Hình ảnh Triều Tiên công bố cho thấy nước này dường như sở hữu máy ly tâm công suất cao, giúp tăng tốc độ sản xuất đầu đạn hạt nhân.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA và báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, hồi giữa tháng đăng ảnh lãnh đạo Kim Jong-un thăm Viện Vũ khí Hạt nhân và thị sát một nhà máy sản xuất vật liệu hạt nhân cấp độ vũ khí, song không nêu thời gian và địa điểm cụ thể.
Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng công bố ảnh chụp một trong những cơ sở bí mật hàng đầu quốc gia, dù Triều Tiên từng cho phép học giả Mỹ đến thăm cơ sở làm giàu uranium tại nhà máy hạt nhân Yongbyon hồi năm 2010.
Loạt ảnh cho thấy ông Kim đi giữa những dãy máy ly tâm chuyên làm giàu nguyên liệu hạt nhân. Phần mặt hai sĩ quan quân đội Triều Tiên tháp tùng ông Kim được làm mờ.
Giới chuyên gia nhận định các bức ảnh được chụp tại nhà máy ở Yongbyon hoặc Kangson, hai cơ sở liên quan đến hoạt động làm giàu uranium của Triều Tiên.
Uranium xuất hiện trong quặng tự nhiên, nhưng không phải tất cả uranium đều có thể dùng làm nhiên liệu hạt nhân. Chỉ đồng vị uranium-235 (U-235) mới được dùng để cung cấp năng lượng cho lò phản ứng và chế tạo bom hạt nhân, song nó chỉ chiếm khoảng 0,7% lượng uranium được khai thác.
Làm giàu uranium là quá trình tăng nồng độ đồng vị U-235 lên mức cao hơn và loại bỏ đồng vị U-238 bằng máy ly tâm.
U-235 làm giàu 3-5% được sử dụng cho lò phản ứng hạt nhân dân sự, trong khi mức 20% xuất hiện trong một số lò phản ứng nghiên cứu ít phổ biến hơn. U-235 làm giàu ở mức 90% hoặc cao hơn mới đủ điều kiện để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Lee Sang-kyu, chuyên gia về kỹ thuật hạt nhân tại Viện phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định máy ly tâm trong các bức ảnh mới công bố "có vẻ nhỏ và ngắn hơn" so với loại mà Bình Nhưỡng được cho là đang sử dụng. "Điều này cho thấy Triều Tiên có thể đã phát triển máy ly tâm riêng để nâng cao khả năng phân tách đồng vị uranium", ông Lee nhận định.
Lee Choon-geun, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chính sách Công nghệ và Khoa học của Hàn Quốc, đánh giá loại máy ly tâm mới của Triều Tiên được làm từ sợi carbon, có khả năng sản xuất uranium làm giàu nhiều hơn 5-10 lần so với các mẫu trước đó.
Ngoài uranium làm giàu, vũ khí hạt nhân còn có thể chế tạo từ plutonium-239. Nhà máy Yongbyon được cho là đủ khả năng sản xuất cả hai nguyên liệu này, nhưng quy trình sản xuất plutonium phức tạp và chậm hơn so với uranium. Do đó, Triều Tiên sẽ có thể tăng tốc chế tạo vũ khí hạt nhân bằng cách tập trung sản xuất đồng vị U-235 thay vì plutonium.
KCNA nói rằng lãnh đạo Kim Jong-un đánh giá Bình Nhưỡng cần tăng sản lượng uranium làm giàu để chế tạo thêm vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhấn mạnh kho vũ khí hạt nhân có ý nghĩa quan trọng "trong đối phó mối đe dọa từ Mỹ và đồng minh". "Triều Tiên cần loại vũ khí này vì mục đích tự vệ và tấn công phủ đầu", ông nói.
"Ông Kim dường như ám chỉ rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Triều Tiên chủ yếu sử dụng uranium, thay vì plutonium", Akit Panda, chuyên gia thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Chế tạo vũ khí hạt nhân từ uranium làm giàu cũng dễ hơn so với plutonium. Các cơ sở sản xuất plutonium thường có quy mô lớn và phát ra bức xạ, dễ bị vệ tinh đối phương phát hiện. Trong khi đó, máy ly tâm làm giàu uranium có thể vận hành ở bất cứ nơi nào, từ nhà máy cỡ nhỏ, hang động, đường hầm cho đến các địa điểm khó tiếp cận.
"Nhìn chung, không nên cho rằng Triều Tiên còn gặp hạn chế về vật liệu phân hạch như trước đây. Điều này đặc biệt đúng với uranium làm giàu, thứ mà Triều Tiên có thể tăng cường sản lượng dễ hơn nhiều so với plutonium", Panda nêu quan điểm.
Yang Uk, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Chính sách Ansan của Hàn Quốc, cho biết có khoảng 1.000 máy ly tâm xuất hiện trong các bức ảnh về chuyến thăm của ông Kim. Con số này xấp xỉ lượng máy ly tâm cần thiết để sản xuất khoảng 20-25 kg uranium làm giàu, đủ cho một đầu đạn hạt nhân, nếu những cỗ máy hoạt động liên tục cả năm.
Hiện chưa rõ Triều Tiên đã sản xuất được bao nhiêu plutonium cấp độ vũ khí và uranium làm giàu.
Khi tiếp đoàn học giả Mỹ tới nhà máy ở Yongbyon năm 2010, giới chức Triều Tiên dường như tiết lộ rằng cơ sở này đang vận hành khoảng 2.000 máy ly tâm. Các ảnh vệ tinh gần đây cũng cho thấy Bình Nhưỡng đã mở rộng cơ sở làm giàu uranium ở nhà máy Yongbyon.
Quan chức Hàn Quốc năm 2018 cho biết Triều Tiên có thể đã sản xuất được 20-60 đầu đạn hạt nhân, song một số người cho rằng con số thực tế là hơn 100. Ước tính về số lượng vũ khí hạt nhân Triều Tiên có thể chế tạo mỗi năm cũng rất khác nhau, nhưng giới chuyên gia cho rằng mức tối đa là khoảng 18 đầu đạn.
Yang nhận định Triều Tiên đang vận hành khoảng 10.000 máy ly tâm ở nhiều địa điểm, có thể sẽ sản xuất đủ nhiên liệu để chế tạo khoảng 200 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027. "Triều Tiên muốn gửi thông điệp rằng năng lực hạt nhân của họ không phải lời đe dọa suông và Bình Nhưỡng đang tiếp tục sản xuất nhiên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân", Yang nói.
Phạm Giang (Theo AP, Reuters)
Trường Đại học Nữ sinh Sookmyung hủy bằng thạc sĩ của cựu đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Keon-hee với lý do gian lận trong luận văn tốt nghiệp.
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 27/6.
Mỹ triển khai một số oanh tạc cơ B-2 'trống giong cờ mở' bay về hướng tây để đánh lạc hướng, trong lúc phi đội chính lặng lẽ hướng về phía đông để tập kích Iran.
Tối 17/6 (giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Alberta (Canada) đã bế mạc.
Ông Trump đăng tin nhắn của Tổng thư ký NATO lên mạng xã hội Truth Social, trong đó ông Rutte ca ngợi 'hành động quyết đoán' của Tổng thống Mỹ tại Iran.
Ngày 24/6, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã phát hiện các quả tên lửa được phóng từ Iran về phía nước này chỉ vài giờ sau khi hai bên tuyên bố đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Ông Hun Sen cho biết một quan chức Campuchia 'trong lúc tức giận' đã rò rỉ cuộc điện đàm của ông với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn, khiến tình bạn với gia tộc Shinawatra đổ vỡ.
Ngày 17/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban ASEAN tại Kuwait (ACK) trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam.
Nga thử nghiệm hệ thống điều khiển từ xa, cho phép binh sĩ ở Moskva trực tiếp lái drone cáp quang tại mặt trận Ukraine, cách họ gần 800 km.