương thực). Nhưng chúng tôi quyết định phải xin đi những nơi xa nhất để tìm hiểu thực chất, tìm hiểu nhiều nhất về hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, để có thể truyền đạt kinh nghiệm cho sĩ quan tiếp theo.
Đó là lý do chúng tôi ở thủ đô Juba (Nam Sudan) trong một thời gian rất ngắn, sau đó chuyển đi hai phân khu khác nhau. Tôi làm nhiệm vụ ở Malaka, còn đồng chí Ngạn (Trần Nam Ngạn) ở Bor. Đó là những nơi điển hình nhất cho hoạt động gìn giữ hòa bình, đặc biệt vấn đề bảo vệ dân thường và điều kiện cuộc sống hoàn toàn khác xa với thủ đô.
Phải đi đến những vùng đất như vậy, chúng ta mới trân trọng và duy trì những thành quả Việt Nam đã đạt được như ngày hôm nay, phải giữ gìn hòa bình bằng mọi giá.
Trong 10 năm, Việt Nam đã cử sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc theo hình thức cá nhân và đơn vị tại các phái bộ ở Nam Sudan (UNMISS), Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), khu vực Abyei (UNISFA) và trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Trong đó, có 5 thê đội của Bệnh viện dã chiến cấp 2 triển khai tại Phái bộ Nam Sudan, 2 thê đội của Đội Công binh triển khai tại khu vực Abyei.
Nhiều văn nghệ sĩ đã đến thắp nhang, đưa tiễn người mẫu, diễn viên Đức Tiến về nơi an nghỉ cuối cùng. Hương Lan, Thanh Thảo... xúc động kể về những kỷ niệm khó quên về Đức Tiến.
Sau 13 ngày xảy ra trận động đất kinh hoàng, tính đến thời điểm 21/2/2023, số người chết do hậu quả của thảm họa thế kỷ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới 47.000 người và dự kiến con số này còn tăng do vẫn còn nhiều người mất tích hoặc mắc kẹt trong các đống đổ nát. Nỗ lực tái thiết của chính phủ Thổ nhĩ Kỳ sau thảm họa thế kỷ Động đất đã phá hủy khoảng 70.000 tòa nhà, 264.000 căn hộ. Thiệt hại kinh tế tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng của động đất ước lên tới 85...
Sau khi uống bia, người đàn ông 34 tuổi nín đi tiểu để lái xe về nhà, không may bị ngã vỡ bàng quang do căng nước.
Một đám cháy đã thiêu rụi khách sạn 9 tầng thành phố Bucheon tối 22/8, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và 12 người bị thương.
Trong lúc khiếu nại về giá bữa ăn ở nhà hàng Minh Phi, nhóm du khách Thái Bình bị một số người đe dọa, xua đuổi khỏi quán.
Tóm tắt Rối loạn nhịp tim nơi tim đập nhanh hơn bình thường ngay cả khi nghỉ ngơi. Điều này gây ra rung động ở ngực, đau ngực và chóng mặt. Triệu chứng Đó là một tình trạng mà tim đập nhanh hơn bình thường ngay cả khi người đó đang nghỉ ngơi. Nó được đặc trưng bởi khó thở, chóng mặt, rung động trong đau ngực và ngực. → Phương án điều trị phổ biến →...
Chảy ra từ cửa động Phong Nha, dòng sông Son tựa như dải lụa mềm mại, uốn lượn theo chân núi giữa bức tranh thiên nhiên thơ mộng của Quảng...
Sở Giao thông vận tải TP.HCM ra thông báo điều chỉnh giao thông hàng loạt tuyến đường khu trung tâm để tổ chức chương trình Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ 2.
Với mong muốn phát triển mô hình kinh tế tại quê hương, chàng trai 32 tuổi ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi chồn hương tiền tỉ.