TP - “Đu thường lệ mỗi năm một nhún/ Ba ngày xuân ăn uống vui vầy/ Bài chòi, bài ghế, lôi dây…/ Bõ công vất vả những ngày nắng mưa”. Bốn câu thơ mộc mạc trong bài “Quảng Xá địa dư ca”, dù chưa lột tả hết nhưng cũng đủ để giới thiệu về một góc văn hóa ngày xuân của ngôi làng thuần nông nhưng lại rất độc đáo, có một không hai này.
Chơi đến quên ăn
Làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) nằm giữa 2 con sông Kiến Giang và Long Đại. Luận về hình thế của Quảng Xá, người làng vẫn thường đùa và tự hào cho rằng, làng như “nốt son” trong 7 nốt nhạc, nên phát về văn hóa và luôn vui tươi trong cuộc sống.
![]() |
Trò chơi chạy hóa trang là một trong những điểm nhấn của ngày hội xuân |
Bên bếp lửa hồng chiều cuối năm, tâm trạng cụ bà Nguyễn Thị Mâu (83 tuổi) lạ lắm: Vừa háo hức như con trẻ, vừa bần thần như đang mong ngóng điều gì. Tỉ tê mới biết, cụ đang hóng ngày hội xuân.
“Tết đến, ngồi trong nhà, nghe tiếng trống, tiếng loa là không yên mô. Già trẻ, gái trai chi cũng kéo nhau ra đầy sân luôn. Có rất nhiều trò để chơi, để thi thố, ai không chơi thì cổ vũ. Vui lắm, nhiều người chơi đến quên ăn” - cụ Mâu rổn rảng kể.
Đến hẹn lại lên, sáng mồng 1 Tết, sau lễ chào cờ đầu năm mới được tổ chức trang trọng, nhà văn hóa thôn Quảng Xá bắt đầu “Lễ khai xuân”, kéo dài nhiều ngày với nhiều trò chơi dân gian như: Bài chòi, đánh đu, kéo co, nhảy sạp, thi nấu cơm cần, chạy hóa trang… Những khuôn mặt bừng sáng, rạng rỡ; những tiếng cười sảng khoái, giòn tan cứ thế lan rộng, làm ấm cả khoảng không gian trong tiết trời se lạnh đầu xuân.
![]() |
Hội thi nấu cơm cần mang lại nhiều tiếng cười sảng khoái |
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Văn Tăng, hầu hết các trò chơi dân gian đang được lưu giữ ở Quảng Xá đã có hàng trăm năm nay. Làng Quảng Xá xưa có nghề dệt vải, làm nông. Đến ngày Tết là “dẹp xa”, gác lại công việc, mặc quần áo mới đi chơi hội làng.
Trong khoảng một tuần lễ, các trò chơi được tổ chức như để bù đắp cho những ngày làm lụng vất vả trong suốt một năm qua. Cũng qua những trò chơi này, người làng Quảng Xá truyền lại cho thế hệ sau những bài học về sự đoàn kết, lòng kiên nhẫn, sự khéo léo và rèn luyện sức khỏe.
Bởi mỗi trò chơi có tính khoa học, những yêu cầu riêng của nó: Đánh đu thể hiện đua về thể lực, phải ai khỏe mạnh, có mẹo mới đu giỏi, bay cao; chạy hóa trang, thi nấu cơm cần rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phối hợp nhịp nhàng; bài chòi, bài ghế đòi hỏi sự thông minh, dí dỏm; kéo co yêu cầu phải khỏe, đoàn kết để tạo nên sức mạnh của toàn đội.
Làng Quảng Xá được một vị họ Dương từ tỉnh Thanh Hoá vào khai khẩn lập làng từ thế kỷ thứ XVI, đến nay chừng hơn 400 năm. Làng lấy dệt vải và canh tác lúa nước làm kế sinh nhai. Năm 1802, vua Gia Long ứng vị lập triều, làng có tên Quảng Xá cho đến ngày nay. Làng không có đại khoa nhưng lại có cụ Nguyễn Văn Nhuận dạy vua Hàm Nghi. Làng Quảng Xá nay nắm giữ nhiều “kỷ lục”: Làng chưa đến 500 hộ thì có đến 500 người làm nghề giáo; có thư viện, bảo tàng; có 7 nhạc sĩ nổi tiếng; có số lượng cán bộ lão thành Cách mạng 21/22 người toàn xã.
“Nhưng quan trọng hơn, chơi là phải vui. Ví dụ như kéo co, thường được tổ chức theo tốp: Nam, nữ; xóm trên, xóm dưới; thiếu niên với thiếu niên;... Tính “cục bộ” của trò này rất rõ rệt nên thường người chơi có tinh thần quyết đấu, quyết thắng. Trò chơi vì thế mà vui hơn” - nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Văn Tăng nói.
Người làng Quảng Xá tự hào rằng, họ gần như lưu giữ và trao truyền cho đến ngày nay hầu hết các trò chơi dân gian của người Việt. Đặc biệt, họ còn sáng tạo ra nhiều trò chơi không kém phần hấp dẫn và vui nhộn, trong đó phải kể đến trò “Chạy hóa trang”.
“Nghe các cụ nói trò này có từ thời chống Pháp, mục đích là toàn dân rèn luyện tính nhanh nhẹn, hoạt bát để đối phó với giặc Pháp mỗi khi đổ bộ vào làng Quảng Xá. Giờ năm nào cũng duy trì để nhớ lịch sử làng” – cụ bà Nguyễn Thị Lệ Vinh (81 tuổi) chia sẻ.
Theo cụ Vinh, chạy hóa trang không kén người chơi. Dụng cụ của trò chơi cũng đơn giản, gồm các bộ trang phục với nhiều kiểu dáng, của mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp... được giấu trong một chiếc túi nhỏ để cách nhau 1 mét. Khi tiếng trống vang lên, tất cả người chơi chạy từ vạch xuất phát đến các điểm đặt túi, chọn bộ trang phục bất kì và mặc vào người. Trống tiếp tục thúc giục, người chơi phải vừa chạy vòng tròn vừa hoàn thành việc mặc bộ trang phục của mình. Người chiến thắng là người thao tác nhanh nhất.
“Giữ lửa” văn hóa dân gian
Theo các bậc cao niên, hội xuân của làng Quảng Xá vẫn được duy trì từ khi lập làng cho đến nay. Ngày đất nước chiến tranh, vào ngày Tết thường đình chiến, nên hội xuân của làng vẫn diễn ra bình thường, chỉ có gián đoạn vài năm khi có dịch COVID-19.
![]() |
Người dân Quảng Xá vui vẻ, gắn kết hơn nhờ các trò chơi dân gian ngày Tết |
Lý giải về sức sống lâu bền của các trò chơi dân gian ở Quảng Xá, nhà nghiên cứu Văn Tăng cho rằng: Trước hết, nhờ tính đại chúng của trò chơi dân gian. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội; tất cả mọi người đều có thể tham gia. Một yếu tố quan trọng nữa là cái “chất” của người làng Quảng Xá dí dỏm, vui vẻ. Cộng đồng dân cư nơi đây yêu thích và luôn nỗ lực lưu giữ, trao truyền các trò chơi dân gian qua nhiều thế hệ.
Trưởng thôn Quảng Xá Nguyễn Văn Phú cho biết: Năm nào cũng vậy, ông cùng các thành viên của Ban Công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể luôn tất bật với công việc chuẩn bị cho chương trình đón Tết với hoạt động văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian. “Người Quảng Xá ham vui lắm, chơi từ mồng 1 đến tận mồng 5 Tết mới vãn. Nếu chúng tôi không tổ chức được là “không ở nổi” với dân” - ông Phú hóm hỉnh chia sẻ.
![]() |
Nhảy sạp là trò chơi thu hút nhiều người tham gia |
Không chỉ người làng Quảng Xá mà với những người con xa quê, hội Xuân của làng là một ký ức không thể quên, gợi nhắc về tình làng, nghĩa xóm. “Ngày còn nhỏ ở quê, tôi mê nhất là trò nhún đu và chơi rất giỏi. Có lẽ trò chơi này đã rèn cho tôi có tố chất để trở thành một phi công quân sự. Sau gần 50 năm xa quê, thật mừng là thi thoảng về quê đón Tết, tôi vẫn còn được “sống lại” trong không khí hội Xuân của làng” - ông Nguyễn Văn Cảm, một người con của Quảng Xá xa quê tâm sự.
“Vui ở chỗ, có những người thao tác chậm nên phải vừa chạy vừa mặc quần áo hoặc người chơi bắt được những trang phục ngược với giới tính, lứa tuổi,… trông rất hài hước, tạo sự vui tươi, dí dỏm cho cuộc chơi. Không còn khoảng cách địa vị, lứa tuổi…, trò chơi tăng sự gắn kết giữa mọi người với nhau”.
Nguyễn Thị Lệ - Trưởng ban công tác mặt trận thôn Quảng Xá
Lần đầu tiên thí sinh học chương trình 2018 thi môn tự chọn, giáo viên nhận xét gì về đề thi?
Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đánh giá cao sự chủ động của phường Phan Rang (Ninh Thuận) và huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).
Thông tin từ Đồn Biên phòng Ngọc Vừng (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) cho biết đơn vị vừa cứu 6 ngư dân gặp nạn trên vùng biển xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, đồng thời lai dắt tàu vào bờ để sửa chữa.
Báo Thế giới và Việt Nam cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình xung đột tại Trung Đông.
Một vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra trong đêm tại phường Đồng Tâm, TP Yên Bái khiến một căn nhà đổ sập, thiếu nữ 15 tuổi bị vùi lấp và tử vong tại chỗ.
Hàng trăm hộ dân bị cô lập ở Lạng Sơn, trong đó có nhiều người cao tuổi và trẻ em đã được lực lượng chức năng đưa đến nơi an toàn.
>> Đáp án đề thi môn Vật lý tốt nghiệp THPT 2025 tất cả mã đề Thầy Lê Văn Trung, giáo viên chuyên ôn thi ở Hà Nội đánh giá, đề thi tốt nghiệp THPT môn Vật lý năm nay khá vừa sức với học sinh, dự đoán nhiều bài thi đạt điểm 9 và dễ có 'mưa điểm 10'. Đề Vật lý tốt nghiệp cấu trúc 28 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với 40 lệnh hỏi; thực hiện trong thời gian 50 phút), được chia làm 3 phần: Phần I gồm 18 câu hỏi trắc nghiệm bốn lựa chọn; Phần II gồm 4...
Tây Ninh - Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Tây Ninh có 28 người, Ban Thường vụ gồm 8 người, do ông Trần Lê Duy làm Chủ tịch.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food Đặng Thị Phương bị bắt với cáo buộc biến hàng chục nghìn tấn dầu ăn chăn nuôi thành thực phẩm cho người.