Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Malaysia chia sẻ việc được trở thành 1 trong 5 Sứ giả Tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023 là niềm vinh dự lớn, là kỷ niệm đẹp trong hành trình lan tỏa Tiếng Việt.
Quay lại Kuala Lumpur sau buổi lễ Tôn vinh Tiếng Việt được tổ chức tại Hà Nội, cô giáo Nguyễn Thị Liên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Malaysia chia sẻ việc được trở thành 1 trong 5 Sứ giả Tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023 là niềm vinh dự lớn và đây là kỷ niệm đẹp trong hành trình lan tỏa ngôn ngữ Tiếng Việt.
Cô Nguyễn Thị Liên cảm thấy có động lực và tự hào hơn khi Đảng và Nhà nước ngày càng coi trọng việc giữ gìn Tiếng Việt trong Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở Nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao đã triển khai nhiều dự án, chương trình nhằm giữ gìn, quảng bá cũng như tôn vinh Tiếng Việt, thu hút nhiều sự tham dự của học sinh, sinh viên, Kiều bào, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc.
Năm 2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở Nước ngoài phát động cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả Tiếng Việt ở nước ngoài. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm thí sinh là người yêu Tiếng Việt trên khắp thế giới. Vượt qua hàng trăm thí sinh dự thi, cô Liên đã trở thành 1 trong 5 sứ giả đại diện cho châu Á được nhận giải thưởng.
Việc xét thưởng dựa trên 3 tiêu chí gồm Năng lực Tiếng Việt; Vốn tri thức về đất nước và con người Việt Nam; Hoạt động cộng đồng, tôn vinh và phát triển Tiếng Việt trong Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây không chỉ là vinh dự của cá nhân cô giáo mà còn là niềm tự hào của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.
Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Kuala Lumpur, ông Nguyễn Bá Tân, Bí thư Thứ nhất, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, chia sẻ Đại sứ quán hết sức tạo điệu kiện ủng hộ để cô, trò học tốt, hoàn thành mọi nỗ lực để góp phần cùng với toàn Đảng, Nhà nước và toàn nhân dân trên toàn cầu duy trì bản sắc Việt, duy trì ngôn ngữ Việt ngày càng phát triển trong Cộng đồng người Việt ở trên toàn thế giới. Hằng năm Đại sứ quan đều gửi Kiều bào yêu Tiếng Việt về nước tập huấn và giảng dạy Tiếng Việt.
Đồng bào và kiều bào ở nước ngoài là một phần không thể tách rời của đồng bào và dân tộc Việt Nam. Vì vậy, hoạt động dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Từ đó, góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa Việt Nam, gắn bó với quê hương, đồng thời xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước.
Như được tiếp thêm động lực, ngày 10/9, cô Nguyễn Thị Liên lại hối hả chuẩn bị đón lớp học sinh mới theo học Tiếng Việt ở Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và lần đầu tiên cô giảng dạy theo giáo trình “Chào Tiếng Việt."
Bộ tài liệu này (tác giả Nguyễn Thụy Anh) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được thiết kế dành cho đối tượng trẻ em Việt Nam ở nước ngoài thuộc hai nhóm tuổi (từ 6 đến 10 tuổi và từ 10 đến 15 tuổi).
Các câu chuyện, đoạn hội thoại, trò chơi, câu đố, thơ ca, đồng dao, âm nhạc, phim hoạt hình, phim tư liệu, đoạn audio,... sẽ giúp các em có động lực học Tiếng Việt trong môi trường không có Tiếng Việt và giữ được nhu cầu học lâu dài.
Bộ tài liệu cũng hướng tới đối tượng sử dụng là các thầy giáo, cô giáo, phụ huynh hướng dẫn học sinh học Tiếng Việt ở các nhóm lớp hoặc ở gia đình.
Trước đây, khi chưa có giáo trình này, cô Liên và cô Nguyễn Thụy Thiên Hương đã tự biên soạn giáo trình cho những lớp học của mình, phù hợp với trình độ của học viên.
Học chuyên ngành Sư phạm Văn nên dạy Tiếng Việt là công việc mà cô Liên luôn yêu thích. Cơ duyên đến với Malaysia cách đây hơn 10 năm, khi chồng nhận công việc mới ở Kuala Lumpur và cô đã cùng gia đình gắn bó với mảnh đất này đến tận hôm nay. Kinh nghiệm sư phạm của cô đã tạo niềm yêu thích cho các học sinh.
Sau gần 7 năm hoạt động, lớp học đã hoàn thiện hơn trong khâu tổ chức. Số lớp đã tăng lên 9 với khoảng 30 học sinh, trong đó có 3 lớp học trực tiếp tại Đại sứ quán và 6 lớp học trực tuyến. 2 cô giáo thay nhau dạy các lớp học này.
Lớp Tiếng Việt đang hoạt động ổn định và luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia cũng như các phụ huynh. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, những sự hỗ trợ đặc biệt này đã giúp lớp học Tiếng Việt vẫn được duy trì qua hình thức trực tuyến và thu hút ngày càng nhiều con em kiều bào theo học.
Đáng chú ý, trong giai đoạn đại dịch, Đại sứ quán đã hỗ trợ mua giáo cụ và bản quyền học qua phần mềm Zoom online để cô, trò học ổn định hơn.
Ý tưởng mở lớp Tiếng Việt cho Cộng đồng người Việt tại Malaysia bắt đầu từ một số thành viên tích cực của Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia. Ngày 16/10/2016, lớp Tiếng Việt chính thức khai giảng. Dù ban đầu có thiếu thốn nhiều trang thiết bị, nhưng lớp học đi vào hoạt động đều đặn tuần một buổi với 2 lớp chia làm 2 trình độ và mỗi lớp có khoảng 10 học sinh.
Vào dịp kỷ niệm một năm ngày khai giảng, lớp Tiếng Việt đã được chuyển đến phòng tiếp dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. Ngoài giờ học trên lớp, cô, trò còn tổ chức những hoạt động ngoại khóa để giúp các con ôn tập và nhớ từ vựng.
Chính vì vậy, nhiều tiết mục văn nghệ do lớp Tiếng Việt dàn dựng và biểu diễn đã được chọn biểu diễn tại các sự kiện do Cộng đồng người Việt ở Malaysia tổ chức như Tết Cộng đồng, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung Thu…
Chia sẻ về kỷ niệm khó quên, cô Liên xúc động kể lại, học sinh nhỏ tuổi nhất mà cô từng dậy là bé Glory, 3 tuổi. Anton Nguyễn là bố của Glory, anh từng làm việc tại Đức, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới, hiện anh sống và làm việc tại Malaysia.
Lo lắng con gái không thể nói Tiếng Việt và bản thân cũng không biết phải dạy con thế nào cho đúng phương pháp, do vậy anh đã thiết tha xin cho con nhập học lớp Tiếng Việt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur.
Trước đề nghị của ông bố trẻ, cô Liên đã rất ngập ngừng vì Glory còn nhỏ quá. Thế nhưng, với lòng yêu nghề và có trách nhiệm với sứ mệnh cao cả được Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia giao phó, cô Liên đã nhận kèm riêng Glory.
Bằng kinh nghiệm sư phạm của mình, cô Liên biết rằng với Glory cô sẽ phải bắt đầu dạy Tiếng Việt bằng một cách khác với những anh chị lớn tuổi hơn. Những bài hát ngắn, gắn với chủ đề gia đình đã được cô chọn riêng cho Glory.
Trò là vậy, cô là vậy, song nếu bố mẹ không quyết tâm thì cô trò cũng không gặt hái được nhiều thành công như thế. Mặc dù bận bịu với công việc, song anh Anton Nguyễn chưa bao giờ làm lỡ một buổi học nào của con suốt 2 năm qua.
Không quản nắng mưa, đường xa, cuối tuần nào anh cũng đưa đón con đi học, trong khi đợi con học, anh kết hợp giải quyết công việc, lúc thì hẹn đối tác đến làm việc dưới sảnh nhà cô giáo, lúc thì mang theo máy tính, tài liệu theo đọc…
Hai năm trôi qua, giờ bé Glory đã đọc, viết, thành thạo, kể chuyện và hát cho ông bà nội đang sống ở bên Đức.
Cũng như anh Anton Nguyễn, chị Bích Tuyền, mẹ của hai bé gái đang theo học lớp Tiếng Việt, tâm sự: “Là người Việt Nam tôi mong muốn các con có thể sử dụng Tiếng Việt thành thạo để giao tiếp với gia đình bên ngoại, đồng thời có thể hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa tại nơi mẹ cháu sinh ra và lớn lên."
Trong khi đó, bé Kent Hồ 12 tuổi, một thành viên của lớp Tiếng Việt, thổ lộ: “Con rất thích học Tiếng Việt và con rất tự hào vì nói được Tiếng Việt ở nước ngoài. Tại lớp học con được học lịch sử Việt Nam, những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Trần Đăng Khoa…”.
Với nỗ lực của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở Nước ngoài và hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, công tác dạy và học Tiếng Việt cho cộng đồng Kiều bào tại Malaysia đang được nâng cao góp phần bảo tồn ngôn ngữ dân tộc, tạo sợi dây gắn kết người Việt với quê hương./.
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng ca ngợi 3 người bạn Mỹ là những anh hùng thầm lặng nhưng được hàng triệu người Việt Nam biết đến và cả ba ông có thể tự hào là một phần của những dấu mốc trong quan hệ Việt-Mỹ.
Tin tức Nóng Sài Gòn ngày 8.4: UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu hỗ trợ cho hoạt động giết mổ công nghiệp; Bệnh nhân vẫn phải tự mua vật tư...
“Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở. Không có sở nữa thì làm sao huyện có phòng. Cách thức phải như thế nào? Đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ khi phát biểu tại Quốc hội trong phiên thảo luận ở tổ, ngày 31/10. 'Không tinh gọn bộ máy không phát triển được', Tổng Bí thư lưu ý.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong bài thi môn Ngữ văn diễn ra sáng nay, có 2 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi bị lập biên bản, xử lí kỉ luật.
Ngày 24/10, phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội liên quan đến tranh luận về việc đổi tên 'Căn cước công dân' thành 'Căn cước'.
Hà Tĩnh - Sau một thời gian dài tuyên truyền, vận động, hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa đồng thuận. Tuy nhiên, vì áp lực cần vật...
TP - Một ngày sau khi hứng chịu hàng loạt trận động đất liên tiếp, trong đó có trận lớn nhất từ trước tới nay (5.0 độ), người dân vùng tâm chấn vẫn lo sợ.
Cơ quan chức năng cho biết sẽ tuần tra, kiểm soát việc lén lút đổ rác, đốt rác. Lực lượng kiểm lâm cũng sẽ tăng cường phối hợp với Bình Chánh đề phòng nguy cơ cháy rừng do nạn đốt rác.
Trong 5 năm nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn tỉnh Long An đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, phấn...