Ngoài lợi ích kinh tế, Nga kỳ vọng đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia 2 còn là biểu tượng cho mối quan hệ "không giới hạn" với Trung Quốc.
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 16/5 cho biết nước này dự kiến ký kết hợp đồng xây dựng đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia 2 (PS-2) tới Trung Quốc qua Mông Cổ trong tương lai gần.
Thông báo được đưa ra khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có chuyến thăm Trung Quốc hai ngày nhằm nhấn mạnh mối quan hệ "không giới hạn" giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác với Bắc Kinh, trong bối cảnh Moskva đang hứng chịu loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây. Việc xúc tiến dự án Sức mạnh Siberia 2 cũng nằm trong chương trình nghị sự của ông.
Mối quan hệ thương mại năng lượng giữa hai bên đã khá lớn trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine và thậm chí còn phát triển mạnh hơn nữa sau đó. Trong giai đoạn 2021-2023, xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc đã tăng hơn 30%, trong khi xuất khẩu than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng gần gấp đôi.
Năm 2023, Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc, xuất khẩu than lớn thứ hai và LNG lớn thứ ba. Lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống từ Nga sang Trung Quốc cũng ngày càng tăng.
Nga đã nâng sản lượng khí đốt thông qua đường ống Sức mạnh Siberia 1 (PS-1) từ 10,4 tỷ m3 năm 2021 lên 22,7 tỷ m3 năm 2023, chiếm 34% lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống của Trung Quốc.
Nga dự kiến PS-1 sẽ vận hành với công suất đầy đủ 38 tỷ m3/năm vào năm 2025. Ngoài ra, Trung Quốc và Nga cũng đã ký một thỏa thuận vào đầu tháng 2/2022 về một đường ống khác, tuyến Viễn Đông, để cung cấp 10 tỷ m3/năm vào năm 2027.
Sau khi chiến sự Ukraine nổ ra, xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu đã lao dốc, với lượng khí đốt và dầu thô qua đường ống dẫn tới khu vực giảm hơn 80% và xuất khẩu than giảm gần 100%. Mặc dù Nga có thể chuyển hướng phần lớn xuất khẩu dầu thô và than sang các thị trường khác, họ lại không thể làm như vậy với khí đốt tự nhiên do thiếu cơ sở hạ tầng kết nối với khách hàng ở châu Á.
PS-2, với công suất thiết kế 50 tỷ m3/năm, có thể bù đắp gần một nửa mức sụt giảm xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang châu Âu trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến 2023. Điện Kremlin không che giấu niềm háo hức đối với dự án, nhưng Trung Quốc nhiều năm qua chưa đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào.
Giới quan sát nhận định thông báo mới nhất từ Phó thủ tướng Novak, cùng với việc Tổng thống Putin đang ở Trung Quốc, có thể là dấu hiệu cho thấy hai nước đã đạt được bước tiến đáng kể đối với dự án này.
Theo các nhà nghiên cứu Erica Downs, Akos Losz và Tatiana Mitrova từ Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, Mỹ, Nga coi việc mất thị trường khí đốt châu Âu là không thể đảo ngược. Điện Kremlin hiểu rằng việc mở rộng thương mại khí đốt song phương với Trung Quốc sẽ không thể bù đắp hoàn toàn cho việc mất doanh thu từ châu Âu, đồng thời khiến Moskva trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh. Dù vậy, họ vẫn ưu tiên PS-2 vì nhiều lý do.
Khi nhắc tới xuất khẩu khí đốt tự nhiên, địa chính trị là mối quan tâm hàng đầu của Nga. Moskva coi khí đốt là một công cụ mạnh mẽ trong tương tác giữa họ với các đối tác trên khắp khu vực Á-Âu. Cho đến những năm 2010, khí đốt được sử dụng rộng rãi như một loại "tiền tệ địa chính trị". Nga cung cấp khí đốt với giá thấp hơn giá thị trường để đổi lấy những mối liên kết địa chính trị hoặc kiểm soát cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng.
PS-2 có thể ẩn chứa tính toán tương tự của Nga. Bằng cách bán lượng lớn khí đốt giá rẻ cho Trung Quốc, Moskva có thể ràng buộc Bắc Kinh vào một liên minh địa chính trị chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, trong tình thế bị cô lập trên trường quốc tế vì xung đột Ukraine, lợi thế thương lượng của Nga với Trung Quốc hiện yếu hơn nhiều so với trước đây. Việc thuyết phục được Bắc Kinh cam kết thực hiện một dự án lớn như vậy đã là thành tựu địa chính trị đối với Moskva, chứng minh cho phương Tây thấy rằng họ hoàn toàn có khả năng tăng cường quan hệ với Trung Quốc bất chấp chiến sự.
Bất kỳ tiến triển nào trong dự án sẽ là thước đo hiệu quả về tình trạng quan hệ giữa Nga với Trung Quốc, theo giới phân tích. Dự án cũng rất quan trọng đối với Tổng thống Putin, người mới bắt đầu nhiệm kỳ thứ năm và đang rất cần một thắng lợi rõ ràng để tăng cường hình ảnh trong dư luận Nga.
PS-2 rất có thể sẽ mang lại ít lợi nhuận hơn PS-1 do chi phí xây dựng cao hơn và giá bán khí đốt sang Trung Quốc sẽ thấp hơn. Song đường ống này dự kiến cũng tạo ra dòng tiền tự do dương ở mức từ 2,5 đến 4,3 tỷ USD mỗi năm, so với khoảng 20 tỷ USD của PS-1. Dự án đồng thời mang đến đơn hàng khổng lồ cho các nhà sản xuất thép và nhà thầu phụ Nga, thúc đẩy đà phát triển kinh tế ở miền đông đất nước. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Moskva.
Nga đang chuẩn bị cho một thời kỳ dài bị cô lập và chuyển sang nền kinh tế thời chiến, tập trung hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn do nhà nước tài trợ. PS-2 có thể là một dự án như vậy, đồng thời đánh dấu bước quay lưng mang tính quyết định của Nga với phương Tây để xoay trục sang phương Đông.
Nga hồi tháng 12 năm ngoái ngụ ý rằng họ đã chuẩn bị bắt đầu xây dựng PS-2 mà chưa cần ký hợp đồng cung cấp cho bên mua. Điều này rõ ràng cho thấy lợi ích kinh tế liên quan đến dự án vượt xa việc bán khí đốt, giới chuyên gia đánh giá.
Gazprom, tập đoàn năng lượng nhà nước Nga, đã có những động lực riêng để ủng hộ PS-2, trong bối cảnh công ty năm ngoái bị sụt giảm doanh thu từ khí đốt, dẫn đến lỗ ròng 6,8 tỷ USD. Công ty cũng không có dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn nào được lên kế hoạch ngoài PS-2 và trạm trung chuyển LNG Baltic đang bị đình trệ.
Vì vậy, dự án PS-2 trở thành mục tiêu số một đối với Gazprom. Việc hoàn thành nó sẽ giúp họ tái khẳng định vị thế dẫn đầu về khí đốt tại Nga. Trái lại, nếu không thể thực hiện dự án, Gazprom sẽ đối mặt nguy hiểm khi tài sản công ty có thể bị chia cho nhiều nhóm khác.
Rosneft, đối thủ cạnh tranh chính với Gazprom ở trong nước, đang tìm cách thách thức khả năng độc quyền về xuất khẩu khí đốt của họ ở Nga. Năm 2014, Rosneft đã cố gắng kết nối với PS-1, nhưng Gazprom vẫn giữ được toàn quyền kiểm soát công suất đường ống.
Rosneft dường như chưa từ bỏ mục tiêu kiếm tiền từ 8 tỷ m3 khí đốt mỗi năm ở Đông Siberia nếu kết nối được với PS-2, dù phải đối mặt nhiều khó khăn. Công ty đang theo dõi chặt chẽ Gazprom để phát hiện bất kỳ sai sót nào có thể khiến những người ra quyết định của Nga phải thay đổi lựa chọn.
Ở Nga, dự án tiếp tục là chủ đề được nhiều người chú ý. Hãng tin IA REX hôm 15/5 cho biết PS-2 "vẫn nằm trong bóng tối", trích dẫn suy đoán rằng "Bắc Kinh không cần dự án" hoặc chưa hài lòng với mức giá khí đốt mà Moskva đưa ra. Tình thế hiện nay không thuận lợi để Nga đàm phán về giá khí đốt với Trung Quốc, trong bối cảnh Moskva ngày càng phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Bắc Kinh để tiếp tục chiến sự tại Ukraine.
Munkhnaran Bayarlkhagva, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mông Cổ, cho hay các cuộc thảo luận về việc xây dựng PS-2 đang ở trong "một tình trạng lấp lửng kỳ lạ".
"Tôi không thấy ai thuộc tầng lớp chính trị Mông Cổ đưa ra bất kỳ bình luận nào gần đây về đường ống này", ông nói, đồng thời lưu ý rằng cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6 đang đến rất gần và giới lãnh đạo đất nước hiện tại có lẽ không muốn đưa ra bất kỳ quyết định lớn nào.
Mông Cổ là nơi sẽ nhận được thông báo rộng rãi về bất kỳ diễn biến nào liên quan đến PS-2 vì phần lớn đường ống trong dự án phải đi qua nước này.
Li Lifan, chuyên gia về Nga tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nhận định "tiến trình xây dựng PS-2 sẽ phát triển dựa trên nhu cầu nội địa của Trung Quốc".
"Nhưng nó sẽ không tiến triển nhanh như một số người mô tả", Li nói, dường như ám chỉ tới phát biểu đầy lạc quan của Phó thủ tướng Nga.
Vũ Hoàng (Theo TASS, AFP, Reuters, Columbia University)
Quan chức Lebanon cho hay nhóm Hezbollah đã chấp nhận dự thảo của Mỹ về thỏa thuận ngừng bắn với Israel, nhưng có bổ sung một số 'bình luận'.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đến Pháp từ ngày 5-9/6 để tham dự sự kiện kỷ niệm 80 năm ngày quân đồng minh đổ bộ vào vùng biển Normandy và thảo luận các vấn đề song phương, quốc tế nóng. Đây sẽ là chuyến thăm Pháp - một đồng minh lâu năm đầu tiên của Tổng thống Biden kể từ khi nhậm chức.
Tiêm kích Su-57 Nga tham chiến ngày càng thường xuyên và đã hàng chục lần tập kích mục tiêu ở Ukraine những tháng qua, theo nguồn tin giấu tên.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 12/1.
Chính phủ Pháp kêu gọi công dân đang ở Iran rời đi càng sớm càng tốt, Ba Lan kêu gọi công dân tránh đến ba nước Iran, Israel, Lebanon.
Báo Washington Post dẫn nguồn tin giấu tên tiết lộ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang chịu áp lực phải đạt được thỏa thuận nhằm mở đường cho việc thả những tù nhân chiến tranh Israel còn lại bị giam giữ ở Dải Gaza.
Quan chức tình báo Ukraine nói Nga không sẵn sàng trao trả thi thể hàng chục tù binh mà họ nói đã chết khi chiếc Il-76 rơi ở tỉnh Belgorod.
Ukraine muốn sớm chấm dứt xung đột, Pháp chưa thể có Thủ tướng, Chiến lược Bắc Cực 2024 của Mỹ làm dậy sóng quan hệ với Nga, Hàn Quốc-Triều Tiên lại căng nhau vụ thả bóng bay chứa chất thải... là một số tin thế giới nổi bật.
Mới đây, Mỹ khẳng định sẽ bảo vệ mọi thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như sát cánh cùng Ukraine, trong khi Canada thông báo tăng cường các vũ khí cho lực lượng này ở vùng Baltic.