Ở Thanh Hóa có một "hòn đá vía", được người dân xem như “báu vật” của làng, rào chắn cẩn thận và ra sức bảo vệ.
Tích kể ở Mường Xia
Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chúng tôi có dịp ghé thăm xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, địa phương ở vùng biên viễn, nơi có dòng sông Luồng chảy uốn lượn bên những ngọn núi sừng sững với mây mù bao phủ, có lẽ chính vì địa thế nơi đây có phong cảnh “sơn thủy hữu tình” nên mới có tên là xã Sơn Thủy. Địa phương là nơi sinh sống của đồng bào Thái và Mông, với đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc và được lưu giữ cho đến ngày nay.
Theo các cụ cao niên kể lại, xưa kia Sơn Thủy là thủ phủ của Mường Chu Sàn. Vào thời ấy, cuộc sống của người dân đang rất ấm no, bỗng một ngày Tạo Mường Chu Sàn qua đời, để lại người vợ trẻ và hai đứa con trai thơ dại. Sau một thời gian Tạo Mường Chu Sàn mất, người vợ đã lấy một thầy đồ (người về dạy chữ cho con) và sinh được một con trai. Khi gia đình đang yên ấm, họ đột ngột mất và để lại 3 người con cùng mẹ khác cha. Cho đến một ngày nọ, khi bà con Mường Chu Sàn đang cày cấy, bỗng vang lên lời “sấm truyền” của ông Mụ Mường (người có uy tín tương tự già làng): “Dân Chu Sàn hãy nghe đây, 3 con trai Tạo Mường Chu Sàn hãy nghe đây. Nếu ai bắn rơi diều hâu sẽ được làm Tạo Mường Chu Sàn”.
Sau đó người em út bắn rơi diều hâu và lên làm Tạo Mường Chu Sàn, cũng kể từ đây mâu thuẫn giữa 3 anh em bắt đầu nổ ra. Hai người anh đã rủ bà con bỏ Mường Chu Sàn sang các Mường khác. Từ đó, tên Mường Chu Sàn không còn nữa, mà được đổi bằng cái tên mới là Mường Xia (theo tiếng Thái là Mường mất).
Theo một số tài liệu nghiên cứu, ông Tư Mã Hai Đào là người Mường Đào – Mường Khô xưa (thuộc huyện Bá Thước ngày nay). Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ngày bé Hai Đào đã rất giỏi chơi cù, đánh đu và luyện kiếm. Lớn lên, ông có thân hình cao to khỏe mạnh, tướng pháp phi phàm, tinh thông võ nghệ... Nghe tin triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ anh tài, phò vua diệt giặc ngoại xâm, Hai Đào lập tức xuôi về kinh kỳ dâng sớ tấu trình, xin được tham gia hội đấu võ.
Thi đấu võ, Hai Đào đã thắng tuyệt đối các đối thủ khác và đã lọt vào mắt xanh của công chúa, được nhà vua tác thành. Vào thế kỷ XVIII, vùng biên giới nước nhà bị giặc ngoại xâm rình rập, đánh chiếm liên miên. Phò mã Hai Đào được vua cha cho cầm quân dẹp giặc. Hai Đào liền trở về triệu tập thêm binh Mường, rèn luyện vũ khí, xuất quân lên biên giới. Đoàn quân của Phò mã Hai Đào đi đến đâu dẹp tan quân giặc đến đó, giữ vững biên cương.
Với những chiến công hiển hách, Hai Đào đã được Vua phong chức Tư mã Biên cương. Nhận thấy vùng cao biên giới có phong cảnh sơn thủy, hữu tình, Tư Mã Hai Đào đã chọn Mường Xia để xây dựng thủ phủ sinh sống. Từ đây, Mường Xia phát triển phồn thịnh, những người trước đây bỏ Mường đi lần lượt kéo nhau về. Sau này, khi vị tướng qua đời, người Mường Xia đã gửi “vía” vào một hòn đá, để cầu mong Tư Mã Hai Đào luôn bảo vệ dân làng. Đến ngày nay, hòn đá vía được coi như một báu vật, giữ hồn cho bản làng, có thể đánh đuổi được tà ma, bệnh tật.
Cả làng bảo vệ “hòn đá vía”
Theo ông Hà Xuân Tân (người có uy tín tại bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn) và cũng là người am hiểu về câu chuyện “hòn đá vía”. Ông Tân cho hay, “hòn đá vía” nằm ở trung tâm bản Chung Sơn từ đời nào không rõ, nhưng cũng phải hàng trăm năm qua. Bởi theo các cụ cao niên, từ khi còn nhỏ, hòn đá đã nằm tại vị trí như hiện tại và cách đền thờ của Tư Mã Hai Đào không xa. “Hòn đá vía còn được đồng bào dân tộc Thái gọi là hòn Lặc Mắn.
Người Thái quan niệm rằng, vía con người do trời cai quản, nếu mất vía, thì con người và vạn vật sẽ ốm đau, bệnh tật. Vậy nên, người Mường Xia coi hòn đá vía như một báu vật” - ông Tân chia sẻ.
Mỗi khi Mường Xia có con em đi bộ đội, đi làm ăn xa, đi học, các gia đình đều mang một cái áo của người sắp lên đường đi xa lên đền thờ Tư Mã Hai Đào thắp hương xin ông phù hộ cho con em chân cứng đá mềm, giữ vía lành, đi đến nơi về đến chốn. Sau đó đến trước "hòn đá vía" của Mường xin được gửi vía. Và dường như mọi người xin được gửi và giữ vía tại đền thờ cũng như ở "hòn đá vía" của Mường đều bình an, công việc thuận lợi.
Trước đây, “hòn đá vía” được bảo vệ bằng cách trồng cây xương rồng gai xung quanh, tuy nhiên, nhiều năm qua người dân đã dùng hệ thống những thanh sắt, dựng thành khung kiên cố để bảo vệ khu vực linh thiêng này. Hằng năm, cứ vào những ngày đầu năm mới, người dân xã Sơn Thủy lại tổ chức lễ hội Mường Xia để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người và vạn vật sinh sôi, nảy nở.
Tại lễ hội trước đây, “hòn đá vía” sau khi đào lên sẽ được gội rửa sạch sau đó lau chùi cẩn thận, dùng tấm vải đỏ bọc lại, đặt lên kiệu Long Đình (do 9 chàng trai chưa vợ và 9 cô gái chưa chồng), mặc trang phục dân tộc rước về đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào để tế lễ. Tại đây, mâm lễ rước được bổ sung thêm rượu và đặt cạnh bên hòn đá vía.
Tiếp đến, chủ lễ bắt đầu làm lễ chính... khi kết thúc lễ hội, các đôi nam thanh, nữ tú lại khiêng hòn đá vía về chôn ở vị trí cũ, để chờ cho mùa lễ hội năm sau. Đến những năm gần đây, việc đào “hòn đá vía” lên không còn nữa, mà để thuận tiện hơn, người dân cử người đi tìm một hòn đá tương tự khác rồi mang về rửa sạch, đến ngày làm lễ thì mang ra để gần “hòn đá vía”, sau đó tiến hành các thủ tục cần thiết và rước lên đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào.
“Những ngày đầu năm mới vui lắm, sau khi đón Tết xong, người dân xã Sơn Thủy lại hân hoan, tất bật cho mùa lễ hội Mường Xia. Trước ngày diễn ra lễ hội, dù ai đi ngược về xuôi, cũng đều cố gắng để trở về, được hòa mình vào tiếng cồng, tiếng chiêng, tham gia vào các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đặc biệt là để xin vía cầu may, mong cho một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà an khang, thịnh vượng” - ông Tân cho hay.
Theo ông Tân, với những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc, năm 2022 lễ hội Mường Xia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
(Bài đăng trên Ấn phẩm đặc biệt Lao Động Bắc Miền Trung Xuân Ất Tỵ)
Lần đầu tiên thí sinh học chương trình 2018 thi môn tự chọn, giáo viên nhận xét gì về đề thi?
Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đánh giá cao sự chủ động của phường Phan Rang (Ninh Thuận) và huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).
Thông tin từ Đồn Biên phòng Ngọc Vừng (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) cho biết đơn vị vừa cứu 6 ngư dân gặp nạn trên vùng biển xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, đồng thời lai dắt tàu vào bờ để sửa chữa.
Báo Thế giới và Việt Nam cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình xung đột tại Trung Đông.
Một vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra trong đêm tại phường Đồng Tâm, TP Yên Bái khiến một căn nhà đổ sập, thiếu nữ 15 tuổi bị vùi lấp và tử vong tại chỗ.
Hàng trăm hộ dân bị cô lập ở Lạng Sơn, trong đó có nhiều người cao tuổi và trẻ em đã được lực lượng chức năng đưa đến nơi an toàn.
>> Đáp án đề thi môn Vật lý tốt nghiệp THPT 2025 tất cả mã đề Thầy Lê Văn Trung, giáo viên chuyên ôn thi ở Hà Nội đánh giá, đề thi tốt nghiệp THPT môn Vật lý năm nay khá vừa sức với học sinh, dự đoán nhiều bài thi đạt điểm 9 và dễ có 'mưa điểm 10'. Đề Vật lý tốt nghiệp cấu trúc 28 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với 40 lệnh hỏi; thực hiện trong thời gian 50 phút), được chia làm 3 phần: Phần I gồm 18 câu hỏi trắc nghiệm bốn lựa chọn; Phần II gồm 4...
Tây Ninh - Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Tây Ninh có 28 người, Ban Thường vụ gồm 8 người, do ông Trần Lê Duy làm Chủ tịch.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food Đặng Thị Phương bị bắt với cáo buộc biến hàng chục nghìn tấn dầu ăn chăn nuôi thành thực phẩm cho người.