Kiệt sức vì luôn phải sẵn sàng nhận việc

08:40 05/07/2024

Vừa tỉnh sau ca mổ sỏi thận, Tuấn Hùng nhận được tin nhắn của trưởng nhóm "nhờ" thiết kế lại ảnh cho khách hàng.

Trước đó hai ngày, chàng trai 26 tuổi ở Hà Nội xin nghỉ để nhập viện. Nhưng suốt thời gian nằm trên giường bệnh, điện thoại của Hùng liên tục nhận tin nhắn của cấp trên "nhờ" hỗ trợ công việc.

"Mở laptop sửa giúp chị vài lỗi đơn giản, mất vài phút thôi" là câu anh thường nhận, bất kể giờ giấc. "Tin nhắn có vẻ "nhờ vả" nhưng thực chất là ra lệnh, lần nào "sửa vài phút" cũng thành vài tiếng", Hùng nói.

Anh thừa nhận ưu điểm của nghề nghề sáng tạo nội dung này là không cần đến văn phòng, ít phải giao tiếp với đồng nghiệp, được đóng bảo hiểm. "Nhược điểm thì nhiều vô kể", Hùng ví dụ như thường xuyên phải làm việc với khách hàng lúc nửa đêm bởi họ ở nước ngoài hay phải giải quyết phát sinh của sếp bất kể giờ giấc. Thậm chí hai ngày cuối tuần anh vẫn phải kè kè chiếc laptop dù không được trả thêm lương. Thậm chí mỗi lần đi du lịch cùng bạn bè, Hùng cũng ưu tiên nơi có sóng điện thoại. Ngoài mang laptop, điện thoại cũng được anh bật sẵn 4G, đề phòng xử lý việc gấp.

"Nếu không vì đang trả góp tiền mua nhà, chắc tôi không trụ lâu đến vậy", Hùng kể.

Liên tục làm việc 14-15 tiếng mỗi ngày khiến Diễm Hương, 25 tuổi, ở quận 3, TP HCM cảm thấy kiệt quệ cả thể chất và tinh thần.

Cô làm việc tại công ty du học ở TP HCM được ba năm. Ngoài 8 tiếng làm việc theo quy định, Hương cùng các đồng nghiệp liên tục phải họp với đối tác ở Canada, Australia, Mỹ lúc nửa đêm bởi lệch múi giờ; thường xuyên tăng ca và đi công tác nước ngoài không kể cuối tuần, lễ Tết. Tuần vài ngày cô sẽ ngủ lại cơ quan để thêm thời gian làm việc, tránh mang giấy tờ, hồ sơ về nhà. Có lần bị quản lý yêu cầu chỉnh sửa hợp đồng cho khách lúc nửa đêm, nhưng tài liệu ở công ty buộc cô phải chạy đến văn phòng. Thường xuyên bị giao việc ngoài giờ cũng khiến Hương hình thành thói quen mang điện thoại cả lúc đi tắm, đặt chuông to khi ngủ.

Tuấn Hùng và Diễm Hương là hai trong nhiều người từng than phiền bị yêu cầu giải quyết công việc bất kể giờ giấc, tại các hội nhóm trên mạng xã hội. Cuối tháng 6, mạng xã hội chia sẻ câu chuyện một chàng trai đang vào viện cấp cứu nhưng vẫn nhận yêu cầu làm việc của sếp. Bài đăng thu hút hơn 500.000 lượt xem, hàng nghìn lượt quan tâm và bình luận. Dưới bài đăng không ít tài khoản cũng chia sẻ việc từng bị công ty chiếm dụng thời gian buổi tối và hai ngày cuối tuần để làm việc.

"Lúc ký hợp đồng chỉ ghi làm 'fulltime' 8 tiếng mỗi ngày. Đến khi được nhận mới phát hiện fulltime nghĩa là làm 24/7, khỏi cần nghỉ ngơi", người dùng tên Hoàng Khôi viết.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội, cho biết việc lao động kiệt sức do làm hơn 8 tiếng mỗi ngày là một thực tế khá phổ biến, đặc biệt kể từ sau đại dịch Covid-19.

"Đây là mặt trái của xu hướng làm việc từ xa và đa nhiệm sau đại dịch", chuyên gia nói. Nguyên nhân là do một số công ty, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, dồn công việc cho nhân viên ở lại hoặc muốn thúc ép để tăng hiệu suất.

Bổ sung thêm, PGS.TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh, nói việc tăng ca nhưng không tăng lương có thể do văn hóa công ty hoặc cách quản lý của người lãnh đạo. Đặc biệt, một số người lao động chưa hiểu rõ quyền lợi của bản thân, không dám từ chối khi bị giao việc ngoài giờ vì sợ đánh giá, sợ sa thải.

Nhưng dù là hình thức hay lý do nào, chiếm dụng thời gian nghỉ ngơi của nhân viên theo chuyên gia là vi phạm pháp luật, thiếu tính nhân văn.

Khảo sát hồi tháng 10/2023 của VnExpress với câu hỏi "Bạn thường làm việc bao nhiêu tiếng một ngày?", 9% nói trên 14 tiếng, 60% cho biết từ 8-14 tiếng.

Trong một khảo sát khác của VnExpress với câu hỏi "Bạn gặp căng thẳng tại nơi làm việc vì lý do gì?" Bình chọn có tỷ lệ đồng tình cao nhất (36%) là "Nhiều việc, tăng ca quá mức". Các nguyên nhân còn lại gồm căng thẳng với sếp, mâu thuẫn với đồng nghiệp, môi trường làm việc kém và nhiều tiếng ồn.

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố trên tạp chí Môi trường Quốc tế năm 2021, chỉ ra người làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần đối mặt nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn 17% so với người làm việc 35-40 giờ mỗi tuần.

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết mỗi năm có 40.000 người tự tử vì trầm cảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh đến tình trạng căng thẳng hoặc quá tải công việc ở một số ngành nghề.

Làm việc bất kể giờ giấc kéo dài khiến Tuấn Hùng thiếu ngủ, thường xuyên phải uống cà phê hoặc nước tăng lực để tỉnh táo. Trong đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ cuối năm ngoái, anh được chẩn đoán bị máu nhiễm mỡ, chức năng hoạt động của thận suy giảm và thoái hóa đốt sống cổ. Thậm chí việc liên tục nhận điện thoại giao việc lúc nửa đêm cũng khiến chàng trai 26 tuổi xuất hiện ảo giác. Nhiều lần anh nghe thấy chuông điện thoại kêu bên tai, tưởng trưởng nhóm giao việc nhưng không phải.

"Tôi đang hy sinh tuổi trẻ để kiếm tiền nhưng sớm có ngày phải dùng tất cả tiền bạc để cứu vớt sức khỏe", Hùng nói.

Còn với Diễm Hương làm việc với cường độ cao khiến nhịp sinh học của cô thay đổi, rụng tóc và đau dạ dày cấp. Quê cách nơi làm việc chưa đến 200 km nhưng một năm cô chỉ tranh thủ về nhà thăm gia đình một, hai lần. Bản thân cũng không còn giữ mỗi liên hệ với họ hàng, đa phần các cuộc trò chuyện với bạn bè đều qua trực tuyến.

"Nhưng nhân viên đâu phải tăng ca suốt 365 ngày mà sẽ phụ thuộc vào từng dự án. Nếu họ hoàn thành sớm, khách duyệt nhanh sẽ được nghỉ và chờ các job khác. Còn nếu làm chậm, sai yêu cầu, việc phải sửa nhiều lần, lạm vào thời gian nghỉ là tất nhiên", Đoàn Quân, 35 tuổi, quản lý công ty quảng cáo với hơn 50 nhân sự ở Hà Nội nói. Người quản lý cũng cho biết không phải mỗi nhân viên phải thức để giải quyết công việc mà luôn có anh đồng hành.

Để tránh tình trạng người lao động kiệt sức, căng thẳng khi liên tục làm việc tăng ca, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc khuyên cấp quản lý cần phải tính toán để cân bằng giữa lợi ích của nhân viên và hiệu suất làm việc.

Theo chuyên gia, thúc ép hà khắc có thể tăng năng suất nhưng khiến nhân viên hình thành tâm lý chống đối, dễ nghỉ việc. Thay vào đó, người quản lý nên tạo được động lực, niềm vui cho nhân viên. Cấp quản lý cũng cần quy định rõ thời gian làm việc, xác định đâu là việc gấp, đâu là việc có thể chờ sang ngày làm việc tiếp để giải quyết. Nhân sự trong quá trình tuyển dụng cũng nên mô tả rõ công việc, tránh bỡ ngỡ cho người lao động.

Sau 5 năm làm việc cho một công ty liên doanh nước ngoài tại TP HCM nhưng liên tục phải tăng ca, Trúc My nghỉ việc, từ bỏ lương 18 triệu đồng mỗi tháng để về quê. Nhận lương 6 triệu đồng mỗi tháng nhưng cô gái 30 tuổi cho rằng xứng đáng bởi được nghỉ cuối tuần và không tăng ca.

"Từ ngày ra trường tôi luôn mơ ước được ngủ đủ 8 tiếng, không bị sếp gọi lúc nửa đêm. Công việc mới khiến tôi cảm thấy hạnh phúc, hài lòng với thực tại, thay vì cố gắng kiếm tiền nhưng dễ mang bệnh vào người", My nói.

Quỳnh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm
Môi trường để bạn trẻ rèn luyện, cống hiến, trưởng thành

Môi trường để bạn trẻ rèn luyện, cống hiến, trưởng thành

05:40 26/03/2024

TP - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (GMTVNTB) Đặng Cát Tiên và Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023 Lê Văn Phúc đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về hành trình phấn đấu vươn lên, cống hiến, đặc biệt là sự đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội, Đội giúp các bạn trở thành những tấm gương truyền cảm hứng như ngày hôm nay.

Khánh Hòa: Lễ hội Tháp Bà Ponagar tưởng nhớ Thiên Y Thánh Mẫu Ana

Khánh Hòa: Lễ hội Tháp Bà Ponagar tưởng nhớ Thiên Y Thánh Mẫu Ana

13:00 10/05/2023

Hàng trăm đoàn khách, rất đông đồng bào Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và người dân ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã tề tựu tại Tháp Bà Ponagar tham gia lễ hội.

Những điều không thể chấp nhận ở Nhật Bản

Những điều không thể chấp nhận ở Nhật Bản

06:20 24/02/2024

Các quy ước xã hội và chuẩn mực hành vi có thể bình thường với nhiều nước nhưng lại không chấp nhận được ở Nhật Bản, khiến nhiều người lần đầu đến đây có thể bối rối.

Tắm kiểu Nhật đốt cháy calo ngang chạy 6 km

Tắm kiểu Nhật đốt cháy calo ngang chạy 6 km

06:10 25/04/2024

Theo bác sĩ người Nhật Arina Ishihara, phương pháp tắm 333 có thể tiêu hao lượng calo tương đương chạy 6 km.

Hơn 1.500 học sinh Đà Nẵng đi bộ gây quỹ tiếp sức bạn đến trường

Hơn 1.500 học sinh Đà Nẵng đi bộ gây quỹ tiếp sức bạn đến trường

14:30 12/03/2023

Trong khuôn khổ ngày hội “Tuổi trẻ Việt Nam – Rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai”, hơn 1.500 học sinh Đà Nẵng đi bộ đồng hành để gây quỹ tiếp sức các học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

Khích lệ bạn trẻ nông thôn khởi nghiệp

Khích lệ bạn trẻ nông thôn khởi nghiệp

10:40 18/03/2024

Ngày cao điểm tình nguyện xây dựng nông thôn mới trong Tháng thanh niên 2024 đồng loạt diễn ra tại các huyện ngoại thành của TP.HCM với nhiều hoạt động vào ngày 17-3.

4 cách hành xử thông minh của phụ nữ khi yêu

4 cách hành xử thông minh của phụ nữ khi yêu

06:40 21/02/2024

Phụ nữ thông minh sẽ thể hiện bản thân, không bám dính đàn ông, biết làm nũng khi cần...

Số người ngộ độc sau ăn bánh mì hơn 560

Số người ngộ độc sau ăn bánh mì hơn 560

13:10 06/05/2024

UBND TP Long Khánh ghi nhận 560 người nhập viện do ngộ độc sau ăn bánh mì, một số khác triệu chứng nhẹ đến viện kiểm tra rồi về, tính đến 6/5.

Thanh niên tình nguyện tiếp nước, đội mưa đưa thí sinh vào tận phòng thi

Thanh niên tình nguyện tiếp nước, đội mưa đưa thí sinh vào tận phòng thi

01:20 10/06/2024

'Mưa to cũng không làm khó được những thanh niên tình nguyện, chúng em sẵn sàng đội mưa để đưa các em học sinh vào phòng thi an toàn', Phó Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên phường Quan Hoa (Hà Nội) chia sẻ.

Co loi xay ra
Co loi xay ra