Ukraine đã thiết lập được chỗ đứng chân bên bờ đông sông Dnieper, song lực lượng của họ phòng thủ ở bờ tây vẫn bị Nga pháo kích không ngừng.
Ngồi thu mình trong chiếc xe bán tải đậu dưới tán cây, Serhiy Ostapenko cố gắng ẩn nấp trước cơn mưa đạn pháo của lực lượng Nga, dù bây giờ đang là nửa đêm.
"Đối phương pháo kích chúng tôi 24/24. Tôi không thể nhớ nổi lần cuối khu vực này yên tĩnh được hơn một giờ là khi nào", Ostapenko nói với phóng viên CNN trong cuộc phỏng vấn trực tuyến. Nơi mà binh sĩ Ukraine 32 tuổi này đang hiện diện là bờ tây sông Dnieper, chiến tuyến mới trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ostapenko là thành viên của đơn vị vận hành máy bay không người lái (UAV) "Những đứa con của Sấm", một trong các lực lượng được Ukraine huy động cho chiến dịch vượt sông Dnieper.
Quân đội Ukraine ngày 17/11 thông báo giành được một ngôi làng bên bờ đông sông Dnieper, đánh dấu bước tiến lớn hiếm hoi trong chiến dịch phản công vốn đang rơi vào bế tắc.
Ostapenko cho biết đơn vị anh đang thực hiện nhiệm vụ thì bị đối phương phát hiện và pháo kích vào vị trí, buộc mọi người phải tìm chỗ ẩn nấp.
"Một quả đạn nữa đang bay đến, tôi nghĩ đó là rocket", binh sĩ Ukraine nói, ngay sau đó là một tiếng nổ lớn.
"Lần nào đến đây, tôi cũng chuẩn bị sẵn tinh thần để nói lời vĩnh biệt. Tôi biết rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào, không trúng tên lửa thì cũng là đạn pháo", anh nói tiếp.
Có chiều dài 2.200 km, Dnieper là con sông dài thứ tư ở châu Âu, bắt nguồn từ Nga, đi qua Belarus, Ukraine và đổ ra biển Đen. Con sông chảy qua tỉnh Kherson, khu vực mà Nga từng kiểm soát gần như toàn bộ sau khi xung đột bùng phát.
Tháng 11 năm ngoái, quân đội Ukraine tiến hành phản công chớp nhoáng và giành lại các khu vực bên bờ tây sông Dnieper, trong đó có thủ phủ Kherson, đẩy lực lượng Nga sang bờ đông. Nga hiện kiểm soát khoảng 75% diện tích tỉnh Kherson.
Một năm sau sự kiện này, thành phố Kherson và các khu vực lân cận vẫn thường xuyên hứng chịu đạn pháo từ bên kia sông Dnieper. Có chiều rộng lên tới 1,5 km ở một số đoạn, con sông này được coi là thành lũy tự nhiên cho binh sĩ Nga, giúp họ có thể thoải mái pháo kích mục tiêu đối phương ở bờ tây mà ít bị phản kích.
Đó là lý do Ukraine nhiều tháng qua liên tục tìm cách vượt sông Dnieper. Việc thiết lập được đầu cầu ở bờ đông con sông và đẩy lùi lực lượng Nga tại đây sẽ giúp thành phố Kherson ở xa tầm bắn của pháo binh hơn, qua đó giảm nguy cơ bị pháo kích.
Điều này cũng giúp lực lượng Ukraine có bàn đạp để tiến xa hơn về phía nam và áp sát bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ Nga sáp nhập năm 2014.
Quân đội Ukraine hôm 19/11 thông báo tiến được thêm 3-8 km trên bờ đông sông Dnieper, hai ngày sau khi thiết lập được đầu cầu ở đây. Ostapenko cho biết lực lượng Ukraine đang tiếp tục tiến sâu vào bên trong.
"Nỗ lực tiến quân gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đang cố gắng để tích lũy lực lượng ở bờ đông con sông", binh sĩ Ukraine nói.
Theo Ostapenko, Ukraine đã thiết lập được "một số kết nối nhất định" qua sông Dnieper, cho phép binh sĩ ở bờ tây có thể vận chuyển vũ khí, đạn dược, thực phẩm và nhiên liệu cho lực lượng ở bờ đông.
Ostapenko cho biết đơn vị trinh sát trên không của anh có nhiệm vụ yểm trợ đồng đội khi họ vượt sông, giám sát hoạt động của lực lượng Nga, cũng như hỗ trợ che giấu vị trí của binh sĩ và khí tài Ukraine.
"Đây là một nhiệm vụ nguy hiểm", Ostapenko nói. "Chúng tôi hàng ngày phải đối mặt với rất nhiều UAV tự sát của đối phương, cũng như bị tấn công bằng rocket, súng cối và đạn pháo xe tăng".
Tuy nhiên, binh sĩ Ukraine cho rằng việc Nga tăng cường tập kích lại là dấu hiệu tốt, vì điều đó cho thấy quân đội Ukraine "đang đi đúng hướng". "Chúng tôi đang gây ra nhiều vấn đề cho đối phương và họ đang cố gắng chống trả", anh nói.
Nhiều người dân tại thành phố Kherson không lạc quan như Ostapenko, trong bối cảnh cuộc sống của họ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các trận pháo kích từ Nga.
"Lúc mọi thứ yên tĩnh còn đáng sợ hơn nhiều những lúc bị pháo kích", Inna Balyoha, 54 tuổi, cư dân thành phố Kherson, chia sẻ. "Chúng tôi không dám bật tiếng radio to, phải luôn căng tai nghe ngóng âm thanh ngoài cửa sổ để có thể phản ứng kịp khi đạn pháo bắt đầu trút xuống".
Hiện còn khoảng 73.000 cư dân ở thành phố Kherson, chưa bằng 1/4 dân số trước chiến sự. Balyoha cho biết bà không thể rời đi vì còn phải chăm sóc cho đứa cháu 4 tuổi và mẹ già 87 tuổi.
"Một trong những từ đầu tiên mà cháu tôi học nói là 'báo động'", Balyoha cho biết. "Cháu nó biết cách phản ứng khi có tiếng còi báo động không kích. Nếu nghe được tiếng nổ ở bên ngoài cửa sổ, cháu sẽ trốn vào một góc nhỏ ở hành lang".
Theo Oleksandr Prokudin, tỉnh trưởng do Ukraine bổ nhiệm ở Kherson, số lượng các cuộc tấn công vào thủ phủ của tỉnh gia tăng mạnh trong tháng qua, có thời điểm lên tới 700 lượt một ngày.
Balyoha cho biết gia đình bà không còn dám ra ngoài đi bộ, hầu như chỉ ở trong nhà để tránh bị trúng đạn pháo. "Nhiệm vụ chính của chúng tôi là sống sót", bà nói.
Phạm Giang (Theo CNN)
Việt Nam gửi điện chia buồn đến Nga sau vụ tấn công tại nhà hát ở ngoại ô Moskva khiến hơn 60 người thiệt mạng, đồng thời lên án mạnh mẽ hành vi tấn công khủng bố.
Chia sẻ với báo chí, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt trong việc vạch ra đường hướng đối ngoại, giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ và vững chắc.
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly ngày 29/5 tuyên bố nước này đang cung cấp vũ khí cho Ukraine và không hạn chế các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga.
Sáng 26-10, Israel đã tấn công ba đợt nhắm vào các cơ sở quân sự của Iran tại thủ đô Tehran và nhiều khu vực khác, song tuyên bố đã không tấn công các cơ sở năng lượng.
Thủ tướng Hungary Orban tặng Tổng thống Erdogan một con ngựa và được lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tặng một ôtô điện.
Quan chức của Hezbollah khẳng định nhóm này chưa đụng độ trên bộ với quân đội Israel và chưa có binh lính Israel nào bước qua lãnh thổ Lebanon
Thủ lĩnh Houthi nói nhóm sẽ tăng cường các vụ tấn công nhằm ngăn tàu có liên hệ với Israel đi qua Ấn Độ Dương tới Mũi Hảo Vọng.
Washington khẳng định ông Biden không điều trị bệnh Parkinson, sau khi truyền thông Mỹ đưa tin một bác sĩ chuyên về bệnh này đã tới Nhà Trắng nhiều lần.
Trung Quốc kêu gọi Nga và Ukraine tăng cường trao đổi trực tiếp, từng bước khôi phục đàm phán hòa bình để tiến đến kết thúc cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ 3.