Khi cuộc chiến ở Ukraine và Gaza diễn ra ác liệt, quốc hội Mỹ cũng đối mặt cuộc chiến về việc nên chuyển tiền viện trợ cho nước nào.
Trong những tháng gần đây, các thành viên Cộng hòa ở quốc hội Mỹ ngày càng ngần ngại phê duyệt thêm ngân sách cho chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky, khi Ukraine đang tìm cách đẩy lùi cuộc chiến của Nga.
Quan điểm phản đối viện trợ đã gia tăng khi xung đột Hamas - Israel bắt đầu từ ngày 7/10. Một số thành viên Cộng hòa cho rằng Mỹ chỉ có thể lựa chọn viện trợ cho một trong hai, Israel hoặc Ukraine.
"Israel đang đối mặt với mối đe dọa sống còn. Bất kỳ khoản viện trợ nào vốn định dành cho Ukraine nên được chuyển cho Israel ngay lập tức", thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley đăng bài trên mạng xã hội hai ngày sau khi xung đột bùng phát.
Các chuyên gia cho rằng sự ủng hộ mạnh mẽ của đảng Cộng hòa đối với viện trợ cho Israel thay vì Ukraine báo hiệu sức mạnh ngày càng tăng của phe cánh hữu cứng rắn của đảng.
"Nếu chúng ta dừng viện trợ cho Ukraine, đó sẽ là sự nhượng bộ trước phe cực hữu của đảng Cộng hòa", Richard F Bensel, giáo sư nghiên cứu về quản lý đất nước tại Đại học Cornell ở Mỹ, nói.
Ông thêm rằng Ukraine "không có sức hấp dẫn của một đồng minh hay tầm quan trọng địa chính trị như Israel".
Mỹ bắt đầu bày tỏ ủng hộ với Israel ngay từ khi nước này thành lập năm 1948. Tổng thống Mỹ Harry Truman khi đó là lãnh đạo thế giới đầu tiên công nhận quốc gia Do Thái.
Quan chức Mỹ từ lâu khẳng định mối quan hệ với Israel có giá trị chiến lược trong nỗ lực duy trì ổn định Trung Đông, ngăn tình trạng bất ổn có thể đe dọa khả năng tiếp cận nguồn dầu khu vực của Mỹ.
"Một Israel độc lập, an toàn trong biên giới của họ chính là lợi ích chiến lược thực tế của Mỹ. Tôi từng nói nếu không có Israel, chúng tôi sẽ phải tạo ra Israel", ông Joe Biden nói năm 2013, khi là phó tổng thống Mỹ.
Cố thượng nghị sĩ Cộng hòa Jesse Helms từng gọi Israel là "chiến hạm của Mỹ ở Trung Đông", khi giải thích lý do khiến Washington xem Israel là đồng minh chiến lược.
Gần đây, Israel trở thành trụ cột chính trong mục tiêu tạo ra "Trung Đông hội nhập, thịnh vượng và an toàn" của Mỹ. Hiện tại, Mỹ cung cấp 3,8 tỷ USD hàng năm cho Israel theo bản ghi nhớ ký năm 2019. Con số này chiếm khoảng 16% tổng ngân sách quân sự của Israel năm 2022.
Một số tổ chức ở Mỹ còn vận động để Washington hỗ trợ Israel, trong đó lớn nhất và quyền lực nhất là Ủy ban Công vụ Israel của Mỹ (AIPAC). Các thành viên của tổ chức tạo ảnh hưởng thông qua tổ chức các sự kiện vận động và gây quỹ trong cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái.
Ảnh hưởng của các nhóm như AIPAC với chính trị Mỹ khá đáng kể. Những nhóm ủng hộ Israel tại Mỹ đã quyên góp hàng triệu USD cho các ứng viên chính trị liên bang Mỹ.
Cuộc tranh luận về viện trợ nước ngoài diễn ra trong bối cảnh nội bộ đảng Cộng hòa hỗn loạn sau nhiều tuần đấu đá nội bộ bầu chủ tịch Hạ viện. Sau khi giành chiến thắng ngày 25/10, một trong những động thái đầu tiên của tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson là đưa ra dự luật gồm khoản hỗ trợ 14,5 tỷ USD cho Israel. Tuy nhiên, ông không đồng ý chi ngân sách cho Ukraine. Dự luật được thông qua ở Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, song bị chặn tại Thượng viện do đảng Dân chủ lãnh đạo hôm 7/11.
Robert Y Shapiro, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Colombia nói rằng dự luật cho thấy cựu tổng thống Donald Trump tiếp tục có ảnh hưởng đối với đảng Cộng hòa. Ông Trump hiện là ứng viên hàng đầu của đảng trong cuộc đua tổng thống năm 2024.
Trong thời gian tại vị, ông ủng hộ chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trước tiên", theo đó rút Mỹ khỏi một số thỏa thuận quốc tế. "Dự luật này rõ ràng là màn trình diễn của những người ủng hộ Trump trong đảng Cộng hòa, vốn phản đối bất kỳ điều gì liên quan tới Ukraine", Shapiro nói.
Ông giải thích cựu tổng thống từ lâu không có thiện cảm với Ukraine. Trong thời gian tại nhiệm, Trump nhiều lần ca ngợi đối thủ của Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sau khi rời Nhà Trắng, ông Trump vẫn chỉ trích viện trợ cho Ukraine. "Chúng ta đang cho đi rất nhiều vũ khí, để rồi ngay lúc này nước Mỹ không có đủ đạn cho chính mình. Chúng ta đã cho đi quá nhiều", cựu tổng thống Mỹ nói hồi tháng 3.
Trong khi đó, ông Trump đã bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ với Israel trong nhiệm kỳ tổng thống. Tháng 12/2017, ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và tuyên bố chuyển đại sứ quán đến thành phố này.
Đạo luật Đại sứ quán ở Jerusalem mà quốc hội Mỹ thông qua năm 1995 yêu cầu đại sứ quán Mỹ phải chuyển đến Jerusalem. Tuy nhiên, những người tiền nhiệm của ông Trump liên tục trì hoãn quyết định, dù họ từng hứa hẹn thực hiện điều đó trong chiến dịch tranh cử.
"Các đời tổng thống trước đưa ra lời hứa trong chiến dịch tranh cử nhưng không thực hiện. Còn tôi biến điều này thành hiện thực", ông Trump nói khi công bố quyết định. Với động thái này, ông Trump đã hoàn thành lời hứa trong chiến dịch và làm hài lòng những người bảo thủ của đảng Cộng hòa và các cử tri Do Thái cánh hữu.
Một số chuyên gia chỉ ra cảm giác mệt mỏi vì xung đột của công chúng Mỹ cũng là yếu tố khiến nhiều người Mỹ dần quay lưng với Ukraine. Cuộc chiến ở Ukraine đã kéo dài gần 2 năm kể từ khi Nga phát động cuối tháng 2/2022 và dường như đang rơi vào bế tắc.
Ukraine hồi tháng 6 phát động chiến dịch phản công lớn trên hai mặt trận phía nam và phía đông, song trải qua gần nửa năm vẫn không đạt được bước tiến đáng kể. Nga vẫn kiểm soát gần 1/5 diện tích lãnh thổ Ukraine, với mạng lưới phòng tuyến kiên cố và nguồn lực chiến đấu dồi dào.
Một cuộc thăm dò của Gallup công bố ngày 2/11 cho thấy 41% người Mỹ tin rằng đất nước của họ "đã làm quá nhiều" cho Ukraine, tăng từ mức 29% hồi tháng 6. Quan điểm này phổ biến trong nhóm đảng viên Cộng hòa, với 62% đồng ý với điều đó.
Trong khi đó, xung đột Israel - Hamas chỉ mới bùng phát. Nó được châm ngòi sau cuộc đột kích của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10, khiến 1.400 người chết và tiếp tục trong tháng qua với chiến dịch đáp trả mạnh mẽ của Tel Aviv.
"Những cuộc xung đột mới sẽ nhận được nhiều quan tâm hơn. Một điều nữa là xung đột ở Gaza chết chóc hơn. Số người thiệt mạng ở Dải Gaza trong tháng qua nhiều hơn số dân thường thiệt mạng trong xung đột ở Ukraine 20 tháng qua", Stephen Zunes, giáo sư chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học San Francisco, nói.
Ông Zunes cũng nhắc lại rằng Israel "đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy lợi ích chiến lược của Mỹ ở Trung Đông", khiến việc hỗ trợ Tel Aviv trở nên cấp bách hơn.
Khi sự ủng hộ của đảng Cộng hòa dành cho Ukraine ngày càng giảm, đảng Dân chủ đã nỗ lực gắn kết khoản viện trợ Kiev và Tel Aviv với nhau. Tổng thống Biden hồi tháng 10 kêu gọi quốc hội thông qua đề xuất ngân sách bổ sung trị giá 105 tỷ USD, trong đó 61,4 tỷ cho Ukraine và 14,3 tỷ cho Israel.
Song khi quốc hội sắp đến hạn chót thông qua ngân sách vào 17/11 để tránh nguy cơ đóng cửa, các chuyên gia cho rằng yêu cầu viện trợ của ông Biden khó có thể được thông qua.
Đặc biệt, khi cuộc đua tổng thống năm 2024 đang nóng lên, với các cuộc thăm dò cho thấy ông Biden và ông Trump có thể một lần nữa trở thành đối thủ, viện trợ nước ngoài dự kiến trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi.
"Chúng ta sẽ không thấy sự thỏa hiệp giữa Dân chủ và Cộng hòa", Shapiro nói. "Đảng Cộng hòa gần như chắc chắn sẽ phản đối tất cả những vấn đề của đảng Dân chủ khi đường đua Nhà Trắng năm 2024 diễn ra".
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera)
Các trường THPT sẽ xét đồng thời ba nguyện vọng của thí sinh, chứ không ưu tiên nguyện vọng 1 trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói nước này đang thiếu đạn pháo nghiêm trọng và pháo binh Nga hiện bắn nhiều gấp 5-10 lần họ.
Cơ quan điều tra cho rằng hai cựu chủ tịch cùng nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh không có yếu tố động cơ vụ lợi trong vụ bà Nhàn AIC tại Bệnh viện Sản nhi nên không có căn cứ xử lý hình sự.
Công an TP.HCM cho biết Công an quận Bình Thạnh vẫn đang thụ lý giải quyết vụ việc hoa khôi Trường đại học Kinh tế - Tài chính đánh ghen giùm bạn.
Trường Đại học Duy Tân công bố mức điểm sàn xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Theo cơ quan công tố Pháp, vụ ôtô lao vào đám đông khiến 11 người bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng, xảy ra do lái xe là một cụ ông khuyết tật đã nhầm chân phanh và chân ga.
TAND TP.HCM vừa cho biết thông tin xét xử bà Phương Hằng và 4 đồng phạm vào ngày 1-6 chỉ là dự kiến, quyết định xét xử chưa được tống đạt cho bị cáo và người tham gia tố tụng trong vụ án.
Trinh sát hình sự bắt giữ Phan Phú Cường, 27 tuổi, giấu súng trong hộp carton, sau đó đột kích nhà một người khác phát hiện nhiều súng, đạn.
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Niger cho biết ước tính hơn 2 triệu trẻ em đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Niger và cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.