TTCT - Lưu niên ký sự là tập biên chép đặc biệt hấp dẫn và đặc biệt độc đáo ở nhiều chỗ. Trước nhứt: đây là một tập tư liệu sử do một nông dân viết, rất khó đụng hàng.
Lưu niên ký sự là tên chữ mà tác giả gọi cuốn sổ Biên việc hằng năm của mình. Bắt đầu từ năm 1823 là năm sanh của ông nội mình, tác giả thuật lại theo ký ức của ông nội và ba về lịch sử dòng họ và về những điều mắt thấy tai nghe của lớp người trước. Đến năm 1926, khi được 43 tuổi, ông Nguyễn Trinh Tường bắt đầu biên chép theo sự từng trải của mình, ký sự dừng ở năm 1940.
Ông Tường là người mần ruộng ở Cù lao Giêng, việc hằng năm chỉ cày bừa gieo gặt chớ có gì đâu. Nhưng không phải vậy, tập biên chép này đặc biệt hấp dẫn và đặc biệt độc đáo ở nhiều chỗ. Đây là một tập tư liệu sử do một nông dân viết, rất khó đụng hàng, bởi thông tin về nghề nông cùng với xã hội nông nghiệp của một thời được nói cụ thể, chi tiết, toàn là những chuyện mà sử gia văn phòng với sử quan cung đình bó tay.
Một miền Tây Nam Kỳ sinh hoạt đời thường, ngoài nghề mần ruộng, các vụ hương chức hội tề, đấu đá kèo xanh kèo vàng, buôn bán, đi lại, ăn chơi, cờ bạc các kiểu, như hiện ra trước mắt ta qua va chạm trực tiếp của tác giả. Đọc tập ký sự như gặp một cuộc đời bình dị mà trải nghiệm đủ thứ, như bản hợp âm của những ông già mang tánh cách Nam Kỳ đã sắp thành truyền thuyết rồi.
Phạm Hoàng Quân
Khoảng tháng 10-1975, lần đầu tiên gia đình tôi tập hợp khá đông đủ tại Sài Gòn, đó là ngày giỗ ông nội của tôi. Trong dịp đó, chú Tám tôi đã tặng lại mỗi nhà một bộ tư liệu ông nội để lại, gồm cuốn gia phả Lịch sử gia đình và tập ghi chép Lưu niên ký sự.
Hai tư liệu này chú tôi cất giữ từ những năm 1950, sau đó sao lưu làm nhiều bản đề phòng thất lạc do chiến tranh, và cũng để gửi lại các gia đình "để biết gốc gác bà con" như tâm nguyện của ông nội tôi lúc sinh thời. Đây là kỷ vật của gia đình, ba tôi đã giao cho tôi (là đời thứ 7) trách nhiệm lưu giữ hai tư liệu này.
Ông nội tôi tên Nguyễn Trinh Tường (tự Nguyễn Văn Bảy), sinh năm 1881 tại làng Mỹ Chánh trên Cù lao Giêng, nay là xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, trong một gia đình nông dân. Tuy gia đình nghèo nhưng nhiều đời có truyền thống chăm lo việc chung của làng xã, được làng xã tín nhiệm, bà con quý mến. Ông tôi tham gia vài chức vụ nhỏ của làng, hành xử mọi việc với tấm lòng ngay thẳng, cương trực.
Ông tôi có hai người vợ: bà thứ nhất là Nguyễn Thị Sung, thân mẫu của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (con trai thứ ba), Anh hùng lao động. Nguyên phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên bộ trưởng Bộ Y tế nước VNDCCH.
Bà bị bệnh mất khi ông Hưởng còn nhỏ tuổi. Ông nội cưới người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Lượm, sinh thêm ba người con trai: ông Nguyễn Văn Bá (thứ tư), ông Nguyễn Ngọc Bạch (thứ bảy) và ông Nguyễn Thừa Nghiệp (thứ tám). Ông bà nội tôi cũng có mấy người con gái nhưng đều mất khi còn nhỏ.
Năm 1947, ông nội tôi bị giặc bắn chết tại Cù lao Giêng, sau khi chúng tra khảo bắt ông phải gọi hai người con đi kháng chiến (là bác Ba và ba tôi) về đầu thú nhưng không được. Sau đó bà nội tôi theo gia đình lên sinh sống ở Sài Gòn và mất năm 1963. Sau năm 1954, bác Ba và ba tôi tập kết ra Bắc, còn bác Tư và chú Tám tôi ở lại hoạt động trong phong trào đô thị.
Công trình gia phả Lịch sử gia đình là bản đánh máy một mặt có 64 tờ (cả bìa) trên khổ giấy A4 được nhân ra 100 bản vào ngày 3-9-1969. Trang đầu của tập tài liệu có "Bức thơ ngỏ" nhân một cuộc họp gia đình tại Sài Gòn ngày 25-5-1969: "Vì bản này chỉ có một bản chánh do tác giả dày công sưu tầm và viết ra, nên nhân một ngày giỗ ông bà, chúng tôi đã bàn với nhau và có đồng ý là nên sao ra nhiều bản để được nhiều người trong gia tộc giữ, hầu tránh sự thất lạc một tài liệu di tích chung. Việc làm đó cũng phù hạp với sở nguyện của tác giả đã được tỏ bày trong tập Lịch sử gia đình. Chúng tôi chỉ làm một công việc nhỏ là sao y bản chính, sửa lại ít chữ cho đúng chính tả, còn sự ghi chép các sự kiện (có thể đúng hay sai) cùng là sự nhận xét hay phê phán (có thể khách quan hay chủ quan) đều là của tác giả, mà chúng tôi xin trân trọng nguyên văn".
Tập ghi chép Lưu niên ký sự là bản photo trên khổ A4 gồm 94 trang (không kể bìa). Trang đầu ghi rõ Lưu niên ký sự tập I từ 1890 đến 14.11.1935. Chữ viết tay chủ yếu là chữ quốc ngữ có xen chữ Hán, chữ Pháp. Được photo làm bốn bản cho bốn người con trai. Bản gốc do gia đình chú tôi là ông Nguyễn Thừa Nghiệp lưu giữ. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài gia đình di chuyển nhiều nơi, việc bảo quản khó khăn bên hai bản tài liệu viết tay không còn nguyên vẹn.
Tác giả Nguyễn Trinh Tường biên chép tài liệu này gồm hai phần: Kính lục sự tích và Gia phả. Ông đã tìm kiếm và biết được từ đời thứ nhất là ông thỉ tổ Nguyễn Văn Ngải (và bà Cao Thị Ly) đến đời ông là đời thứ 5, các con ông là đời thứ 6. Trong "Lời nói đầu" của tác giả, tập Lịch sử gia đình nêu rõ mục đích như sau:
"Nhiều nhà nhóm thành họ, nhiều họ nhóm thành nước. Mà muốn hiểu biết việc đời dĩ vãng, thì nước phải có quốc sử, họ phải có thế phổ, nhà phải có gia phổ, đặng biên chép những việc cổ vãng và kiêm lai. Biên chép đặng biết mà chi? Có hai lẽ:
1/ Nước cho biết loài dân mà ái quần ái chủng, họ và nhà cho biết tông chi liên lạc mà thương yêu giòng họ, cũng như cây có nhánh phải biết gốc, nước có giòng chảy phải biết có nguồn. Một mai mà rễ của gốc mục thì nhánh phải héo, nguồn ruỗi cạn thì giòng chảy phải khô.
2/ Nước biết những lịch triều vương đế, họ biết những thế hệ tổ tiên, lớp trước làm bởi thế nào, mà ra đời phải thạnh suy, tồn vong, bĩ thới. Biết mà chi? Nước phải biết lớp trước để làm gương đặng sửa sang chánh trị cho bền vững giang san, họ và nhà cho biết lớp trước làm gương mà cư xửa cho tấn hóa gia đình. Nếu người đáng gương tốt thì chúng ta học đòi bắt chước, nếu người cho là gương xấu thì ta giữ lòng chừa cải. Nếu không quốc sử không thế phổ thì sao? Nếu nước không quốc sử sẽ lần lượt đến tiệt chủng, nhà không thế phổ thì thân thích phải chia lìa. Rồi ra, loài dân thì giất lẫn nhau, thân thích thì kiện cáo nhau không biết nguồn biết gốc. Bởi cớ, nên nhà phải có thế phổ, cho biết mà thương yêu nhau, giữ gìn nhau, dạy bảo nhau, đời đời cho ra dòng hiếu tử, rồi hiệp lại thành nước thì ra giúp nước mới có mặt trung thần, vậy có đáng lập gia phổ chăng? Tôi xin trả lời đáng lắm".
Ông cũng nêu rõ quan niệm ghi chép gia phả: "Mà sự lập quốc sử hay là thế phổ là chỉ muốn trải trên mặt tờ giấy những sự thiệt, mà làm một bức ảnh cho đời sau soi chung. Nên chi dòng Thái sử gặp vua hôn dầu chém giết cũng cứ cầm viết biên ngay, như là việc tùy Vương đế thí phụ tự lập, Kiệt, Trụ, U, Lệ gương xấu Võ, Thang, Văn, Võ gương tốt, cũng phô lên.
Nay tôi muốn học đòi, xin cáo lỗi cùng người trên kẻ dưới dẫu ai có hẹp lòng buộc lỗi thì tôi cam chịu tội.
Tôi nghĩ một cái thân ta có tứ chi mà không trọn, huống chi họ ta cả trăm ngàn mà không người tốt kẻ xấu, nếu đồng nhau thì tạo hóa bất công, vì tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác, thiện ác chi báo như ảnh tùy hình, cái bánh xe luôn hồi phải vậy".
Về phương pháp ghi ghép, ông nêu "Từng thứ nhất từ thỉ tổ đến ba đời làm căn bản. Từng thứ hai đời thứ 3 làm gốc sanh ra đời thứ 4, thứ 5 và thứ 6. Từng này chia ra 9 cái tông chi cho dễ xem. Rồi lần lượt kể sự tích của mỗi đời, mỗi người, kể tới đời thứ 5 (là đời của tác giả). Sự lập tông chi tới 5 đời phải dứt ra một đoạn. Tôi lấy làm ao ước đời sau mỗi chi (trong 9 chi nầy) cứ gốc ông Thỉ tổ biên đại khái theo nhánh của mình mà đi roi xuống đời đời đừng cho dứt, thì lấy làm thỏa cái sở nguyện của tôi vô cùng".
Phần Kính lục sự tích ông bà các đời, ông ghi chép ngắn gọn các nội dung: tên ông, tên bà (có mấy vợ cũng ghi hết). Nguồn gốc từ đâu, đến nơi nào sinh sống, khái quát gia cảnh, có mấy người con, tên (không biết cũng ghi rõ là không biết), số con cũng như tên họ con trai và con gái. Những sự kiện chính. Mất năm nào, mộ ở đâu, ngày giỗ... Tuy ngắn gọn nhưng đầy đủ và đặc biệt chân dung cá nhân hiện lên khá rõ ràng.
Cũng có một số người không có ghi chép gì. Theo lời kể của ba má tôi, trong những năm trước 1945, ông nội tôi đạp xe (loại bánh đặc) đi khắp lục tỉnh, thậm chí đi tàu sang tận Nam Vang (Phnom Penh) để tìm bà con... Tuy nhiên có nhiều chuyến đi không tìm được ai hoặc không tìm ra tung tích một người nào đó.
Theo ghi chép của ông, thì "Thỉ tổ sanh vào thế kỷ 18 ở vào Quy Nhơn hay Nghệ An chưa rõ, vì nghe lời truyền thất thố chưa chắc được". Điều này khá phù hợp với lịch sử chung của vùng đất Nam Bộ "300 năm" dân cư chủ yếu đến từ Ngũ Quảng, có gốc gác từ vùng Thanh - Nghệ.
Phần Gia phả được ông ghi chép khoa học, rõ ràng, dễ hiễu, dễ tra cứu. Gồm 6 đời (tác giả là đời thứ 5, các con là đời thứ 6) sắp xếp theo chữ cái từ A đến F. Mỗi người thêm số phía sau. Tổng số tác giả ghi chép được: Đời thứ Nhất: A = 1 người; Đời thứ Hai: B = 6 người; Đời thứ Ba: C = 14 người; Đời thứ Tư: D = 37 người; Đời thứ Năm: E = 121 người; Đời thứ Sáu: F = 353 người.
Theo đó có thể hình dung chính xác, ví dụ đời thứ Nhất: A1 = ông Nguyễn Văn Ngải (bà Cao Thị Lý), có 6 người con từ B1 đến B6 và 14 người cháu từ C1 đến C14. Đời thứ Hai: B1: Nguyễn Văn Nhiên (Thị Nhàng ngươn phối) có 8 người con từ C1 đến C8 và có 33 người cháu từ D1 đến D33. Đời thứ Hai B2... B6: tương tự vậy.
Như vậy mỗi đời đều có thể nhận biết từ ông bà đến con và cháu, cho thấy sự liên hệ lịch đại và huyết thống chặt chẽ. Giữa những người cùng một đời (B, C hay D...) cũng dễ dàng tìm thấy quan hệ trên (đời ông bà) hay dưới (con, cháu) của mình. Hoặc từ thế hệ sau có thể tìm ra mối liên hệ huyết thống của thế hệ trước (tìm bà con nguồn gốc)...
Đặc biệt trong gia phả, tác giả ghi đầy đủ trong mỗi gia đình có các con gái lấy chồng ở đâu, làm gì, mất năm nào. Tương tự với các con dâu cũng vậy. Đây là điều hiếm có trong gia phả của nhiều dòng họ gia đình thời bấy giờ. Tập hợp những hoàn cảnh, gia đình này, ta có thể hình dung bối cảnh xã hội, lịch sử một giai đoạn khá dài.
Ở góc độ "văn bản học", tôi tin rằng đây là một công trình có giá trị về văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết... phản ánh xã hội những năm cuối thế kỷ 19 đến khoảng 1940 của vùng đất Cù lao Giêng nói riêng và cả Nam Bộ nói chung. Trong những năm gần đây, nhiều gia đình dòng họ đã quan tâm đến việc tìm hiểu và ghi chép gia phả. Đây cũng là một xu hướng mới trong nghiên cứu lịch sử, khi nguồn sử liệu được các nhà sử học quan tâm đến từ tài liệu của các gia đình, dòng họ. Đồng thời trong xã hội việc thu thập và nghiên cứu "sử kể" (Oral history) cũng phổ biến hơn. Tất cả nhằm mang lại cho lịch sử cái nhìn toàn diện, phong phú, đa dạng và khách quan.
Gia đình chúng tôi mong sớm có điều kiện để xuất bản những tư liệu quý này, góp thêm tài liệu nghiên cứu con người - dòng họ - lịch sử - văn hóa Nam Bộ.
Tập Lưu niên ký sự ông Nguyễn Trinh Tường ghi chép về cuộc đời mình từ thơ ấu (từ 1890) đến cuối năm 1935. Có thể coi là một cuốn hồi ký chân thực về gia đình, cá nhân và một số sự kiện xã hội tác động đến hoàn cảnh gia đình.
Qua Lưu niên ký sự hiện ra chân dung của một con người rất thật thà, siêng làm lụng, thương yêu vợ con rất mực và cũng rất người, nghĩa là cũng có những lúc sa ngã, yếu lòng. Không tự tô vẽ, làm đẹp chân dung mình, ông không ngại nói đến những thói hư tật xấu của ông bà mình, không ngại nói về những vấp ngã của đời mình, mục đích trước là để nhắc nhở mình, sau là để răn dạy con cháu. Gọi là "lưu niên ký sự" vì đây không phải là nhật ký ghi lại hằng ngày mà ông ghi lại hằng năm, nhưng vẫn rất cụ thể.
Không chỉ là những ghi chép về một cuộc đời riêng, Lưu niên ký sự còn cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu quý, rất cụ thể về lịch sử, xã hội, phong tục tập quán, văn học dân gian… của Nam Bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, từ những biến cố lịch sử trong thời kỳ đó đến cách ăn mặc, tục cưới hỏi, các điệu hò…
Về văn phong, mặc dù được viết cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nhưng Lưu niên ký sự khá hiện đại, ngắn gọn, chịu ảnh hưởng của ngữ pháp phương Tây khá rõ, hầu như không chịu ảnh hưởng của văn chương biền ngẫu thời đó. Ông dùng khá nhiều phương ngữ, có từ nay không còn dùng nữa, nhưng đặt trong văn cảnh vẫn có thể dễ dàng hiểu được.
Đọc Lưu niên ký sự thấy trong đó có một tấm lòng của tác giả đối với quê hương bản quán. Chưa làm được những việc lớn, ông đã cống hiến cho xã hội bằng những việc cụ thể, từ việc xây trường học để học sinh có chỗ học hành gần nhà đến làm cầu, sửa đường cho nhân dân đi lại dễ dàng. Vì vậy chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy cụ sinh ra những người con biết hy sinh cuộc sống thành đạt, phong lưu của riêng mình để cống hiến khi đất nước lâm nguy.
PGS.TS Võ Văn Nhơn (Đại học KHXHNV TPHCM)
Thi thể nạn nhân được phát hiện tại mương nước thuộc địa bàn thôn Võ Phúc An, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nạn nhân mặc áo tối màu, quần jean, trên mặt có nhiều vết máu.
Ninh Bình - Trong khi ngôi trường mới được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại nhưng lại bỏ hoang nhiều năm, thì hàng ngày, hơn 1.000 giáo viên...
Rạng sáng 15/7, một vụ cháy đã xảy ra tại đường Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, ngọn lửa lan rộng bao phủ cơ sở của hai công ty, 4 người may mắn được cứu thoát.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, tỉnh đã tăng cường lực lượng quân đội, công an có mặt tại các địa bàn có nguy cơ ngập lụt sâu để ứng cứu, hỗ trợ bà con di dời tài sản...
UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vừa ra Quyết định số 2726/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thành phố Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đạt tiêu chí đô thị loại III. Kiến ThứcĐề án đưa Vân Đồn lên thành phố.1 Phạm vi lập Đề án đề nghị bao gồm toàn bộ phạm vi ranh giới diện tích huyện Vân Đồn, diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 2.171,33km2; với 12 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn Cái Rồng và 11 xã...
Có trường đại học công bố điểm sàn từ 14 điểm, có trường điểm sàn cao nhất 24,5. Chưa tới 5 điểm/môn thí sinh đã có thể xét tuyển vào nhóm ngành 'hot' của một số trường đại học.
Chuyên gia khuyến cáo người dân Nhật Bản hết sức cảnh giác về động đất mạnh và sóng thần.
TIN NÓNG ngày 28/7: 4 án tù chung thân trong vụ chuyến bay giải cứu; Hai thiếu nữ bị lừa bán cho quán cà phê 'kích dục'; Bắt khẩn cấp kẻ hắt nước sôi vào em dâu đang mang bầu; Nghi phạm sát hại người phụ nữ trong phòng ngủ khai gì? Bản án nghiêm khắc với cựu điều tra viên vụ 'chuyến bay giải cứu'...
Sáng 10.3, tàu hàng Xuyên Á 126 gồm 11 thuyền viên khi đang di chuyển qua vùng biển Bình Thuận thì bị nạn và có nguy cơ chìm nên phát...